Monday, April 30, 2012

điều quen lạ nơi em

phạm ngũ yên






Trong đời sống mỗi người, luôn có một con đường để trở về và một thành phố để yêu thương. Cái tình cảm mật thiết nầy, nó sẽ không giống như cái tình cảm về nơi chốn sinh ra. Vì nơi chốn sinh ra luôn gắn liền với trái tim mỗi người, sống động và nồng nàn như hơi thở, như đồ ăn thức uống. Trong khi tình cảm về một nơi chốn tạm dung, trong một thời gian, trong một không gian, dù ghim chặt trong trí nhớ, nhưng chúng ta cần phải có một cơ hội, giống như một chất để xúc tác, mới khơi dậy và khua động trong lòng. Như một cơn mưa phùn buổi chiều hay một tiếng chim kêu buổi sáng. Dù biết rằng nhỏ nhoi, nhưng mọi thứ sẽ nhờ đó mà nhân rộng ra cùng với thời gian.

Nhiều năm sau nầy khi hồi tưởng lại một thành phố tôi đã từng sống và từng ngụp lặn trong hạnh phúc, tôi luôn nhớ đến Bảo Lộc. Từ Bảo Lộc tôi nhớ về những hình ảnh khác, mà tôi sẽ viết ra đây.

            Sẽ không khó khăn để tôi hồi tưởng về một phần đời của tôi, vì nó rât dịu dàng. Nếu không muốn nói là hạnh phúc. Hai mươi mốt tuổi, tôi vừa xa rời quân trường Quang Trung. Chiếc balô chưa nặng nề vì không có nhiều quân dụng cá nhân. Vài bộ đồ treilli màu xám tro còn thơm mùi vải lãnh từ kho quân trang. Vài  bộ quần áo dân sự tôi thích dùng khi ra phố (có cả một đôi giầy da mềm). Một chiếc áo lạnh màu xám tro. Một chiếc jacket nhà binh. Tôi đi về phía cuộc đời lộng lộng gió mát...

Một hôm nào đó, chiếc quân xa chở tôi từ Ðà Lạt về Bảo Lộc qua ngang Tùng Nghĩa, Ðức Trọng. Giữa chặng dừng chân là Di Linh. Một quận lỵ đìu hiu nằm giữa ngả ba.

Tôi không có cơ hội để ghé thăm Di Linh, dù mười năm lính tráng trú đóng tại cao nguyên tôi đã từng đi ngang nhiều lần. Tôi đã từng ngồi trên xe nhìn xuống một cách lơ đảng con lộ chính dẫn vào quận lỵ. Qua một khu chợ thưa thớt và những người Thượng mang gùi đứng nép bên đường. Vài cửa tiệm tạp hóa và bán đồ lưu niệm. Một tiệm cơm hơi cũ vì mấy khung cửa kiếng bám bụi đường mỗi ngày. Nhưng ngưởi qua đường vẫn thấy được phía sau quầy hàng ngổn ngang kia một vài thức ăn làm sẵn. Xa phía trong hơn nửa là trại lính. Những chiếc xe nhà binh uể oải lên dốc rồi từ tốn xuống dốc, những vạt khói hào hển chạy đuổi sau bánh xe. Tôi nghe nói tận cùng phía sâu, trong rừng Di Linh, có một làng cùi và một con suối. Cát dưới lòng suối có lẫn lộn vàng.

Trên đường chiều mịt mùng từ một mùa thu, tôi đi qua Di Linh với một tấm lòng buồn rầu, giống như vừa mới lìa xa một nơi chốn tình nhân. Sương mù ướt vai áo lạnh lùng khi chúng tôi ngồi phía sau thùng xe GMC. Xe dằn xốc nhiều lần vì đường xấu. Qua cầu Ðại Quay, người sĩ quan trưởng xa lưu ý chúng tôi nên đề phòng hai bên đường. Vì đây là đoạn đường tương đối thiếu an ninh. Nhiều đêm, những người “anh em” phía bên kia lén về đóng thuế dân làng và sau khi rút đi để lại những mô đất, mục đích làm cản trở lưu thông xe cộ ngày hôm sau.

