Thursday, January 24, 2013


HOA SỨ TRẮNG
TRẦN THÙY MAI

 








 


 
Tôi là cô giáo, còn Stéphano là... học sinh. Một học sinh vừa lười vừa bướng bỉnh, có đôi mắt sâu thẳm màu xanh nước biển. Lần đầu đến dạy, tôi bỡ ngỡ vì đôi mắt ấy luôn toả ra thứ ánh sáng mơ mộng như thường thấy trên khuôn mặt những nam thần trong tranh thời Phục Hưng.
Ngôi biệt thự mà Nguyệt Cầm, bạn tôi, cho Stéphano thuê là một ngôi nhà kiểu xưa, trước hoa viên có một pho tượng thiếu nữ Huế nặn rất vụng về. Cầm không nói được tiếng Pháp, nó nhờ tôi giải thích với Stéphano: "Ngày xưa, ông nội Cầm yêu một tiểu thư hoa khôi kinh thành. Không lấy được cô ấy, ông tự tay nặn pho tượng này để suốt đời tưởng nhớ". Một pho tượng tầm thường, nhờ một sự tích nhỏ, bỗng đẹp lên, bí ẩn và quyến rũ. Stéphano bảo: "Với người đời nay, chẳng có gì có thể là suốt đời. Những chữ ấy đã thuộc về cổ tích". Về sau, mỗi lần đến dạy học, tôi thường tránh qua lối đi bên phải. "Tại sao?" - Stéphano hỏi. Tôi ngập ngừng:” Pho tượng đã đứng đó quá lâu. Ở phương đông người ta tin những vật vô tri sau thời gian lâu dài sẽ trở nên có linh hồn. Tôi cứ thấy cô ấy nhìn theo tôi".

Ngôi nhà cổ xưa được trang bị bên trong với đủ tiện nghi hiện đại, nhưng Stéphano không thích giam mình trong phòng. Nguyệt Cầm bảo tôi: "Ba cô giáo đến rồi mà đều chào thua". Thế mà tôi đã dạy Stéphano hơn năm trời. Cầm tròn mắt lên khi nghe Stéphano nói những câu tiếng Việt khá rõ ràng: "Chào cô. Cô có khoẻ không? Hôm nay là ngày rằm. Cô có đi lên chùa?" Bí quyết dạy học của tôi khá đơn giản: Biến những buổi học thành những cuộc đi dạo ngoài trời. Stéphano hào hứng bảo: "Như Như à, người ta thường bảo nếu một người Ý không phải là nghệ sĩ thì sẽ là một nhà đi biển. Có lẽ tôi thuộc nhóm sau, luôn luôn thích phiêu lưu". Tôi nói với anh rằng tôi đã biết máu viễn du của dân tộc anh từ khi còn là một cô bé, qua câu chuyện truyền kỳ về Máccô Pôlô, con người đã chọc thủng bức màn bí ẩn ngăn cách phương Tây và phương Ðông vào thế kỷ mười ba. "Này Như Như, trước đây tôi cứ tưởng Máccô chỉ đơn giản đi tìm sự giàu có. Còn giờ đây tôi tin là anh ta đã bị sự huyền ảo của phương Ðông thu hút".
- Thế nhưng cuối cùng ông ấy cũng rời Trung Hoa, trên một con thuyền.
- Như Như, ông ấy thật hạnh phúc, đã ra đi cùng một nàng công chúa.
Tôi mỉm cười vì sự gian lận của Stéphano. Thực ra, nàng công chúa không phải dành cho Máccô vì ông chỉ được đưa nàng đến xứ Tibet, nơi nàng sẽ trở thành hoàng hậu. "Chàng Máccô của chúng tôi thật ngốc - Stéphano liếc nhìn tôi rất ý nhị - nếu tôi cùng nàng đi chung một con thuyền, tôi chẳng bao giờ chịu đưa nàng vào tay kẻ khác". Tôi đỏ mặt, vì lúc ấy Stéphano đang cùng tôi ngồi trên một con thuyền ngược sông Hương...
Không ai ngờ một người Ý mới học tiếng Việt và một người Việt không biết tiếng Ý có thể nói với nhau vô vàn chuyện trên thế gian như thế. Tiếng Pháp với tôi cũng như với Stéphano, đều là ngoại ngữ. Trên cây cầu vay mượn ấy, chúng tôi đã đi với nhau một chặng thật dài... Lúc ấy tôi vẫn chưa nhận ra, một chặng đường ấy có thể dài bằng cả cuộc đời.
Chiều thứ bảy, nghỉ dạy học, nghĩa là nghỉ dạo chơi. Tôi đến gặp các bạn gái tôi ở câu lạc bộ khiêu vũ nữ. Ðã có nhiều lần Stéphano ghé qua đây tìm tôi, anh ngạc nhiên thấy từng đôi nữ ôm nhau nhảy Tango: "Có phải đây là một tụ điểm của người đồng tính luyến ái nữ?". Tôi nín cười giải thích rằng không phải thế, ở thành phố này, đấy là một sinh hoạt giải trí được xem là thanh khiết. Hôm ấy, tôi đi slow với Ngọc Sương. Sương nói thầm: "Mi điên sao? Cặp kè với thằng Tây đó cả năm trời, thiên hạ đều biết. Sau này hắn sổng về Tây, mi khó mà kiếm chồng được ở cái thành phố ni". Tôi ngẩn người. Sương hơn tôi ba tuổi, người đầy đặn sung mãn, nước da ngăm ngăm hồng, là vợ một viên chức có cỡ trong tỉnh. Tính Sương dịu dàng, ít nói nhưng lời nói như kim châm huyệt. Nguyệt Cầm thì bô bô: "Bà còn solo nhưng bọn này có chồng. Mấy ông chồng mà thấy Stéphano lui tới thì bọn này hết chỗ vui chơi. Mà hôm nay không học, sao hắn cũng theo Như tới đây?" Tôi sực nhớ ra, chẳng biết từ lúc nào Stéphano đã tự giành lấy cái nhiệm vụ đưa đón và che chở tôi. Có lần, cha tôi đã nói bóng gió khi ngồi trong hiên nhà nhìn ra vườn, tay cầm quạt chỉ vào cái am nhỏ nhất, thấp nhất trong số bốn cái am thờ bốn bà cô đời trước. "Ðó là am cô Sáu, đi lấy chồng được một hôm thì nhà chồng cho gánh con heo luộc cắt tai qua làm lễ nhị hỉ. Cha và anh phải sang tạ tội lãnh con về. Bà chết già, không lấy được ai nữa. Cái am thờ bà vì thế phải xây nhỏ hơn, thấp hơn am của những bà cô đồng trinh". Heo nhị hỉ bị cắt tai nghĩa là cô dâu không còn trinh tiết khi về nhà chồng. Tôi cười bảo ba: "Ba yên tâm đi, ông Stéphano rất đứng đắn với con".
Thực ra Stéphano nhiều lần bảo tôi "Trong yêu đương chẳng có gì là không đứng đắn". Nhưng tôi sợ. Nỗi sợ nằm trong bản năng tự vệ của nữ giới.
Ðêm rằm tháng tư, ngồi trên thuyền, tôi thả xuống sông chiếc đèn hoa màu xanh lục. Stéphano bảo: "Em có thấy màu xanh lục trên sông thật lạnh và buồn không? Tôi sẽ làm cho nó ấm lên". Anh thả một chiếc đèn màu đỏ, hai chiếc đèn hoa tựa vào nhau trôi trên sông đêm. Stéphano cầm tay tôi lên hôn, rồi anh ôm chặt tôi vì thấy tôi run và sắp khóc. "Stéphano, bao giờ anh đi?"."Tháng tám. Như Như, tôi không muốn đi một mình. Em hãy trả lời tôi đi!"

