Sunday, June 17, 2012

BIỂN NGỌT


phạm ngũ yên

1.

“Bóng xoài ba tôi mắc võng
Sáng chiều hai hướng chờ mong
Con ở thị thành nắng bỏng
Bóng xoài mát đến con không?

Vỡ òa bước chân trẻ dại
Tôi quỳ khóc với rơm khô
Cổ tích từ xưa kể lại:
Còn đây một dấu chân cò”…



Tôi không biết câu thơ của ai, nhưng lời thơ đang chạm vào lòng tôi buổi sáng mai hôm nay. Như tiếng chim kêu qua một lòng trống vắng.

Năm tôi sáu tuổi đã biết dựa lưng vào nổi buồn mất cha để nhìn ra cuộc đời trước mặt. Sáu tuổi đã biết mùi vị cô đơn và thèm một hơi ấm phụ tử.

Ðầu thập niên năm mươi, người Pháp dùng Vũng Tàu làm nơi nghỉ mát cuối tuần- Có một nhà ăn giống như một Câu lạc bộ nằm bên cạnh sân vận động Lam Sơn, dưới chân Núi Lớn, góc đường Thành Thái và Thủ Khoa Huân sau này. Nơi mỗi đêm Ba tôi làm phụ bếp.

Một đêm, những “người phía bên kia” về tấn công Câu Lạc Bộ. Họ tàn sát tận tình những “kẻ thù da trắng” và chiếu cố luôn những thường dân vô tội da vàng. Họ tàn sát thẳng tay những ai có mặt trên con đường họ đi qua với chủ trương thà giết lầm hơn bỏ sót.

Những người chủ động cuộc thảm sát đa số có gốc gác từ xã Long Ðiền, Bà Rịa. Sau này lớn lên, có một lần Mẹ tôi nói cho tôi biết đêm đó có vài người là người quen của Ba tôi. Người ta đưa Mẹ tôi đi nhận diện xác chồng. Giữa mấy chị em thao thức trong đêm xãy ra biến cố chỉ có mình tôi được bà dẫn theo- một phần vì tôi luôn kề cận bà- một phần vì tôi là con trai lớn. Chính vì vậy mà sau này trong tất cả chị em tôi chỉ có tôi là người còn giữ lại trong tâm hồn một dấu ấn về sự phi lý của chiến tranh. Như một tờ giấy trắng bị bôi lem vết mực đầu đời.

Ðêm đen tối hãi hùng, nhưng Mẹ tôi không còn biết sợ. Bà len lỏi giữa những người bị thương đang nằm, chờ xe cứu thương tới, để tìm kiếm Ba tôi, lòng hi vọng có ông trong số những người sống sót. Nhưng không một ai thấy ông. Vì chỗ của ông chìm khuất trong một góc tối cùng với những người chết. Tất cả đều được phủ kín sơ sài bằng những tấm khăn trải bàn ăn. Và khi giở đúng một tấm khăn để kịp nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc của Ba tôi, bà sững sờ hồi lâu trườc khi òa khóc. Tôi cũng khóc theo.

Trời gần sáng, Ông bà ngoại tôi và cậu Sáu tôi hay tin từ Long Ðiền quá giang xe đò chạy qua để lo việc tẫn liệm. Vì mẹ con tôi đều không biết làm gì ngoại trừ ngồi khóc. Tôi cố nén tiếng khóc của mình (vì thật tình lúc đó tôi cảm thấy xấu hổ nếu để ai thấy tôi mềm lòng và khóc giống như con gái). Ðến khi không còn nén được, tôi tìm một nơi để tự dỗ dành mình. Dưới mái hiên sau hè, đêm tối mê muội những vì sao trên đầu và vành khăn tang vội vàng không che hết cơn mưa phùn tháng sáu. Tôi đứng khóc một mình để nhớ Ba tôi.

