Thursday, September 26, 2013

bến sông trí nhớ


Thư viết từ đường Heatherglen
Phạm Ngũ Yên

Tặng Võ Như Lăng, Hồ Danh Lịch


1.

Một ngày quẩn quanh tiếng gió chạm trên đường, khi đêm chưa kịp về thắp sáng những ngọn điện. Những vì sao chờ đợi nhấp nháy một niềm tin. Thành phố nơi tôi sống đang chộn rộn những tin tức sôi động của chiến tranh, của giá lên xuống xăng dầu. Tôi đi qua những nhịp cầu vòng vo dẫn về điện Capitol. Qua những thung lũng ngút ngàn một màu xanh để chỉ tìm một quán cà phê có chỗ ngồi thoải mái. Thời gian lầm lũi bên ngoài.

Mùa xuân chói chan những góc phố nắng. Hơi nước bốc lên ràn rụa như hơi thở trên môi người đàn bà. Sự buồn bã bắt đầu từ một bài thơ cũ. Như một vết thương cũ trong lòng. Dưới đáy ly cà phê đã không còn hơi nóng, hình như đã nghe ngấm ngầm sự tan vỡ.

Người đàn bà vừa hời hợt quay lưng. Trong khi tôi mệt lã nhìn đời sống cuốn trôi đi những hi vọng. Mới ngày nào nàng còn vui vẻ đi bên cạnh tôi, giờ đã nguội lạnh những tia lửa cháy trong lòng. Rồi lá sẽ vàng dưới thăm thẳm trời xanh. Nàng sẽ khác xưa như mọi tình yêu nào cũng vậy.

Sinh nhật vừa qua con gái tôi mua cho tôi một chiếc cà vạt sặc sỡ để mang trong những dịp lễ lạc. Nó chọn màu đỏ xen lẫn với màu tím than. Mới đầu tôi tỏ ý không thích, nhưng dần dà tôi thấy coi cũng được. Màu tím nhắc tôi một tình yêu phai lạt bên kia đời. Nơi có một người đàn bà vừa ngậm ngùi một son sắc. Vài lần tôi mang nó đi dự đám cưới. Vài lần đi hội họp trong cộng đồng. Thành phố Austin nóng cháy da trong mùa hè. Nhưng mùa xuân lúc này đang tràn đầy giông bão. Màu sắc của chiếc cà vạt trên cổ tôi giống như ngọn lửa đơn điệu bất chợt cháy trong tim người đàn ông già. Bao nhiêu năm tháng chồng chất theo nhau trong đó nỗi buồn vùi chôn một non trẻ.

2.

Quê ngoại tôi ở bên kia cầu Cỏ May, có tên là Vũng Vằng, cách Vũng Tàu 25 cây số. Ðó là một làng xã hẻo lánh và quê mùa. Ngày đó Vũng Vằng là một xả nhỏ thuộc quận Long Ðiền. Sau nầy thời đệ nhứt Cộng Hòa Long Ðiền sát nhập cùng với Bà Rịa để trở thành tỉnh Phước Tuy. Tất cả đất đai thuộc phạm vi Long Ðiền- Bà Rịa khởi đầu do quân lính của vua Gia Long khai phá trong thời gian Nam Tiến.

Vũng Vằng là một vùng đất nằm giữa biển và sông, đặt biệt có các ruộng muối vuông vứt như mặt bàn cờ. Mùa hè muối phản chiếu mặt trời lấp lánh giống như những chiếc gương vĩ đại. Cuối tháng năm, khi bắt đầu có những cơn gió mùa thổi về và sắp có những cơn mưa dầm, người ta cào muối lại thành đống và đậy đệm cẩn thận, sau đó chuyển vào vựa, trước khi bỏ vào các bao đệm, đem bán trên Sài gòn.

