Monday, December 31, 2012

21 năm nhìn lại để buồn


 thư viết từ đường heatherglen

phạm ngũ yên


1.

Trong giấc mơ màu buồn, chiếc lá mới chớm vàng ngoài sân vừa rụng xuống giữa cơn say. Em mang tình yêu của tôi đi qua những góc đường mưa bão. Tia nhìn lặng câm không thể làm hồi sinh một màu lá. Tôi đứng chôn chân nghe chiều khóc không thành lời.

Tôi chỉ là một người đàn ông vừa đi qua tuổi 60. Vừa ôm công việc trong tay vừa tập tành viết lách. Bỗng tiếng chân ai qua đời nghe dòn như tiếng lục lạc gieo xuống ngày bình an. Đến nổi mùa thu cũng giật mình. Tôi vừa biết làm một nhà văn không dễ dàng chút nào. Vì trái tim trót nghe quen những lời nũng nịu.

Có những người đàn bà đi qua đời một người đàn ông hồn nhiên như chim trong vườn. Vừa nhỏ bé mảnh mai nhưng sao đi nhanh như một tia nắng. Bỏ lại sau lưng quá khứ chật những gió mùa và tiếng bánh xe miết trên mặt đường vội vã.

Có những người đàn bà đi qua đời một người đàn ông lóng lánh mắt cười nhưng sao hồn mình nghe dao cứa? Vì những cánh buồm ra khơi nhưng vẫn làm nặng lòng những bến đợi. Mùa thu này tôi vừa viết xuống những lời thơ bao dung với người nhưng với đời thì tê điếng.

Ai đó, đã muốn tôi viết về những kỷ niệm của 21 năm cầm bút nơi xứ người. Coi như những hồi tưởng trùng điệp mà bất cứ người viết văn nào cũng đều cảm thấy hứng thú. Nhưng với tôi, không phải vậy. Tôi vừa chợt nhận ra tôi đã chọn lầm cái nghiệp. Tôi đã gõ lầm cánh cửa mở ra một khu vườn phủ che những điều dụ hoặc. Khi biết cây nhánh không còn xanh, cũng là lúc trái tim không còn thốt lên những lời kiêu hảnh.

Ngay chỗ tôi ngồi chiều nay, có vệt son nào vừa sót đọng trên miệng tách cà phê. Màu trắng của sành sứ và màu đỏ của son môi chập chờn như một cánh bướm bị thương tích. Lát nửa đây, tôi sẽ trở về căn phòng nhỏ của riêng tôi. Trên khung ảnh, chân dung ai vừa quay lưng như cánh chim vừa đão ngược vòng bay, nàng còn đó nhưng cũng vừa mất đó. Thành phố của em. Ngôi nhà của em. Nhưng trái tim em đã dành cho người khác. Thì tại sao tôi không thả nỗi buồn xuống gối chăn để quên mất đêm dài?

2.

Những nhà văn giống như những đạo diễn trên sân khấu đời. Họ hiểu từng hạnh phúc, từng khổ đau. Họ hiểu từng chặng đường nhấp nhô gai nhọn và hiểu luôn những bình nguyên. Họ để nhân vật thổn thức bất an trên những bối cảnh êm đềm hay để đôi tình nhân suông sẻ nắm tay qua những nghịch cảnh. Họ có quyền phóng tay viết nên những điều hư cấu phủ lên một xã hội thật. Có người còn ví von nhà văn là Thượng Đế.

Tôi không từng nắm bắt được kinh nghiệm đó. Tôi hiểu, nhà văn, là viết xuống dùm khổ đau và hạnh phúc của người khác, cho người khác.

Còn riêng khổ đau của chính mình thì sao?

21 năm sinh hoạt trong Văn Bút, tôi chưa từng biết hết những khúc nôi, những ngọn nguồn, như một chiếc lá bất ngờ rơi trên một suối đời nhân quả.

Những luồng xe vụt qua những ngã tư đèn, để lại những dòng người xuôi ngược.

21 năm theo đòi nghiệp viết, tôi vượt lên những u uẩn đèn vàng, nhưng không lách được những rào chắn phiền muộn. Có những điều phân vân sao cứ ủ chật trong lòng như màu mực đọng hoài trên trang giấy thơ dại?

 

Năm 1992, bài viết đầu tiên tôi viết xuống trong căn phòng chung cư mang tên một Thánh Nữ- Santa Maria. Mùa xuân vừa từ giả chúng tôi để nhường chỗ cho một mùa hè oi bức. Những cơn gió từ hoang mạc thổi về, vuốt ve trên mặt vách đá hai bên đường đi làm và ngọn đồi mang dấu chân của người da đỏ. Trước đó là thời điểm của tháng ba còn những đóa hoa Bluebonnets mọc dài trên xa lộ. Màu hoa gợi hứng cho một chuyện tình đồng thời khởi đầu cho một định mệnh. Truyện ngắn “HOA BLUEBONNETS CHO HAI NGƯỜI” tôi viết xong một tuần lễ trong đó có hai ngày cuối tuần ngoài quán cà phê Donkin Donnuts. Tôi hoàn chỉnh và đánh máy lại bằng chiếc máy đánh chữ xách tay mượn từ một người bạn tốt bụng. Đêm mênh mông những cánh gió bên kia cầu 183, những dòng chữ cũng mênh mông bày tỏ một hạnh phúc. Tôi không biết tôi có thể viết được nhiều hay ít sau này, nhưng tôi biết tôi không thể không viết vì đời sống này cho tôi nhiều thứ hơn tôi tưởng. Tôi viết, vừa để tiếp nối những mạch viết bị tắt nghẽn sau ngày 30 tháng tư, 1975. Và cũng vì một lý do khác.

Trong một vài số báo mà tôi tìm mua tại các chợ  Austin, tôi đọc thấy một Thông báo của Tổ chúc Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Nội dung kêu gọi những cây viết tại phía Nam Hoa Kỳ và những vùng phụ cận gởi truyện ngắn dự thi nhân dịp kỷ niệm 30 tháng tư. Thời hạn nhận bài (tôi không nhớ rõ) nhưng hạn cuối là ngày 30 tháng tư năm 1992. Lúc tôi đọc thông báo và viết bài gởi đi thì thời gian chỉ còn hai tuần. Tôi gởi truyện ngắn “H B C H N” về cho Ban Tổ Chức. Sau một tuần, tôi gọi phone cho nhà văn Nguyễn Văn Sâm- vừa là Chủ Tịch VB,  vừa là một thành viên trong Ban Tuyển Chọn để hỏi xem bài đã đến chưa. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm nói chưa nhận được bài- chắc bưu điện làm thất lạc- Ông khuyên tôi nên gởi hỏa tốc (over night). Vì thời gian hết hạn nhận bài chỉ còn vài ngày. Tôi vừa nguyền rũa Bưu điện, vừa bóp bụng tìm ra chỗ gởi Over night. Cước phí khoảng 10 dollar và mấy mươi xu- cho một cái thơ đi suốt đêm- Một số tiền không phải nhỏ đối với một người mới vừa định cư như tôi.

Đêm sau, tôi gọi cho nhà văn, và  được ông trả lời là bài của tôi đang nằm trên bàn viết.

3.

Cái định mệnh mà tôi nói ở trên, là Giải Truyện Ngắn Văn Bút Nam Hoa Kỳ năm 1992. Ngày tôi tháp tùng một người bạn (đang là Supervisor của tôi- tên là Michael Nguyen) về Houston nhận giải, tôi gặp nhà văn Nguyễn Văn Sâm lần đầu tiên. Nhà văn Xuân Vũ của Đường Đi Không Đến ngồi trên hàng ghế Chủ Tọa và bên cạnh là nhà văn, nhà báo Nguyển Đình Phùng, cùng một vài người khác, tôi không nhớ. Giải thưởng 500 dollars như thông báo, sụt xuống còn 300. Và những tin tức không vui nằm đàng sau hậu trường Văn Bút. Nghe nói hình như đang có sự rạn nứt nào đó trong nội bộ làm cho nguồn tài chính dùng để phát giải bị trở ngại giờ chót. Tôi nhìn quanh căn phòng dùng làm nơi phát giải. Chỉ có khoảng 20 người, tính vừa Ban Tổ Chức, vừa các tham dự viên gởi bài. Và thêm vài ca sĩ nhạc sĩ cây nhà lá vườn…

Tôi trở về Austin, buổi chiều nhá nhem và không bao lâu sẽ mịt mùng trên đoạn đường mang dáng vẻ mùa thu. Người bạn ngồi sau tay lái dù nói chuyện bên tai tôi, nhưng hình như không dấu được sự thất vọng muộn phiền. Còn tôi, số tiền 300 dollars trong phong bì, dù sao cũng làm tôi an lòng đôi chút, vì tôi biết nhờ vậy mà tôi có thể thu về những giá trị tinh thần khác, sau này. Cái giá trị mà vật chất không thể san sẻ được.