Qua khỏi Ðại Quay đường cũng còn xấu. Mưa phùn lất phất làm quang cảnh thêm ủ dột. Cao nguyên luôn có mưa về buổi chiều, không nhiều thì ít. Tôi cảm thấy mình trẻ lại, như một đứa trẻ, để yêu mến những hiểm nguy cũng như những lạc thú của đời sống phơi bày ra trước mắt, để rồi lòng tạnh vắng một bến đời.

Vài khóm hoa dại màu vàng mọc hai bên đường. Chúng chao đảo nghiêng về một phía khi xe vụt qua. Mỗi đời hoa luôn khép kín một bình minh. Có biết bao bình minh nở ra trên tấm lòng non yếu vì chưa quen đối diện với nghịch cảnh?



            Khi mùa đông trở về làm nặng trĩu những cành bơ hai bên đường vào khu cư xá củng là thời gian tôi sống tại Blao tròn một năm.

            Năm 1966, Blao còn những nét quê múa chân chất của một quận lỵ. Nhà cửa chạy dài hai bên quốc lộ 20 còn xây cất theo kiểu cách nhà quê. Nhà ba gian bằng gỗ rừng có mái lợp tôn luôn quay mặt ra đường. Những tàu lá chuối vươn mình mạnh mẻ, cọ quẹt suốt ngày vào mái tôn vì gió. Thấp thoáng đàng sau là những vườn chè bạt ngàn. Ðường quanh co, lên đồi xuống đồi và mùa đông sương mù dầy đặc buổi chiều. Không có dấu vết của chiến tranh, dù đôi khi nghe tiếng đại bác vọng về. Nhịp sống lắng động, không ồn ào. Như một cánh cửa mở ra một đời sống khác. Nhiều lúc tôi có cảm giác tôi đang xa rời thị thành để lên núi rừng ẩn cư.

Mọi tin tức ghi nhận từ thành phố Sài Gòn hay Ðà Lạt đều bị chậm, đôi khi mất dấu vì đường giao thông bị tắc nghẽn.  Những câu chuyện thời sự liên quan đến văn hóa hay nghệ thuật cũng vậy. Khi tôi biết về một bài hát, một quyển sách, hay một cuốn phim nổi tiếng vừa được đón nhận ở thành phố thì những thứ đó khi về đến đây trở thành lỗi thời.

Buổi chiều sau giờ làm việc tôi đi bộ ra chợ Mới- một ngôi chợ duy nhứt của thị xã- tìm đến sạp báo (cũng duy nhứt) để tìm đọc tin tức trong ngày. Thường thì khoảng sau bốn giờ chiều xe đò mới về bến. Người lơ xe xách những bao bố đựng báo đem đến chất đống trước sạp. Trong khi người chủ loay hoay sắp xếp báo cho gọn gàng vào các ngăn kệ thì khách hàng cũng tấp nập kéo đến. Mùi mực in và mùi giấy trộn lẫn vào nhau để trở thành một mùi lạ lùng, rực rỡ những niềm vui, những háo hức. Cũng tại nơi nầy, tôi gặp Ngọc.



Nếu phải viết lại một tình yêu khi mới vừa trưởng thành, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không ngại ngần viết về tình yêu của tôi và nàng. Mười bảy tuổi, nàng đơn giản như một nụ hoa chưa nở hết xuân thì. Ðôi lúc nàng lạnh nhạt như một lá cỏ mùa đông. Ðôi lúc nàng ấm áp như một cời than trong bếp lửa. 

