Saturday, September 27, 2014

thư viết từ đường heatherglen


NGUYỄN VÕ NGHIÊM MINH, KẺ LÔI CUỐN NGƯỜI TA CƯỜI KHÓC…
PHẠM NGŨ YÊN


1.
Những thế hệ đàn anh chúng tôi đi qua mái trường Vũng Tàu, giống như những cây bàng mọc trên đường ra Bãi Trước. Những đứa học trò ngày nào bồn chồn đi giữa lạ quen, trên những ngổn ngang dòng đời, một sáng mai chợt thấy mình vừa rẽ sang đường khác. Ký ức loang lổ những vết mực đầu đời và tiếng sóng ùa qua tuổi thơ. Chúng tôi lớn lên như cây nghe mỗi mùa vàng thêm màu lá. Chiều Vũng Tàu nôn nao mùi hoa sứ. Nhiều năm rồi, những gã đàn ông cũng cay đắng trong lòng một nhánh lá không còn xanh, cùng những cơn mơ vuột qua một dốc đời nhân quả. Điều đó có nghĩa là những cây bàng già sẽ giống như chúng tôi, thôi công hiến cho đời những trái xanh, những lá biếc? Cho dù tiếng gió lẫn quất đâu đây, kín im một mùa dang dở.
Nhưng mùa xuân này có người vừa đến khêu lại ngọn đèn đêm và thắp sáng những câu thơ của một thời không ngủ. Người đó là Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Đứa con trai áp út của trường Trung Học Vũng Tàu. Anh vừa từ hải ngoại trở về mang tiếng sóng cồn cào trong tim. Và trên mỗi bước chân quen, biển vừa réo gọi.

Tháng giêng, dù còn một chút rét mướt, nhưng thành phố nhỏ chiều nay, bỗng bừng lên niềm vui ấm áp. Dù trẻ trung, nhưng những đóng góp cho đời về điện ảnh không non trẻ chút nào.

Anh đi qua. Đi qua. Một thoáng đi qua những cây bàng già nua, lóng lánh mắt cười hồn nhiên. Mái tóc bồng bềnh đánh thức những đam mê. Sau lưng anh là bảy sắc cầu vòng. Những nhịp đời đi vội vã.
2.
Khi tôi còn niên thiếu, rạp hát Võ Ngọc Chấn góc đường Phan Thanh Giản và Lê Lai là một rạp hát lớn của thành phố Vũng Tàu. Đó là nơi trốn học thường xuyên và là một địa chĩ quen thuộc của những đứa học trò nhỏ như tôi. Nhiều buổi chiều cuối tuần, tôi đã dám hào phóng bỏ tiền ra mua một cái vé xem phim dù phải nhịn ăn quà sáng nhiều ngày. Những chàng trai, những cô gái vào đời dù chân phải bước qua bão giông hay hạnh phúc sau này, nhưng không ai không một lần bước qua khung cửa sắt đóng mở ra một chân trời dụ hoặc. Ba bức tường kín bưng có ghim hàng đèn bên dưới đủ để khách mới vào chưa quen bóng tối không bị vấp chân, như những vì sao đêm cuốn hút mọi mơ ước trần tục. Những hàng ghế xa hoa làm đau lòng những đứa con nhà nghèo và một sân khấu vuông có căng một bức vải trắng to đùng. Khung cảnh vừa kỳ bí, vừa quyến rũ đối với mắt nhìn của tôi ngày đó.
Như tôi đã nói ở trên, muốn bước chân vào rạp và hả hê ngồi dựa lưng vào ghế nhìn lên sân khấu, tôi đã phải trãi qua những ngày đói lòng vì con nhà nghèo. Những đứa học trò con nhà giàu thì khác. Tụi nó không so đo hay phàn nàn về giá cả. Chúng có thể vừa coi phim vừa ăn đậu phộng rang, hoặc uống nước mía có bán trước cửa rạp (một thức ăn xa xĩ không có trong thói quen ẫm thực của tôi).

Nhưng có một vài người xem phim mà không phải mất tiền. Trong đó có Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Vì anh là một thành viên trong gia đình Võ Ngọc Chấn. Có thể hoàn cảnh đặc biệt đã tạo cho anh trở thành một người gần gũi với điện ảnh nhất, trong hằng hà sa số những người mộ điệu. Bao nhiêu tuồng tích, phim truyện và cả những tên tuổi sáng chói thời đó, đều không qua khỏi trí nhớ của anh.
Nhiều ngày coi phim xong, trở ra là trời mưa. Những cơn mưa bay ngang hành lang rộng, nhưng chật kín bồi hồi. Đàng sau mưa là những phiên bản đời đậm nhạt. Những người lao động buôn gánh bán bưng không giống như hình ảnh trong phim. Những nhân vật nam hào hùng, đẹp trai (không bao giờ chết). Những kiều nữ (dĩ nhiên cũng đẹp) luôn gây ra sóng gió và những mối tình nếu không sôi nỗi lãng mạng thì cũng chứa đầy nước mắt éo le.

