Sunday, December 9, 2012

tro quá khứ của tình yêu


Thư Viết Từ Đường Heatherglen

PHẠM NGŨ YÊN

1.

Buổi chiều mùa đông cách đây nhiều năm, tôi rời căn phòng trọ đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, gần trạm xăng Kim Cúc để gặp người bạn ở phi trường Cam Ly. Trong cái rét buốt của tháng mười hai và cái lấp lánh của nắng, những đóa Sư Nha mềm mại vươn mình trên bãi cỏ xanh màu ngọc bích. Từ màu vàng của hoa và từ những năm tháng phù hư đi về một mình trên đường phố trùng điệp sương mù và mưa bụi, tâm hồn tôi trưởng thành không kịp chờ đau khổ. Ai đó đã nói rằng đau khổ làm cho người ta khôn lớn, như nắng hoàng hôn làm cho trái sớm ngậm ngùi. Tôi đi qua những năm lính tráng bình yên nơi thành phố núi, nơi những cây anh đào mỗi năm một lần hé nụ. Nơi mùa đông làm khô lá trên các cành nhánh đường lên khu Hoa Bình. Thành phố thân thiết đến nỗi nhiều khi tôi tưởng mình sẽ không thể rời bỏ để đi, dù dưới con dốc của rạp Ngọc Lan, bến xe đò mỗi ngày huyên náo tiếng kèn xe mời gọi những cuộc lên đường.

Màu hoa giản đơn từ một góc tâm hồn đứa con trai hai mươi lăm tuổi vừa gia nhập vào đời, hôm nay ào ạt những dòng mưa lũ. Đời hoa không lớn lao, nhưng làm chật một quá khứ. Tôi biết có những tình yêu như vậy, một hôm nào em khép nép ghé qua, nhưng để lại hồn tôi những dấu giầy cháy nám hạnh phúc.

Mỗi đời sống đều ẩn trú trong nó một con đường, một góc phố. Đời sống cũng ghi nhận trên nó một dấu tích trầy trụa từ một chuyện tình buồn.

“có hoa có lá và người khóc,

em sợ ngày nao phải lấy chồng”.

Câu thơ tôi không nhớ xuất xứ. Nhiều năm tôi đọc lại vẫn với cùng y nguyên rung động xưa.

Nhưng không phải như vậy. Không phải đứa con trai nào cũng buồn khi người ỵêu đi lấy chồng. Cũng không phải mọi người con gái đều khóc trong ngày vui đời con gái (khấp như thiếu nữ vu quy nhật/ tiếu tợ văn nhân lạc đệ thì).

Những con sáo sang sông không hề nhìn ngoái lại khu vườn cũ. Ngay cả một tiếng hót trong vút làm tê điếng trái tim cũng không hề. Trên những cành mạc lan lấm tấm màu thủy chung, tình yêu vừa đi qua những dâu bể. Tôi yêu những cuộc tình lẻ loi, ướt át ngấn lệ. Trong đó hai kẻ nắm tay nhau đi về một hướng đời bất trắc.

Họ sẽ lìa nhau hay cùng sống trọn đời với nhau trong một cõi sương chằng chịt? Tất cả đều đáng được tôn vinh. Tất cả đều đáng cho chúng ta kính phục vì đó là một mặt khác của hạnh phúc.

 

2.

Những ngày này gió thổi miên man trên đường chiều mịt mùng. Có những câu chuyện mới vừa viết ra một phần đầu. Có những chuyện còn dang dở.

Tin tức trên báo chí cho hay cuộc chiến ở A Phú Hản và Iraq đang sắp sửa khép lại với sự rút quân của quân đội Hoa Kỳ. Nhưng người ta không tin một xã hội vừa nhiểu nhương súng đạn cùng chết chóc hôm qua sẽ đi vào ổn định nhanh chóng.

Đâu đây vẫn còn vang động những tiếng bom tự sát vào đám đông, vào doanh trại của chính quyền. Đâu đây vẫn còn những tiếng súng bắn tĩa của quân phiến loạn vào các đoàn xe di chuyển. Vẫn còn sự phản đối chính sách Hoa Kỳ và sự có mặt của quân đội đồng minh trên mọi thành phố. Con số thương vong của lính Mỹ vẫn còn là một nan đề nhức nhối trên chính sách đối ngoại của các đời Tổng Thống Hoa Kỳ. Nhưng người ta vẫn có quyền lạc quan về sự hồi sinh của Iraq. Ánh sáng dân chủ đang le lói ở cuối đường hầm.

