Thursday, April 3, 2014

gởi lời thăm mùa xuân

văn chương
PHẠM NGŨ YÊN

1.

Những dòng chữ sáng hôm nay ngỡ ngàng như cánh bướm. Chúng đậu xuống trang giấy cũng ngỡ ngàng một thơ dại. Thời mới lớn tôi làm một người lính xa nhà. Việt Hà ngày đó hai mươi tuổi và hồn nhiên như chim. Tôi đứng chôn chân bên đường trong khi những dòng mưa phù phiếm bay ngang thành phố biển. Mưa cũng làm ướt át những cây bàng già nua trước nhà nghĩ mát Công Chức. Cửa sổ xanh, những chấn song yên tỉnh. Đàng sau đó khép kín một chân dung. Khép luôn những giấc mộng.

Mùa màng mang tiếng gió lạnh khô nhưng úa vàng nỗi nhớ. Khóm tường vi bên đường run rẩy như bờ môi đợi nụ hôn lần thứ nhứt. Phải bao nhiêu tháng ngày tôi mới quên được nàng? Quên con phố hẹp chia tay với bàn chân yếu mỏng. Cơn gió nào thổi ngược đường tôi đi?

 

Thời gian tôi trở về làm việc tại trường Truyền Tin, Việt Hà đang đứng coi tiệm với mẹ nàng trong những ngày không đến lớp. Một tiệm bán kem nằm giữa ngả tư Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học. Từ quán của nàng, khách có thể thoải mái vừa ăn kem vừa nhìn ra bốn hướng đường. Hai hướng đi vào chợ và những phố tiệm mang đầy sức sống. Một hướng đi ngược về chân núi. Nơi có một bệnh viện và một sân vận động. Hướng cuối cùng dẫn ra biển. Khách hàng là những người lính gồm đủ thành phần, đủ mọi binh chũng. Vì Vũng Tàu ngày đó là nơi trú đóng của nhiều trại lính và quân trường. Tôi thuộc quân trường Truyền Tin. Mỗi tuần có vài ngày tôi ra ngoài để ngồi đồng nơi quán kem của nàng. Đa số là lính nghèo. Những người lính nghèo sẽ không nói được những gì trước những cô gái đem hồn nhiên và tươi tắn vào đời. Nhiều khi tôi bối rối nhờ gió thay dùm lời tỏ tình. Tôi chỉ là một người lính trẻ nhưng không tự hào vì lon lá. Vậy mà không biết sao Việt Hà lại chịu đi chơi với tôi. Nàng nói rằng Ba Mẹ nàng cảm thông để tôi đưa nàng đi dạo phố. Đôi lần, tôi đã liều lĩnh thắp lên hạnh phúc khi nắm bàn tay của nàng. Mặc kệ những tia nhìn, những xét nét.

Chúng tôi đi bộ một hồi lâu trên đoạn đường ra bãi trước. Qua những Kiosque đang tắm mình dưới màu đèn. Qua những ghế đá nằm bâng khuâng nghe sóng vỗ ngoài xa. Lòng biển cạn đang lố nhố đá ngầm, giống như trò chơi dang dở của người khổng lồ. Những thân dừa run rẫy cành nhánh. Bưu điện có sân rộng nhìn thấy rõ bên trong, nếu là buổi sáng người ta sẽ thấy người phát thơ đang sắp xếp những chồng thư vào trong kệ. Và vài nữ nhân viên đang cúi đầu ghi chép. Một cây bàng trước sân thả bóng mát mỗi ngày như thả những buồn vui hối hả. Đâu đây, tiếng chuông nhà thờ ngân lên.

Nàng theo tôi vào quán cà phê Năm Tròn.

- Lạnh rồi. Nàng nói.

- Nếu Hà không chê áo nghèo của lính, thì anh cho mượn…

Tôi cởi chiếc Jacket nhà binh khoác lên vai nàng. Nàng bé nhỏ trông thấy. Mái tóc bay ngược về phía sau, giống như một cánh dơi đêm đang dẫy dụa. Những ngón tay đài các của nàng nằm trong bàn tay tôi. Ánh mắt của nàng như cười cợt, như dò xét. Có thể những ngày tháng tới của tôi, sẽ không còn bình yên. Tôi kêu cho Việt Hà ly đá chanh muối còn tôi thì vẫn cà phê. Quán đông người và may mắn chúng tôi tìm được chỗ trống. Ly cà phê đắng và nóng làm tôi bị bỏng môi vì vội vàng.

