Monday, April 30, 2012

hạnh phúc ở quanh đây


phạm ngũ yên


Khi tôi trở vào nhà lấy chiếc mũ, chạy ra thì xe buýt đã đến. Con gái tôi đang trèo lên bực cửa lên xuống, quay lưng lại nói: “Bye daddy”. Và chiếc áo len rộng thùng thình màu đỏ đã lọt thỏm vào trong mấy dãy ghế mờ tối. Mùa thu bắt đầu bằng những bước chân mạnh bạo giữa không khí không còn hơi hám của mùa hè. Chiếc buýt vàng giống như một xác lá chưa kịp khô còn ẩm ướt trôi ngược về con đường trước mặt nơi có những đời cây u sầu. Tôi đứng trong không khí rét ngọt buổi sáng và lòng thấy yêu mến những mảnh vụn nhỏ nhặt làm nên đời sống hiện tại. Tôi nổ máy xe và chờ đợi bên vuông sân có vẽ lằn vôi phân chia vị trí bãi đậu. Bên kia chung cư bờ tường đá hoa có những cây trắc bách diệp chìm đắm trong một lớp sương mờ mịt và người ta treo bên cạnh nó tấm bảng “Autumn chase”-Apartment. Ðuổi theo mùa thu? Hay đuổi theo những dấu chân non trẻ trót đã bị thời gian chôn vùi không thương tiếc? Và dưới những gờ mái mới sơn phết kia, có bao nhiêu đời chim đang ngủ vùi vì gió rét?

Tôi lái xe chạy men theo con đường nhỏ dẫn vào quán cà phê quen thuộc. Thời gian quá sớm để tôi có thể vào sở làm; và một ly cà phê nơi chiếc bàn mica mát lạnh nhìn ra bên ngoài sẽ mang một mùi vị hấp dẫn. Buổi sáng lướt thướt trên mặt kính mờ đục vì có sương, ai đó đã dùng ngón tay vẽ lên nó những hình kỳ dị. Mùi bánh từ lò bốc ra khi tôi lách mình bước vào. Cánh cửa có tay vịn bằng nhôm bị mòn nhẵn vì bàn tay con người xô đẩy hàng ngày. Mấy người đàn bà Mễ đứng đàng sau mấy ngăn kệ đầy ấp bánh, hai tay không ngừng chuyển động để bỏ vào hộp giấy cứng những phần ăn sáng cho đám người xếp hàng rồng rắn, giống như một trụ sở cứu đói.

Mùa đông cô đơn và buồn sẽ tới vài tháng nữa. Tôi nghĩ. Cô đơn trên những cành cây trơ trụi giống như những tâm hồn bị tàn phá. Và con đường mang trên lưng nó mhững bờ cỏ hoang phế, hiu quạnh. Tôi yêu những thân phận xót xa như yêu những đời cây, từ đó nhìn lại những năm tháng thơ ấu trôi tuột mất biến với lòng vừa mê đắm vừa sầu não. Cái gì huyễn hoặc ở đàng sau những khu rừng hỗn mang kia, phải chăng là những mù tăm không ánh sáng? Nhưng tôi vẫn mường tượng một hạnh phúc đầm đìa những ngấn lệ khi tôi chạy ngang qua nơi chốn đó, mùa đông.

Ðêm rất dài, cho nên ngày như ngắn lại. Mới vừa tuần qua tôi còn nhìn thấy những sợi tóc của Khiết trên mặt gối thảng thốt mùi hương. Và khu vưòn bên kia hàng xóm có những chậu hoa màu son môi của nàng treo trên giàn. Cây phong cháy đỏ những lá mùa thu hôm nào không còn nữa. Tôi không biết giờ nầy nàng đang làm gì ở Houston? Nàng muốn tìm kiếm một chút an tâm nào giữa những đường phố bụi bậm, sần sượng những bất trắc? Cuộc cãi vã sẽ không xãy ra nếu tôi biết im lặng, cùng những ồn ào tắt ngấm theo sau cánh cửa đóng sập lại thô bạo. Tôi bỏ ra ngoài giữa lòng mưa xối xả trên mui xe. Cuộc tình duyên tồi tệ tự nó sẽ kết thúc và con đường phải đi đến chỗ rẽ? Ðây là lần xung đột thứ hai kể từ khi sống chung. Lần trước cũng vì một duyên cớ không đâu. Hình như mọi cuộc chiến tranh xãy ra đều do những ngộ nhận không đáng được vớt lên từ những thành kiến cố tình đào sâu giữa tôi và nàng. Trong khi con gái tôi vẫn hồn nhiên lớn lên và mộng. Nó đang để tâm hồn thơ ấu của nó bay trong bão bùng với nụ cười tươi tắn trên môi. Trong khi trái tim của nó vừa sũng ướt những giọt lệ.