Thời thơ ấu của tôi đơn điệu trôi qua những ruộng muối như vậy. Bên những cánh cò trắng ẻo lả bay lượn trên những ruộng lúa mơ màng. Tôi chưa kịp đến trường vì còn nhỏ. Ðất đai không sinh lợi nhiều ngoài những tôm cá hạn chế được đánh bắt từ bến sông và chờ đợi một mùa muối tràn trề. Dân làng không đông, chỉ có vài chục nóc nhà mọc ven mé sông quây quần chung quanh một bến ghe nhỏ. Trời thương dân làng nên đời sống kinh tế quanh năm đủ ăn, không bị mất mùa. Vì là mãnh đất nằm giữa biển và sông nên nước ở đây không mặn không ngọt, mà lờ lợ. Ðó là nước dùng để xài và giặt giũ. Nước uống thì lấy lên từ một cái giếng duy nhất trong làng. Nước ngọt trào ra quanh năm từ lòng giếng bên dưới như một phép lạ. Truyền thuyết kể rằng khi Vua Gia Long khai khẩn đến vùng đất nầy, không tìm thấy nước ngọt để dùng, Ngài đưa quan binh đến giữa làng, cúng tế và sau khi cầu nguyện, Ngài chỉ vào một nơi và bắt binh sĩ đào giếng

Mọi người không ai hi vọng sẽ tìm thấy mạch nước vì đất chung quanh nơi đó có pha trộn đá vôi. Nhưng khi đào sâu chừng vài sải tay, nước ngọt từ trong lòng đất tuôn ra. Kể từ đó, dân chúng gọi là giếng Gia Long. Càng ngày, giếng được xây thêm bằng đá chung quanh để ngăn mưa lũ. Việc lấy nước từ dưới lên chỉ dành cho đàn ông trai tráng. Ðàn bà con gái không được được lấy.

Cuối những năm 40, người Nhật còn cai trị và chiếm đóng miền Nam. Trong ký ức của tôi còn nhớ những người lính mặc đổ kaki vàng mang kiếm đi lại trong vùng. Họ đồn trú trong một trại lính bên kia sông. Buổi sáng mẹ tôi ra giặt giũ ngoài bờ sông, gần nhà. Tôi xẩn bẩn bên cạnh bà trong khi nhìn những người lính lố nhố bên kia bờ. Dáng điệu của họ làm tôi sợ hãi.

Có những chuyện không đầu không đuôi trong giấc ngủ và sáng ra tôi buồn. Những tiếng chim sầu muộn rớt bên cánh đồng và con nước lên xuống từng ngày.

Tôi còn phải kể ra đây những cánh diều bay trên tuổi thơ của tôi. Ðối với tôi, chúng là những hình ảnh rất thơ mộng và chất đầy mơ ước. Những cánh diều ngẩn ngơ bay trên bầu trời xanh mà sợi dây lúc nào cũng ngắn.

Khi lớn khôn, tôi không còn có cơ hội để tự mình  chạy theo những cánh diều. Tôi cũng không còn thì giờ để làm thủ công một con diều như ngày xưa như ông ngoại tôi đã làm cho tôi. Ðồng ruộng đã dần dà mất đi thay vào đó những đường phố, nhà cửa. Khung trời cũng hẹp theo cùng với đất đai.

Bà ngoại tôi mở một quán nhỏ bên bờ sông. Quán không có gì nhiều ngoài một vài món đồ dùng cho việc bếp núc. Vài chai nước mấm. Vài chai dấm. Vài hủ chao. Vài hủ đường tán màu vàng sậm còn dính những sợi mía. Một thùng dầu hôi mang hiệu con gà trống. Bên vách lá ngã màu thời gian, bà treo vài con khô mực, khô đuối, khô sặc dành cho dân nhậu. Và quan trọng nhất, là những bình rượu đế luôn được châm đầy mỗi tuần.

Bà ngoại thức dậy từ khuya để chuẫn bị cà phê cho khách. Ðó là những nông dân phải ra đồng sớm. Những người chủ ghe chuẫn bị cho một chuyển đi. Những bạn hàng cũng ghé lại quán của ngoại tôi để nói dăm ba câu chuyện trước khi đón xe ra chợ Bà Rịa. Tôi ngủ phía sau vách ngăn phía sau quán. Giấc ngũ bị ngắt quãng nhiều lần, theo những câu chuyện khi lớn khi nhỏ, giống như âm điệu một lời ru.

