Monday, April 30, 2012

thà để tiệc tan

phạm ngũ yên





Khi tôi sắp rời Ðà Lạt, những cơn mưa đang dầm đìa trên thành phố biển Vũng Tàu. Nghe nói có cơn bão nào vừa đi qua miền Trung, để lại dấu vết mệt lã của cây rừng, cùng những hàng dây điện đứt rời như nỗi nhớ.

Bên hông nhà hát lớn Sàigòn, tôi ngồi dưới một mái che phân chia rạch ròi hai khu vực. Bên nay là im vắng của bờ tường nhốt kín gió và nhốt luôn những đời sống thầm lặng. Bên kia là những giao lộ chật kín xe cộ nối đuôi nhau. Những ngã tư đèn đỏ và bên dưới là dòng người xuôi ngược. Nỗi băn khoăn rã rời cũng bộc lộ theo mỗi nắng lên, mỗi ngày xuống. Bầu trời mênh mông một màu xám buồn và đó đây trên tán dù nhiều màu thoáng rơi vài giọt nước. Trên băng ghế chờ xe buýt vương vải từng trang báo cũ nát bị ẩm ướt như những phiến mộng rách rời. Ly cà phê trước mặt có từng giọt đậm đen rơi xuống đáy ly như một nỗi buồn mới mẻ.

Có những điều mà tôi cũng như nàng không làm sao hiểu được khi tình yêu tưởng chừng như mới vừa ẩm ướt đó nhưng cũng vừa mới bốc hơi. Buổi chiều hôm qua nàng vừa nói lời chia tay với tôi. Hoa tường vi vẫn theo gió về rụng xuống làm cũ mòn hành lang đêm. Vài nhánh thòng vào khung cửa sổ nơi mà nàng ngồi đánh máy những trang bản thảo của tôi. Ngạch cửa có dấu dao khắc thời gian chúng tôi quen nhau. Tôi đếm có cả thảy ba dấu cộng, tương trưng ba năm cho một tình yêu dù tầm thường nhưng rất nhiều hạnh phúc. Những vệt gạch run rẩy vì thơ dại trộn lẫn với băn khoăn vì những lời rên siết của cơm áo, của đời. Hôm nay, vừa có thêm một dấu trừ vội vã.

Nếu không có sự can thiệp của gia đình, Ngọc sẽ không nghĩ đến chuyện rời xa tôi. Một lần nàng trở về Bảo Lộc để lấy thêm giấy tờ và vài thứ cần thiết. Ðồng thời để nghe ngóng tình hình. Mười bảy tuổi nàng yêu tôi mà không lường trước những hậu quả. Lớp học đệ nhị thiếu bóng nàng mỗi ngày và sân trường vừa mất đi một màu áo tím. Ðứa con gái không còn kịp nghe tiếng dép hân hoan khua trên mặt đường hoa như màu son thiếu nữ. Thành phố không biết đến mùa hạ vừa ngào ngạt những bông cúc, nhưng hình như màu vàng đã nhạt, cùng trang giấy tình yêu của hai chúng tôi vừa dấy lên những lời đàm tiếu đủ làm nhòe nét mực.

Năm 1970 là năm ghi dấu thời gian Ngọc từ giả trường lớp và những vạt sương quen thuộc của đồi núi để theo tôi về sống tại vùng biển xa lạ là Vũng Tàu. Hành trang mang theo là một chút thơ ngây cùng sự liều lĩnh trưởng thành đủ làm chật một buồng tim non yếu. Biển và rừng khó lòng dung nạp nhau nếu tình yêu đó không nhen nhúm trong lòng nhau những hương lửa mặn nồng.

Ngày đó tôi đã yêu nàng biết bao. Hình như tình yêu luôn ẩn giấu trong nó mọi sự khao khát mà chỉ khi không còn bên nhau người ta mới cảm nhận được.

Ðơn vị của tôi ngày đó là quân trường Truyền Tin tọa lạc bên quốc lộ 25. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe đò chạy qua mang theo những buồn vui và những vệt khói lặng căm tiếng đời. Tôi lảnh lương mỗi tháng một lần và số tiền không đủ để tôi trang trải tiền nhà nói chi đến những nhu cầu cần thiết. Nhiều buổi tối cuối tuần ngồi bên nhau, dưới ánh điện không làm sáng hết khuôn mặt của hai đứa, tôi thương nàng đã chia sẻ cùng tôi mọi gian khổ mà đáng lẻ một người con gái không nên có. Nàng chịu đựng thiếu thốn mà không thở than. Ðiều này làm tôi ray rức.

Ðêm trôi qua cùng những cánh gió bên ngoài. Căn gác nhỏ của chúng tôi nhìn xuống con hẻm vắng khi gần đến giờ giới nghiêm. Những trang văn tôi viết xuống mệt lã và nghe thiếu vắng một hồn thơ. Chúng không khơi dậy cảm xúc mà chỉ ngổn ngang thêm những mơ ước bên ngoài tầm tay.

Tôi nhớ những ngày chỉ có mưa miệt mài và tiếng gió lạnh thổi về từ biển, một mình nàng với bếp lửa, trong khi tôi trực ở đơn vị. Gần sáng tôi mới xuống phiên trở về, khuôn mặt nàng tái xanh thiếu vắng hồng huyết cầu cùng nỗi sợ hãi vì trãi qua một đêm không ngủ. Chiếc áo chật vai, những sợi tóc băn khoăn rối bời như những nhánh sông chập chờn một nỗi đau về biển. Tôi thương nàng biết bao.

Ðêm cũng mang trong nó mọi giá rét, khi tình yêu đã ngậm trong lòng sự thổn thức. Những ngón tay đan vào nhau cùng những bờ môi đắn đo không kịp làm ấm môi miệng. Tiếng mưa ngoài trời hay tiếng lòng ái ngại khi chúng tôi nằm bên nhau. