Monday, March 31, 2014

CHUYỆN KỂ TỪ HỒI ỨC

PHAN KIM NGỌC

Tui ra trường với tuổi 20, lên đường ra trận tuyến với cục phấn và cái đầu học trò, tôi sống và lớn lên ở thành thị, thế mà khăn gói về nơi gió núi non, đồng lầy trũng nước...

Ngày đầu tiên nhận nhiệm sở là một lớp học đầy đủ thành phần để có những hỉ nộ ái ố không thiếu một thứ gì. Lớp năm là lớp lớn nhất trường mà học trò nơi đây có cả những em mười bảy, mươi tám tuổi, nghĩa là cô giáo chỉ nhĩnh hơn một tí tị thời gian ra đời.

Trên bục giảng, nhìn xuống những cái đầu tóc ngắn, tóc dài, tóc đỏ hoe hoe vì cháy nắng, học trò lao xao làm cô giáo cũng có đôi chút...khớp. nhưng mà không, tinh thần vãn hồi lập tức khi nhớ lời thầy ờ giảng trường Sư Phạm: đứng trước đám đông, cứ tưởng như nhìn những quả dừa khô, dưa hấu là tâm hồn an bình, lời giảng sẽ tuôn ra thao thao bất tuyệt! Có vậy!

Vậy là thầy trò ta đã làm quen bằng cách đó: những con mắt hiếu kỳ của bọn trẻ, cùng những lời thân ái ban đầu mà thầy trò tui quen nhau. 

Ngày qua ngày, thầy trò thân thiết hơn, thầy mang ánh sáng văn minh tới cho bọn trẻ, trò mang tấm chân tình nồng ấm dân quê đến cho thầy. Một năm gần gũi học trò nơi miền núi hóc bà tó, quen dần với sinh hoạt theo mùa, tui cũng mở mắt được với cách sống dân dã, gần gũi với mọi người. 

Thời học trò, tui chỉ biết di học, ăn, ngủ và đi chơi, giờ thì con người thành thị của tui cũng được chuyễn hóa, tui cũng biết nấu ăn theo kiểu dân dã...

Thương cho lũ học trò nghèo, mùa nắng đi chẻ đá núi mướn trước giờ đi học, khổ nhứt là mùa nước nổi, vào lớp đứa nào đứa nấy quần ướt nhem vì lội nước tập vở bèo nhèo được gói trong chiếc áo, đến lớp thì giủ áo ra mặc vào... Vậy mà được cái chữ nghĩa, kiến thức mang lại niềm vui trong cuộc sống khó khăn. Có những lúc, cuối tuần, thầy trò cùng nhau đi câu, đặt gió... Miền sông nước, của cải trời cho, cá ơi là cá. Để rồi sau đó thầy trò cùng nhau, nấu canh chua cá chốt với bông điên điễn, cá linh kho lạt, tép rong rim khóm... cùng nhau thưởng thức những bữa cơm thân ái. Có những lúc thầy trò cùng nhau leo núi, mệt bở hơi tai, trèo lên, nhìn xuống mà ngán ngẫm, bọn nhỏ còn bảo cô ơi leo núi chỉ nên niệm: khỏe! khỏe! chứ không được nói mệt 

Có nhiều điều nơi thành thị chẳng biết, ở quê miền núi, có những món ăn lạ rất ngon, chuối sống ngâm trứng kiến như dưa chua, thịt trăn bán thường xuyên ở chợ, món trăn xào xã ớt, nấu cà ri ngon tuyệt vời...

Ủa, đi dạy sao mà chỉ nhớ chuyện ăn uống vui chơi không thôi sao?  Ờ mà cũng phải: Dĩ thực vi tiên mà! và sau một năm chia sẻ kiến thức cùng đám học trò nhỏ, tui đã Dĩ đào vi thượng, từ bỏ nơi bảy núi Xà Tón hiểm trở để trở về đồng bằng sông nước quê hương thứ hai của tui, để bắt đầu cuộc đời nấu cơm cấy, lội ruộng , kéo lưới, làm mắm, làm tương chao, sống cùng XHCN.

Mấy trò ơi, giờ này các em ở phương nào? Thầy trò ta có khi nào gặp lại ? Cô bây giờ ở nơi tít mù xa quê hương xứ sở, các em như những hạt mầm đã nở bung với thời gian tỏa ra khắp chốn. Ông trời dung rủi khi nào ta gặp lại? Có chăng? .

Trong tiềm thức, Thầy trò mình còn đọng lại những buổi đi chơi cuối tuần với cơm rau luộc, cá chốt kho tiêu,  canh chua bông điên điển, tép rang, cơm thơm mùi lúa mới.

Có ai còn nhớ? Thầy đây, trò ở nơi đâu?

Phan Kim Ngọc


No comments:

Post a Comment