Con đường có lúc chìm trong hàng cây sồi đang oằn oại và ánh trăng mờ nhạt trên đầu. Dưới ánh sáng dù không chói lòa nhưng hào quang đã như một khúc tình đau rát mặt, có khả năng kéo tôi bay lên những nghịch cảnh hay vinh quang của đời thường. Trong đó thấp thoáng những thủy chung và bạc tình. Những sự thật trần truồng và lõa lồ cũng từ đó hiện ra

4.

Tôi thành danh và đứng vững trên đôi chân của mình, từ mùa thu 1992. Có cần để viết xuống hay không, khi ý nghĩa của hai chữ đó ẫn giấu đàng sau là một lời nguyền rũa?

Những dòng mực có miệt mài cùng tháng năm, như cơn mưa thấm sâu vào lòng đất. Những mầm hạt cuối đời tưởng trở thành bông hoa nhưng cuối cùng tản lạc trong mùa màng. Những trang văn hổn hển ước vọng không qua hết cuộc buồn vui. Những tình yêu óng chuốt một thời. Nơi có môi hôn cùng nước mắt lung linh màu đêm phơi phới. Tất cả lần lượt trở về, sau những bước chân kiếm tìm tuyệt vọng.

Có nghĩa gì đâu những giây phút phù hư nhưng kéo dài hơn hai mươi năm? Tôi ngồi đếm Thành Bại, Mất Còn.

Trong suốt thời gian sinh hoạt cùng Văn Bút, biết bao nhiêu bằng hữu đi qua đời nhau. Biết bao nhiêu vì sao băng qua một thiên hà khô lạnh. Từ cột mốc buổi chiều mùa thu cách đây 21 năm, tôi bước qua một chặng dài vụn vỡ những hào quang. Những dấu chân ướt mèm như dẫm lên cơn say tiền kiếp.

Nói sao cho đủ khi đêm dường như không thể hồi sinh thành sáng mai cũng như những ước mơ bị dán chặt xuống cuộc đời. Những người bạn, những tâm hồn thân quen đuổi theo nhau về đâu? Những nhân vật mang tình yêu trên vai và trái tim tràn đầy nhân ái?

Có những người bạn văn rất thân- cả nam lẫn nữ- đã quay lưng lại với tôi không cần lời thuyết minh. Có những điều nghịch lý đến nỗi trở thành không tưởng nhưng được họ dựng lên làm bảng chỉ đường cho đám đông xông lên và hành quyết. Họ quên rằng mới ngày hôm qua, hay mới đây thôi, họ đã nhấp môi cùng tôi những chén đắng chờ qua hết một thời nhiểu nhương.

Có những người bạn văn say đắm văn tôi và uống từng lời văn tôi như cửa sổ uống từng luồng gió đêm khoáng đạt. Nhưng bây giờ, họ xa lạ cùng tôi trong một thành phố tưởng chừng xa lạ không kém. Lý do rất mơ hồ.

Những đôi chân đang mõi vì đường dài, trong đó có tôi. Những ký ức không tên nay trở thành lời trăn trối. Rằng không có hạnh phúc hay khổ đau trong một khu vườn mà hoa hồng ít hơn gai nhọn.

Mùa thu sinh ra và sẽ chết đi. Dòng sông không bao giờ chảy ngược.

Đừng chờ đợi tôi viết về Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Nơi tôi trưởng thành và già nua vì ảo tưởng một bến bờ hạnh phúc. Nơi tôi khát cháy một tình yêu đích thực giữa người và người. Chưa vội nói đến giữa những người cầm viết.

5.

Có những điều dù rất quen nhưng cuối cùng lại lạ lùng làm sao. Có những lúc tôi tưởng chừng chạm tay vào một cánh cửa đã khép.

Tôi yêu những đêm mưa về sáng thu mình đi qua những hành lang loang loáng ánh đèn để đến nhà nàng. Những cơn mưa quen thuộc và dấu ái như vậy sao hôm nay dội vào lòng tôi nhiều nhức nhối. Như tiếng lòng lặng thinh gõ nhịp lên quá khứ muộn phiền.

Tôi gối đầu lên những đợi chờ. Và mơ ước giản đơn một màu lá. Có những giọt mưa làm mát những thăng trầm đồng thời có những giọt mưa làm úng đất đai.

21 mùa thu đi qua tôi đứng trong mảnh vườn chữ nghĩa, nhưng chân dợm bước ra ngoài. Nhiều lần.

Tôi chỉ muốn những con chữ tôi viết xuống trở thành những cánh bướm bay lên làm đẹp cho đời. Không cần biết bão giông đang thổi tốc lòng người. Cánh bướm đã mỏng mà lời văn tôi còn mỏng hơn. Nên cuối cùng bất lực…

Tháng 10, 2012

PNY

No comments:

Post a Comment