Thursday, June 21, 2012


TẠO DỰNG SỰ HỢP TÁC GIỮA THẾ HỆ TRẺ  VÀ CÁC HỘI ĐOÀN NGƯỜI VIỆT TỰ DO

PHẠM KHẮC TRUNG

(Một bài viết phản hồi từ THẾ HỆ BÁNH MÌ KẸP của tác giả YÊN HÀ)





NHU CẦU XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG:



Ngay từ lúc đặt chân lên đất khách, tập thể người Việt đã nhận thức ngay được sự cần thiết phải có mặt của các hội đoàn người Việt tự do. Vì vậy, khi người Việt đi đến đâu, câu hỏi đầu tiên vẫn là câu, “Ở đây có hội người Việt không?” Và nếu không có thì tự nhiên sẽ thành lập vội vàng những hội người Việt, thiết lập cấp thời những bản nội quy, định chế bao gồm những sinh hoạt như liên lạc, ái hữu, tương tế, phục quốc, bảo vệ văn hóa… Thực sự, các mục đích sinh hoạt đều nhằm vào mục đích cơ bản, đó là tập thể người Việt muốn có những hội đoàn đoàn kết để bảo đảm quá trình hội nhập vào những môi trường mới – một môi trường với sức đồng hóa mãnh liệt – ngõ hầu tồn tại và bảo vệ được cái thực thể Việt Nam, tạo lập được một vị thế và uy tín xứng đáng trong công cuộc tranh giành quyền lợi chính đáng trong các thành phần chủng tộc, và nhất là tạo dựng được một hậu thuẫn mạnh mẽ trong công cuộc giải phóng và khôi phục quê hương.

Đặt trên cơ sở tinh thần dân tộc và những mục đích trên, các hội đoàn người Việt tự do hải ngoại được khoác vai trò xây dựng và phát triển cộng đồng. Đây là công tác trường kỳ và khó khăn đòi hỏi những cố gắng tích cực vượt bực của các hội đoàn, và sự đóng góp tối đa của tất cả mọi giới, mọi tầng lớp người Việt hải ngoại.

Trong chiều hướng xây dựng và phát triển cộng đồng dưới khía cạnh dân tộc, tôi xin được giới hạn đề tài thảo luận qua: Vai trò của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng, những khó khăn trong việc hợp tác giữa thế hệ trẻ và các hội đoàn người Việt tự do, và cuối cùng, tôi xin đưa ra những ý kiến nhờ quý đàn anh và các bạn trẻ cùng thảo luận để tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong việc “Tạo dựng sự hợp tác giữa thế hệ trẻ và các hội đoàn người Việt tự do”

VAI TRÒ CỦA THẾ HỆ TRẺ TRONG VIỆC

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG:

A- Đối với lớp thanh niên trên 18 tuổi, một lực lượng quan trọng và then chốt trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng trong hiện tại và tương lai ngắn (khoảng 20 năm), vì thanh niên luôn luôn là thành phần quan trọng và chủ yếu trong vai trò làm lịch sử. Thật vậy, hẳn không ai có thể phủ nhận được vai trò then chốt của tầng lớp thanh niên, một lực lượng ưu tú, hùng hậu và quả cảm, luôn tiên phong đi đầu trong mọi công tác khó khăn, nguy hiểm…

Tầng lớp thanh niên còn là biểu tượng của những trào lưu cách mạng, bởi những khối óc trẻ, cầu tiến, dễ dàng tiếp thu những phương thức tiến bộ, những khám phá mới mẻ…, để áp dụng cụ thể vào những điều kiện thuận lợi, ngõ hầu phục vụ đắc lực cho quê hương dân tộc, gây dựng được sự nghiệp và uy tín của giống nòi trong xã hội tiếp nhận, đóng góp hữu hiệu cho các hội đoàn người Việt tự do.

Ngoài tinh thần cần cù và sáng tạo của dân tộc Việt Nam, thanh niên Việt Nam còn được thừa hưởng một gia tài kếch xù và quý giá của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước từ hơn 4000 năm, và nhất là đã trải mình trong những bài học đau thương của những ngày sinh sống dưới xã hội cộng sản… Thanh niên Việt Nam là biểu hiệu của những thay đổi tốt đẹp qua khả năng đóng góp dồi dào và hữu hiệu trên mọi lãnh vực:

Đối với lãnh vực chính trị, thanh niên Việt Nam hải ngoại, những người đã quá thấu hiểu cộng sản, và đã may mắn thoát mình khỏi cái “địa ngục trần gian” đó, nên đã có sẵn một lập trường chống cộng dứt khoát.