Với tôi, Vũng Tàu là thành phố của một mối tình bèo bọt. Tôi nhìn Việt Hà. Hai gò má hơi cao của nàng hồng lên, mỗi khi nàng nghe những lời khen ngợi của tôi. Người ta nói con gái có gò má cao, thường lận đận tình duyên. Tôi không biết điều đó đúng bao nhiêu. Nhưng lời cầu mong của tôi bây giờ là nàng được suông sẻ tình yêu. Nàng đừng đi qua những tháng năm dài với lòng đầy phù sa để biển trở thành sầu muộn.

Vài chiếc xích lô chở khách vượt qua. Tiếng ồn ào trong quán muốn chạy đuổi theo những vòng bánh xe. Từng miếng buồn vui quấn quít. Có cơn mưa chợt về. Tiếng mưa rời rạc gõ nhịp trên mái quán. Không ầm ĩ nhưng cũng làm lòng ướt át. Những ngăn đời cũng chật theo thương nhớ, mơ hồ.

Ánh điện nửa sáng nửa tối hắt xuống tận chỗ ngồi hai chúng tôi. Có tiếng hát vang lên từ chiếc Radio cũ. Bài Ngày Em Hai Mươi Tuổi. Tôi không biết bài hát có đánh động lòng cô gái, từ một đêm ngỡ ngàng sẫy chân với người lính tầm thường là tôi. Nhưng quả thật nàng đã “hơn hai mươi tuổi, nhưng chưa biết nói yêu người…” Việt Hà uống hết phần nước của mình, muốn về. Chiếc áo lụa khoét hơi sâu ở cổ. Lớp ren mềm ôm khít bờ ngực phập phồng. Có tiếng một con dế ngủ quên vừa trở mình gáy vang trong một hốc đá. Đó là lần cuối tôi ngồi ở cà phê Năm Tròn.

Tôi làm việc ở Trường Truyền Tin chỉ có một vài năm. Vì chán sự gò bó ở quân trường, nhân dịp mùa hè đỏ lửa tôi làm đơn xin Đại tá Vũ Duy Tạo (đang là Chỉ Huy Trưởng quân trường Truyền Tin) chuyển ra Vùng 2. Lúc đó, đối với tôi, thành phố nào cũng được vì tôi chỉ cần ra khỏi nơi đó. Số phận dung rũi khiến tôi lại trở về Đà Lạt. Nơi từng ghi xuống một tình yêu khốc liệt làm nát ngứu một thanh xuân. Tôi sẽ viết chuyện này vào một dịp khác.

 

Riêng Việt Hà, sau 1975 nàng vẫn cùng gia đình buôn bán tại Vũng Tàu. Nhưng đó là chuyện tạm thời.  Chuyện lâu dài là Việt Hà toan tính vượt biên một mình. Một người bạn trai học chung trường mà nàng thân thiết gọi là Bé Tư đã cùng nàng hùn mua một chiếc ghe nhỏ, tự lo bến bãi, tự tìm kiếm phương tiện. Chuyến đi trót lọt và tin tức gởi về làm hài lòng hai gia đình. Nơi dừng chân cuối cùng nơi bến bờ tự do, là Sydney, Australia.

Mọi thứ với tôi, gần như mất dấu.  Khi tình yêu trở thành một xác lá ngủ vùi, thì màu xanh người ta sẽ khó lòng tìm lại.

Mới đó mà đã gần 40 năm. Từng trang giấy đời lem luốt màu thời gian mỗi ngày lật qua với lòng rười rượi buồn. Tôi vẫn đi trên bốn phía cuộc đời, trong khi nàng như một dòng sông chảy yên giữa hai bờ nông cạn.

 

Khi rời Vũng Tàu và xa Việt Hà, tôi không biết có bao giờ nàng chịu nhớ đến tôi, người đàn ông không còn trẻ đang sưởi ấm nỗi nhớ già nua bằng giá rét trong lòng. Nơi ngôi nhà đường Heatherglen, tại thành phố Austin, tiểu bang Texas, tôi hồi tưởng lại những đam mê ngào ngạt. Nơi những cửa bể mù lòa, bao lòng thuyền vừa mất hướng. Người con gái dấu giữa môi hôn một âm phách kiêu kỳ.