Một lần khác, ra khỏi rạp là chiều đã lên đèn. Gió từ một cơn bão ngoài đất liền thổi vào làm phập phòng những tấm vải bạt. Giống như những cánh buồm ra khơi mùa biển động. Không biết có bao giờ nhập được vào một bến đợi nào đó, hay suốt đời phiêu dạt? Nào ai biết? Những bến sông xa lắc, những lòng thuyền đau lòng nơi một khúc quành?
Tôi cũng không mường tượng sau nầy, khi lớn lên vào đời, tôi sẽ nhập vai nào? Vui hơn hay buồn hơn vai trò của nhân vật trong phim vừa xem. Chỉ biết rằng thành phố tôi đang sống và lớn lên mang những bình yên rất lạ. Tình yêu cũng vậy. Trong đó những người đi qua đời nhau cũng quên không nhớ đã từng ngồi lại với nhau nơi nào. Một cửa biển xưa hay một góc đường ồn ào bụi bậm?
Tôi không nghĩ sau này mình sẽ trở thành một người lính trong thời chiến. Côi cút từ một đêm mưa cùng với cơn say ướt mèm quá khứ. Tình yêu không hề có khởi đầu, nên cũng không bao giờ có đoạn kết.
3.
Những ngày bắt đầu mùa thu nơi đây, thành phố có tên là thủ phủ của Texas, chợt có vài cơn mưa phùn. Buổi sáng ngồi quán cà phê, nhưng đã mơ hồ nghe đêm tràn đầy qua ly. Những chuyến xe ngang qua đại lộ loang loáng nước, kéo sau bánh xe những tia nước như những quá khứ rũ rượi. Những con đường đẹp và buồn như trong những phim truyện ngày xưa. Có tình yêu và lòng nhân ái hòa nhập. Có người đàn bà đứng chờ đèn nơi một ngã tư. Nhưng cuối cùng nàng đã theo người ta về một hướng khác. Người đàn ông già bất lực nhìn lui một cõi mộng mị quá dài.
Nhưng Nguyễn Võ Nghiêm Minh thì không như vậy. Anh mang trên vai một hoài bão khác. Từ thơ ấu, khi bước chân vào rạp Võ Ngọc Chấn, đứa học trò nhỏ dù chưa trưởng thành đã biết mình sẽ làm điều gì. Từ dưới hàng ghế khán giả nhìn lên, không như chúng tôi, anh đã tự phác thảo những cảnh tượng từ nơi cuộc đời đắng ngọt. Những bố cục và những góc đời lẫm liệt những thiên anh hùng ca. Những hạnh phúc bay lên như phấn hoa hay những thãm kịch lả tả như lá mùa. Phía bên này năm tháng, đứa con trai ngày nào từng một mình thổn thức theo dõi những cốt truyện, những tình yêu, bây giờ đã trưởng thành. Những cảm nhận từ tuổi thơ im dấu bây giờ đã cất cánh chuyển mình. Hồn anh sẽ bay bổng theo những hồn nhiên hay nằm yên trên những yếu lòng. Điều rõ ràng nhất, là Anh đã chọn cho mình một con đường. Một hướng đi. Vừa làm khán giả đồng thời vừa làm người dựng truyện.
Từ bộ phim đầu tay có tên Mùa Len Trâu, (thực hiện năm 2003) được trình chiếu ở Pháp với tên “Gardien de buffles “ và ở Mỹ với tên “Buffalo boy “ Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã gây cho giới thưởng ngoạn nghệ thuật thứ bảy sự ngạc nhiên. Trước khi là đạo diễn anh đã là một Tiến sĩ Vật Lý.
Chuyện phim dựa trên tác phẩm cùng tên trong tập truyện
Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề "len trâu", đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ. Một ngày, anh tâm sự:
…” tôi tìm cách trốn thoát cái chết chóc, đau khổ của chiến tranh bên ngoài bằng cách ráng đi vô coi phim. Vì ba tôi là quản lý rạp phim nên những người gác cửa rạp họ biết và để tôi vào xem không có gì khó khăn lắm. Xem phim, ngoài việc là phương tiện để tôi trốn thoát cái đau khổ của cuộc chiến tranh bên ngoài kia, nó còn là cửa sổ để tôi nhìn ra thế giới bên ngoài. Tôi xem phim Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Pháp… Trong cái nhìn của một đứa trẻ tám, chín tuổi thì ấn tượng đó rất là sâu đậm. Nhưng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Âu Châu, ngay cả ở Mỹ cũng vậy, sống bằng nghề làm phim không là chuyện vô cùng khó khăn nên tôi đành tạm gác cái đam mê của mình lại.
