Saturday, February 16, 2013


CÀ PHÊ

T. Skjæveland

Tuy cà phê mới du nhập theo chân người Pháp vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, nhưng cà phê cũng đã trở thành một loại nước uống mang tính "nghệ thuật" cao. Nhiều văn nghệ sĩ coi việc uống, thưởng thức cà phê là một cái thú tao nhã trong cuộc sống. Bởi lẽ, uống cà phê không tốn mấy tiền và cái quan trọng là được nhìn "giọt thời gian" chầm chậm buông xuống vỡ ra... Mỗi giọt rơi, như thể cuộc đời mình ngắn đi tí chút!

Nhắc đến cà phê, là gợi đến mùi hương có một không hai. Thơm nồng, đằm thắm. Manh một chút mô phạm cổ điển, một chút hoang dã nồng nàn.

Cà phê là một loại thức uống thông dụng của Việt Nam. Người Việt ta uống cà phê rất cầu kỳ, cách pha chế khác nhau như cà phê đen, cà phê sữa, cà phê đá, cà phê sữa đá...v v... Thông thường người ta hay uống cà phê sữa đá hay cà phê đá. Ở Vũng Tàu nếu đêm về ngồi trong một quán cà phê nhìn ra biển với những con tàu lấp lánh ánh đèn, có lẽ nhâm nhi ly cà phê sữa nóng với vị đăng đắng của cà phê, ngọt béo của sữa pha lẫn mùi biển... thật tuyệt vời. Uống cà phê không phải chỉ uống cho no bụng rồi vội vã đi về, uống cà phê với tâm trạng mà vợ hiền, mẹ già đang trong ngóng, đợi chờ ở nhà, uống cà phê mà cứ lo lắng nhớ lời vợ dặn "phải đi rước thằng Cu ở trường lúc tan học"... thì chẳng khác nào như đang bị tra tấn. Uống cà phê là phải uống bằng cả một tâm hồn, bằng cả một tình cảm, bằng một sự đam mê thực sự, lúc ấy ta mới thấy cái thi vị của cà phê.

Tôi có lần đến một thành phố bình yên, không xôn xao, nhiều sương mù, mát lạnh, Ban Mê Thuột vùng đất đỏ bazan trù phú với bạt ngàn cà phê là cà phê... Không giống như quê tôi, quê tôi Vũng Tàu chẳng trồng được cây cà phê nào cả? Tôi đến thăm xứ cà phê, chỉ để biết thêm về cà phê. Những người ở đây trồng cà phê nhưng ghiền cà phê thì hoàn toàn hẳn là không đúng!

Chẳng giống như người dân Sài Gòn... sáng, trưa, chiều, tối... lúc nào cũng có thể cà phê được? Tuy không ghiền theo kiểu sáng-trưa-chiều-tối, nhưng mà mỗi lần nghe rủ "đi uống cà phê" (theo cách gọi của mọi người. Thực ra là đi đến quán cà phê để uống-các-loại-nước-khác chứ không phải là cà phê). Tôi vào quán cà phê, sau một hồi nhìn từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, nhìn vòng vòng lại phải order một ly cà phê sữa nóng thơm phức cho đức lang quân... cho ra dáng vẽ là " đi uống cà phê ". Còn tôi thì khiêm tốn... "Cưng, cho cô xin một trái dừa tươi nha". Mời quý bạn vào cà phê GIÓ NAM uống thử một ly cà phê giữa mùa gió. Giá 1 ly là 5000 đồng, có nhạc Khánh ly, Lệ Thu và cả tiếng đàn của Vô Thường . Hãy nhìn vào một ly cà phê vừa nghệ thuật vừa đầy hương vị cà phê của dân Sài Thành...

Cũng đôi ba lần ghé qua Nha Trang, cái cách pha và uống cà phê nơi đây cũng giống người dân xứ Ba Mê Thuột. Cà phê pha thật đậm đặc, đen quánh lại... Nếu uống cà phê đá thì chỉ cho vào một cái ly nhỏ và bỏ vào vài ba viên đá tinh khiết nhỏ, cà phê sữa đá thì cũng y chang vậy... nhưng nhớ là ở đây chỉ cho có chút sữa thôi!