Ước gì những giấc mơ đến không giống như cuộc đời. Giấc mơ thì quá rộng, cuộc đời thì chật, nên đầy những nỗi buồn. Những tình yêu mang dấu vết thơ dại, giống như mưa bóng mây. Bây giờ, nhìn lui lại, tôi với Việt Hà cùng chung một quá khứ, và cùng lớn lên theo những dâu bể, nhưng hình như giữa tôi và nàng chưa nhìn thấy nhau. Tôi và nàng nhìn qua vai nghe cơn mưa khát trong nhau từ thủa trước. Giống như hai phía địa cầu. Nơi tôi mùa hè, nơi nàng là mùa đông. Tôi từng có thời gian ngồi tìm kiếm một dấu vết của Việt Hà, sau những buồn vui phiêu bạt, lòng thầm mong biết về nàng có còn như lá xanh? Tôi không biết mỗi ngày nhìn vào gương soi, có khi nào nàng thấy thiếu vắng một điều gì đó? Còn tôi, từng có nhiều buổi sáng nghe tiếng chim sau vườn, âm vọng rã rời như nhắc về một trống trải. Trên trang vở đời, tình yêu giữa tôi và nàng được viết xuống, nhưng bằng những nét chữ không ngay hàng mà lấm lem vết mực. Tôi nhủ lòng mình đừng buồn. Những bờ cỏ xanh hổn hển giọt sương khuya. Căn phòng đêm không nhốt hết gió lùa. Những lời chia tay bay qua buổi sớm mai...

 

2.

Cách đây một năm, tôi và Quỳnh về thăm lại Việt Nam. Không gian là Vũng Tàu và thời gian là sau những ngày Tết. Hai chúng tôi rảo quanh một vòng hai dãy phố chợ. Đi dọc theo đường Trần Hưng Đạo không chủ đích. Chỉ để ngắm những thay đổi. Dấu vết về một nơi chốn vừa là quán kem, vừa là cà phê không thấy đâu. Những bờ đường mùa xuân tìm không ra cây bàng già. Cũng không thấy một cành sứ vừa ra hoa. Thành phố tôi yêu kỳ lạ ngày nào đang trở mình lo nghĩ. Từng giấc mơ cũng lớn theo thời gian, theo những ngôi nhà cao tầng. Còn chăng quá khứ nằm im dưới những thữa đường đang bóng nắng nhấp nhô.  Mỗi bảng tên đường dấu khép một lời tâm sự.

Quỳnh đi bên tôi, mắt nhìn quanh dè chừng những chiếc xe gắn máy vụt ngang. Mái tóc lòa xòa trước trán, nàng trang sức bằng nụ cười hồn nhiên cùng những bước chân như khiêu vũ. Tháng hai, còn cái rét từ thời tiết mùa đông, tôi nghe bàn tay nàng run trong tay tôi. Cái run, đủ để sau này, khi xa nàng, tôi vẫn cảm nhận được. (Thời gian chúng tôi về VN, thì ở Hoa Kỳ, nơi chúng tôi đang sống đang bị bão tuyết vùi dập. Những cơn gió lạnh từ Bắc Cực thổi xuống làm điêu đứng hai phần ba nước Mỹ. Mọi sinh hoạt bị đình trệ. Các công sở và trường học bị đóng cửa. Chính quyền khuyến cáo người dân nếu không có chuyện cần thiết, nên bớt đi ra ngoài)…

 

Tôi đưa nàng đi ngang ngôi trường cũ. Tôi rời trường quá lâu để cảm nhận được những dấu vết từng bị thời gian bào mòn. Những lớp học chắc già theo tháng năm? Chính vì vậy, bây giờ người ta đã phá bỏ và xây lại thành hai dãy lầu. Từ ngoài đường nhìn vào, màu tường vàng và ngói đỏ mới mẻ như một cô gái xuân thì. Các đầu hồi uốn cong nhìn xuống những bồn hoa óng ả màu gạch. Những lá cỏ như ướt át màu tương tư. Sân trường có thêm nhiều chỗ lát gạch nên nhìn thấy rộng thêm. Những cây điệp khom lưng ngoái nhìn lui một mùa hè. Không biết có còn những con sâu màu xanh rớt xuống vai ai sau những ngày lạnh? Hai cánh cửa sắt kiên cố bắt chết vào 2 cổng xi măng. Từ nơi đó, những chàng trai, những cô gái từ giả phấn trắng bảng đen để đi xuống cuộc đời. Chân họ dẫm lên những phong ba hay chạm vào hạnh phúc? Trong khi biển ngoài kia mỗi ngày âm vọng những lời gió thầm thì.

