Monday, March 31, 2014


HOA NỞ VƯỜN XƯA

CHƠN HIỀN

 


Một lần về kiếm nhà thằng bạn học cũ, tôi có dịp trở lại thăm Xóm Rẫy. Gọi Xóm Rẫy vì suốt trên con đường nầy dân ở đây hầu như sống bằng nghề trồng rau, hoa quả cung cấp cho một phần thành phố. Xóm coi bộ vắng vẻ, thưa thớt vì nhà ai cũng có đất, nhà cách nhà bởi những hàng rào kẽm gai, lưới B40 hoặc bằng tôn che rất dài, nhà ai cũng nhỏ vừa, đủ ở, nằm lọt thỏm giữa vườn rau hay hoa trái. Con đường đất nhỏ khi xưa giờ đã thành một con đường nhựa rộng, sạch sẽ. Những khu đất buồn, những gian nhà nhỏ cũ kỹ nằm khiêm tốn trong những thửa đất trồng hoa màu giờ đã vươn vai thành những ngôi biệt thự kín cổng cao tường, có nơi đã là những nhà hàng rộng thoáng mát, phục vụ những món đặc sản… trong sân, xe máy, xe hơi ra vào tấp nập… Bây giờ dân trong khu vực nầy không còn ai làm… rẫy nữa rồi. Cuộc sống đã rất khác xưa, cái Xóm Rẫy nhỏ buồn có nhà thằng bạn tôi một thời tuổi nhỏ là nơi tôi rất thích đã thành khu phố.

Tôi vẫn nhớ căn nhà mái tôn khiêm tốn nằm trong một khu đất thật rộng, ba mẹ nó trồng đủ loại hoa màu: dưa leo, cà chua, khổ qua, bầu, bí, các loại rau và có cả những vạt đất trồng hoa vạn thọ vàng, hoa mào gà tím đỏ lẫn hoa hồng, hoa cúc rực rỡ sắc màu mỗi mùa Tết đến. Ở thành phố nhưng khi vào nhà nó, tôi cứ ngỡ mình đang ở giữa làng quê. Những ngày ôn bài chuẩn bị cho các kỳ thi Lục cá nguyệt hay dịp nghỉ hè, tôi vẫn thường xin cha mẹ cho lên nhà nó để cùng học bài hay chơi như đi nghỉ… mát vậy. Tôi thích nhất buổi sáng thức dậy sớm (một chuyện khó làm với tôi, dù cái đồng hồ reo inh ỏi bên tai) bởi  tiếng lũ gà trống ta trong vườn nhà hắn gáy te tét, không sát bên tai vậy mà đánh thức tôi thật nhanh. Hắn cũng vậy, phải thức dậy sớm để còn phụ xách nước tưới rau giùm cho ba mẹ nữa … chẳng gì thì hắn cũng là thằng con trai lớn trong nhà, chứ thật ra ba hắn đã dành làm mọi thứ rồi. (Nghĩ lại mới thấy rõ sự hy sinh vô bờ của cha mẹ, nhìn hắn đến trường tươm tất áo trắng quần xanh sạch sẽ, đâu ai ngờ ba mẹ hắn vất vả đến chai sạn tay chân trong mảnh đất rộng nầy với biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để đổi lấy sự no đủ cho gia đình). Chỉ có ở đây tôi mới được vươn vai hít thở cái không khí trong lành, mát dịu nghe chừng như có hơi nước trong gió sớm, dưới bầu trời xanh bao la lồng lộng... Đứng giữa một màu xanh mơn mởn của rau và hoa lá, thỉnh thoảng nghe mấy anh gà trống vỗ cánh phành phạch rồi ngữa cổ gáy vang ra oai, bên cạnh mấy chị mái tơ tròn “cục … cục” gọi con, tôi thích thú lắm. Nhà tôi giữa phố,chỉ nhà là nhà ngột ngạt làm sao.