Trên lãnh vực văn hóa xã hội, thanh niên là lực lượng mang sức đóng góp cao nhất, lứa tuổi của sự phát huy cao độ những sáng tác, sáng kiến mới phù hợp với sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại, để bổ xung cho những di sản quý giá sẵn có của cha anh, tạo cho nền văn hóa ngày mỗi thêm phong phú, và nhuộm thêm nhiều màu sắc tươi đẹp cho xã hội.

Lực lượng thanh niên còn là một đội quân hùng mạnh và uy lực nhất trong lãnh vực quân sự, lực lượng then chốt và chủ động trong lãnh vực kinh tế, sản xuất của mọi xã hội.



B- Đối với lớp thiếu niên, nhi đồng (tuổi dưới 18), lớp mầm non rường cột của nước nhà, lực lượng hùng hậu và uy mạnh hơn trong tương lai, sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy sự nghiệp của bậc đàn anh thanh niên. Nếu việc giải phóng và khôi phục lại Việt Nam là một công cuộc trường kỳ, thì không thể trông cậy nhiều vào lớp thanh niên hiện nay, mà phải nhìn vào tầng lớp nhỏ hơn, gánh nặng phục quốc phải được đặt lên vai lớp thiếu niên, nhi đồng.

Việc len lỏi vào những trung tâm quyền lực trong tương lai không phải là chuyện khó đối với lớp thiếu niên, nhi đồng, vì với bản tính chăm chỉ, cần cù và trí thông minh sẵn có. Thế nhưng, liệu lúc đó họ có còn thiết tha đến đất nước Việt Nam? Những hoạt động của họ có còn nhằm phục vụ cho Tổ Quốc Việt Nam? Đó là vấn đề của các hội đoàn người Việt tự do hải ngoại, trong việc đào tạo và huấn luyện cán bộ của các tổ chức trường kỳ, mà tiên quyết là phải tạo dựng được sự hợp tác ngay từ bây giờ, giữa lớp thiếu niên, nhi đồng và cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC HỢP TÁC

GIỮA THẾ HỆ TRẺ VÀ CÁC HỘI ĐOÀN NGƯỜI VIỆT TỰ DO:

Công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng chỉ có thể thành công được khi nỗ lực phát huy khả năng đóng góp của thế hệ trẻ vào mọi sinh hoạt của đời sống cộng đồng. Trong thực tế, sự hợp tác giữa thế hệ trẻ và các hội đoàn người Việt tự do hầu như rất tiêu cực, nên công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng trước mắt gặp quá nhiều khó khăn. Và nếu không có những cố gắng tích cực để tạo dựng sự hợp tác giữa thế hệ trẻ và các hội đoàn người Việt tự do, thì chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, sẽ không còn cái thực thể gọi là “Cộng đồng Việt Nam hải ngoại” nữa! Lý do, “những yếu tố tinh thần cấu thành đời sống cộng đồng bị tàn lụi dần, những người lớn tuổi già và chết đi mang theo cái quá khứ Việt Nam hao mòn của họ, thế hệ trẻ Mỹ hóa, Tây hóa, không biết ngôn ngữ Việt, không sống văn hóa Việt, không đọc lịch sử Việt, không cảm thấy ràng buộc gì với những người Việt khác, cũng như với đất nước Việt Nam nghèo khổ, xa tít mù” (1).

Để tạo dựng được sự hợp tác giữa thế hệ trẻ và các hội đoàn người Việt tự do một cách hữu hiệu, thiết tưởng chúng ta phải đặt lại vấn đề đối với thực trạng của thế hệ trẻ Việt Nam hải ngoại, thực trạng của giới phụ huynh, và thực trạng của các hội đoàn người Việt tự do.