Quẻ xăm tôi xin được ở chùa Ba Ðồn là quẻ xăm tốt. Stéphano rất thích xem tôi xin xăm, anh bảo khuôn mặt tôi với đôi mắt nhắm nghiền đầy vẻ sùng tín thanh khiết. Lời quẻ là một câu thơ, khá trong trẻo nên không cần dịch ra, Stéphano cũng hiểu. "Trời xanh trăng tỏ rạng, soi sáng việc đêm khuya". "Thế nghĩa là thế nào? - Stéphano hỏi - Tại sao khi mình đang cần lời chỉ dẫn, mà thần thánh lại không chịu nói rõ hơn?" Vị sư già giải thích rằng lời quẻ thế này là rất rõ ràng: Trời quang mây tạnh là điềm lành, đêm lẽ ra tối mà lại sáng là vận may, trăng tròn không có mây che là ý nói sự mãn nguyện. Rút được quẻ này, thí chủ mong gì trong lòng cũng thành. Stéphano cung kính chào từ biệt, khi ra đến cổng chùa anh ghé tai tôi: "Dù cho quẻ có không tốt thì anh cũng bắt Như xin lui xin tới cho đến khi nó tốt". Tôi bật cười... Chiều hôm ấy, rất hạnh phúc, tôi nhận lời cầu hôn của nhà đi biển.