Vừa chạy xe, vừa miên man nghĩ ngợi, tôi đã vụt qua cổng nhà thằng bạn mất mấy căn. Nhìn số nhà người ta tôi mới giật mình quay lại. Đây rồi! Một bức tường dài những mười mấy mét, cánh cổng sắt sơn màu rêu cũ quen quen. ”Cái thằng, hình như không muốn làm mới cuộc đời chút nào”. Tôi nghĩ vậy và đẩy xe qua hai cánh cổng cũ mở sẵn, bây giờ hắn ở nhà kinh doanh cây kiểng mà, gần Tết chắc khấm khá và bận rộn lắm đây. Mấy chú chó hực hực nhảy ra đủ làm khách chồn chân đợi chủ, không dám xăng xái nhanh bước, chứ không có vẻ gì hung dữ lắm.

- Kiếm gì vậy anh? Lan hay kiểng?

- Kiếm thằng Tiến chớ không lan huệ gì hết.

Thằng bạn tôi, chẳng khác một ông già, còm ròm ốm nhách, cái đầu hói còn một ít tóc phơ phất bạc trắng. (mà sao nó giống hệt ba nó mấy mươi năm trước, tôi không thể lầm được) hơi chựng lại khi nghe câu trả lời của tôi. Nó đưa tay sửa lại cặp mắt kính, buông cây kéo tỉa cây xuống thành chậu bonsai, phủi hai bàn tay rồi bước tới trong khi tôi loay hoay chống xe.

- Tui… là Tiến… đây. Nhưng… trời đất ơi! Phải mầy hông? Thằng quỉ!

Tiến lao tới, hai bàn tay xương của nó đập bồm bộp vào vai tôi rõ đau.

- Thằng quỉ, quá trời lâu, mấy chục năm rồi, mầy biến đi đâu vậy?

- Thì đi làm ăn chứ lấy gì sống mậy?

- Mầy giống y ông già hồi xưa… với cái dáng đi chấm phẩy của mầy nữa, tao nhìn ra liền.

Tiến cười hềnh hệch, cái miệng móm thiếu… răng làm nó già quá đỗi:

- Còn mầy, cũng vẫn tròn tròn, ngâm ngâm, cái mặt chữ điền, cặp lông mày như hai con sâu rọm, cái giọng nửa Bắc nửa Nam, tao nhớ ra liền.

Hai thằng tôi không nói ra nhưng đều xúc động như nhau. Tiến kéo tay tôi về phía chiếc bàn đá tròn bên góc sân.

- Ngồi đây đi, đợi tao lấy bình trà.

Tôi làm bộ, tằng hắng mấy tiếng:

- Rượu chứ trà gì mậy?

Tiến cười hiền trông thật tội nghiệp, tưởng tôi nói thật, nó giả lã:

- Tao bị bao tử, không dám rượu, thuốc gì hết mầy ơi.

Tôi cười ha hả:

- Nói giỡn phá mầy chớ tao cũng vậy, miễn rượu, miễn thuốc, thỉnh thoảng vài lon bia đỡ ghiền chứ cũng bị tai biến hết một lần, tim hở, bao tử loét, huyết áp cao…

- Ờ… già rồi, cái máy sáu chục năm rồi, phải hỏng hóc chứ sao! Đứa nào cũng vậy.

Tôi ngồi nhìn căn nhà, đã được xây lại nhưng chắc cũng lâu rồi vì có vẻ cũ kỹ, không phải lối kiến trúc mới bây giờ. Cái sân đất rộng khi trước đã tráng xi măng, đầy đặc những chậu lan dendro, hồ điệp, cattleya, moncara, đủ màu treo kín trên những giàn sắt. Rồi nào là dương xỉ Pháp, cây thiết mộc lan, kim phát tài, huệ đỏ, mai vàng, mai chiếu thủy đủ loại, trúc Quan âm… Ôi thôi đủ thứ… Những chậu đất, mớ móc kẽm, thuốc phun, nằm một góc ngổn ngang, đằng kia lại là mấy bao than, cái cân đồng hồ… chắc để bán cho khách trồng lan… Kế bên là chiếc Honda 81 màu rêu cũ (tôi nghĩ: “chắc để Hoa chạy đỡ bị hỏi bằng lái”)

Bên góc phải sân, mấy cái lu sành lớn, vẫn có một cái gáo dừa để múc nước, sát dẫy lu sành còn một cái giàn được hàn bằng mấy tấm lưới sắt dành úp chén bát phơi nắng như xưa. Tôi phì cười: ”Cái thằng…”.