A- Đối với nhóm thiếu niên, nhi đồng (tuổi dưới 18):

1- Đối với nhóm nhi đồng sinh ra nơi hải ngoại, nhóm tuổi không biết gì về Việt Nam, nếu không có những cố gắng tích cực và lâu dài của giới phụ huynh và các hội đoàn trong việc hướng dẫn và sinh hoạt để các em biết nói, đọc, viết tiếng Việt, biết lịch sử Việt, hiểu văn hóa Việt…, thì trong cái môi trường đầy văn minh, hấp dẫn này, với một sức mạnh đồng hóa mãnh liệt, ngay cả chữ Việt Nam cũng sẽ lu mờ dần trong đầu óc non trẻ theo tuổi tác của các em, và rồi cái hố ngăn cách vĩnh viễn sẽ lớn rộng dần giữa các em và các hội đoàn người Việt hải ngoại, giữa các em với những người Việt khác, và ngay cả giữa các em với gia đình, phụ huynh các em…  

2- Đối với lớp thiếu niên sinh ra ở Việt Nam, nhóm tuổi các em sinh ra hay lớn lên trong cái bối cảnh đen tối và tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam – chế độ Cộng Sản – , trí óc các em bị sinh trưởng trong cái ao tù “độc tài đảng trị”, đầu óc các em bị bóp méo trong nền giáo dục một chiều, ngu dốt…, trong khi cha mẹ các em, nếu không đang bị hãm mình trong những trại tập trung, thì cũng đang quằn quặt bán sức lao động mình để đổi lấy từng cọng bún, từng sợi mì mà nuôi các em, hay cũng đang len lỏi xục tìm cách thức vượt biên, hầu đem lại một tương lai hạnh phúc, khả qua hơn cho các em…, nên đã không có thì giờ hướng dẫn, dìu dắt các em, và các em chỉ hiểu lờ mờ, đại khái về Việt Nam.

Chế độ Cộng sản không những chỉ hủy diệt nền văn hóa phong phú của cả một dân tộc từ hơn 4ooo năm, mà còn tiêu diệt, giết chết tuổi thơ của các em. Trong gia đình, các em không được hưởng những gì đáng lẽ tuổi thơ của các em được hưởng; ngoài học đường, xã hội, các em chỉ nhìn thấy một ngôi sao vàng đục lờ đờ in hình trên vũng máu nhơ nhớp hôi tanh, hay những ánh mắt hận thù ngời sáng lưỡi liềm búa thợ của các vị thày cô, hay những giòng máu pha trộn căm hờn của những anh công an, phường, khóm… chỉ trực chờ để tố giác và bắt bớ các em! Dĩ vãng đối với các em không có gì để luyến tiếc, xã hội mà các em sinh ra quá điên cuồng, trong khi hiện tại, môi trường mà lớp thiếu niên các em đang sinh sống quá phong phú và dồi dào, đã lôi cuốn và hấp dẫn các em từ việc học hành đến các môn chơi, sinh hoạt, giải trí… Và cha mẹ các em, lại một lần nữa vì bận lo sinh kế nên lại sao lãng việc giáo dục, hướng dẫn các em, và phó mặc việc giáo dục các em cho xã hội mới, dần dà, các em mang một mặc cảm tự ty Việt Nam, các em tỏ ra lúng túng khi có người hỏi các em từ đâu đến, rồi các em tự tách mình ra khỏi những sinh hoạt có tính chất Việt Nam, nếu không muốn nói là các em hoàn toàn phủ nhận mình là người Việt Nam.

Cuộc sống tiện nghi vật chất đã tạo sự cách biệt giữa các em và gia đình, cái điện thoại vô cùng tiện lợi khiến các em không bao giờ phải cầm bút viết thư, và nhất là cơ hội gần gũi giữa các em và gia đình dần dà thưa vắng vì công ăn việc làm của quý phụ huynh, nhất là đối với quý vị làm hai việc, nên các em không có cơ hội trau giồi Việt ngữ, huống chi là tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Từ đó, các em quên dần tiếng Việt, các em không còn “cảm” được những điều mà cha mẹ các em “cảm”, rồi các em sẽ thấy ngỡ ngàng, lẻ loi ngay trong những sinh hoạt gia đình chứ đừng nói chi đến việc tham dự vào những sinh hoạt cộng đồng...

B- Ðối với nhóm thanh niên (trên 18 tuổi): Thanh niên là lứa tuổi mang nhiều xáo trộn tâm tư nhất, những xáo trộn chuyển tiếp để trưởng thành:

1- Xáo trộn về lý tưởng: Thanh niên là lứa tuổi có bầu nhiệt huyết vô biên và sự hy sinh, phục vụ vô tận... Ở họ, những danh từ BÁC ÁI, CÔNG BẰNG, YÊU ÐƯƠNG, BẤT KHUẤT... được đánh bóng một cách tuyệt đối.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam trong giai đoạn những năm trước biến cố 30.04.1975, cái hố sâu ngăn cách giữa thế hệ thanh niên và thế hệ đàn anh đã được thế hệ đàn anh mở rộng, đắp bờ và rào lũy trong giai đoạn này – giai đoạn thanh niên bị khủng hoảng về lý tưởng – Con thuyền vận mạng quốc gia lọt vào tay một tập đoàn tham nhũng, thối nát... Họ hô hào thanh niên hãy yêu nước, nỗ lực hy sinh chiến đấu chống cộng bảo vệ tổ quốc, trong khi họ tiếp tục rút tỉa máu xương của các chiến sĩ, đồng bào: gởi con em đi ngoại quốc để cầu an; tiếp tay với gian thương ngoại quốc phá hoại nền kinh tế nước nhà; buôn bán cần sa, ma túy để đầu độc hóa thanh niên; chụp mũ, chia rẽ, thanh trừng... các hội đoàn yêu nước chân chính; tạo dựng những bất công, căm hờn trong mọi tầng lớp nhân dân, một hành động gián tiếp tiếp tay để bành trướng thế lực của Cộng sản... Nói chung, họ đã đưa nước nhà tới chỗ suy vong để cuối cùng lọt vào tay Cộng sản, để rồi cao chạy xa bay với của cải bất chính đã gom góp từ nhiều năm, và chừa lại những hậu quả khốn nạn, thảm khốc đè lên đầu đám thanh niên và những người dân đen khốn khổ... Lý tưởng phục vụ cho quê hương dân tộc của thanh niên càng bị hoen ố hơn trong chế độ Cộng sản, bởi tập đoàn Cộng sản còn tồi tệ, thối nát, tham nhũng, bỉ ổi, đê hèn và bịp bợm gấp trăm vạn lần chế độ thối nát xưa... Như những con chim đã hơn một lần vướng đạn, tầng lớp thanh niên đâm ra nghi ngờ thiện chí của những bậc đàn anh...

Ðối với thanh niên Việt Nam hải ngoại, những kẻ đã may mắn thoát khỏi ngục tù Cộng sản, để “ôm con tim đi ăn mày sương khói thời gian” nơi xứ lạ quê người, hằng mang một hoài bão của ngày trở về, góp phần xây dựng lại quê hương. Thế nhưng, nhìn qua các hội đoàn người Việt tự do hải ngoại, quý đàn anh hầu như vẫn chưa ý thức được cái bài học thương đau của sự chia rẽ, thiếu đoàn kết đã đưa dần tới chỗ mất nước trước kia. Các đoàn thể vẫn cục bộ, chia rẽ, vị kỷ, xâu xé lẫn nhau, vẫn chưa chịu xóa bỏ những tỵ hiềm để đoàn kết thật sự, ngồi lại bên nhau, xây dựng một mặt trận thống nhất mà chống kẻ thù chung là Cộng sản. Về phía quý đàn anh đứng ngoài đoàn thể, quý vị đã không tiếp tay xây dựng cộng đồng mà còn tìm cách xuyên tạc, bài xích và chia rẽ cộng đồng... bởi những tự ái, tỵ hiềm cá nhân của quý vị, gây lòng chán nản cho giới thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kẻ thù – Cộng sản – .

Sự hội nhập vào xã hội mới đối với thanh niên không phải là một vấn đề đơn giản như bậc đàn em họ, vì họ đã có một quá khứ với nhiều ấn tượng và hiểu biết về Việt Nam, với nhiều kỷ niệm ràng buộc với đời sống và sinh hoạt cộng đồng ở Việt Nam..., trong khi viễn ảnh của ngày trở về quá viễn vông vì niềm tin bị đánh mất! Lớp thanh niên sống trong niềm cô đơn, khắc khoải không lối thoát..., hố ngăn cách giữa thanh niên và thế hệ đàn anh mặc dầu vẫn có ở bất cứ xã hội nào, ở đây càng thêm sâu rộng hơn! Một số nhỏ thanh niên tự tìm lối thoát cho chính bản thân mình bằng lối sống phóng túng, buông xuôi hiện tại, phó mặc tương lai qua chén rượu, canh bài... Số lớn thanh niên còn lại, hoặc đã xung phong vào đội quân “lau chùi”, hoặc còn tiếp tục cắp sách đến trường, chỉ có những quan hệ tiêu cực với cộng đồng. Duy một số rất ít thanh niên có ý thức và suy nghĩ sâu xa hơn, sẽ có những thắc mắc về vai trò và trách nhiệm của mình với gia đình, với cộng đồng chủng tộc, với xã hội mình đang sinh sống, và với quê hương gốc rễ của mình, nên có được một mối quan hệ sâu đậm với đời sống sinh hoạt cộng đồng Việt Nam.