Tôi không chắc mình có khả năng viết lại đúng bao nhiêu phần trăm về tình cảm của hai chúng tôi, vì câu chuyện xãy ra cách đây gần bốn mươi năm. Nó không mới mẻ để tôi hồi tưởng lại dễ dàng từng giai đoạn, vì thời gian biến đổi nhiều quá. Nó cũng không nằm im như những dòng chữ trên một trang sách để nếu cần tôi có thể lật ra đọc lại. Nhưng tôi biết chắc rằng tôi sẽ không tìm thấy một hình ảnh khác rực rỡ hơn để thay vào đó.

Nàng sở hữu một phần đời của tôi, tôi tin như vậy.

Từ một phía mênh mông của sương mù và mưa bụi nàng lơ đãng tiến về phía tôi. Không chờ đợi cũng không hẹn hò, nhưng sự xao động đã trở mình trong mỗi bước chân đủ dẫm nát tâm hồn tôi.

Một buổi chiều chớm đông, tôi đang tìm một tờ báo thường có đăng bài của tôi, thì gặp nàng. Không phải nàng hiện ra bên cạnh tôi để báo hiệu với tôi một giông bão sau này, nhưng tôi biết tôi sẽ không thoát ra khỏi nụ cười nàng từ hôm đó. Nàng mặc áo dài trắng và chiếc áo len cổ lọ màu tím phủ bên ngoài. Một màu áo và một kiểu cách chung mà đa số các nữ sinh Bảo Lộc thường mặc. Mái tóc ướt át vì mưa và ôm sát đầu. Có đường ngôi nằm chính giữa.

Trời lạnh. Nhưng hình như nàng vừa đem đến nơi này một chút nắng ấm màu chiều. Bên kia đường lộ chính nối tiếp với một thành cầu bắt ngang qua hồ Ðồng Nai Thượng, mặt hồ đang mờ mịt hơi sương. Có một chút rét mướt dâng tràn làm thành nỗi buồn thơ mộng, một lần tôi ngồi trên cầu, nhìn xuống.

            Khi tôi quen với nàng sau nầy, tôi mới chợt nhớ ra là tình yêu của tôi ủ quá nhiều ướt át của sương mù mà thiếu hẳn cái ấm áp. Ðôi khi định mệnh dấu diếm chúng ta về một hạnh phúc lấp lánh, nhưng nguợc lại bày tỏ quá rõ ràng về một đau khổ. Nếu tình yêu luôn là như vậy, thì tôi không thể chọn lựa khác hơn. Vì bên cạnh nàng, tôi thấy tôi khó lòng tránh khỏi sự thôi thúc được yêu nàng. Cũng như nỗi ao ước được chia xẻ với nàng mọi bất trắc mà cuộc đời đem đến.

Nàng là con gái Bắc Kỳ chính gốc. Sinh trưởng ở Hà Ðông. Nhưng nàng nói với tôi không hề biết gì về một nơi chốn đã sinh ra. Gia đình nàng di cư từ năm 1954, trên một trong những chiếc tàu sắt nằm ở cảng Hải Phòng. Trí nhớ của một cô bé 5 tuổi không cho phép nàng nhớ thêm được gì ngoài tiếng còi buồn trên ga Hàng Cỏ khi nhìn xuống người thân đứng dưới đường. Những cái vẩy tay qua những góc đường Hà Nội. Qua những trạm mọc vài cửa hàng vội vã để bày bán những thứ đồ đạt bình thường mà người ta không thể mang đi hết. Với những con heo mọi bị trói nằm co bên cạnh quang gánh, mền chiếu. Cùng những toa tàu rét mướt, âm thầm.

Hà Nội trong trí nhớ nàng là những điều mà người lớn kể lại, cũng đầy gió thổi về mùi hoa sấu làm sóng mũi cay cay. Mùa đông cuồng nhiệt những áo dạ, khăn choàng cổ khi con gái Hà Nội xuống đường. Giọt nước mắt rơi xuống toa cửa tàu lạnh lùng như sáp nến.

Có những lúc tôi không gặp nàng tại sạp báo, mà gặp ở trường học. Tôi là một người lính, nên không e ngại để đến tìm nàng ở sân trường, giữa giờ chơi. Mấy đứa bạn chung lớp nàng mới đầu có chế diểu nàng chút đỉnh về sự dạn dĩ của tôi, nhưng khi biết tôi là một tác giả có thơ văn đăng trên báo Sài Gòn họ ngại ngần không dám sỗ sàng. Mùa đông tôi đi với nàng dưới những tán lá vàng khô không còn sự sống, qua những kiosque bán trà dọc hai bên đường ra chợ. Nơi ngả ba giao nhau của trụ sở nhà Bưu điện và Tòa Hành Chính, người ta vừa xây xong tượng đài “Kinh Thượng Một Nhà”.  Công trình nói lên sự mật thiết của hai màu da khác nhau nhưng vẫn chung một bà Mẹ Việt Nam. Chỉ vì sinh kế mà kẻ trôi giạt lên rừng, người đi xuống đồng bằng. Ðôi khi hai anh em có kèn cựa, tranh chấp nhau vì một con trâu hay một bao gạo, nhưng không đến nổi họ phải quay lưng lại với nhau suốt đời. Nhưng chắc phải còn lâu ước vọng gắn bó đó mới trở nên đậm đà như cõi lòng của người nghệ sĩ. Bây giờ nó chỉ mới vừa thành tựu qua những nét khắc tài hoa, như những vết thương lòng lặng lẽ. Những cây sầu đông cúi mình trút những ngọn lá xuống hai bên lối đi, không biết mai nầy có còn ai đưa ai đi về mỗi ngày?

Một đêm, tôi đưa nàng ghé thăm trại độc thân của tôi, nằm trong phạm vi Tiểu Khu. Chung quanh là những rào kẻm gai bao bọc mấy dàn ăngteng do đơn vị tôi thiết lập. Trở về chúng tôi ghé lại quán cà phê Anh Ðào, cạnh bờ hồ. Trăng tàn rồi trên đầu. Những vì sao đêm như những dòng lệ hoan lạc. Buồn đuổi vội vã theo sau lưng. Phố ngủ thiêm thiếp trong cái lạnh phờ phạc khiến hai bàn tay chúng tôi không muốn rời nhau. Bài thơ của ai đó, chợt hiện ra thấp thoáng trong trí nhớ: “Hãy nắm chặt tay em Đường đời còn dài lắm Mình cho nhau hơi ấm Đi qua những đông buồn Đừng ngại ngần nụ hôn Nào có gì xa xỉ Đời nhiều giông bão thế Ai chẳng thèm thương yêu?”

            Mọi quán cà phê nào ở quận lỵ cũng đều giống nhau, từ cách trang trí, phục vụ và luôn cả cách pha chế. Dĩ nhiên lời nhạc trong máy hát vang ra cũng giống nhau. Những bài hát về thân phận của lính và những chuyện tình buồn. Về những vùng chiến thuật mà người lính đang dừng chân hay những cuộc chia tay với người yêu nơi gác trọ. Người ta sẽ ngồi uống cà phê cùng một lúc với lời nhạc nhòe nhoẹt nước mắt từ chiếc loa phóng thanh gắn đâu đó cuối phòng. Người ta sẽ không cảm giác được, hay cảm giác rất ít vì những âm điệu cũ mòn nghe từ đêm này sang đêm khác. Ðôi khi những đôi tình nhân vào quán, thực sự không phải để thưởng thức cà phê hay để nghe nhạc. Có những cặp vào quán chỉ để kêu 2 ly nước đá chanh, và nói chuyện rù rì suốt một buổi tối, quên hẵn giờ đóng cửa, không cần biết mùi vị cà phê bay thoảng qua khứu giác và lời ca của ca sĩ ngọt ngào như thế nào.

            Quán Anh Ðào cũng vậy. Khi nào tôi ghé đến, cũng kêu một ly cà phê đen và một bình trà nóng. Và bản nhạc đầu tiên của cuộn băng rất quen thuộc là bản Ðoạn Tuyệt, trong đó có một đoạn bắt đầu mà tôi nhớ mãi là: “một mai em có đi lấy chồng, vòng tay ân ái thay hình bóng. Xác pháo tươi hồng như trái tim, êm ái trao lòng tôi vết thương, em biết chăng em…?” (Phượng Linh và Nguyễn Văn Đông).

            Ðêm nay Ngọc cùng uống cà phê với tôi. Dù nàng biết sẽ mất ngủ. Tôi ái ngại kêu thêm cho nàng một chút sửa. Bình thường tôi hút thuốc khi ngồi một mình, nhưng có nàng tôi dằn xuống thói quen, vì có một lần khói thuốc làm nàng sặc và ho khan. Nhìn nàng im lặng ngồi ngay ngắn trong chiếc ghế mây bọc bằng vải màu sặc sỡ- (màu vải mà nàng nói rằng rất quê mùa) tôi muốn tiếp tục nắm tay nàng và muốn đặt lên trán nàng một nụ hôn. Nhưng không dám. Những đôi mắt từ trong bóng tối mờ câm nhìn về chúng tôi như thể dò xét và đánh giá. Nàng hỏi:

- Anh không hút thuốc?

Tôi lắc đầu.

- Tại sao?

- Tại vì em... 

- Nghe sao giống cải lương quá.

- Vậy thì anh sẽ nói rằng người đàn ông hút thuốc cũng như người đàn bà trang điểm.

- Nghĩa là sao? Nàng hỏi.

- Đó hành động không cần thiết. Vì đôi khi khói thuốc làm cho người đàn ông vững vàng hơn hay yếu đuối hơn. Và đàn bà cũng có thể vì trang điểm mà đẹp hơn hay xấu đi.

Nàng sặc vì cười:

- Ngộ quá.

Nàng nói bằng giọng miền Nam để chọc quê tôi: “Em thấy người ta trang điểm chỉ đẹp thêm chớ không làm ai xấu thêm...”

- Có chứ. Em không nhớ câu chuyện Tấm Cám và chị em của cô bé Lọ Lem sao?

            Chắc không có nhiều câu chuyện cổ tích để thi vị hóa và để nâng tình yêu chúng tôi lên một cung bậc mới. Trong đó có tấm gương soi nhìn về tương lai. Nhìn ra cánh cửa ngôi nhà hạnh phúc vừa đón chúng tôi bước vào. Trong đó có những lời nguyền và những điều ước.

Phải chi người ta yêu nhau bằng một trái tìm mù lòa nhưng lại nắm tay nhau đi hoài trên một đoạn đường bằng phẳng?

Vài lần, Ngọc bảo tôi khô khan giống như ông cụ non. Tôi không biết ca tụng nàng những điều mượt mà như tiếng gió thổi mơn man qua tấm lòng thiếu nữ. Trong khi tôi không muốn mình trở thành cải lương. Nhưng dù sao, phụ nữ vẫn là phụ nữ. Người ta chẳng thường nói người đàn ông yêu bằng đôi mắt, trong khi người đàn bà yêu bằng hai lỗ tai đó sao?

Dù sao, những lời trách yêu của Ngọc cũng làm tôi ngại ngần. Nàng nói đúng.

Gả đàn ông trong tôi luôn vụng về để nói lên một lời tình yêu. Nhưng đàng sau cái vụng về kia là một tấm lòng chân thật. Những điều tôi không nói ra, nhưng thật ra là đã nói. Đàng sau một trái tim nồng nàn là gì, nếu không phải là những đam mê rực rỡ?