Người đàn ông ba mươi ba tuổi không có kịp một ước mơ ngày còn sống. Nếu có chắc cũng còm cõi như thân hình ông. Tôi nhớ ông, nhớ những buổi chiều, ông thường chở tôi ngồi phía trước xe đạp chạy một vòng bãi biển. Ngày đó chỉ có một kiểu xe đạp đàn ông có một thanh sắt tròn nối liền từ cổ xe đến yên xe. Chưa có những chiếc xe đạp nữ thuôn thả mượt mà có chỗ ngồi phía sau. Chưa có xe đạp Peugeot và cũng chưa từng có xe đạp Phượng Hoàng. Tôi được đặt ngồi trên thanh sắt “đòn vông” đó, hai chân xuôi về một bên. Ðể tạo thêm cho tôi sự thoải mái, ông chêm thêm một chiếc gối bên dưới. Và từ thân ngang chiếc đòn vông xe, hai bàn tay tôi nắm chặt ghi đông. Dưới vạt áo ngực ba tôi và dưới những hơi thở rộn ràng, tôi nhìn xuống những vòng quay êm đềm của bánh xe, trái tim tôi tròn trịa những nan hoa hạnh phúc đầu đời.

Ðó là những gì tôi còn nhớ về ông, trong ký ức mờ nhạt của đứa bé sáu tuổi. Không phải ai lớn lên cũng đều có cùng chung một nỗi bất hạnh. Nhưng tôi biết chắc mọi kích thước đau khổ đều giống nhau.

Ðứa bé ngồi khóc trước rơm khô ở bài thơ trên, hay tôi ngồi trên xe đạp của Ba tôi lúc bấy giờ, đều an lòng đi qua những hiểm nguy đến tận cùng trời cuối đất. Mỗi người con đều mang trong tâm hồn niên thiếu của mình những an bình của biển gió mênh mông buổi chiều hay mặt trời buổi sáng. Tiếng sóng đập hồn nhiên vào bờ đá bên đường, như tuổi thơ hồn nhiên của tôi lớn lên mỗi ngày. Gió biển ngược đường xe đi, thổi mát vầng trán Ba, ngào ngạt từng góc lòng mộng mị.

Đôi khi tôi được ngồi sau lưng ba, trên một chiếc yên quấn bằng vải sơ sài. Đàng sau chiếc lưng ốm o kia, những oan khiên và bất trắc dường như không hề chạm đến tôi. Chỉ còn lại hạnh phúc trở mình như nhánh sông không từng biết khổ đau vì phù sa. Vì bụi bậm.

Nói về công lao Cha Mẹ sẽ không bao giờ nói đủ. Cho dù chúng ta viết trăm pho nghìn quyển- Cho dù mọi dòng mực sẽ khô cạn trong những nghiên đời. Không có bệ phóng nào chịu đựng được hết khổ đau của họ để tung tãi lên cuộc đời những vinh danh. Và chúng ta sẽ học biết từ đó sự hi sinh lặng tăm nhưng óng ả những tinh cầu.

2.

Năm tôi giải ngũ về, nhìn lại biển của ngày nào. Cơn sóng vẫn vô tư vỗ vào ghềnh đá và cuối cùng thì mất tăm trên bờ cát lạnh lùng. Chưa phải mùa thu để những chiếc lá bàng rơi trên lề đường dành cho người đi bộ. Vài cánh chim hải âu đang đùa nghịch trên những đám rong trôi giạt lên bờ. Con đường trải nhựa mà ba tôi chở tôi ngày xưa đã có triệu chứng suy sụp vì thời gian. Chỉ có gió là vẫn mát rượi. Vẫn phơi phóng một niềm tự hào của biển. Những bờ đường mùa hè không có lửa nhưng có tiếng ve kêu vang những điệp khúc học trò. Rất ít khi có xe đạp đi qua vì những chiếc xe hai bánh “thô sơ” dần dà không còn trong thời đại mới. Thảng hoặc nếu có chỉ để trang trí trên một vài trang sách mang dấu vết học đường. Lạ lùng làm sao, có một người đàn ông úp mặt vào tay dấu nỗi đau đầm đìa.