Còn ở Hà Nội ghé vào một hàng cà phê sang trọng, sạch đẹp, nổi tiếng càphê Sofitel Plaza (ngắm cảnh tuyệt vời, lên đây mới biết thế nào là Hà nội đêm phối cảnh tổng thể!, có nhạc Jazz, chỉ có điều giá cả chát lắm, Café Liễu Giai, Café Moulin Rouge (hồ Trúc Bạch), cà phê bờ hồ Hoàn Kiếm hay ở Hồ Tây, ngồi mơ màng nhìn ra lòng hồ, cảnh thiên rất hửu tình, sương lờ mờ, nước hồ tuy không trong vắt như " ao thu lạnh lẽo nước trong veo..." nhưng cũng có thể thấy mấy chú rùa con, mấy nàng cá nhở nhơ bơi lội nữa ẩn nữa hiện trong đám rong rêu xanh rì dưới nước...

Tôi có vào một quán cà phê mang tên " Nhớ " chợt nhớ lại một bài thơ rất cũ.

Đừng vì ngang chiều mưa
mà nhớ em, anh nhé
Những chuyện cũ ngày xưa
Đâu dằn lòng đến thế?

Đừng vì qua lối cũ
Ngại ngần những lá rơi
mà gọi em khe khẽ
Xót lòng em, anh ơi!

Đừng chân về quán Nhớ
Để tay úp lên tường
Giọt cà phê đăm đắng
mà gọi lại vấn vương

Đừng gọi về ký ức
Đừng gọi về xa xăm
Bởi tình yêu thành thật
Cũng vơi cùng tháng năm

Có chiều nay mưa đổ
Một mình em khóc thầm... .

Ở Hà Nội, dân đi uống cà phê sẽ chỉ cần nói “cho một ly/một cốc đen đá hay cà phê đá pha sẵn” thế là đủ. Tất nhiên rồi, nếu bạn đã đặt chân tới một miền đất không phải nơi bạn sinh sống thường xuyên, bao giờ cũng có những dấu ấn nào đó làm bạn phải chú ý, lưu tâm đến, đôi khi còn là nhớ nhung nữa.

Nếu gọi ly cà phê sữa hay cà phê đen nóng thì cô hàng cà phê duyên dáng sẽ mang ra cho ta một ly cà phê đã pha và quậy sẳn sàng đâu đó rồi, có thêm một cây quậy bằng nhựa kế bên, chứ không phải là cái muỗng nhỏ, để trang điễm cho thêm phần hấp dẩn món cà phê. Tuy nhiên trên bàn thấy có hủ đường và sẳn một cái muỗng nhỏ trong đó, chắc có lẽ món này để dành cho các chú bác "hảo ngọt" chăng. Tôi nhìn một vòng ở các bàn khác và lại thắc mắc "sao không thấy hủ sữa nhỉ ???"

Cà phê đá pha sẵn ở xứ Bắc cũng trở nên nhạt dần đi, nhiều đá hơn, để biến thành thứ giải khát dễ uống mang tên gọi cà phê. Chỉ lưu ý rằng nếu đã dùng cà phê đá pha sẵn, bạn đừng gọi như thế là “thưởng thức”. Một tách cà phê nóng pha phin tỏa hương thơm ngát ra thế giới, có khi nào hiện ra trong giấc mơ của bạn không?

Không như cà phê Sài Gòn, Vũng Tàu, uống có đá là cho nguyên một ly bự đá... Nên gọi là Đá-cà-phê thì có vẻ đúng hơn nhỉ? Cà phê sữa thì phải đổi lại tên gọi thôi: Cà-phê-chè! Vì nó ngọt như chè vậy... Có một tách cà phê mà nguyên nửa tách là sữa! Nếu muốn uống đậm đặc thì phải nói nhỏ với "cô hàng nước " - " cho xin ít sữa thôi cưng nhé ! "

Cũng là lạ... ở Sài Gòn, Vũng Tàu người ta uống cà phê bằng ống hút! Trừ khi uống cà phê sữa nóng thì không thấy cho ống hút, chắc có lẽ cái ống nhựa đó không chịu nổi sức nóng của nước sôi 100oC chăng ??? Tôi thì không bao giờ chịu được cái cảnh này... thế nào tôi cũng phải quăng cái ống hút đi... dùng muỗng khuấy... lâu lâu đưa lên miệng nhấp một ngụm. Thế nó mới thú... từng giọt cà phê ướt trên môi, chạm vào răng, thắm trên lưỡi... rồi chạy tuốt vào cổ họng. Có nghĩa là phải cho cà phê đi qua tất cả các cơ quan tiêu hóa. Chứ còn hút bằng ống hút... đúng là nó ngộ ngộ làm sao ấy? Hay là mọi người cho rằng dùng ống hút có lẽ sẽ quý tộc, thanh lịch hơn, hay còn đang ngại về vấn đề "vệ sinh công cộng" ???