Nhà Thờ Lớn bên kia đường, nhìn từ Ty Cảnh sát cũ, phân cách với trường bởi hàng rào dâm bụt được cắt tĩa cẩn thận. Ánh nắng mặt trời đang chất ngất trên thềm đá sơn màu vôi trắng. Nơi đó từng ghi xuống những tình yêu một chiều. Từng là chỗ ngồi ủ chật thương đau hay khóc ngất một chân trời. Một nơi chốn ghi dấu những giờ không lớp của đám nam sinh ngồi nhìn theo những gót hồng. Cùng nỗi nhớ nhung bên đường rơi rụng.

Đường Lý Thường Kiệt chạy dài đến xóm Vườn, trước khi đụng quán Cây Duối, là một khu nhà xây cất cho những nữ tu, có tên là Nazareth. Bây giờ có tên mới là nữ tu viện Thánh Phao Lồ. Những cây phượng hối hả ra hoa suốt một mùa hè. Màu hoa cháy đỏ mang theo những điều quen lạ của một thành phố và những tuổi thơ chúng tôi. Biết ai còn ai mất. Ai còn chờ nhau ở phía xa. Nơi những con đường?

 

Chưa một lần Quỳnh biết về Vũng Tàu. Nhưng hình như để nhớ về tôi, nàng đã biết thương từng gốc bàng già nua lớn theo mỗi ấm lạnh tình đời. Từng cây sứ ra hoa trong những ngày giáp Tết. Nàng chưa từng sống ở Vũng Tàu, nhưng tình yêu nàng dành cho tôi giống như sóng, vừa dịu êm vừa dữ dội làm sao.

Sau 3 tuần lễ, Quỳnh vừa chia tay tôi để trở về Hoa Kỳ.  Nàng về trước tôi vì còn có nhiều việc phải về sớm. Những lời phone nũng nịu vừa im bặt bên tai. Đâu rồi tia nhìn nóng bỏng như lửa và những sợi tóc mệt nhoài trên gối. Những cuộc tình tưởng như đã già nua, nhưng thật sự còn rất trẻ. Nàng không kịp nhìn lui lại một tháng giêng ững hồng, từ một mùa xuân vừa đâm chồi gấp gáp.

 

Nàng đi rồi tôi về ở nhà em gái tôi, chờ hết tuần lễ Tết. Nhà nó nằm sâu cuối đường dẫn vào Hang Ông Hổ. Đó là tên gọi ngày xưa. Bây giờ đổi lại thành đường Trần Xuân Độ. Đêm ngủ một mình trong gian nhà hẹp nghe thấy hết tiếng xe gắn máy chạy bên ngoài. Tiếng những người bài bạc chơi khuya về kéo lê dép trên đường. Tiếng ho khan và tiếng khạc nhỗ tùy tiện. Tôi thao thức nhìn lên mái tôn có nhiều rảnh sét mờ ão vì mưa nắng như những đường tàu lạc mất sân ga. Vũng Tàu của đêm về sáng luôn gợi trong lòng tôi nỗi bồi hồi. Khi tháng năm xào xạc trở mình cùng tiếng thở dài của đêm cũng là lúc những nỗi nhớ về nhau hiện về. Mỗi nỗi niềm như một phấn hoa, dù tan vỡ mà vẫn còn thoang thoảng.

Lạ lùng làm sao, khi xa nhau, lúc nào người ta cũng thấy một khoảng trống- mà gió dù nhiều đến đâu cũng không thể lấp đầy- Những cơn gió thổi qua đời nhau lặng lẽ. Cái hơi thở của tình yêu cũng vậy.

Có nhiều cuộc chia tay ráo hoảnh nước mắt và không có kịp môi hôn. Mấy mươi năm trước hay bây giờ đều giống nhau. Vì ngày xưa thì quá trẻ để không dám hôn. Đến khi già thì ngại ngùng. Sợ bị thiên hạ cười.

Có những dự tính không biết nói sao cho vừa? Vì biển ngoài kia dù yên bình, nhưng ẩn dấu trong lòng bão tố. Có những đêm thức khuya, những ngày ngủ muộn. Những ngôi sao dù chạy qua những thiên hà cũ, nhưng vẫn còn lưu lại những vết sáng và những bụi tro. Giống như tình yêu. Nó có khả năng vùi lấp hay làm rực rỡ một kiếp người.