Tôi không cần nhớ về một góc thời gian chật hẹp nhưng lồng lộng gió sớm. Vì tất cả tự nó sẽ ùa đến. Mùi hoa sứ ràn rụa bên khứu giác và hương thơm bồng bế những quá khứ- như cánh tay của ba tôi ngày nào nâng tôi lên giỏ ngồi của xe. Những nan xe xoay vòng chóng mặt.

Khi bạn không còn một người cha hay người mẹ trong đời, bạn sẽ thấy khổ sở để được trưởng thành. Nhưng những nhạc sĩ hơi bất công khi cứ viết về Mẹ mà ít khi nói đến Cha. Y Vân viết “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình”... Còn lòng Cha thì sao? Cha cũng lớn lao rời rộng trên từng tuổi thơ. Cha cũng có chỗ đứng ngọt ngào bên những cột mốc đời con trẻ.

Tôi qua hết Tiểu Học. Qua hết Trung Học và đi xuống cuộc đời không có Ba bên cạnh. Ðã bao nhiêu người con trong cuộc đời nầy không có Cha đã tự gượng dậy đứng trên những chông chênh?  Những dâu bể ngậm ngùi?

Khi tôi hiểu về cuộc đời với mọi ngọn ngành khúc nôi thì tất cả đều rất muộn. Mọi cành nhánh mùa đông từng hốc hác không biêt đến việc đâm chồi? Những em bé xuống đường mang trên vai “khăn quàng đỏ” không còn biết tôn sùng một ai khác ngoài tôn sùng lảnh tụ. Người đàn ông lạ lùng mang nhân dáng khả nghi đầy râu ria không dính líu gì đến ơn nghĩa sinh thành bỗng dưng chễm chệ trong lòng các em.

3.

Mẹ tôi kể lại rằng ba tôi không biết chữ. Thời niên thiếu ba tôi sống trên ruộng đồng bên nội. Ông không có cơ hội đến trường, không có dịp làm quen với sách vở. Cho đến ngày ông gặp Mẹ tôi, một cô gái cũng quê mùa nhưng học hành hơn ông chút đỉnh. Nên khi nghe tin tôi được vào học lớp năm (lớp 1 bây giờ) ba tôi mừng vô cùng. Buổi chiều trước khi đi làm ông chở tôi vòng quanh biển, vừa khoe xe đạp, vừa trải lòng ra đón nhận thành tích của con. Nhiều khi xe đang chạy, bị xẹp bánh, ông đặt tôi ngồi bên đường, hì hụt tự mình vá xe. Ngày đó không có những chỗ vá xe đạp như bây giờ. Dụng cụ sửa xe được ông treo thường xuyên sau yên xe. Những lúc đó tôi nhìn mông lung ra biển, không biết tại sao ba tôi biết nhiều việc như vậy. Dưới mắt tôi, ông là một người đàn ông kỳ diệu không thể thay thế trong cuộc đời.

Hơi thở của mùa hè thổi qua tuổi thơ tôi. Những tiếng chim cứ hót mãi vào tim. Cùng những cánh bướm luôn bay từng đôi trên những lá cỏ màu ngọc bích. Những lúc như vậy, má tôi nôn nóng đợi chờ cha con tôi bên mâm cơm ở nhà.

Tôi không mang theo trong ký ức nhiều về ba tôi. Thật tình mà nói tôi chỉ sống chung với ông chưa đầy 6 năm. Thời gian không dài đủ để trí nhớ tôi sâu đậm những đường nét rõ ràng về ông. Một lần ông dắt tôi vào xem đá banh. Ba tôi có nhiều đam mê. Mỗi thứ một chút. Nên không có đam mê nào tròn trịa. Gần cuối trận, có một đường banh đi lạc ra ngoài sân, lao vào hướng tôi ngồi. Ông vội nghiêng người dùng ngực che cho tôi và chận kịp đường banh đi tới. Tôi thấy một bên ngực ông đỏ ửng. Về nhà mẹ tôi cự nự ba và cấm không được mang tôi đi xem đá banh. Nhưng đó là lần cuối vì ông sẽ không còn một cơ hội để cùng đi với tôi.