Tôi chợt nghĩ, một là mình làm phim bây giờ, hai là mình chắc phải lãng quên giấc mơ này. Và tôi phải quyết định, không hẳn là bỏ hẳn ngành vật lý của mình, nhưng tôi phải giảm bớt vai trò của công việc vật lý để bắt đầu đi học làm phim và làm các phim ngắn. Rồi tôi bắt đầu viết kịch bản phim Mùa Len Trâu. Kịch bản viết rất là nhanh, tôi nhớ rằng tôi viết trong vòng khoảng 30 ngày. Tôi rất vui là kể từ khi viết kịch bản, bắt tay vào làm phim thì hầu như không có nhiều thay đổi.”
4.
Trong những nghệ sĩ, có lẽ đạo diễn phim là những người tham vọng nhất. Vì sao? Vì trong một ý nghĩa nào đó, họ muốn thao túng, và cô động toàn bộ đời sống trên hành tinh này vào trong ống kính của họ. Những hơi thở, những khóc cười, những tâm tình, những cảnh vật, những thời tiết, đều được họ gói ghém vào những thước phim. Phim ảnh, theo tôi, tác động lên suy nghĩ con người nhiều nhất. Nó vừa có khả năng làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, đồng thời cũng trì kéo chúng ta sa vào những hố thẵm. Nó làm cho chúng ta yêu ghét cuộc đời, nhưng cũng làm chúng ta quay lưng lại cuộc đời.
Nhưng không phải vì những điều đó mà Nguyễn Võ Nghiêm Minh cảm thấy mình cái bóng của mình cao hơn người khác.
Tôi gặp anh trong một buổi chiều mùa xuân, nơi nhà của Phạm Hùng Nghị, khi tôi về thăm VN. Nếu không được nói trước, chắc tôi không biết chàng thanh niên trẻ trung và hồn nhiên đó là một nhà làm phim tuyệt vời. Ấn tượng đầu tiên đối với tôi về anh là nụ cười. Sau đó tiếp theo là mái tóc bồng bềnh, nghệ sĩ.
Điều gì đã làm cho buổi tiệc vui hôm đó kéo dài đến tận khuya? Khi những người bạn vừa mới quen biết nhau cũng vừa nâng ly chúc mừng một năm mới? Chính vì họ đã chọn cho nhau một nơi chốn để dừng chân. Cũng là một nơi chốn bắt đầu. Đó là vùng biển xưa và ngôi trường cũ. Đó là những tiếng sóng và muối mặn rơi xuống đời nhau như mưa nhỏ xuống hồn day dứt. Những giọt mưa không bao giờ chạm đất, mà bốc thành hơi bay lên. Cuộc đời mênh mông những nỗi sợ, nhưng, nhờ nụ cười của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, mọi người cảm thấy an lòng.
Đêm đó còn có Cao Quang, có Ngọc Phượng. Đôi tình nhân lúc nào cũng sóng đôi như hình với bóng. Có Nguyệt Minh, có Phạm Thu Dung nhìn đời bằng đôi kính trắng nhưng lấp lánh màu vạn hoa. Có Phạm Hùng Nghi, chủ nhà lúc nào cũng băn khoăn về chuyện mồi màng, bia bọt. Anh sợ người ta không chu toàn kịp những thức ăn do tự tay hai vợ chồng đứa con nấu nướng. Hay sợ tình bạn ngày nào sẽ biến mất như một hơi rượu cay?
Đêm đó tôi còn biết thêm một điều kỳ thú nữa là Nguyễn Võ Nghiêm Minh vừa trình làng một tác phẩm thứ nhì. Bộ phim “Nước 2030”. Anh đưa chúng tôi xem bản phác thảo bộ phim và một hình nền, dùng làm áp phích chính. Hình một cô gái ngữa mặt lên nhìn trời xanh và sông nước mênh mang của đồng bằng Nam Bộ Màu sắc thanh thoát và hài hòa. Tiếng gió đâu đây đang thổi mát những mảnh đời cô đơn trong khi sự cuồng nộ của thiên nhiên là một ẩn số.
Dù biết anh đã tìm ra những vai chính cho bộ phim của mình, nhưng tôi đã nửa đùa nửa thật với anh rằng anh không cần tìm kiếm đâu xa. Vai chính đang là anh. Vì tự anh, tự nụ cười hồn nhiên và mắt nhìn bao dung kia, đủ để lôi cuốn người ta cười khóc với mình. Đủ để làm người ta ngẩn ngơ theo vạt nắng cuối ngày. Những lo lắng và hân hoan kết nối.
Theo tác giả, Nước 2030 là bộ phim giả định dựa trên truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư.