2- Xáo trộn về tâm lý, đời sống: Như đã nêu trên, thanh niên là biểu tượng của những trào lưu cách mạng nên tư tưởng và hành động của họ đôi khi thái quá, nhất là ở lớp thanh thiếu niên trong lứa tuổi từ 16 đến 25. Họ tiếp xúc và chứng kiến cách thức cư xử của cha mẹ, đàn anh họ với láng giềng và xã hội không được công bằng, bác ái... tuyệt đối như họ nghĩ, họ phân vân qua những khác biệt giữa những điều họ được giáo dục ở gia đình và học đường với thực tế của đời sống hằng ngày, lòng nghi ngờ nẩy sinh và sự tôn kính tuyệt đối đối với cha mẹ và các bậc đàn anh không còn nữa..., gây ra sự cách biệt giữa các thề hệ.

Ðại đa số những người tỵ nạn chúng ta gặp quá nhiều khó khăn: khó khăn về ngôn ngữ, khó khăn về văn hóa, phong tục, xã hội, công ăn việc làm... Nhiều người đã mất hết tài sản, địa vị cũ, và không có sự chuẩn bị để sinh sống nơi hải ngoại nên có những vấn đề tâm thần khá trầm trọng, trong khi lớp thanh niên tương đối ít gặp trở ngại hơn vì họ chưa có nhiều để mất, họ kiếm được việc làm dễ dàng hơn, mua sắm xe cộ, tiện nghi mau chóng hơn... Sự thay đổi vai trò kinh tế và giao tiếp trong gia đình tạo sự cách biệt giữa các thế hệ trầm trọng hơn là trong tình trạng bình thường ở Việt Nam.



Ðứng trước sự đối nghịch giữa hai khuynh hướng cực đoan: Một bên là khuynh hướng đồng hóa tự phát của lớp thiếu niên, nhi đồng qua những hiện tượng kì quái đe dọa nặng nề các giá trị giáo dục và văn hóa dân tộc. Một bên là khuynh hướng bảo cựu của cha mẹ, quyết liệt bảo vệ và duy trì nếp sống Việt Nam một cách máy móc. Thanh niên tỏ ra lúng túng trong những quyết định về tương lai của bản thân mình. Sự mâu thuẫn trong nội tại tạo sự rụt rè của thanh niên đối với đời sống sinh hoạt cộng đồng!



TẠO DỰNG SỰ HỢP TÁC GIỮA THẾ HỆ TRẺ

VÀ CÁC HỘI ÐOÀN NGƯỜI VIỆT TỰ DO:

Qua những khó khăn cơ bản như đã nêu trên, việc tạo dựng sự hợp tác giữa thế hệ trẻ và các hội đoàn người Việt tự do là trách nhiệm chung của tất cả người Việt hải ngoại.

A- Về phía các hội đoàn: Ðể tạo dựng niềm tin cho giới trẻ, chính các hội đoàn phải tu chính vấn đề tổ chức bằng một quan niệm mới, những phương sách mới với yếu tố cơ bản là ÐOÀN KẾT, vì chỉ có đoàn kết mới đạt được đầy đủ nhân sự cần thiết.

Các hội đoàn người Việt hải ngoại không thể chỉ là những tổ chức ái hữu, tương tế, cung cấp những dịch vụ ngắn hạn, mà phải là một định chế với một lập trường chống Cộng sản dứt khoát bằng bản đề cương chính trị thống nhất, minh bạch, để hun đúc lòng yêu nước, ý chí tranh đấu của thanh thiếu niên, ngõ hầu ủng hộ tinh thần đối với mọi nỗ lực của các đoàn thể quốc gia chân chính, có đường lối hoạt động đúng đắn và nghiêm chỉnh cho sự nghiệp quốc gia.