Có những dự tính trùng tu lại quốc gia Iraq sau thời chiến. Nhiều nước đã lập kế hoạch  tái thiết những di tích lịch sữ và điều này hứa hẹn sẽ thu về những số tiền khổng lồ. Một trong những di tích quan trọng là khu vực Al Qurna. Một vùng mà các nhà khảo cứu và ngay cả Kinh Thánh đều tin đó là nơi mà Thượng Đế đã lập ra vườn Địa Đàng. Từ nơi đó, Chúa đã tạo dựng ra hai người đầu tiên của nhân loại là ông Adam và bà Eva.

Cách đây nhiều ngàn năm Al Qurna là một vị trí quan trọng trong Cựu Ước. Bây giờ nơi đó đã hoang phế. Những viên gạch lát đường nứt vỡ và những lòng giếng khô cạn không còn nước. Những bờ tường lỗ chỗ dấu đạn. Những thập niên chiến tranh với Iran để củng cố chế độ, Saddam đã tàn sát cư dân sinh sống quanh đầm lầy nằm sâu trong vùng Al Qurna- là dân Marsh Arabs (dân Á Rập Đầm Lầy)- mà truyền thuyết cho rằng đó là hậu duệ của người Sumeria và Babylon. Chính nơi đây, giữa vùng Lưỡng Hà, nơi hai con sông Tigris và Euphrate chạy ngang qua bình nguyên Mesopotamia, mà mẫu tự Alphabet được sáng tạo và những bài trường ca anh hùng được hát lên. Chính nơi đây con người đầu tiên biết săn thú trồng trọt hoa màu. Những ngày của chúng ta được chia làm 24 giờ và chính nơi đây, tình yêu đầu tiên mọc lên để rồi sau đó kéo theo những đau khổ triền miên của con người.

Chính nơi đây, từ chiếc xương sườn của người đàn ông đầu tiên, Chúa đã dựng nên người nữ đầu tiên- Mẹ của loài người.

Chính nơi đây mà nước mắt và sự gian dối đã đươm hoa. Những tấm lòng rắn rít và nanh vuốt muông sói đã kèn cựa với trái tim cừu non nhân hậu. Những cây ô liu và những cây tật lê lớn lên cùng với cây vả.

Bây giờ nơi đó không còn sót lại một chút gì để gợi lại trong lòng chúng ta một bối cảnh nhân bản từ những trang Kinh Thánh ghi lại thời Sáng Thế. Và lịch sữ đã từng được Thánh hóa cũng bị soi mòn. Cây khuynh diệp linh thánh (cây Eucalyptus, còn gọi là cây bạch đàn) đã khô khốc và chết tự đời nào. Người ta gọi đó là Cây Adam, vì dưới nhánh cây nầy lần đầu tiên Adam nói chuyện với Đức ChúaTrời: ”Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng Thế Ký đoạn 2 câu 17).

Mọi thứ đều khép lại cùng với quá khứ. Mọi thứ đều chôn lấp theo quá khứ.

Khi chúng ta đi dưới những hàng cây khô đầy lá úa mùa thu hay dưới sương mù rũ rượi làm ướt át mái đầu, điều gì đã làm cho chúng ta yêu mến đời sống này thêm lên? Đó là mùi vị và hương phấn của quá khứ. Đó là những nhịp rung nồng nàn từ trái tim và là hơi thở cũng se sắt những điều tình tự.

3.

Nhiều chục năm sau, chúng tôi là một trong những kẻ già nua sau một cuộc đổi đời. Từ một tầng lầu cao của khách sạn Holliday Inc. Chúng tôi nhìn xuống con đường đang tàn dần bóng nắng. Nàng ngồi tì tay vào lan can, mái tóc bay hồn nhiên như những ngày chưa có bão. Chai nước suối để trước mặt, và bên cạnh ly Martini uống chung. Mùa đông không rực rỡ một màu nắng, nhưng lòng chúng tôi đang bốc cháy nỗi đam mê. Qua vai nàng, tôi thấy tình yêu không có tuổi và hạnh phúc đậu xuống tựa một cánh chim. Những ngón tay vẫn trau chuốt tiệp với màu son trên môi. Phải chi đời sống không đúc kết bằng những phiền lụy vật chất và người ta yêu nhau trong một bối cảnh của một truyện thần tiên? Người ta sẽ sống bằng không khí và ánh sáng. Bằng mùi thơm của hương hoa và mưa bụi đất trời.