Tiến trở ra, một tay cầm bình trà, một tay kẹp hai cái tách, vừa đi vừa nói:

- Bà xã tao đi chợ, chưa nấu nước gì hết trơn. Mấy bữa nay cũng lu bu đi giao hàng cho người ta nữa… Gần Tết rồi mệt quá, may mà tao chỉ bán sỉ.

- Uống nước lọc cũng được mà.

- Không, tao pha trà rồi, có cái ấm siêu tốc, nấu nước sôi lẹ lắm.

Chúng tôi ngồi với nhau ôn lại bao nhiêu chuyện thời xa xưa, thuở còn mài đủng quần trên ghế nhà trường, nhắc chuyện những ngày tôi được lên đây ôn bài, nhắc ba mẹ Tiến… Mọi người đều đã đi xa, ba mẹ tôi cũng thế. Hỏi thăm nhau mới biết, Tiến chưa gã cưới đứa nào. Con gái lớn của nó mới tốt nghiệp bác sĩ Nha khoa, thằng sau mới năm thứ hai Kiến trúc, cả hai đứa con đều còn ở SaiGon. Hai vợ chồng nó ở đây một mình buôn bán lan và cây kiểng. Tôi nói:

- Mà sao mầy ốm quá vậy? Làm một mình hả? Có bị bệnh gì nữa không vậy? Phải có người phụ chớ! Ừ, mà mầy có hay lên mạng không, bạn bè mình đi tứ tán nhưng nhờ internet thường xuyên liên lạc cũng vui lắm, mầy cho tao cái địa chỉ email của mầy đi.

Tiến cầm chung trà hớp một ngụm rồi cười hiền, vừa đưa tay gãi đầu vừa nói:

- Cha, bữa nay uống trà gặp bạn thấy ngon quá. Ờ thì cái bao tử tao nó có tì rồi, làm sao mập. Mà bà xã tao còn tệ hơn tao nữa, bả không biết chạy xe Honda, mắt yếu, cái chân bị giãn tĩnh mạch, rồi khớp nữa, đi đâu cũng phải có người chở. Có hai thằng cháu phụ việc, lái xe bỏ hàng đó chớ, nó chở “bả” đi, tao ở nhà vừa tưới tắm, vừa ngó hàng đây… Ngồi chơi chút đi, đợi “bả” về, tao dẫn mầy vô nhà với ra đàng sau chơi, coi cái vựa kiểng của tao. Còn internet hả? nói thiệt tao không có rành, nên không xài…Còn cái di động chỉ biết nghe và gọi.  Tại buôn bán nên cần chớ không thì…

Rồi Tiến cười móm mém như biện minh cho cái sự quá lạc hậu của mình. Tôi thì cụt hứng vì tính rút cái di động để lưu số và địa chỉ email của hắn, tôi buột miệng: ”Mầy nói thiệt hả? Thằng khỉ?”

Vừa khi ấy, vợ Tiến về đến. Thoạt nhìn, tôi cũng hơi giật mình, trông bà xã Tiến khác xa vợ tôi quá. Thật cũng ra dáng một … bà già. Tôi không ngờ đây là Hoa bạn học với vợ tôi ngày nào cùng chung trường , chung lớp. Hoa đứng ngây người, nheo nheo đôi mắt nhìn tôi trân trối, khi nghe Tiến bảo: “Anh Quế, chồng của Hạnh bạn má nó đó!” Lúc đó, Hoa reo lên: ”Trời đất, mắt em tệ quá nhìn không ra, lâu dữ ha!.. Ủa? Còn Hạnh đâu, anh hông dẫn nó theo hả? Anh nhìn cũng không khác mấy, có vẻ còn phát tướng nữa đó nghe. Hạnh thì sao hả anh Quế? Mấy đứa nhỏ có chồng rồi anh được mấy cháu ngoại?