Các hội đoàn cần vận động và phối hợp để thành lập một ủy ban phát triển văn hóa Việt Nam thống nhất, nhằm nghiên cứu và xây dựng một đường lối chung cho những sinh hoạt văn hóa, giáo dục, tài liệu giảng dạy Việt ngữ, sưu tầm và dịch thuật những tác phẩm văn hóa ra ngoại ngữ ngõ hầu chinh phục được cảm tình và sự kính nể của xã hội tiếp nhận, khuyến khích việc sáng tác bằng nhiều loại giải thưởng tạo sự hứng khởi cho mọi tầng lớp, nhất là giới thanh thiếu niên, từ đó phát triển và xây dựng dần mối hợp tác...

Việc lập tủ sách Việt ngữ và mở những lớp học tiếng Việt là một công tác trọng yếu và trường kỳ, đòi hỏi các hội đoàn thực hiện một cách đầy đủ ý thức, gây dựng một không khí sôi nổi để lôi kéo trẻ em học, nói, và viết tiếng Việt. “Thiết nghĩ bổn phận của chúng ta hôm nay không phải chỉ là hy sinh cho thời cuộc mà quan trọng hơn cả là phải đầu tư và đào tạo cho bằng được những thế hệ sau có khả năng và lý tưởng cao gấp bội thế hệ hiện nay của chúng ta”(2), cho nên, “vấn đề tiên quyết và phải thực hiện ngay từ bây giờ là phải gây cho các em những tình tự dân tộc; làm sao cho các em yêu nước Việt Nam; luôn nghĩ đến tổ quốc; các em không bị mặc cảm là người Việt Nam; làm sao cho các em thấy quê hương các em đẹp; người đồng hương của các em hiền hòa; văn chương Việt Nam của các em phong phú hơn bất cứ văn chương nào trên thế giới; tiếng nói Việt Nam của các em là một chuỗi những lời ca ngọt ngào, trữ tình”(3).

Các hội đoàn cần tổ chức những buổi hội thảo nhỏ, tạo sự gần gũi, gây không khí cởi mở cho lớp thanh thiếu niên; tổ chức những sinh hoạt thể thao, gây tinh thần tranh đua lành mạnh cho lớp thanh thiếu niên. Từ đó kết hợp dần, và từng bước xây dựng sự hợp tác trong mọi lãnh vực.

B- Về phía bậc phụ huynh: “Cha mẹ nên rộng lượng đối với con cái, bởi vì chính chúng cũng đang trải qua những mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa đối nghịch nhau: giữa nếp sống gia đình Việt Nam và sinh hoạt học đường mới; giữa một bên là giáo dục nhà trường và bên kia là lề lối gia đình; giữa xã hội mới và phong tục tập quán cũ...”(4). Cha mẹ nên tìm mọi cách để có cơ hội gần gũi con cái nhiều hơn, khuyến khích con em học tiếng Việt, tham dự vào đời sống sinh hoạt cộng đồng Việt Nam hải ngoại, tạo điều kiện cho con em trau dồi tiếng Việt, hiểu biết lịch sử Việt, tin tưởng vào văn hóa Việt, hãnh diện mình là người Việt..., để khi tiếp thu văn hóa người, con em mình sẽ tiếp thu một cách có chọn lọc và phê phán các giá trị. Có như thế mới không sợ bị đồng hóa, mới có thể giữ được bản sắc và làm phong phú các giá trị dân tộc...

C- Về phía thanh niên: Ðất nước Việt Nam đang quằn quại, rên xiết dưới ách thống trị của bè lũ độc tài Cộng sản, chúng đang tìm cách hủy hoại tất cả các cơ sở của dân tộc cả về vật chất lẫn tinh thần, làm tiêu hao sự phát triển của những thế hệ tương lai, và nhất là đang cố gắng hủy hoại những gì là bản chất của con người; nơi hải ngoại, trong một môi trường mà sức mạnh đồng hóa vô cùng mãnh liệt, hiểm họa tự diệt chủng đang đe dọa trầm trọng đối với tập thể Việt Nam... Thanh niên Việt Nam hải ngoại không thể thờ ơ trước hiện tình nguy cơ của tổ quốc mà cần phải nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, cần phải đoàn kết, nhập cuộc và dấn thân!