Mặt hồ dâng kín màu đêm ngoài kia. Trụ điện lướt thướt thẳng hàng hai bên lề đường. Quán vắng thưa người và trong số những đôi tình nhân đã có vài người đứng lên. Tôi khoát chiếc áo jacket nhà binh lên vai nàng. Lúc đó trông nàng mảnh mai như một đóa hoa được hái vội vàng chưa kịp nở hết trong vườn. Tiếng nhạc lại đuổi theo chúng tôi ra tận ngoài cửa quán:... “ngày mai em có đi lấy chồng...?”... Ngày mai ... Ngày mai...

 Những cành mạc lan đêm nay có thơm như ngày đầu tôi quen nàng? Tôi không chắc vì nỗi buồn nào cũng luôn toát ra một mùi hương.

Ðiều tôi muốn nói ra đây, thực ra sẽ chỉ làm tang thêm ưu phiền vì không trang trải được những ngổn ngang trong lòng. Tôi xa nàng một năm sau đó. Một năm chưa đủ để cho một mối tình vươn vai bay về phía mặt trời và chưa đủ để làm hổn hển một vòng tay.

            Nói đúng ra nàng tìm cách xa lánh tôi. Gia đình nàng là nguyên nhân làm cho tình yêu chúng tôi tan vở.

            Ngọc là con gái lớn trong gia đình có đông anh em trai. Cha mẹ nàng ly thân nhau. Khi nàng và tôi là bạn, cha nàng không hay biết. Ông đi làm ăn xa và rất ít khi trở về. Một hôm ông trở về Bảo Lộc nghe tin đứa con gái cưng của ông yêu say mê một đứa con trai mà theo ông là “không ra gì”. Ông nổi giận và áp lực nàng phải cương quyết rời xa tôi. Có biết bao nhiêu chàng trai với địa vị bề thế và “lon lá” đang chờ đợi nàng. Còn tôi quả thật “không ra gì”, ngoài những nhiệt tình với công việc trong đơn vị và nhiệt tình ngay với tình yêu nàng. Tôi khờ khạo mang sự lãng mạn đi xuống cuộc đời. Những bài thơ, truyện ngắn tôi viết ra đăng báo, theo ông, không đủ làm no đầy những mâm cơm.

Vẫn mùa đông đi qua trong khi sự hồi đáp về một tình yêu không có tín hiệu. Nàng nói dối với tôi nàng di chuyển về Ðà Lạt học tiếp đại học. Nhưng tôi nghe một tin tức khác từ vài người quen là nàng đi lấy chồng. Chồng Ngọc là một giáo sư. Sau nầy anh ta đi sĩ quan và trở thành một giáo chức biệt phái trở về dạy lại tại trường Bùi Thị Xuân Ðà Lạt. Một lần tôi chợt nghe bài hát rất cũ, tôi tưởng bài hát đó viết riêng cho tôi. Bài “Giọng Ca Dĩ Vảng” có những câu như thế nầy: 

“Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai...

Hoa mai giăng ngập nẽo đường em đi

Rồi em đành chối tiếng giao hòa

Từ ly là khúc hát đau lòng sầu muôn lối...”

Vài lần tôi viết thư nhắn nàng trên báo. Nhưng chắc nàng không có thì giờ để đọc. Tôi trở về Vũng Tàu. Ủ niềm đau của mình trong gió biển và nghe những hàng phi lao tâm sự.

Tôi tưởng mình có thể quên được khi cơn gió mùa về đem theo mùi vị của muối, cùng những chuyến thuyền ra khơi.

Chiều xuống mênh mông ngoài bãi cát nước ròng. Tôi ngồi trên chiếc ghế bố thuê của người bán hàng rong. Chỗ nầy có lần Ngọc ngồi với tôi, khi tôi đưa nàng về thăm thành phố biển. Lần đó biển hiền hòa. Bao giờ cũng vậy. Nhưng tôi biết trong lòng biển luôn chứa nhiều bão tố. Mấy con còng gió chạy tới chạy lui không hàng lối, kéo theo những đường ngang dọc trong hồn tôi. Ngọc lúc nào cũng sợ nước sâu và sợ những gì dấu kín trong đại dương. Sợ những nhánh rong phiêu bồng kéo theo đàng sau nó những con sứa. Ngọc sợ luôn những viên thuốc cảm cúm tôi xin ở bệnh xá cho nàng. Tôi yêu những điều nhỏ nhặt như vậy. Ðiều đó cho tôi thấy tâm hồn nàng đơn sơ, không phức tạp, cầu kỳ. Vậy làm sao nàng có thể chia tay tôi dễ dàng không một lời từ giả?