Các bạn thử một lần uống cà phê bằng ống hút, để thử xem cảm giác với cái ống hút này nó như thế nào... còn tôi, tôi nâng ly thì phải "miệng kề miệng! " thế mới thú vị.

Cà phê sữa đá pha theo phong cách Việt Nam gồm cà phê được pha phin hay pha sẵn, sữa đặc có đường theo tỷ lệ 1 phần nước cà phê, 1 hoặc hai phần sữa tùy theo khẩu vị của người uống. Cà phê sữa này được uống chung với nhiều nước đá. Món cà phê sữa đá cùng với cà phê đen đá là hai loại thức uống từ cà phê phổ biến tại các quán cà phê, cũng như tại các gia đình ở Việt Nam.

Với nhịp sống ngày một nhanh hơn, những người đam mê thưởng thức cà phê qua tiếng tí tách của những giọt đen rơi xuống từ phin lọc ngày một vắng dần, và việc uống cà phê phin có vẻ giống như những níu kéo vô vọng trong nỗ lực làm chậm lại nhịp sống hiện đại ngoài kia. Dẫu những môn đồ của cà phê phin ngày nào có muốn thưởng thức ôn lại hương vị ngày xưa, thì trên thực tế họ sẽ chỉ còn được phục vụ một cách tận tình chu đáo ở những ngôi quán nhỏ và vắng người hơn.

Ngày nay, người ta uống cà phê vì thói quen, và đó cũng là một thứ văn hóa của thời hiện đại: Văn hóa thói quen. Các quán lớn và sôi động nhất ở Sài Gòn, Hà Nội hay những thành phố lớn khác giờ đây đón chào giới trẻ cùng những đam mê của họ về tốc độ, về sự phá cách và cách tân. Thay vì ngồi nhâm nhi thưởng thức một ly cà phê, họ có nhiều việc phải làm, nhiều điều mới mẻ khác đáng quan tâm hơn. Ly cà phê đá pha sẵn đáp ứng được nhu cầu như thế..

Một ngày tôi vớ được một quyển sách. Trong đó nói khá nhiều về cà phê, về những cách khác nhau khi thưởng thức cà phê của từng quốc gia trên thế giới. Điều này cũng khá khác nhau. Từ cách thức pha chế, rang xay đến các nghệ thuật uống, trang trí ly cà phê và thưởng thức, mọi thứ đều rất chi tiết và đầy đủ. Tôi đọc nghiền ngẫm, thấy các điều trong sách viết với nội dung khá lũng cũng và dài dòng.

Tuy thế tôi lại đúc kết được một số thứ và lấy làm thích thú với những ý nghĩa rất đỗi ngẫu nhiên ẩn chứa đằng sau nó. Ý nghĩa của những ly cà phê hay gọi cách khác là "Triết lý cà phê".

Có một số nguyên tắc cơ bản về việc uống cà phê…

Thứ nhất, đó là: Đừng nên hâm nóng lại cà phê. Bởi nếu hâm lại, cà phê sẽ mất hết mùi vị và đắng chát. Uống không ngon và sẽ có mùi khét.

Cuộc sống có lẽ cũng như vậy. Việc hâm nóng lại cà phê cũng như việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ. Nhiều người đang sống trong hôm nay nhưng đầu óc thì vẫn luôn trông ngóng về những thứ đã qua. Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa hoặc nhớ nhung về một người nào đó mà quên mất đi rằng - những việc đó chỉ mang lại sự buồn chán, khó chịu thậm chí gây ra sự đớn đau cho chính họ. Quá khứ là những cái đã qua rồi, là một đóa hoa một thời tô điểm đẹp cho cuộc sống, đừng nên khơi nhắc lại mà hãy sống với thực tại thì hay hơn và đở đau buồn hơn...

Bạn hãy uống cà phê khi còn tươi mới nóng. Hãy uống ngay khi mới pha xong, bởi cà phê chỉ nên giữ ấm khoảng 15 phút trên bếp trước khi hương vị của nó trở thành khó chịu. Nghệ thuật uống cà phê không giống như ta uống thuốc, ực một cái là xong. Đã gọi là nghệ thuật thì không nên hấp tấp vội vã, hãy thưởng thức ngụm cà phê nóng đầu tiên với cảm giác sảng khoái, để thấy sự tuyệt vời trong đó....
 
Tại sao không bắt đầu lại mọi thứ trong hôm nay, khi mà thực tại là cơ hội của sự đổi mới? Hãy nắm bắt nó khi cơ hội vẫn còn. Không nên lãng phí thời gian mà hơn hết hãy sử dụng nó để mọi thứ trở nên có ích hơn. Thay đổi mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi một ly cà phê và thưởng thức một mùi vị mới. Điều đó cũng nên lắm chứ khi mà mùi vị cũ - đã trở nên nhạt nhẽo đi nhiều rồi.