Đúng là Hoa, vẫn liến thoắng như hồi nào có điều sao mà nhìn lam lũ quá!

Hoa niềm nở rủ tôi ở lại ăn cơm, rồi quay sang nói với chồng:

- Ba dẫn anh Quế vô nhà đi, để thằng Thọ, thằng Tứ coi hàng, em đi nấu cơm sớm.

Tiến dẫn tôi vào nhà bằng gian bên hông. Cửa phòng khách vẫn đóng kín. Tiến mở cửa sổ, kéo tấm rèm che nắng:

- Ngồi đi Quế.

- Để tao đốt nhang cho ông bà già.

- Ừ. Tiến có vẻ xúc động, bước đến bên tủ thờ lấy hương thắp cho tôi, vừa bật quẹt vừa nói:

- Nghĩ lẹ thiệt, mới đó mà mấy chục năm.

Tôi đảo mắt nhìn gian phòng khách, lối bố trí vẫn như xưa, vẫn cái Trang thờ Phật trên cao, dưới là tủ thờ ông bà. Giờ thêm ba mẹ Tiến. Bộ lư và chân đèn to đùng bằng đồng bề thế đã được chùi sáng bóng cắm hai cây nến đỏ thật trang nghiêm. Trên bàn thờ đã có dưa hấu, bánh chưng lẫn bánh tét. Hai cái độc bình chưng vạn thọ và hoa cúc vàng sáng bừng ấm áp. Bộ bàn ghế bằng gỗ thời ba mẹ Tiến, có lẽ được đánh “vẹc ni”lại chứ không phun pu như kiểu bây giờ, được lau chùi lên nước. Hai chiếc tủ chưng ly chén kiểu cũng y như vậy. Cái quạt máy bằng sắt thời trước 1975 được sơn lại vẫn sạch mới. Bên góc nhà, cái “đi văng” vẫn chễm chệ. Nhớ ngày trước, trưa trưa có lúc hai đứa tôi vẫn ngồi dựa tường ôn bài trên đấy… Hình như đồ đạc trong nhà Tiến không có gì đổi mới nhiều trừ cái ti vi và đầu máy…

- Cha…Nhìn bàn thờ thấy Tết quá ha!

Tiến như đọc thấy suy nghĩ của tôi, hắn cười nói: ”Vợ tao nó vậy đó, bàn thờ lúc nào cũng phải sạch sẽ, bông hoa, bánh trái, làm như sợ ông bà già đói. Còn đồ đạc trong nhà xài mấy chục năm, không hư hao gì tao cứ thích giữ không thích thay đổi, ba cái đồ điện tao phải xài máy biến điện, toàn 110 mà điện bây giờ 220. Tao thấy nó như bạn, thêm nữa thương ông bà già chắt chiu mới sắm được nên… ”

Tôi hiểu điều Tiến nói, hắn là thằng sống rất thủy chung mà.

- Ừ… Tao thấy mấy món cũ nầy vẫn còn tốt quá chứ, đồ cổ có giá lắm nha mậy!

Tôi pha trò cho vui, Tiến cũng cười: “Ừ… Nhưng có giá mấy tao cũng không bán”.

Bỗng …”bíng! bòong! bíng! boong!”. Tiếng chuông ấm áp, quen thuộc bao nhiêu năm bất chợt vang lên báo hiệu 12 giờ trưa, tôi nhìn cái đồng hồ hiệu ODO treo trên tường có thằng người bên trong đang gõ chuông báo giờ.

- Ai cha, tao khoái cái đồng hồ nầy lắm nghe.

- Tao đem chùi dầu lại, vẫn xài ngon, mà mấy tiệm đồng hồ gạ tao bán hoài đó chứ. Sao tao không thích đồ điện tử mầy ơi!

- Tao thì phải xài đồ mới thôi. Có gia đình ra riêng nên phải sắm, chứ không lẽ rinh của ông bà già?

- Ừ. Còn tao thì sống ở căn nhà nầy mấy chục năm rồi. Đất nầy nếu cắt ra bán tao dư sức cất mấy cái nhà nhưng tao không muốn… Thôi…cứ để mấy đứa nhỏ lớn nữa rồi tính..