Mới vừa đây chúng tôi vừa trôi giạt trên hai nhánh sông buồn. Bây giờ chúng tôi quấn qúit với nhau như hai khóm lục bình run rẩy. Tự mỗi người, đều cảm thấy nên cất giấu những hư hao như cất giấu những món đồ phế liệu. Và chỉ nên bổ sung vào đó, những giọt nước mắt tàn lụn bốc hơi từ những hốc mắt buồn đau- thành những hạt muối làm vị mặn cho đời.

Đêm sẽ đến trong chốc lát và những ngọn đèn xe hơi sẽ có dịp sáng lên. Như trái tim sáng lên trong lồng ngực lạnh lẻo.

Tháng chin vừa qua tôi đưa nàng về San Antonio để thi Quốc tịch. Mùa đông còn lâu mới trở về nhưng hai bên đường đã có vài vạt cỏ vàng úa và buổi sáng có hơi nước ràn rụa trên mặt kính xe.

Một ngày nào đó nàng sẽ xa tôi vì đâu có gì tồn tại trên cuộc đời này? Tình yêu lại càng không thể dài lâu khi con tim đã chạm đủ đau buồn. Tôi biết như vậy và cảm thấy an lòng chờ đợi những biến động. Bên cạnh tôi, nàng ngồi lặng yên nhìn ra những đời xe nối đuôi nhau chạy về phía nam của con đường 35. Cây cối không còn màu xanh nhiều như những tháng vừa qua bây giờ chìm khuất đâu đó ở một dãy phố. Những ngôi nhà cao tầng bao quanh điện Capitol nằm chính giữa sáng nay đã bị những đám mây màu chì che lấp. Cảnh vật vừa mang một dáng vẽ lãng mạn, vừa pha một chút buồn rầu. Khi người ta mang trong trái tim mình một tình yêu, người ta sẽ không thấy mình già. Tôi đang có triệu chứng trẻ lại vì tình yêu nàng đang dành cho tôi? Lâu rồi, những góc phố vắng những trạm xăng huyên náo bên đường. Người ta hạn chế một vài chi tiêu không cần thiết vì nền kinh tế kiệm ước. Đời sống căng chật những nhu cầu trong khi hãng xưỡng chưa kịp trở mình.

Dù sao, tôi cũng sẽ tìm mua cho nàng một món quà nhân ngày sinh nhật. Tình yêu không nhất thiết phải hiện hữu những vật chất. Nhưng tình yêu sẽ bị phai nhạt vì thiếu vắng vật chất.

3.

Cách đây không lâu, có tin từ báo chí trong nước than phiền là đa số thanh niên trong nước- nhất là tại Hà Nội bây giờ không còn biết đến hai tiếng “cám ơn” và lời “xin lỗi”. Báo Lao Động cho biết như vậy. Và cho đó là hậu quả tất yếu vì sự thay đổi của nền kinh tế thị trường. Tức là nguyên nhân đến từ kinh tế chứ không phải đến từ nền giáo dục suy đồi.

Những năm tôi còn ở Việt Nam, chờ ngày ra đi, tôi đã biết những câu chuyện “tử tế” như vậy. Tôi đã biết chung quanh tôi, những em nhỏ đến trường mang trên vai khăn quàng đỏ với lòng kiêu hãnh làm cháu ngoan của bác thay vì kiêu hãnh làm con cháu của Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng. Tôi đã biết bằng tai nghe và mắt thấy, là để được vào đại học, học sinh không cần thông thuộc bài học trường lớp mà chỉ cần nhuần nhuyễn chủ thuyết Mác Lê. Họ chỉ cần mang tấm lòng Pavin vào đời (thép đã tôi thế đấy) thay vì tấm lòng của Mẫn Tử Khiên. Họ không biết đến Carnot. Không biết đến thầy Tử Lộ. Họ chỉ biết đến Nguyễn Văn Trổi và Võ Thị Sáu. Họ đã trồng người trên một thửa đất đầy căm thù giai cấp và ươm những tâm hồn thơ ngây bằng nấm độc được hái dọc đường Trường Sơn. Những con người họ trồng với những chất liệu như vậy, không cần trăm năm như lời bác dạy, chỉ cần vài chục năm, họ đã có kết quả.

Ở Việt Nam bây giờ, đang có rất nhiều Phù Đổng xuất thân từ Khu Dân Sinh

và chợ Cầu Ông Lãnh. Những Phù Đổng một sớm một chiều lớn lên không phải bằng nồi cơm tri thức mà bằng những nồi cơm được trộn với ma túy và thuốc lắc. Những Phù Đổng không phá nổi giặc Ân nghèo đói, nhưng cúi mặt trước những sức mạnh đến từ Bắc Kinh.