Thứ hai, đó là : Hãy rang cà phê đúng cách. Nếu xay quá nhuyễn cà phê sẽ trở nên quá đắng. Nếu xay quá thô cà phê sẽ chỉ là nước loãng....

Nguyên tắc này cũng giống như việc đòi hỏi sự quan tâm, săn sóc trong tình cảm hay tình yêu vậy. Nó nhắc ta biết cân nhắc và trân trọng với những gì đang có. Sự quan tâm quá mức, đôi khi không đem lại một kết quả như ý mà thậm chí còn làm hư hỏng một tình yêu. Nhưng ngược lại, nếu thiếu vắng sự săn sóc, hay vì quá vô tâm và hời hợt, tình cảm cũng sẽ trở nên khô khan và nhạt nhẽo. Mất dần đi vị ngọt rồi sớm muộn cũng trở thành thứ nước loãng mà thôi.

Thứ ba, đó là: Đừng cố sử dụng lại bã cà phê, vì nó chỉ còn là vị đắng và sẽ có mùi khét khi pha…

Nên dứt khoát trong mọi công việc và trong tình cảm. Đừng cố gắng vớt vát những thứ không còn thuộc về mình, hay nhũng việc mà ta đã lập đi lập lại nhiều lần rồi. Việc không sử dụng lại bã cà phê cũng như việc không nên tìm gặp lại người yêu cũ. Sẽ chẳng thể đi đến điều gì, khi mà ta đứng núi này, trông núi nọ. Tập trung và trân trọng những gì mình đang có. Điều đó mới có thể tạo nên một hương vị cà phê thực sự cũng như là một điều cốt yếu để tạo dựng hạnh phúc cho bản thân.

Để có được một ly cà phê ngon - người pha đòi hỏi phải có một kiến thức rộng rãi. Để có một tình yêu thật sự đẹp, không thể thiếu sự vun vén của cả hai. Yêu như thế nào, cư xử và cách quan tâm ra sao, bên ly cà phê cuộc sống đã nói lên rất nhiều...

Thôi thì hãy để một sáng đẹp trời, qua nhà đón người mà mình yêu mến. Hay cùng người tình trăm năm. Nhẹ nhàng ăn sáng, rồi nhẹ nhàng thưởng thức một ly cà phê thật đậm đà và tươi mới. Không mùi khét, không vị đắng và chẳng còn loãng nhạt...

Nói về café thì không bao giờ hết. Cứ từ từ uống, từ từ tìm thưởng thức và từ từ tìm hiểu một " triết lý cà phê ".

Buồn, vui... tìm đến tách cà phê
Tình tang chiếc muỗng khuấy tràn trề
Sương lạnh đến tay không giá buốt
Khuấy tan ngọt đắng, thắm mềm môi.

Đá ơi lòng lạnh sao tan sớm
Để nước kia sầu mộng lắm nơi
Nhâm nhâm đậm đắng môi là thế
Đã hết đâu sầu, hồn tã tơi ???

Vắng người hôm trước... đợi người dưng
Ai đâu không đến, trách tôi đừng
Lối mây lạc cốc cà phê đắng
Ngọt đắng xuôi lòng, dạ dững dưng...

Tuy nhiên ở Châu Âu nghệ thuật uống cà phê có hơi khác với Việt Nam ta. Tách men dùng để đựng cà phê, ly dùng để uống nước ngọt, sinh tố hay bia. Thông thường họ uống cà phê nóng và cà phê không, có nghĩa là không có bỏ chi vào cà phê cả. Cũng có vài nước họ uống cà phê với sữa kem, với kem hoặc họ còn pha chế rượu có mùi cà phê như Baileys, như Sheridan 's (đây là một loại cà phê liqueuer hảo hạng) uống loại rượu cà phê này phải có một loại ly riêng biệt khi thưởng thức nó. Không những uống cà phê để thưởng thức mùi vị mà họ còn trang trí những ly cà phê rất đẹp, rất cầu kỳ. Không thể dùng tách, ly lẩn lộn khi uống cà phê được.

Mời các quý đọc giả thưởng thức màu sắc của những ly cà phê đến từ Norway, England, France, Netherlands, Germany, Canada và Spain để chúng ta biết thêm về cách thưởng thức cà phê của người Châu Âu, không chỉ thưởng thức bằng vị giác mà còn về thị giác và bằng cả tâm hồn nữa.

T. Skjæveland

No comments:

Post a Comment