- Cuộc sống bây giờ nhiều thứ thay đổi cũng hay chứ. Mầy… hoài cổ quá sao tụi nhỏ nó chịu nỗi.

Tiến cười cười: ”Chưa nghe tụi nó ý kiến ý cò gì, mà bà xã tao cũng vậy. Kệ!”

Rồi như phân bua, Tiến nói tiếp: ”Không biết mầy sao, chứ bây giờ già rồi, tao hay lên Chùa, chỗ gửi ba má tao trên đó làm công quả. Tao cũng hay nghe thuyết pháp, thấy cuộc đời nầy nó vô thường quá, thôi cứ sống bình thường, chơn chất, kiếm miếng ăn, lo cho con cái nên người, nhà mình vậy là có phước hơn khối người, tao chẳng suy nghĩ, tính toán gì hơn… Trời cho tới đâu biết tới đó.”

Tôi ngạc nhiên khi nghe thằng bạn phát biểu, nó hiền thì hiền thật nhưng hồi trẻ chưa bao giờ nghe nó nói đến Trời, Phật, chùa chiền dù ba mẹ nó là Phật tử.

- Thôi, mời hai ông ra ăn cơm nè.

Tiếng Hoa gọi chúng tôi bên ngoài. Bữa cơm giản dị với thịt kho Tàu, bông bí xào và canh măng nhưng thật ngon. Tôi lại chợt nhớ mâm cơm của những ngày xưa ở nhà Tiến với đầy đủ rau củ tươi ngon. Mẹ Tiến chế biến rất tài tình với những thứ có sẵn trong vườn nhà. Tôi ăn gì cũng thấy khoái khẩu.

Vừa ăn, Tiến vừa chỉ tôi nhìn ra khoảnh đất dài sâu đằng sau nhà bếp và phòng ăn. Tiến nói đúng thật, miếng đất dài rộng có thể cất được bốn căn nhà, Tiến đang để đầy các loại cây kiểng, lan và những chậu trồng cây đủ kiểu lớn nhỏ. Chăm sóc mớ cây nầy đúng là … lên cân sao nỗi, tôi nhìn mà ngán ngẫm cái việc làm vườn. Tiến nói: “Kẹt bây giờ tao làm cái nghề nầy mệt quá ,với lại sợ nó đào bới, chứ sao tao thích nuôi mấy bầy gà thả trong vườn, trưa trưa nghe gà trống ta nó gáy thích làm sao! Tao vẫn thương cái tiếng gáy ban trưa của nó lắm”

Hoa cũng nói: “Ừ. Ba nói đúng đó, em cũng thích nghe gà gáy ban trưa, anh Quế thấy mấy cái lu với cái gáo dừa của em không? Em thích xài vậy đó”

Tôi phì cười: “Thấy rồi, y như hồi xưa, nể hai người thiệt, xứng đào xứng kép quá“

Hoa cười nhìn chồng bằng đôi mắt hiền trìu mến. Tôi như thấy lại hình ảnh ba mẹ Tiến thuở nào. Hai người bạn của tôi sao như “một cặp vợ chồng bảy mươi”, già mà chan chứa yêu thương. Tự dưng tôi thấy thương và mừng cho bọn họ. Sống một cuộc đời bình an, không bon chen, tha thiết gì với mọi thứ đang hối hả hiện giờ cũng hay đấy chứ? Đỡ căng thẳng, đỡ nghĩ suy, đỡ phải… ”stress”… Với họ, nhịp sống vẫn bình thản như một dòng sông quê hiền hòa, lặng lờ trôi giữa hai bờ rợp mát bóng cây với khói bếp dịu dàng ấm áp từ những mái tranh dung dị. Một dòng sông bình yên giữa phố phường ồn ào, náo nhiệt. Giữa những gì người ta gọi là hiện đại, là nhịp sống số, bạn tôi vẫn là những ”người của muôn năm cũ” thật bình yên!

C.H

 

 

No comments:

Post a Comment