“Phim lấy bối cảnh vào những năm 2020 - 2030, khi hơn phân nửa đất đai vùng ven biển miền Nam Việt Nam đã bị ngập trong nước do biến đổi khí hậu. Khi đó, người dân buộc phải chọn một cuộc sống khác: Sống chung với nước, cư trú và làm ăn trên mặt nước, với những nông trại nổi to lớn và hiện đại. Trong bối cảnh ấy, vượt lên là mối quan hệ phức tạp xen lẫn nhau về lý trí, tình cảm, cái tốt cái xấu, lợi ích riêng và lợi ích của cả cộng đồng, và một tình yêu khó lý giải giữa Sáo (một cô gái trẻ) và Giang (một nhà nghiên cứu) - kẻ bị tình nghi giết chồng của Sáo.
Bộ phim có sự góp mặt 2 diễn viên trẻ tài năng Quý Bình và Quỳnh Hoa (vai chính trong Saigon Yo!)
Vẫn giữ nguyên những cái "chất" riêng của mình, từ Mùa len trâu cho tới Nước, Nguyễn Võ Nghiêm Minh vẫn trung thành với dòng phim mang tính tự sự và thêm vào đó là kỹ thuật quay hình dưới nước đặc biệt…”
Cũng trong khuôn khổ của bài Giới Thiệu, hồi đầu tháng 2 năm 2014, Nước 2030 đã nhận lời mời tham dự Liên Hoan Phim Berlin (Đức) lần thứ 64, được khán giả Châu Âu đón nhận nồng nhiệt và được các nhà phê bình ghi nhận là một bộ phim có giá trị cao.
Trong khi tôi viết những dòng này, thì tin tức trên FaceBook cho hay là Phim Nước 2030 sẽ được dùng chiếu ra mắt tại thành phố Vancouver, một trong những Liên Hoan Phim lớn nhất ở Bắc Mỹ. Đây là bộ phim được xếp vào nhóm Điện Ảnh Thế Giới (World Cinema) nằm trong khuôn khổ LHP Không cạnh tranh- Mill Valey Film Festival (viết tắt MVFF) lần thứ 37 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 12-10- 2014
Giới Thiệu về Nước 2030, trên trang Web của MVFF viết: “Đây là một bộ phim đẹp đẽ mê hoặc, pha trộn các yếu tố lãng mạn, kỳ bí, sát nhân, báo thù khiến câu chuyện về cơn ác mộng môi trường sắp xảy đến với vùng châu thổ sông Mekong càng thêm kịch tính”.
PHẠM NGŨ YÊN
Tháng 9 .2014
Chú thích:
Mùa len trâu đã tham dự gần mười
liên hoan phim khu vực và quốc tế và đã giành được những giải thưởng đáng kể:
Giải đặc biệt ở
LHP Locarno, Thụy Sĩ
Giải đạo diễn xuất sắc nhất ở
LHP Chicago, Mỹ
Giải cao nhất, Grand prix của
LHP Amiens, Pháp
Giải đặc biệt của
LHP Amazonas, Brasil
MVFF là sự kiện kéo dài 11 ngày, diễn ra hàng năm từ năm 1977, với mục đích giới thiệu những bộ phim và nhà làm phim độc lập. Các phim dành giải Oscar như Slumdog Millionaire, The King's Speech, The Artist, Argo, 12 Years a Slave đều từng được chiếu tại đây với sự có mặt của nhà làm phim và dàn diễn viên.
Mỗi năm, LHP này thu hút khoảng 200 nhà làm phim đến từ hơn 50 quốc gia. Chủ trương tạo ra bầu không khí không cạnh tranh và thoải mái, MVFF muốn tạo ra cơ hội chia sẻ và hợp tác cho các nhà làm phim trên thế giới.









No comments:

Post a Comment