Nhiều đêm, tôi cố gắng thức thật khuya để theo dõi một vài hoạt cảnh huyên náo ngoài bến sông, khi ghe thuyền cập bến. Những người đàn ông da đen nhẻm vì nắng gió sông hồ, áo phanh ngực và lúc nào cũng đi chân không, vào ngồi đầy những băng ghế trước quán. Những xâu cá, những con cua được họ mang từ dưới ghe lên và nhờ ngoại tôi nướng dùm. Mùi thơm bay lên ngào ngạt cả một góc quán làm tôi thèm thuồng. Họ nói đủ thứ chuyện mưa nắng, chuyện mùa màng. Chuyện những cảnh đời ngang trái rút ra từ những tuồng hát đương thời. Lâu lâu có người dể tính xoa đầu tôi và dúi vào tay tôi một một miếng khô nóng hổi. Tôi bỏ nhanh vào miệng để thưởng thức mùi vị đặt biệt của thức ăn, trước khi bà ngoại rầy tôi: “Con nít con nôi không được xẩn bẩn bên bàn rượu của người lớn...”

Tôi không biết tại sao có những điều thuộc về người lớn mà con nít không được tham dự vào. Bốn năm tuổi tôi chưa đi học để hiểu rõ những tác hại của rượu chè, nhậu nhẹt. Tôi chỉ cảm thấy thú vị khi được chứng kiến những sinh động của người lớn. Tôi muốn được thức khuya như họ và ăn những món ăn ngon lạ lùng được lấy ra từ lò than nóng. Tôi muốn được vui như họ và buồn như họ.

Nhưng tôi không thể thu về những điều đơn giản như vậy vì vòng tay còn non yếu quá. Nhiều chục năm sau, tôi có cơ hội để nắm bắt những giá trị thơ ấu trong tay thì tôi đã mất đi niềm háo hức. Những ly rượu và những món đồ nhắm đưa cay từ một quán gió bên đường, chỉ có cảm giác sảng khoái trong vài phút giây, chớ không làm đậm đà dài lâu hạnh phúc đầu đời.

Một hôm, không biết ông ngoại tôi đem về từ đâu một chiếc máy hát quay bằng dây thiều. Thời đó chưa thịnh hành những chiếc rađio, những băng cassette. Cho nên chiếc máy hát nhỏ như vậy đã làm xôn xao mọi người và quy tụ biết bao thanh niên và thiếu nữ trong làng đến ngồi quán của ngoại tôi.

Ðêm tối mênh mông những cánh gió bên ngoài sông. Tiếng nước chạm vào khoang thuyền đang ngủ yên như tiếng nhịp của sên phách. Tôi bị cuốn hút vào những điều lạ lùng từ chiếc máy hát có hình dáng một chiếc hộp vuông màu đen kia, có một tay quay bên hông. Và những đĩa hát bằng mi ca có nhiều vòng trên mặt. Lúc đó tôi nghe người lớn nói về những đĩa hát có tên là Asia đang thịnh hành tại Sài Gòn. Những tài danh thời đó là Thành Công, Bạch Huệ. Sau nầy là Út Trà ôn, Út Bạch Lan, Thành Ðược...

Ðĩa hát mà ông ngoại tôi có được có hai bài vọng cổ có tựa là “Tình Mẫu Tử” và “Mổ Tim Tĩ Cang”, hình như do nghệ sĩ Thành Công và Bạch Huệ trình bày. Tôi còn nhớ câu đầu trong “Tình Mẫu Tử” như thế nầy:

“Con ơi tháng chạp tới đây là ngày mà tên con sẽ ghi vào cuốn sổ nhân duyên, trên cung đàn bấm phím tơ loan hòa bản cầm sắc cho duyên con trẻ được bền duyên giai ngẫu...” Lời ca ướt rượt của Bạch Huệ làm thổn thức những người phụ nữ có mặt. Như tiếng một đời mưa trên một bến sông buồn. Nội dung viết về tâm tình của người mẹ sắp sửa chia tay với con gái mai này về nhà chồng. Bao nhiêu trìu mến và kỳ vọng gởi đến đứa con thân yêu mà bất cứ một bà mẹ Việt Nam nào cũng đều trải qua.