Ông dừng lại đâu đó mà không đi bên cạnh mẹ tôi hết cuộc đời. Ông chẳng kịp thấy đứa con trai qua hết tuổi học trò rực rỡ mùa trăng… Có những chân trời lạ xa mà ba không đi đến nên suốt đời ông chiêm bao. Tôi từng nhủ với lòng khi lớn khôn, tôi sẽ làm liền lạc giấc mơ của ông bằng khả năng và kiến thức của mình. Như hai dòng sông nhìn nhau mà không thấy một chân trời, tôi sẽ vịn tình yêu vặm vỡ của ông dành cho mẹ con tôi như vịn một nhịp cầu đi tới. Tôi lần tới tương lai trên những sàng sẫy nắng mưa quá khứ.

Mấy chục năm rồi, tôi nghĩ Ba tôi vẫn là một vì sao nhìn xuống lòng biển xưa. Đứa con trai già nua vẫn như một cánh buồm. Chưa về kịp và chưa chất đủ ước mơ ngọt ngào để làm no một lòng thuyền.

4.

Tháng sáu có tin bão thổi về từ Ðại Tây Dương, đang dự tính đi ngang vùng vịnh Mexico. Mùa hè ngổn ngang những góc đời lưu xứ. Mùa hè cũng dài những cơn mưa. Trên phố quen chiều nay thầm nhớ một hồn phượng rưng rưng. Từ nhiều tuần lễ trôi qua tôi không có cơ hội để nhìn những chuyến buýt tạt ngang nhà. Vì đang là mùa bãi trường.

Không khí nóng bức làm người ta phải tìm một chút mát mẻ trong các siêu thị, trong các quán cà phê. Những cô gái hở vai đi ra đi vào. Vòng eo thon gợi lên những ham muốn trần tục.

Có những nghịch lý nở hoa trái mùa như cây hồng đào bên đường.

Lúc tôi rời VN, con gái tôi vừa lên 5 tuổi. Khi mẹ nó mất, nó chưa kịp trưởng thành. Tôi dành hết tình yêu cho nó và hứa với lòng sẽ bảo bọc nó cho đến khi nó không cần đến tôi.

Cách đây ba năm nó yêu một thanh niên Mễ làm chung hãng và quyết định kết hôn không đợi sự ưng thuận của tôi. Tôi làm một nhạc phụ bất đắc dĩ với một chàng rễ khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, màu da.

Hai vợ chồng nó sống chung với tôi trong nhà vì không có khả năng tài chánh để sống riêng. Ngoài ba người, trong nhà tôi có thêm hai con chó. Mỗi ngày tôi đi làm về, hai con chó mừng rỡ quấn quít, coi như bù đấp phần nào nỗi buồn.

Mùa Giáng Sinh cách đây một năm, thêm một đứa bé có mặt để bổ sung thêm thành viên trong gia đình. Tôi làm ông ngoại bất đắc dĩ. Đứa bé lớn dần lên, biết lật, biết ngồi và hôm nay biết đi chập chững.

Vài người phụ nữ ghé ngang qua đời. Họ ngập ngừng khi nhìn thấy hoàn cảnh gia đình tôi. Hạnh phúc chưa thấy đâu nhưng rõ ràng những giông bão. Cuộc sống vô tình như mơ, như thực chồng lên nhau và cuối mỗi giấc mơ đêm là những giọt mô hôi lạnh ướt điều huyễn hoặc.

Như một câu chuyện dài lầm lỡ, con gái tôi vướng mắc từ sai lầm này đến sai lầm khác. Tháng vừa rồi nó báo tin tôi biết nó và người chồng Mễ sắp ra tòa ly dị. Tôi hỏi nó đã nghĩ kỹ chưa? Nó trả lời “Đã”.