Tôi nhớ buổi sáng trước ngày về của Quỳnh, gió cũng đang thổi ngược về những góc đường nghẹt kín xe cộ. Tôi chưa kịp mở lòng để đón nghe một tiếng chim đang trong trẻo trên đầu. Mọi màu sắc, mọi tiện nghi từng chuẫn bị cho ngày Tết, đang kéo dài vô tận. Người ta dựng lên những bảng hiệu tượng trưng cho một mùa xuân óng ánh, không có đông phai hoặc thu buồn. Những bức tường tráng lệ dưới chân Núi Nhỏ mời gọi khách du lịch. Những biểu tượng mang màu sắc mới mẻ và những hoa văn chạy dài hai bên lộ. Vài đôi tình nhân đứng đợi xe taxi nơi lề đường. Những thịt da phơi bày như trãi nghiệm với đời những hoan lạc. Còn tôi?

Mới đây thôi, tôi còn đứng cùng Quỳnh trước quán Mr. Két, gần nhà Bưu Điện cũ. Một bông sứ trắng lạc lõng nằm yên bên lối đi, may mà chưa bị bàn chân người vùi dập. Tôi cúi xuống nhặt lên với lòng run rẩy buồn. Hình ảnh của quán cà phê Năm Tròn chỉ còn trong ký ức. Khó lòng tìm kiếm được một nơi chốn mang dấu vết thơ dại và rất mong manh ngày nào. Nắng chan hòa làm chói mắt. Cái nắng giống như thuở nào, khi tôi vào đời. Ba người bạn học chung trường, nhưng nhỏ hơn tôi nhiều tuổi ra gặp chúng tôi ở quán để cùng uống cà phê. Người đàn ông tên Báu. Hai người kia là phụ nữ. Một người tên Ái Nhân, một người tên Hồ Mai. Lúc này họ đang loay hoay với máy chụp hình. Cuộc sống vô tình đi qua từng ngày. Đi qua những tròn trịa, những góc cạnh của đời thường và giấc mơ trộn lẫn. Nên cần phải có hình ảnh gì lưu lại (nếu không thì sẽ mất). Mọi người đều cố gắng tươi tỉnh dù lát nửa sẽ chia tay bùi ngùi. Bãi cát sau lưng và một góc biển cạn nước. Những hòn đá hiện hình như trêu chọc. Hình như có một người nào đó đang cắm cúi đào kiếm một miếng hào hay một con ốc giữa mênh mông đất trời. Có còn ai đào kiếm trong hỗn độn và xô bồ của đời sống hôm nay, một chút quá khứ của ngày xưa?

 

3.

Bức ảnh như vậy, trong một bố cục tự nhiên không dàn dựng, vừa đưa lên Face Book, sau khi tôi về Mỹ. Người đưa lên là Ái Nhân. Một cô gái có đôi mắt tròn đen, nghiêm nghị. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì biết thêm tin Việt Hà cũng vừa về thăm Vũng Tàu. Khi tôi ngồi trên chuyến bay về Mỹ, cũng là thời gian Việt Hà bay về Việt Nam. Những nghịch lý luôn tìm cách len lỏi vào hoàn cảnh bình yên, để làm nên nỗi đau thực sự.

Lúc tôi yêu Việt Hà, ba mươi mấy năm về trước, tôi chưa có những nan đề. Tôi chưa từng kinh nghiệm về một lời chia tay. Lòng biển cạn dấu kín tình yêu tôi khi nàng cùng Bé Tư bước chân xuống lòng thuyền. Bao nhiêu nẽo đường nàng đi qua, nhưng tiếng cười nàng gởi lại.

Tôi biết tin nàng qua những người bạn học chung lớp với nàng. Rằng nàng vừa ly thân. Rồi ly dị. Nơi căn phòng dùng làm phòng thẫm mỹ ở một thành phố trong tiểu bang Victoria, nàng đi ra đi vào mỗi ngày trong vai trò một thư ký lấy hẹn cho khách hàng. Từng mùa xuân trôi qua trên các thảo nguyên mượt mà. Nơi những bầy Kangaroo lao xao nhảy qua những hàng cây không biết nói. Những mối tình muộn màng và già nua quá đỗi.

Ngày đó, ai bảo những phu nữ có gò má cao là gian truân chuyện chồng con? Nhưng còn những người đàn ông nhiều phong sương và nợ nần với nhân gian thì sao?