Qua mất rồi Hà Nội thanh lịch và con sông Hồng lộng lẫy chảy qua những cửa ô. Qua mất rồi những trái tim hồn nhiên của Loan và lãng mạn của Dũng. Của “đêm qua Hà Nội dáng kiều thơm...”

Khi tôi còn là học sinh Trung Học, trong lớp tôi có những người bạn gái là dân Hà Nội chính thống. Tâm hồn của họ ngày đó sao thơm những hoa ngâu hoa sói. Tâm hồn của họ bồng bế những bình minh mùa xuân và ngậm ngùi mùa hạ:

“Tình cô là đóa hoa đơn

Bình minh nở để hoàng hôn lại tàn”

(Nguyễn Bính)

Những tấm lòng thiếu nữ của họ ngày đó rất chân thật, rất nồng nàn. Như  họ sinh ra để bổ sung thêm cho cuộc đời này những má hồng môi thắm:

Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi

Nào đâu cái yếm lụa sồi

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang sông

Nào đâu cái áo tứ thân

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ...

Và:

Nói ra sợ mất lòng em

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều…

 

Hay thơ của Quang Dũng:

Tiền nước trả em rồi, trưa nắng gắt

Tôi yêu em mà em đâu có hay…?

 

Và từ những ngày tháng êm đềm đó, tôi đã để lòng tương tư những cô gái Bắc. Như Nguyễn Bính. Tôi con trai miền Nam yêu vô vọng những cô gái Bắc Kỳ kiêu hãnh. Những “sư tử Hà Đông” tương lai và những “Hoạn Thư “ tân thời của thế kỹ sẽ mãi đi vào trái tim khờ dại của tôi, cho đến ngày tôi thi rớt, vào lính.

Nếu những thanh niên thiếu nữ Hà Nội không nhớ, hay quên dần dà hai tiếng “cám ơn” và lời “xin lỗi” thì tôi sẽ buồn ghê gớm. Tôi sẽ làm sao để không thổn thức về những tình yêu đi qua những năm tháng thanh xuân. Làm sao để hướng lòng cho đủ về những nụ cười làm rạng rỡ trái tim giữa rét căm Hà Nội, khi em là một cô bé chạy tung tăng một mình, năm cửa ô lùi lại sau lưng. Vạt áo tứ thân và đôi guốc mộc nhạt nhòa giữa lá cỏ trong khi mắt em cười dưới hồn nhiên của nắng

“Hoa sửa vẫn nồng nàn đậu phố đêm đêm

Có lẽ nào anh lại quên em?”

Câu thơ của ai viết về hoa sửa?

Tôi không biết hoa sửa là hoa gì và màu sắc như thế nào? Nhưng nói đến hoa sửa là người ta nghĩ về Hà Nội. Chỉ có Hà Nội mới có nhiều hoa sửa. Cũng như con gái Hà Nội luôn thanh lịch 36 phố phường. Có lẽ nào nhân cách của những tấm lòng thiếu nữ Hà Nội lại xuống cấp, để trái tim tôi đau đớn như ngày nào tôi đã từng đau đớn, vì một tình yêu đã gẫy.

4.

Bạn sẽ hỏi tôi làm thế nào để yêu mến được quê hương của tôi? Tôi xin trả lời là không ai có thể tự mình yêu hay ghét được một quê hương. Chuyện yêu hay ghét, không phải là một quán tính thông thường như yêu một cái áo hay một viên kẹo. Tình yêu đó như hơi thở, như không khí quanh ta mỗi ngày. Nó trộn lẫn trong trái tim ta bằng những nhịp đập của đất đai, của núi đồi, sông biển. Nó không thể bị đồng hóa hay bị vỗ ngực xưng tên. Nó không thể bị đánh lừa bằng chủ thuyết.

Quê hương của tôi không còn là chùm khế ngọt của Đổ Trung Quân, để tôi trèo hái mỗi ngày. Dù Việt Nam bây giờ vẫn còn nhiều những cây khế, nhưng chắc không còn tươm mật ngọt ngào. Những cây khế không còn quyến rũ những con quạ phương xa để quay về ngậm trái trên cành và trả lại một túi ba gang đầy đô la xanh đỏ.

Người ta, nhân danh kẻ thắng trận, đã lấy mất trong hồn tôi nhịp đập hào phóng của đất đai từ những ngày tháng tư. Họ đã ngăn chận những dòng chảy bình an và phì nhiêu của sông không cho thoát ra ngoài biển cả. Chỉ còn lại cánh đồng Việt Nam còn trơ gốc rạï còi cộc và những bông lúa lép bên đường...

PNY

No comments:

Post a Comment