Tôi không biết chúng nó đã bàn luận với nhau như thế nào. Nhưng tôi biết đã có những buổi tối chúng cải nhau trong phòng riêng. Trong khi đứa bé ngủ một mình trong phòng khác.

Những đêm qua lâu trong thành phố oi nồng mùa hè. Tiếng trái khô rơi hay tiếng một con vật nào bị săn đuổi ngoài sân. Tình yêu bây giờ sao không giống như thời tôi khôn lớn. Yêu nhau dễ dàng và chia tay cũng dễ dàng giống như thay đổi một chiếc áo. Tuổi trẻ bây giờ không mắc nợ quá khứ nên quay lưng lại dễ dàng với quá khứ.

Tôi không muốn tham dự vào chuyện gia đình của hai vợ chồng nó. Chung cuộc nào xãy ra, cũng đều do lỗi của hai người. Tại sao chúng không thể ngồi xuống để hóa giải một vấn đề chưa phải là nan đề? Tôi chỉ buồn cho đứa cháu ngoại sớm rời xa một trong hai người thân trong cái nghĩa bình thường nhất. Nó chưa đủ trí khôn để biết buồn. Nhưng năm mười năm sau thì sao?

Chương trình chia tay cũng được con gái tôi đưa ra. Trong thời gian chờ ngày ra tòa, chồng nó phải tìm một chỗ ở khác, và mỗi tháng phải cấp dưởng cho đứa nhỏ vì hắn không đủ thời gian chăm sóc. Một trong hai con chó sẽ được đem theo. (Hai con chó một đực một cái- Con chó đực là anh tên Olso- vì sinh ra trước. Con cho cái là em, tên Roxie).

Mai mốt, căn nhà sẽ vắng đi hai thành viên. Con gái tôi với bản tính hời hợt cố hữu, chắc sẽ dần dà thích ứng với một hoàn cảnh của một “single mom”. Vì còn có tôi và đứa con trai. Chỉ không biết người đàn ông không cùng suy nghĩ và không cùng tập quán kia sẽ sống như thế nào khi mất đi một chỗ dựa to lớn- vừa tinh thần vừa vật chất. Những ngõ quen xưa mỗi chiều đi làm về có còn gợi trong lòng hắn những thổn thức? Thành phố sẽ lớn thêm giống như đứa con sẽ lớn thêm mỗi ngày và cuộc đời sẽ mênh mông hay chật hẹp ra sao?

Riêng tôi, kinh nghiệm về sự mất mát trở thành nỗi ám ảnh. Những cuộc chia tay nơi ngả ba đường, hay lạc mất nhau giữa lúc đang mặn nồng luôn làm mũi lòng người trong cuộc. Cuộc đời nhiệm mầu như quá khứ. Sự vĩnh biệt hay tương phùng đều làm xanh môi miệng của nhau và để lại trong hồn nhau vết răng tê điếng.

Đêm qua, có tiếng rấm rức bên ngoài cửa phòng. Tôi thức giấc và hỏi thăm con gái tôi. Con tôi nói rằng đó là tiếng khóc của con Roxie. Nó linh cảm sự chia tay sắp tới với Olso, anh nó.

Hãy nghe nỗi thinh lặng đáng sợ tự đáy lòng. Tôi buồn rầu nhìn quanh căn phòng ngập tràn bóng tối. Đêm sẽ trằn trọc vì kỷ niệm trở mình.

Từng cơn gió cuốn hút mùi muối mặn bay qua tuổi thơ buồn. Chúng kể về tháng năm góa bụa của mẹ tôi và sự ra đi của ba tôi. Chúng cũng kể về sự yếu đuối và về sự cứng lòng, như một tiếng chim rót hoài một quá khứ. Chính vì vậy, mà tôi cảm nhận được giá trị của sự mất mát.

Biển muôn đời với tôi vẫn ngọt ngào…

PNY

No comments:

Post a Comment