Khi nàng ngã vào trong vòng tay tôi lần đầu, trong căn phòng độc thân nơi trại gia bình, tôi biết nàng phải can đảm lắm để không khóc. Khi tôi gài lại chiếc nút áo trên ngực nàng, vô tình chạm vào chiếc thánh giá bằng bạch kim. Nó nằm im ắng nơi chỗ trũng, giữa hai bầu vú ấm áp. Tôi cảm nhận được tiếng đập nhẹ của trái tim nàng đang thổn thức. Tôi cảm nhận được qua da thịt còn tươi mát kia, là những lo lắng rất đời.

Làm sao tôi có thể quên được nàng, về một góc đường trong thành phố im vắng kia luôn thao thức một nỗi nhớ. Trong đó mỗi ngày nàng đi về một mình và đôi khi, tiếng cười lạnh lùng làm tái xanh nhánh cỏ?

Làm sao tôi có thể không ngừng nhớ về nàng khi sự rạn vỡ của một tình yêu không làm cho sự khao khát về nhau bị mất đi. Chúng tôi cho nhau và nhận ở nhau sự cuồng nhiệt không so đo, như ngọn lửa cháy hết đến cời than cuối cùng. Lòng tin và phó thác về nhau cũng không hề cạn kiệt, dù đêm không có là bao.

Những phố đèn khuya. Những trời mưa lá về đêm, hình như luôn dấu kín hai vi sao biền biệt từng là đôi mắt nàng.

Bây giờ, để nhớ về nàng, tôi chỉ còn có thể hình dung lại bất cứ điều gì làm nên con người nàng. Một tiếng cười nhỏ nhưng bừng xanh những tia nắng hay một lời nói nũng nịu chẳng hạn (Nàng thường nũng nịu mỗi khi cảm giác được tôi muốn chở che nàng). Một tà áo hay dáng ngồi êm ái khi bên cạnh tôi. Những lọn tóc vương vãi, rối bời trên vai áo xô lệch. Còn có những lời bông đùa ngô nghê và nhái giọng miền Nam của tôi nữa chứ?

Bây giờ mọi thứ đã xa. Thời gian lạnh giá hơn sự cảm nhận của con người. Thời gian cũng tàn nhẫn không kém. Nếu tôi được quyền sống lại quá khứ, được quyền quấn lại cuộn chỉ thần diệu như trong chuyện cổ tích mà ngày xưa tôi đã học, tôi sẽ lôi kéo ngày tháng của tôi giật lùi lại những giây phút bên cạnh nàng, khi môi miệng chúng tôi vừa trao nụ hôn lần thứ nhất.

Ai đó đã từng nói rằng trong tình yêu mà sự thất bại sẽ làm cho chúng ta biết bao dung hơn và sau đó sẽ đứng lên mạnh mẽ. Chúng ta sẽ quên vì vết thương sẽ khép miệng. Vì cơn đau sẽ qua đi. Tôi không tin như vậy. Mọi sự quên lảng tưởng dể dàng mà sao nghe rời rộng quá.

Có những quán cà phê tôi ngồi rất lâu khi tôi về sống tại Vũng Tàu. Vẫn những ngày mưa nắng tiếp theo nhau nhưng tôi nghe đời thật vắng vẻ. Tôi chờ đợi một bước chân trở về của ai đó.

Bốn mươi năm qua tôi không hề gặp lại Ngọc. Chắc nàng cũng không muốn gặp lại tôi làm gì. Thời gian sau ngày mất nước, tôi lập gia đình với một người phụ nữ khác. Với mối tình này, tôi không cần quá khứ. Cũng không có hiện tại. Chỉ có tương lai.

Tôi và vợ tôi sang Hoa Kỳ sau đó vài năm.

Trước khi lấy tôi, vợ tôi có thời gian làm cho sở Mỹ. Tôi gom góp những tài liệu liên quan đến 6 năm làm nơi phòng lương tại phi trường Vũng Tàu của vợ tôi và gởi qua Bangkok, nơi có đặt văn phòng ODP- (một văn phòng thu nhận và giải quyết những đơn xin định cư tại Hoa Kỳ). Sau mấy tháng đau tim vì sợ nhà cầm quyền cộng sản phát giác về lá đơn gởi “chui”, chúng tôi được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho định cư, qua một cuộc phỏng vấn trực tiếp của phái đoàn tại Sài Gòn. Trong lúc chờ đợi lên máy bay, những trang mới của cuộc đời tị nạn đang được viết xuống bằng những dòng mực lấm lem mùi vị của xã hội chủ nghĩa. Trong đó có những truyện ngắn, những bài thơ tôi viết rãi rác trong những ngày tháng buồn chán. Trước khi có chuyến bay tôi phải xé rời từng trang bản thảo và dùng chúng để bao bọc những ly chén cùng đồ “dễ vỡ” đem theo. Một cách ngụy trang và qua mặt sự kiểm soát của nhân viên hải quan.

 Một đêm cuối tuần, khi lục lọi trong đám giấy tờ tôi mang theo từ Việt Nam, chắc vợ tôi thấy một tác phẩm viết dành riêng cho Ngọc. Tôi đề tặng nàng với những dòng trang trọng:” Cho em, không đẹp, nhưng không thường...”  Bằng sự sững sốt pha lẫn bực tức, vợ tôi yêu cầu tôi phải chấm dứt những gì liên quan đến nhân vật nữ có tên là Ngọc kia. Chấm dứt viết về Blao và Ðà Lạt. Vợ tôi cương quyết làm áp lực với tôi. Giống như ngày xưa cha của nàng đã cương quyết và áp lực nàng.

Có những điều tưởng chứng như chúng ta có thể chịu đựng được vì cuộc đời này ngắn hạn. Mọi thứ đều có hai mặt tốt xấu tương phản nhưng bổ sung cho nhau. Nhưng có những điều chúng ta không dám chạm đến vì tưởng rằng sẽ tan vở. Tưởng rằng đó là ranh giới cuối cùng.

Bài học mà tôi rút ra được, từ sự đau khổ hôm qua là tại sao tôi không tự mình đứng thẳng trên đôi chân của mình? Tại sao tôi không dám vượt qua một nghịch cảnh để lao về phia trước? Giống như ngày xưa tôi đã từng qua Di Linh mà không chịu ghé lại. Ðã từng đứng bên này đường, lơ đảng nhìn sang bên kia. Di Linh chỉ là một cái tên rất thơ mộng và rất an bình, nhưng tại sao tôi không cố gắng để ghé lại tìm hiểu nơi đó đã từng có một đời sống như thế nào. Bí quyết về một hạnh phúc nằm bên kia đường mà tôi không chịu bước qua. Vì chỉ cần bước qua là tôi đã chạm tới hạnh phúc? Biết đâu?

Sáng nay chiếc là rụng bên thềm. Tôi thèm muốn được xanh như chiếc lá trên kia. Và tình yêu cũng giống như một chiếc lá xanh mang trong hồn diệp lục tố. Khi nỗi khổ đau là có thật và chín mùi, thì trái tim sẽ òa vỡ chỉ vì một cơn mưa. Không có ai quay lưng đứng bên ngoài ký ức, từ chối một lần gõ cửa, trong khi ngọn lửa bền bĩ của tình yêu cứ cháy mãi trong lòng...

No comments:

Post a Comment