Ðôi lúc những vòng trên đĩa hát bị trầy, tiếng ca bị cà lăm làm mọi người buồn cười. Lúc đó ông ngoại tôi lấy tay nâng cái đầu kim lên để cho đĩa xoay qua một vài vòng và đặt xuống lại, tiếng ca tiếp tục như cũ. Ðôi khi đang hát nửa chừng, âm thanh bị chùng xuống, hụt hơi, ông ngoại tôi lại dùng tay lên dây thiều bằng cái tay quay bên hông máy.

Trong trí óc thơ dại của tôi ngày đó, tôi không biết làm sao mà hai ba người có thể nằm gọn trong một chiếc thùng nhỏ xíu như vậy để cất lên tiếng hát làm rung động lòng người. Tôi đi vòng vòng chung quanh máy để xem coi có một cánh cửa bí mật nào hay không. Tôi cũng xin với ông ngoại cho tôi được “quay dây thiều” mỗi khi tiếng ca bị nhão. Lúc đầu ông ngoại tôi không cho, nhưng sau đó chìu theo ý muốn của tôi và dạy tôi quay. Nhưng khả năng của tôi chỉ có thể quay được vài tua là hết sức, rồi bỏ cuộc.

Khi tôi hoàn thành được cái công việc đơn giản đó, là quay được nhiều vòng cho dây thiều căng lại, là đến lúc tôi không còn sống tại Vũng Vằng. Ba má tôi chuyển về Vũng Tàu để làm ăn và cho chúng tôi có cơ hội đến trường.

Tôi luyến tiếc cái quán nhỏ của bà ngoại tôi. Những đêm về sáng choàng thức vì nghe có tiếng người vào mua đồ trong quán. Những đêm mưa tiếng mưa bay trên mái nhà lợp bằng lá dừa nước. Những mái chèo buông rơi lọt thõm xuống mặt sông váng vất phù sa cùng lá bần tươi trôi dập dềnh.

Tôi cũng nhớ ruộng muối quanh năm lấp lánh màu bạc vì phản chiếu ánh sáng mặt trời. Nhớ những vai áo bà ba đen lâu ngày trở thành màu bùn của những người thợ cào muối. Nhớ chiếc giếng Gia Long mà nhiều đêm đã chứng kiến những lời tỏ tình đằm thắm của các thanh niên lấy nước với các cô gái chung làng. Tiếng gầu rơi xuống lòng giếng lạnh tăm như tiếng trái tim rớt ngang trên một bài vọng cổ.

Cái tình quê như vậy hình như không còn đi theo tôi suốt những ngày khôn lớn. Nó không có mặt hay bị chìm khuất trong cái hỗn độn của đời sống đương thời và cái u ám của chiến tranh. Tôi đi vào đời không còn nghe những âm thanh êm đềm nơi quê ngoại. Không còn thấy trên đầu những cánh diều ngơ ngẩn để trì kéo sợi dây mơ ước như trì kéo hạnh phúc tươi non.

Người ta nói sự thổn thức về một quê hương chỉ có thể hiện hữu và lên tiếng một khi trái tim ướp đầy hương vị của quá khứ. Như một sợi dây đàn chỉ có thể bật lên một âm điệu khi căng thẳng, tình yêu quê cũng vậy. Chỉ có thể rung động và ngào ngạt những cảm xúc, khi con người chạm đến một khổ đau.

3.

Lâu quá rồi, tôi không còn cơ hội để nhắc lại cho con gái tôi một âm vọng đã từng rung lên từ một sợi dây đàn. Tuổi con tôi, bây giờ chắc cũng không đủ trình độ để nghe được những điều như vậy, đàng sau cái trí nhớ già nua của ba nó.