Ðó là lần cuối cùng tôi đi xin xăm, bởi chẳng bao lâu tôi nhận ra chính vì sự bí ẩn trong lời thơ mà bất luận giải thích thế nào, các quẻ xăm luôn luôn đúng. Rằm tháng sáu, Nguyệt Cầm rủ tôi đi mua hoa. Tôi phân vân giữa chợ muôn màu: Rằm tháng tư tôi đã cắm hoa sen cho Stéphano, rằm tháng năm hoa hoàng anh lấm tấm vàng. Giờ tôi muốn tìm một thứ hoa khác của mùa hè nhiệt đới. Như sực nhớ ra, Cầm đưa cho tôi một miếng giấy thơm quấn đầy những sợi tóc đen dài. "Sáng nay do người làm dọn phòng, thấy tóc mi vương đầy gối Stéphano, ta phải nhanh tay thu lấy. Tụi người làm nhiều chuyện lắm, đừng để chúng biết". Tôi tái mặt, bàng hoàng một lúc mới ấp úng: "Oan thị Kính. Tao chưa hề bước chân vào phòng Stéphano".
Ðêm, trăng sáng in hình những cành sứ khẳng khiu chờn vờn trên lối đi trong vườn. Tôi hái hoa bằng dao, mủ sứ ròng ròng nhỏ xuống như sữa. Trắng muốt và thơm ngọt ngào, những bông sứ ngậm sương hơi khép lại. Cha tôi lo lắng thấy tôi mặc áo dài. "Tối rồi, con đi đâu? Ði đêm mặc áo trắng không nên, con ạ". Nhà Stéphano vắng lặng không ai. Lần đầu tiên tôi đến ngồi dưới chân pho tượng mà không còn thấy sợ. Cô gái và tôi nhìn nhau. Tôi run rẩy, dường như cô gái này biết về Stéphano nhiều hơn tôi. Ánh mắt cô bé sáng nỗi lo âu ma quái, khi bên tai tôi, vẳng tiếng xe chậm lại, tiếng cánh cổng sắt rít lên, chính anh đang trở về giữa khuya...
Người đàn bà mặc áo đen, trăng xuyên qua tấm khăn voan mỏng cho tôi thấy những đường nét thanh tú quen thuộc. Hai chúng tôi nhìn nhau. Trăng sáng loá giữa trời - có phải ánh trăng trong quẻ xăm bí ẩn? Tôi loá mắt. Trăng trên áo tôi, trên những bông sứ đang thơm ngát, trên những vũng sương trắng trong vườn. Những màu trắng với phản quang chói rực. Tôi nhắm mắt, mụ mẫm, chỉ kịp lẩm bẩm khi cảm thấy Stéphano đang chạy đến bên mình: "Stéphano, em đem cho anh hoa sứ trắng". Những bông hoa rơi thật dịu quanh mình tôi khi tôi ngã xuống trong vũng trăng...
Tháng chín năm ấy, tôi lánh mình trong nhà như người ẩn tu. Cầm đến thăm, bảo tôi thật ngốc khi để Stéphano ra đi mà không bắt hắn làm đám cưới. Tôi đắn đo mãi mới nói: "Những sợi tóc trên gối Stéphano không phải của tao. Tao đã gặp người đàn bà đó". Cầm ngớ người: "Ai thế?". Tôi ngậm miệng. Tháng sau, khi chồng Ngọc Sương đột ngột lên đường đi tu nghiệp ở ý một năm, bộ óc sắc sảo của cầm mới bắt đầu hoạt động, nó vặn vẹo hỏi tôi đủ điều. "Mệt quá Cầm ơi, để cho nước trôi qua cầu đi. Mi tò mò như một con ma tỉnh lẻ".
Rằm tháng tư năm sau, chồng Ngọc Sương từ Ý về, lâu lắm mới đến thăm, nhằm lúc hai vợ chồng đứng giữa ngôi nhà đang đập ra xây lại. Chừng như hàm ơn sự im lặng của tôi, Sương kéo ra một góc, thủ thỉ: "Những lần mình đến ngôi nhà đó chỉ có nghĩa như một sự cảm ơn. Lẽ ra Như không nên thế, với đàn ông cần phải biết tha thứ". Tôi lắc đầu, thực ra tôi không bao giờ nghĩ rằng Stéphano có lỗi. Chỉ có điều tôi nhận ra, Stéphano là một nhà đi biển thực thụ. Mối tình này với anh là cuộc viễn du vào một miền văn hoá lạ, trong khi với tôi nó giống bầu trời của người hành hương lên núi cao, một là có tất cả, hai là bóng đêm và vực thẳm. Ðấy cũng là lúc tôi hiểu rằng dù sống trên một xứ sở có bờ biển rất dài, tôi vẫn mang tập tính của cư dân vùng núi. Trước khi ra đi, Stéphano bảo: "Sao em không lấy tôi làm con thuyền?" Tôi nhìn anh lần cuối, qua nước mắt, vẫn còn nhận được nơi đôi mắt xanh thẳm kia, chính chàng cuối cùng cũng nhận ra sự cưỡng lại đầy vô thức của tôi.
Sự cưỡng lại để không tan hoà trong biển của chàng, biển mà tôi yêu.
Chàng Máccô của tôi từ khi ra đi không gửi thư từ gì. Chồng Ngọc Sương bảo anh ta đã có dịp đến thăm nhà ông Stéphano, một căn nhà xinh xắn ở ngoại ô, có pho tượng nhỏ trên bãi cỏ xanh. Khi hỏi đấy là tượng của ai, ông Stéphano bảo: "Ðấy là ký ức của tôi về một nàng công chúa. Tôi thường không tin tưởng ở mấy chữ "suốt đời", tuy nhiên, bao lâu còn có thể, pho tượng này sẽ nhắc tôi nhớ về những giấc mơ và niềm ân hận mà tôi để lại ở phương Ðông".


No comments:

Post a Comment