- Ông uống thêm cà phê?

Cô gái Mễ có mái tóc đen cùng màu với mái tóc đang cầm bình cà phê chờ đợi. Tôi gật đầu. Chiếc tạp dề màu xám tro ẩn dấu đàng sau gò ngực phập phồng và mùi nước hoa thơm ngát. Sương chảy ràn rụa ngoài mặt kính và gió làm rung động cành lá ở một hành lang. Bên kia đường 183 những chân cầu đang xây dở dang chĩa những thanh sắt đâm ngược lên nền trời chập chùng hơi nước. Cạnh đó, chiếc cần cẩu đưa cao chiếc cổ như một con khủng long nhìn xuống đống đất đá đang ném vào cuộc đời những gai góc, bộn bề. Tách nước màu đen nguội lạnh từ lúc nào, và tôi không nhớ thời gian đã trôi đi bao lâu giữa buổi sáng chứa đầy hơi thơm của cà phê. Một người đàn bà bước vào quán kêu một phần sáng và một tách cà phê đến ngồi ở bàn đối diện. Mái tóc nhìn từ phía sau giống như một người Việt Nam. Bàn tay có những ngón trau chuốt cẩn thận như suốt đời không hề đụng chạm đến những việc ngại ngùng nào khác ngoài son phấn, gương lược. Tôi nhớ Khiết cũng có đôi bàn tay đẹp như vậy. Có lẽ vì thế mà ít khi nàng để cho chúng tham dự nhiệt tình vào những cái gì dính líu chuyện bếp núc. Dù sao những tiện nghi trong thời đại điện tử đã đáp ứng được phần nào những lười biếng của con người.

Khiết làm ở một hãng sản xuất computer nhỏ, lương không cao đủ để nàng chịu một phần tiền nhà khiêm tốn và mua sắm đôi lúc. Một đứa con trai theo nàng lúc vượt biên, và một người đàn ông (mà nàng tạm coi là chồng) bây giờ đã đổi đi một bang khác vì nợ nần chồng chất. Trong hoàn cảnh như vậy, dĩ nhiên mẹ con Khiết là gánh nặng cho hắn. Cho nên hắn đã cao bay xa chạy khỏi cuộc đời nàng không một lời từ giã.

Tôi gặp hai mẹ con nàng trong một phòng mạch. Ðó là mùa thu có những bông phấn bay tản mạn trong không khí và chứng Alergy làm ngứa ngáy mình mẩy đến nỗi tôi phải xin nghỉ bệnh ở nhà. Ðứa con trai của Khiết thì bị cúm khi đến gặp bác sĩ vừa khóc vừa ho. Người ta thường nói về một định mệnh nào đó trong một hoàn cảnh tầm thường, nhưng đủ để hai số phận có cớ hòa nhập vào nhau. Tôi không tin lắm. Nhưng cuộc tình chấp nối của chúng tôi quả là một kết hợp mang đầy tính chất nông nổi.

Chúng tôi yêu nhau nhưng không muốn tìm hiểu về nhau. Như hai nhánh lục bình va vấp, quấn quít trên một dòng sông để cùng trôi về phía trước, chúng tôi cùng nắm tay nhau bước đi về phía cuộc đời hoi hóp những niềm vui. Không mang trong lòng nỗi so bì nào khác ngoại trừ những vết răng của quá khứ cắn nát thanh xuân và nỗi quạnh hiu như tặng phẩm của đời mang đến. Tôi và nàng đều có riêng một đứa con và cùng chung một hôn phối gãy vụn. Nàng lớn hơn tôi ba tuổi. Ðó là một bù đắp hay những hao hụt đây? Nhưng tôi có cần gì những điều ấy. Chặng đường sau lưng tôi và Khiết đủ dài để chúng tôi chia xẻ với nhau những lạc thú thay vì những bất hạnh. Một hôm tôi nói với nàng:

- Em thấy mình có nên làm hôn thú vào lúc này không?

- Nếu anh muốn. Nàng trả lời. Anh không hối tiếc chứ?

- Hối tiếc về điều gì? Tại sao?

Tôi phân vân hỏi lại.

- Nhiều thứ. Như lòng thủy chung. Như những bóng tối thấp thoáng đàng sau một vài kỷ niệm nào đó.

- Của ai?

- Của em.

- Anh đâu có bắt em quên hẳn những điều tồi tệ hôm qua, trong khi chính anh cũng vậy. Nhưng em muốn nói về sự thủy chung nào?

- Em không biết. Em không thể định nghĩa rõ ràng. Nhưng đừng bắt em phải tham dự vào những phiền muộn riêng tư, trong đó không có bóng dáng của em mà chỉ có ai kia...

- Anh hứa sẽ cố gắng làm em vui. Nhưng phần em thì sao?

Khiết trầm ngâm. Bàn tay lật vội mấy trang sách bên cạnh bàn phấn.

- Em đã quên từ lâu những gì mà anh cho là tồi tệ, nếu quả thật có đúng như vậy. Em muốn con trai em lớn lên không cần trang bị để vào đời bằng những vốn liếng cay đắng của mẹ nó. Nó cần được che chở và thương yêu thật sự.

- Dễ thôi. Tôi nói. Trong hoàn cảnh này, anh nghĩ người đàn ông luôn là những kẻ rộng lượng.

Khiết nghi ngờ:

- Anh có chủ quan không?

- Không hề.

Ngoài sân chơi hai đứa bé đang chui rúc trong một cánh cổng phân cách khu vườn hàng xóm. Chúng đang chơi trốn tìm, có lẽ. Hay tìm kiếm một hạnh phúc đơn điệu nào giùm ba mẹ chúng? Dù sao, tuổi thơ không hề ngập ngừng trước những chông chênh vì đôi chân chưa dẫm lên gai góc của cuộc đời. Chúng cho hơn là nhận nhiều ở ngưòi lớn bởi tấm lòng hào phóng những nụ cười. Ðừng nhắc đến đổ vỡ, côi cút. Và hãy để chúng no đầy những giấc mộng đẹp.

- Hãy tin ở anh. Tôi nói với sự quả quyết. Không phải chúng ta tồn tại chỉ để làm khổ nhau mà để an ủi lẫn nhau. Em nên gửi gấm vào đó những đầu tư lồng lộng bóng mát thay vì những xót xa.

Bàn tay nàng đưa lên vuốt tóc theo một thói quen. Những ngón tay trắng và đẹp kỳ lạ làm tôi liên tưởng đến bàn tay của người đàn bà mời rượu Kinh Kha trước khi sang sông Dịch. Kinh Kha quả thật có lỗi khi muốn có riêng cho mình một bàn tay đẹp. Cũng như ngày hôm nay tôi muốn được nắm bàn tay của Khiết trong tay mình lâu dài. Có hoang tưởng lắm không? Dù sao, nàng cũng đang yêu tôi. Và chúng tôi sẽ làm hôn thú nay mai. Chỉ có một trở ngại không quan trọng với tôi là tuổi tác chênh lệch. Nhưng tôi nghĩ là mình có thể vượt qua, miễn là nàng không coi đó là một rào cản.



Nhưng cuối cùng thì không có tờ hôn thú nào được ký kết giữa hai chúng tôi. Nàng bỏ đi như một cơn giông bay ngang qua bầu trời. Bây giờ đứa con gái chín tuổi của tôi chơi vơ vẩn một mình trong sân chơi um tùm những tàn nhánh mộng, trước khi mùa đông trở về làm ướt át mái tóc thơ ngây của nó. Nó buồn giống tôi và không biết làm đầy những trống vắng. Tôi cũng vậy. Hy vọng thời gian sẽ làm nó quên được nhiều lỗi lầm đem đến từ người khác. Nhưng còn tôi?

Khi tôi trở về nhà buổi chiều, nhìn thoáng qua căn phòng tôi và Khiết sống chung gần một năm, sự chua xót nào đang ẩn núp đàng sau đó? Giống như một vận động viên chạy nước rút bỗng thấy hụt hẫng khi thấy trước mặt mình có người vừa vượt qua lằn mức đến.

Tôi đi qua những tuần lễ rét mướt êm đềm của cuối tháng mười. Một ngày trước Halloween, tôi đưa Marianne lên Highland Mall xem người ta hóa trang. Tôi hỏi nó lúc bước vào phòng trang điểm:

- Con muốn trở thành một người khác?

Nó hỏi lại:

- Ba muốn con làm giống như thế nào?

- Tùy con.

Nó ngồi xuống ghế và săm soi mặt mình trong chiếc gương khi cô gái đưa đến cho nó một lô màu. Nó nói với người hóa trang bằng tiếng Mỹ đúng giọng là hãy giúp cho nó trở nên một cô bé lọ lem có một lổ mũi hếch lên trời. Thêm một màu tím bầm phũ phàng vắt ngang gò má bầu bỉnh. Nó dẫn tôi đi như giông như gió vào mấy cái shop và nói: “ Trick or treat?”. Người bán hàng cũng trang phục quái dị đứng ở trước cửa phân phát cho mọi đứa những gói quà gói ghém đẹp đẻ cùng với nụ cười tươi tắn. Không đáng gì những viên kẹo nhỏ nhoi nhưng lạ lùng làm sao tâm hồn nó đang thênh thang những ngã tư phiêu bồng. Và ngần ấy cái “hạnh phúc” mà nó đang nắm bắt được trong bàn tay yếu ớt kia sao thấp thoáng máu me và đầy ấp những thương tật dường ấy? Ðâu phải chỉ nụ hôn mới làm phong phú cho cuộc đời muôn mặt này mà còn có những lằn roi trộn lẫn với tức tưởi, nghẹn ngào.

Tôi ngồi lại ở băng ghế làm bằng gỗ sồi đánh bóng, bên cạnh vòi nước phun lấp lánh màu bạc. Cùng những đồng xu nằm lặng lẽ dưới đáy. Có biết bao nhiêu lời cầu nguyện mê tín được gửi gấm vào đó? Và có bao nhiêu lời được ứng nghiệm? Tôi cũng ném xuống một đồng penny để xin một lời hứa. Có đơn giản quá không? Vì lời ước của tôi quá lớn lao để tôi có thể thu về cho mình một kết quả hiện hữu trước khi mọi việc ở thế gian này tồn tại. Liệu cái phí tổn mà tôi bỏ ra có đủ để cho cuộc đời trang trải dùm tôi một cái bóng mát đã mất? Nhưng tôi vẫn nhắm mắt và thầm gọi tên Khiết.

Ðồng hồ trên tay tôi chỉ tám giờ. Và thời gian hình như không hề chuyển dịch, chỉ có con người đang vác trên lưng nỗi tất bật nhiêu khê rong chơi mọi ngõ ngách an bình với tâm hồn chứa đầy gió mát. Bóng tối chắc đang xuống ngoài kia. Nơi mà những hàng cây rũ rượi thu mình dưới hai hàng đèn ngây ngất mù sương. Như những âm hồn không nơi chốn yên nghỉ. Không biết giờ này các mụ phù thủy có rời bỏ chỗ trú ẩn để lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm đầy giá rét? Có lẽ họ đang bay trên những cây chổi và hát bằng cái giọng rền rĩ của mình những bài ca chúc mừng bất hạnh của con người? Ngưòi Mỹ tin những điều huyễn hoặc cách đây hàng mấy trăm năm, mặc dầu dấu chân họ đang dẫm nát sao Hỏa, và ở đàng sau đuôi của phi thuyền con thoi, họỳ đang phóng vào giải ngân hà những thông điệp kêu gọi sự lên tiếng nào đó của đời sống ngoài trái đất. Ðó là những hoài niệm tốt đẹp nối liền giữa quá khứ và hiện tại. Họ chỉ có một ngày trong ba trăm sáu mươi lăm ngày quay đầu nhìn lui về dấu chân xưa cũ. Còn lại là những ngày tháng rực rỡ chạy băng về phía trước đuổi theo hạnh phúc và nắm bắt điều thiện. Ngày Halloween của họ hiền hòa mặc dầu ngồn ngộn những da thịt máu me, những răng nanh chó sói...

Người đàn bà lưng gù dừng chân cạnh chỗ tôi ngồi và hỏi bằng tiếng Mỹ, giọng khàn đục như mới vừa cãi lộn với hàng xóm:

- Tôi có thể ngồi đây được không?

- Dĩ nhiên. Tôi trả lời và thu người qua một bên.

Chắc bà sục sạo gần hết mấy cửa tiệm và cục bướu kỳ khôi giả tạo trên lưng làm bà mệt mỏi chăng? Tôi không đoán được đàng sau chiếc mặt nạ nhăn nhúm kia là một dung nhan già hay trẻ. Dẫu sao tôi cũng thán phục sự khéo léo trong việc hóa trang của bà. Mấy sợi tóc màu râu ngô bện lại dơ dáy, mang cho người đối diện nỗi khiếp hãi thật sự.

- Chúc mừng Halloween. Ông giống người Trung Hoa?

- Không. Tôi người Việt Nam. Chúc mừng bà. Bà thấy vui chứ?

- Rất vui. Nhưng rất tiếc đã quấy rầy sự yên tĩnh của ông.

- Không sao. Tôi sắp sửa phải rời khỏi đây.

- Bây giờ?

- Không. Tôi chờ con gái tôi. Nó đang chạy tới chạy lui giữa đám người vui vẻ kia chỉ cốt để xin cho được một cái kẹo mà ngày thường nó không để ý tới. Nó đang đi về phía này..

- Tôi tên Diana. Cha mẹ tôi người Mễ.

- Thảo nào. Ðôi mắt của bà đen giống như mắt của một người Á Châu. Tôi tên Trần. Chắc bà rất đẹp?

Người đàn bà cười rũ rượi. Ðôi bàn tay vẫn nằm sau vạt áo rộng. Chiếc lưng gù rung động như một nỗi thổn thức khôn nguôi.

- Ông đoán sai. Tôi rất xấu, và tôi ao ước được che đậy nó suốt đời như đêm nay.

- Tôi không tin như vậy. Tôi ít thấy ai có cặp mắt đẹp như bà. Bà thích làm cho người khác ngạc nhiên?

- Cám ơn lời khen tặng. Nhưng ông đừng tin vào những lý giải của mình quá.

Marianne trở lại. Nó vung vẩy bao kẹo trước mặt tôi:

- Daddy hãy nhìn xem. Con được nhiều kẹo. Daddy đã về chưa?

- Nếu con mệt và muốn về.

- Con chưa mệt. Con muốn chơi thêm tí nửa.

Lòng tham của trẻ con cũng có mùi vị thơm tho như một bông hoa. Nó không toát ra mùi hôi vì không biết ôm lòng thù hận. Trong khi cuộc sống của người lớn thải ra những phiền muộn sớm làm đời chúng khô héo.

- Con quanh quẩn đừng đi xa, nếu cần ba có thể nhìn thấy con.

- Thank you, Daddy.

Nó chần chừ định để bao kẹo giữa tôi và người đàn bà, nhưng cuối cùng cầm mang đi.

- Cháu ngoan quá. Ông được mấy cháu? Người đàn bà hỏi.

- Một. Còn bà?

- Tôi đang độc thân. Chúng tôi đã xa nhau năm ngoái.

- Ồ, xin lỗi, và xin thành thật chia buồn.

- Không có chi. Tôi phải về. Cám ơn những lời khen của ông.

- Không có chi. Hẹn gặp lại.

- Good night.

Giọng người đàn bà xúc động và hơi thay đổi. Tôi nghe quen thuộc và trong giây phút tôi cố đào bới trong ký ức mình ai đã có một âm thanh trầm đục như vậy. Nhưng người đàn bà đã trộn lẫn vào đám đông phía trước. Tôi nhìn thấy con tôi đang đứng trong một gian hàng bán đồ chơi, nó ngắm mụ phù thủy bằng cao su đang nhe răng dọa nạt. Ðôi mắt phát ra màu đỏ như đôi mắt sói nhìn mồi, gương mặt quay đuổi theo người qua lại. Tôi nắm tay con gái xếp hàng bên cầu thang xoay để đi xuống lầu một. Bậc thang êm đềm cuốn về phía trước những tấm lòng ham vui và lôi kéo theo mùi son phấn ngào ngạt. Ðâu đó những khuôn mặt lướt qua chúng tôi phía bên kia cầu thang cùng những nỗi nghi hoặc chập chờn hắt ra từ ánh sáng nơi gian hàng bán đồ điện tử. Tôi cũng nghi ngờ sự có mặt của tôi có phải là một phó bản lấy ra từ một bức hình chụp vụng về mà đời sống lem luốc phía sau đang làm nền tảng cho một cảnh đời buồn? Chỉ có những người mẫu bên trong những vuông kiếng bóng lộn kia đang cười cợt những xao động bên ngoài. Không biết đàng sau những gò ngực thuôn thả kia có ẩn giấu một nhịp đập lẻ loi nào để cám ơn cuộc đời đang lố nhố những niềm vui?

Chúng tôi đi dọc theo hành lang phát ra tiếng rì rào của máy điều hòa không khí, tìm cửa để ra ngoài. Những người phụ nữ tản lạc ra mọi phía và cố phóng những tia nhìn mê đắm vào hàng hóa bày biện hấp dẫn nằm kề cận bảng giá “Sale off bốn chục phần trăm”.

Những giao lộ đưa những con mắt xanh lè nhìn xuống lòng đường mơn mởn gió đêm, tôi chạy ngang qua đó trên đường trở về. Con gái tôi nằm dài trên băng ghế sau, lim dim với những thành quả thâu lượm được. Trạm xăng còn lác đác bóng người bên ngã tư phô bày một sức sống vô tận của đêm. Bảng quảng cáo khổng lồ “Yellow Rose” vẽ hình những đôi chân trần thuôn thả gợi ý về một dục vọng nóng bỏng. Nó kêu gọi những đấng mày râu hãy hết mình lăn xả tới và nương tựa nỗi sầu thảm của mình lên vai những kiều nữ tóc vàng mắt xanh. Cuộc đời ngắn hạn nên cần gì phải chối từ những cám dỗ đang tuôn chảy theo những dòng bia bọt phù du kia cùng tiếng nhạc thổn thức. Ðêm cứ xối xả những dồn nén tức tưởi như tiếng nhạc mở lớn từ chiếc xe ở lằn lane bên kia, lúc tôi dừng chờ đèn đỏ. Người Mỹ đen với chiếc nón đội ngược về phía sau đang lắc lư đầu quay nhìn tôi. Ðôi môi dầy cộm nhục cảm và cặp mắt liếng láo tìm kiếm một cõi mộng mị, hư ảo bên ngoài những đời thường.

Trạm xe buýt có mái che đang nhốt đầy gió như muốn xua đuổi khách đợi. Người đàn bà đứng trơ trọi một mình ôm vạt áo quay lưng về phía đường. Chiếc lưng gù vẽ lên nền tối một nỗi xốn xang trong khi mái tóc bay ngược về phía sau để bày tỏ với bóng đêm nỗi lang thang không chỗ nghỉ.

Tôi quành đầu xe đậu sát trạm, nghiêng người với tay mở cửa xe theo quán tính. Người đàn bà quay nhìn lui, thảng thốt.

Chiếc mặt nạ hóa trang đã tháo bỏ đâu đó. Tôi cũng thảng thốt.

Khuôn mặt của Khiết nhìn xuống đang tặng tôi nụ cười buồn. Tôi chờ đợi. Xe cộ lao vun vút bên cạnh nhưng thời gian vẫn dừng lại đắn đo không muốn trôi về phía trước. Vài chiếc nóng nảy bóp kèn và người tài xế sau khi vượt lên còn đưa một ngón tay ra dấu thô tục. Sau cùng nàng đã mở cửa xe bằng đôi tay dấu kín trong vạt áo lúc ngồi trong chợ. Marianne chồm dậy hỏi:

- Ai vậy ba?

- Cô Khiết.

- Ồ. Bé Châu đâu? Nó tò mò nhìn những đồ hóa trang lỉnh kỉnh cùng chiếc gù trên lưng nàng đang làm vướng víu chỗ ngồi.

- Nó không có ở đây. Nó còn ở Houston với bạn nó.

- Con nhớ nó. Bao giờ bé Châu trở lại?

- Có lẽ qua Giáng Sinh. Nó cũng nhớ con.





Chiếc xe lướt đi trên những quảng đường không lấy gì sáng sủa cho lắm để đến một nơi phải trở về. Có lẽ ở một nơi cuối trời kia, những vì sao đang nhấp nháy dòng lệ rực rỡ tạ ơn cuộc đời như những đồng penny dưới đáy hồ. Tôi hỏi Khiết:

- Em muốn về đâu?

Nàng nhướng mắt. Màu xanh màu biển cả dưới đôi mày đậm đen như muốn gởi gấm vào đêm sâu những rối bời băn khoăn.

- Tùy anh.

- Hay em ghé qua nhà anh đêm nay, cho Marianne nó ăn lễ đêm Halloween? Xe của em đâu?

- Em bỏ lại Houston. Em về đây bằng buýt.

- Suy nghĩ nào đã làm em trở nên một người đàn bà Mễ kỳ lạ trong đêm nay?

Con gái tôi cũng phụ họa:

- Sao cô Khiết make up xấu quá vậy?

- Ừ hứ. Cô muốn trở thành một cô bé lọ lem lang thang tìm kiếm một hoàng tử hào hoa. Nhưng đêm sắp tàn rồi mà chưa tìm thấy.

- Ôi sao cô tìm kiếm ở đâu xa. Cô không chịu trở lại với ba và con?

Có một bảng “Garage sale” cắm chênh vênh bên lề đường lối vào nhà tuần vừa qua chưa kịp tháo gỡ. Người ta sẽ tìm thấy ở đó nhiều thứ đồ vật lạ mắt nhưng giá rất rẻ. Nhưng hạnh phúc thì không sao tìm thấy. Không ai rao bán một thứ hạnh phúc, cho dù nó tan hoang rách nát và bụi bậm làm hoen ố, ngậm ngùi.

Con có cho cô trở lại không? Nàng bâng khuâng hỏi.

- O.K.

- Còn Daddy của con?



Ðêm đó, nàng ở lại sau một bữa ăn muộn màng có những ngọn nến leo lét nơi giữa bàn. Ðêm trôi giạt từng hồi những cơn mưa hay một cái gì đó mênh mang nơi khu vườn sau nhà, nơi có cây hồng dòn tơi bời những lá khô giữa một mùa thu. Rèm cửa rung động như tiếng ai thầm thì dưới gối. Tôi kéo chăn đắp cho nàng. Ðêm về sáng. Nàng cựa mình mở mắt. Cánh tay trắng nhễ nhại đưa ra như muốn ôm lấy một vỗ về mà trái tim quạnh hiu không dễ gì tìm thấy. Ánh sáng từ ngọn đèn nhỏ cắm nơi chân tường đủ để tôi nhìn biết dưới lớp chăn mong manh kia là khuôn ngực phập phồng không che đậy và mùi hương toát ra từ đó. Có phải là hương thể hay hương thầm từ một hạnh phúc khép nép quanh đây mà ngày tháng qua vắng mất? Còn tiếng nghiến răng rít róng của mụ phù thủy bên ngoài kia, hay tiếng gió?

”Sẽ không có những lìa tan nào giữa đôi ta, phải không em?” Tôi hỏi nàng khi thân thể tôi và nàng gắn chặt vào nhau không rời. Và bóng tối trần trụi chao nghiêng trên lớp vải vóc vướng víu, tạm bợ không cần thiết. Tôi ham hố gởi đến nàng từng nhịp hoan lạc thổn thức và nàng đón nhận không so đo bằng những ngón tay đầy móng nhọn ghim trên vai đau điếng. Sự kháng cự miễn cưỡng của nàng không đủ ngăn tôi đẩy xô nàng đến sát bờ vực chập chùng những vết răng ẩm ướt hạnh phúc. Nàng chới với bên tai tôi, giữa khoảng trống im sững:

” Lấy anh rồi, mai mốt em sẽ già hơn anh mất...”






0 comments:

No comments:

Post a Comment