Năm nay nó 20 tuổi. Nó vừa qua hết Trung Học và đang vào học trường ACC gần nhà. Nó vừa đi học vừa đi làm và cách đây một tháng nó vừa thay đổi việc làm lần thứ ba. Mùa xuân nó phóng xe chạy trên đường cùng với tiếng gió rít bên ngoài kính xe. Nó không có một quá khứ tròn trịa để quay về với bước đi đầu tiên. Khi chập chững vào đời. Mọi thứ đều có sẳn với tiện nghi của Mỹ Quốc.

Những vì sao rưng rưng một đêm nào khi tôi chạy từ San Antonio về. Khung trời lạc lõng trên đầu nhắc tôi một quá khứ vỡ òa. Nơi có tiếng mưa rơi ào ạt trên mái nhà ngoại tôi. Nơi có dòng sông đen ngòm ở một khúc quành vì phù sa tụ lại. Tôi không biết con sóng vô tư có còn mãi đập vào hông thuyền như ngày tôi còn nhỏ?

Khi tôi vào lính, làng cũ đã đổi tên. Tôi không một lần ghé về thăm. Tâm hồn tôi chỉ còn lại một màu xanh ngỡ ngàng của biển. Mọi thứ tuột khỏi trí nhớ tôi ít nhiều.

Sau năm 75, nghĩa là sau một cuộc đổi đời, làng cũ của tôi nghe nói trở thành một hợp tác xã làm muối. Những trái tim đôn hậu đã bị muối làm cho rĩ sét và bến sông nghe nói ghe thuyền không được đậu lại vì “nhà nước” sợ dân làng tổ chức vượt biên.

Không phải mọi dòng sông đều có riêng một tiếng nói. Dòng sông quê ngoại của tôi cũng vậy. Nó chỉ có tiếng nói riêng một khi lòng sông tự nó ngậm chật phù sa làm bằng những tình tự của chính người sống nơi đó.  Những phù sa vô tư chảy hoài trên mọi thời gian, sẽ rất chân thật vì nơi đầu nguồn chứa đựng những tấm lòng đôn hậu của cha ông. Không hề biết có căm thù giai cấp. Sự đau khổ của những người sanh ra trước tôi, trong thế hệ thứ nhứt, đã quá thừa. Chúng ẩm ướt mồ hôi nước mắt và chật chội một hồn sông.

Khi tôi về Vũng Tàu và lớn lên theo những bè bạn chung quanh, thì đêm thị thành đã hiếm hoi những vầng trăng và ngày sẽ không còn một cánh diều. Mỗi ngày, tôi chờ đợi một tiếng chim rơi sầu muộn mang giai điệu cánh đồng để ôn lại một bài học đầu đời? Nơi khởi đầu một trang cổ tích?

4.

Qua rồi những ngày mưa bão đem cái rét mướt lạ lùng đậu xuống vầng trán em, khi tôi chở em đi quanh ngọn đồi vùng Lopp 1. Hôm nay vẫn con đường này nhưng tâm hồn tôi và em đang ướt đẫm mưa bụi. Mới tuần rồi buổi sáng có tin tức bão loan đi và người ta co ro đi dưới cây sơn táo để băng qua quán cà phê bên kia đường. Sự lãng mạn của mưa và sự nồng nàn của hương tóc em trộn lẫn vào nhau tạo thành một hạnh phúc làm ngại ngùng những bước chân. Vài con chim đen đứng núp trong bụi dẽ bộp dáng điệu áo não. Biết làm sao để đi về dưới lòng mưa mà trái tim vẫn ấm hương lửa tình đầu và manh áo cơ hàn vẫn đủ che một lòng rách nát?

Có những lúc mà tình yêu chỉ còn lại một người một mình đi trên con đường dài qua đổi. Phía đầu kia không có ai. Phía đầu nầy là mênh mông của đời sống. Năm tháng đi qua âm thầm và nhạt nhòa một hạnh phúc.

Ðâu rồi nụ cười và ánh mắt rực lửa một ngày đông khi tôi cùng nàng đi vào quán cà phê. Những sợi khói bốc lên từ chiếc tách như hơi thở nồng ấm bên vai. Khi tôi hôn nàng, vệt son trên môi cũng ngọt mùi đường.

Sài Gòn mùa này cũng mưa nắng thất thường. Nghe nói có vài nơi bị ngập và hai bên đường nước tràn lan như mặt sông. Thành phố đang trở mình như thịt da chờ nghe lời ân ái. Gió lạnh thổi về trên những cuống lá sắp đổi màu. Những ngỏ xưa quen ngậm những hòn gạch nồng nàn bước chân người qua lại. Vài khóm hoa giấy vươn mình trên các tường gạch loang lổ màu vôi. Hình như bao giờ cũng vậy. Gió dù khẻ khàng nhưng cũng làm cho người ta cảm nhận được rét mướt.

Khi tôi vào lính, không có nhiều kỷ niệm để tôi đem theo làm hành trang vào quân trường. Ngôi nhà cũ dưới chân núi Lớn Vũng Tàu. Những cây bàng già rụng sớm những chồi non vì gió biển ùa lên mỗi ngày. Những con còng đuổi theo nhau về đâu trên bãi cát nước ròng? Một góc kia, nơi có quán cà phê Năm Tròn, vài khoang thuyền làm biếng không ra khơi. Mọi thứ góp lại, đã làm nhức nhối tâm hồn đứa con trai không muốn đi xuống cuộc đời. Và còn nữa, những mối tình thơ dại...

Năm 1965 tôi quyết định bỏ học vì không còn tha thiết đến chuyện sách vở. Tuần lễ cuối của tháng 7 tôi đạp xe đến thăm một người bạn gái.  Buổi chiều vừa ướt át một cơn mưa. Tôi không biết nàng có để trong trái tim một chút nắng hanh ngày hôm qua vừa tàn và thời gian có xóa đi những dấu vết quen thuộc. Hay ngậm mãi vết thương trong lòng như tôi.

Tôi đưa nàng ra quán sinh tố đối diện với khu nhà lồng Chợ Vũng Tàu. Quán có tên là Phương Lan. Bên kia đường Trưng Nhị, căn tiệm mang tên Nguyễn Văn Tư, có bạn tôi là Nguyễn Thanh Điền đi ra đi vào. Ðâu đó dòng nhạc vang lên lời hát trong ca khúc TOUS LES GARÇONS ET LES FILLES do  Françoise Hardy hát. Một tiếng hát thời thượng của thập niên 60.  Bài hát cũ nhưng luôn mới mẻ trong lòng những người đang yêu nhau.

Bản nhạc sau nầy do Thanh Lan ca, thịnh hành trong các phòng trà và trong các băng nhạc trước 1975:

Tous les garçons et les filles de mon âge
Se promènent dans la rue deux par deux
Tous les garçons et les filles de mon âge
Savent bien ce que c'est qu'être heureux
Et les yeux dans les yeux
Et la main dans la main
Ils s'en vont amoureux
Sans peur du lendemain
Oui mais moi, je vais seule
Par les rues, l'âme en peine
Oui mais moi, je vais seule
Car personne ne m'aime.
Mes jours comme mes nuits
Sont en tous points pareils
Sans joie et pleins d'ennui

(lời Pháp)

Tôi đi xa, nhưng vẫn nhớ Vũng Tàu.  Nhớ Sài Gòn. Nỗi nhớ bồn chồn của từng đêm vắng. Vì từ những đêm hoang như vậy, tôi trưởng thành. Tôi biết đau khổ và biết tương tư một tiếng cười, một giọng nói. Những người con gái đại diện cho những mối tình 50 phần trăm. Những gót son hồng chưa nhuốm màu tro đất.

Mùa xuân đến rồi mùa xuân đi. Không một lời chào thăm hay một lời từ giả. Rồi mùa hè sẽ trở về. Những chùm phượng đỏ nằm trong sân trường thương cuộc đời ngắn ngủi. Và tiếng ve sầu báo hiệu một tình yêu.

Ly sinh tố mãng cầu xiêm trước mặt nàng và ly cà phê cho tôi. Em nhìn xuống lòng bàn tay rối chỉ nghe lạ một tình đầu. Còn tôi, hình ảnh nào bên kia đường phù hoa để mộng đêm về trăn trở? Ðể ghi trong lòng những xúc động mới mẻ về một thời học trò. Trong đó có lần tôi dùng dao khắc tên người yêu trên mặt bàn. Gió đêm thổi từ biển về, nghe hiu hắt vì chạm phải phố xá hai bên. Qua những ngã tư xô lệch những khung tường vàng rêu và những con chó quanh quẩn bên các thùng rác. Ðời sống hổn độn những tiếng xe hai bánh gầm rú và tiếng khẻ khàng của thời gian trộn lẫn vào nhau.

Một lúc bàn tay nàng nằm trong bàn tay tôi. Biết bao giờ giây phút này trùng lập lại, dù muộn màng. Như một bản đàn vang lên một cung bậc mới, sự chia tay sẽ vang lên lời hẹn hò tái ngộ.

Tôi rời xa nàng từ hôm đó.

Chiếc xe nhà binh đưa tôi vào trình diện Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Việc đầu tiên là tôi đến phòng hớt tóc của quân trường để người thợ hớt tóc tu sửa lại mái tóc thư sinh. Những lọn tóc rụng xuống theo những nhịp kéo như tuổi trẻ rụng xuống bên hiên đời. Ðứa con trai nhìn vào gương thấy dội ra từ nơi đó hình ảnh một người khác. Ngô nghê và lạ lẫm. Quá khứ đã ào ạt bỏ đi. Không đọng lại một vết tích.

Buổi chiều tôi tìm đến những chiếc giường cá nhân dưới cây bả đậu. Những tân binh cũng đã quy tụ về đó như một chỗ dừng nghĩ tâm hồn. Vì họ đã tìm thấy dưới bóng mát của tàn lá kia sự chở che thật lòng.

Bầy chim sẻ ngoài hàng rào thôi không đậu xuống. Chúng bay mất để trong lòng những đứa con trai khao khát một lời chim. Vài ba người châm đỏ một điếu thuốc quân tiếp vụ và sau đó chuyền tay nhau. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy sự chia xẻ lạ lùng như vậy. Một người khác so dây đàn. Và tiếng hát bật lên từ một người khác nửa.

Nếu phải chờ đợi một niềm vui nhỏ mà có thật trong ngày tháng quân trường, tôi sẽ không ngại ngần mà nói ra một buổi chiều như vậy trong khi chờ chuyển trại. Chúng tôi quây quần bên nhau và tặng nhau những lời ban mai nắng mật. Những nụ cười làm hành trang cho một thời mười tám tuổi. Mai mốt ra đơn vị, ai biết ai sẽ còn lại hay mất mát giữa đời?

Người đàn ông ngồi trước mặt tôi có lẻ già trước tuổi đang nhìn xuống hai bàn chân có những ngón chân khô ráp của mình. Anh cất tiếng hát. Những sợi khói rụng rời, quấn quít từ một thanh quản khàn đục. Tiếng hát mà sau này khi ra hải ngoại tôi nghe được từ Tuấn Vũ. Cũng lướt thướt và mộng mị của khói thuốc. Của buồng phổi bị ém và những thanh âm bung ra giữa chừng:

“Mưa khuya hắt hiu xuyên qua mành, tình ngăn cách rồi.
Đêm qua trắng đêm mơ thương hình bóng cũ xa xôi
Em ơi! bước đi xa nhau rồi ngày vui đâu còn,
Ðèn vàng nhòa sương chưa tắt,
Khu phố xưa lạnh buồn tênh.