Có những tình yêu tròn trịa nhưng bị chết đuối ngoài biển khơi, dù bão giông chưa hề. Ai đã từng đi qua thãm kịch mới biết.

 

Một đêm, trên trang FB tôi thấy hình ảnh một cuộc họp bạn ở Vũng Tàu. Vài người ngồi trong gian phòng còn lãng đãng màu sắc của Tết. Một bình hoa mai to đùng và những ly rượu mừng Xuân uống nửa chừng. Một hình ảnh làm trái tim tôi thót lại. Việt Hà ngồi giữa những người bạn. (có vài người tôi biết, vài người không). Chiếc áo màu hột gà hay một màu gì tương tự trên thân thể Việt Hà khiến nàng tạo cảm giác cho người nhìn nàng cao và thanh thoát hơn ngày xưa.

Mắt nàng lai láng sắc cầu vòng nơi cửa biển xưa vừa cạn nước. Và nụ cười đang làm cho buổi chiều vui lên. Tôi nhìn nàng, lòng tiếc cho một thời nông nổi.

 

Một đêm, vẫn trên FB, tôi đọc tin nhắn từ nàng. Nàng nhắc tôi về con đường dẫn ra quán cà phê Năm Tròn. Chiếc áo Jacket nhà binh và ly chanh muối trở thành một quá khứ nhiệm mầu.

- Đoạn đường đi của chúng ta ngắn quá phải không? Nàng viết.

- Đúng với Hà. Nhưng rất dài với anh. Tôi trả lời.

- Tại sao?

- Vì Hà rẽ qua đường khác…

- Nhưng em vừa biết tin tức anh.

- Về chuyện gì?

- Anh đã có một bông hồng. Đúng hơn là đang có mùa xuân?

Nàng ám chỉ đến Quỳnh. Người bạn đời muộn màng. Tôi không trả lời thẳng câu hỏi của nàng:

- Hà có biết rằng trước khi có một mùa xuân, anh đã sống bao nhiêu lâu, bao nhiêu tháng ngày không tìm ra phương hướng?

- Đâu có phải là lỗi tại em?

- Anh không phiền trách em. Chỉ phiền trách một trang đời đáng lẽ không nên mở ra.

- Hãy nói cho em nghe có khi nào anh cầu mong em hạnh phúc?

- Anh cầu mong mỗi ngày. Ngay cả khi biết em đang hạnh phúc.

- Anh có hạnh phúc không?

- Hình như…

- Lạ lùng. Anh và Hà cùng đọc một trang sách, nhưng mỗi người hiểu sai một nghĩa.

- Cho nên mới có ngày hôm nay.

Một thoáng im lặng bên kia. Lằn gạch nhỏ đang chớp nháy, ghi dấu Hà đang gõ xuống. Một khuôn mặt cười hiện ra. Nàng đang nhắc nhở tôi niềm vui nào vậy?

Tôi nghĩ về thành phố đang nắng lóe của nàng. Vì nơi tôi bây giờ đang rét căm. Những luồng xe đi về, qua đời nhau, vội vàng. Không một ánh đèn hay một tiếng kèn xe chào hỏi. Nghe đâu đây vọng về lời ca, ngày em hai mươi tuổi.

- “Mùa xuân” của anh đang sống ở Việt Nam hay ở Mỹ?

- Ở Mỹ.

- Vậy thì anh phải cười lên thường xuyên, chớ sao mặt mủi lại khó chịu? (chắc nàng nhìn dung nhan tôi trên Face Book)

- Tại vì cuộc đời nó làm anh thương tổn.

- Nói em nghe đi…

- Đừng. Anh thích nuốt nỗi buồn xuống lòng…

- Vậy thì… Cho em gởi lời thăm mùa xuân… của anh…

 

Tin nhắn của Hà chỉ có bao nhiêu. Nhưng ngào ngạt và ấm áp một giấc mơ.

Suýt chút nửa tôi chúc nàng ngủ ngon, vì nơi nàng bây giờ là ban ngày. (Hai thành phố cách nhau cả một thái bình dương). Mới đó mà đã hai đầu nỗi nhớ. Màu áo trắng nhạt nhòa của nàng nhô lên giữa cuộc vui, từ đàng sau những môi cười bao cuộc đời thao thức? Hà ơi?

Vũng Tàu mùa này đang có gió. Nàng về võn vẹn có vài tuần nhưng đem hết cả mùa Xuân đi…?

PNY

No comments:

Post a Comment