Ðối với tổ quốc Việt Nam, thanh niên Việt Nam hải ngoại cần khẳng định lập trường chống Cộng sản một cách dứt khoát, ra sức đấu tranh cho sự đoàn kết để phối hợp với mọi tầng lớp dân tộc hầu xây dựng được một hậu phương vững mạnh nhằm cô lập kẻ thù, ủng hộ tối đa về tinh thần đối với những cơ quan, đoàn thể quốc gia chân chính, có đường lối đứng đắn và nghiêm chỉnh cho sự nghiệp giải phóng quốc gia.

Ðối với xã hội tiếp nhận, thanh niên Việt Nam hải ngoại cần ra sức phát huy khả năng sản xuất và sáng tạo hầu gây được tình cảm và sự kính nể của xã hội đối với tập thể người Việt; nỗ lực gây phong trào đi học: học chữ, học nghề trong lớp thanh thiếu niên một cách sâu rộng và ý thức nhằm nâng cao tỷ lệ chuyên môn và chuyên viên, tạo sự bình đẳng trong lãnh vực kinh tế để từng bước đấu tranh xây dựng được sự bình đẳng toàn diện, ngõ hầu gây dựng được sự nghiệp và uy tín của giống nòi.

Thanh niên Việt Nam hải ngoại cần nêu gương sáng cho đàn em noi theo bằng cách tham gia tích cực vào đời sống sinh hoạt cộng đồng, gây dựng những nhóm sinh hoạt nhỏ nhằm nghiên cứu, tìm hiểu và tham dự vào các sinh hoạt xã hội, chính trị để học hỏi, đóng góp, và nhất là để đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tập thể người Việt.

Vì vai trò lãnh đạo cộng đồng của tuổi trẻ Việt Nam là một vai trò liên tục, nên thế hệ thanh niên phải có bổn phận chăm lo, hoạch định, huấn luyện và dìu dắt lớp đàn em đi sau, để họ có khả năng kế thừa và phát huy sự nghiệp của thế hệ đàn anh! Ðây là công tác chủ yếu đòi hỏi mọi nỗ lực tích cực và trường kỳ của thanh niên và thế hệ đàn anh để đầu tư và đào tạo bằng được lớp thiếu niên, nhi đồng, có khả năng và lý tưởng cao gấp bội thế hệ hiện tại. Ðể được như thế, thanh niên Việt Nam hải ngoại cần phải kết hợp chặt chẽ với thế hệ đàn anh, với các hội đoàn, để xây dựng, sinh hoạt và hướng dẫn lớp thiếu niên, nhi đồng, gây cho các em những tình tự dân tộc, biết lịch sử Việt, hiểu văn hóa Việt, yêu nước Việt, luôn hướng về tổ quốc Việt Nam, và các em sẽ hãnh diện mình là người Việt Nam... Vì vậy, ngay từ bây giờ, thanh niên Việt Nam hải ngoại phải tiên phong đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển những lớp Việt ngữ. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong tương lai còn tồn tại hay sẽ bị tiêu diệt, mạnh hay yếu, là trách nhiệm của lớp thanh niên Việt Nam hải ngoại hiện nay!

Viết tại London, hè 83.

PKT

_______________________________________________________________________     

(1): Nguyễn Cao Tuấn: Vai trò của các hội Việt kiều trong việc phát triển cộng đồng.

(2, 3): Vũ Nhu: Vấn đề của chúng ta.

(4): Nguyễn Quý Bổng: Các khó khăn của sinh viên Việt Nam tỵ nạn tại Canada.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:



·        Các khó khăn của sinh viên Việt Nam tỵ nạn tại Canada, Nguyễn Quý Bổng, Sóng, số 8, tháng 01, 1983.

·        Tuổi trẻ Việt Nam ở Hoa Kỳ, Lê Xuân Khoa, Sóng, số 7, tháng 12, 1982.

·        Vai trò của các hội Việt kiều trong việc phát triển cộng đồng, Lê Xuân Khoa, Liên hội Việt kiều Canada, hội thảo.

·        Vai trò của các hội Việt kiều trong việc phát triển cộng đồng, Nguyễn Cao Tuấn, Liên hội Việt kiều Canada, hội thảo.

·        Vai trò của các hội Việt kiều trong việc phát triển cộng đồng, Vũ Hữu Quang, Liên hội Việt kiều Canada, hội thảo.

·        Vấn đề của chúng ta, Vũ Nhu, Liên hội Việt Kiều Canada, Giai phẩm Xuân 1983.

No comments:

Post a Comment