Hôm em bước lên xe hoa thềm nhà tươi pháo hồng
Em ơi! pháo vui như vô tình xé nát tim anh.
Bao nhiêu ước mơ nay phai tàn,
Tình ôi phũ phàng,
Một ngày dù duyên chưa thắm,
Chuyến đò xưa sao nỡ quên!

Thương còn thương những chiều đời chưa biết nhiều,
Nghẹn ngào nhìn nhau không nói.
Yêu còn yêu tiếng cười, ngày mới quen nhau,
Ngỡ ngàng tình trong mắt sâu.

Mưa khuya hắt hiu xuyên qua mảnh hồn đơn giá lạnh
Em ơi phố khuya bâng khuâng sầu buốt giá tim anh.
Hương xưa ái ân theo êm đềm vàng trăng giãi thềm.
Từng giờ buồn trông phố vắng, thắm hình em qua bóng đêm ...”

(Phố Vắng Em Rồi/ Mạnh Phát)

 

            Chiều trôi lặng lẽ và dường như gia nhập vào lòng đêm lúc nào không ai biết. Những cành lá của cây bả đậu vừa nhòe nhoẹt. Chỉ còn những đóm lửa chuyển động trên đôi môi khô khốc như một ánh điện mệt mõi Sài Gòn. Tôi nhớ tha thiết nàng. Nhớ đến một chiều mưa và ngụm cà phê nóng bỏng trong môi. Chiếc áo hở vai và mái tóc cột chặt phía sau thành một cái đuôi nhỏ. Ðôi lúc tôi trêu ghẹo nàng về cái đuôi đó. Nàng cười.

Mọi thứ, bổng như đóm lửa đang trở mình thao thức trên những đầu ngón tay. Mọi thứ đã xa, trong đó nỗi buồn xua đuổi niềm vui ra khỏi bờ cuộc sống. Những ngọn cỏ hấp hối bên đường thương cho cuộc đời ngắn ngủi.

5.

Nhiều khi tôi lẫn lộn giữa mộng và thực. Giữa một tình yêu thời mới lớn và một say đắm cuối đời. Tôi không biết mình có thể bình thản để tham dự vào những tình huống xãy ra với một cảm xúc chân thật. Có những vết thương tự nó lành miệng không cần băng bó. Nhưng cũng có những vết thương không thuốc nào chữa lành. Như buổi sáng nay, tôi ngồi nghe tiếng chim.

Tiếng của những con chim cu đất buổi sáng ở vùng  Nam Texas lúc nào cũng buồn và gợi cho chúng ta nhớ về thời niên thiếu an bình… Tiếng chim kêu rời rạc và lọt thõm vào vũng nắng rưng rưng, nghe như tiếng rớt đòi đoạn của một nhịp vọng cổ miền Nam. Người ta nói quá khứ không lớn lao nhưng nó làm nặng trái tim những kẻ luu vong. Bao nhiêu năm đổi đời dâu biển, tôi vẫn ủ chật một tiếng cười trong lòng. Ðàng sau tiếng cười đó là một cuộc tình phờ phạc. Trong khi nàng đã không còn giữ lại một chút gì để mang theo khi về nhà chồng. Nàng đốt tất cả hình ảnh, thư từ và những bài thơ tôi viết cho riêng nàng. Những món quà lưu niệm tôi làm cho nàng chắc cũng bị nàng tiêu hủy (một con bướm, một đóa phượng khô được ép vào quyển lưu bút). Nàng xóa sạch những chứng cứ như một can phạm xóa sạch những vết tích khi rời khỏi phạm trường.

Dẫu sao, đó vẫn là một thứ tro quá khứ của tình yêu mà tôi không muốn quên. Không thể quên. Và dù bây giờ tôi không còn đi bên cạnh nàng, không còn nhìn thấy lại đôi mắt rực lữa của thời mà hai thân thể bị cuốn hút vào nhau, nơi căn gác trọ nghèo nàn cạnh khu gia binh. Và những câu thơ của một mùa không ngủ…

PNY

 

No comments:

Post a Comment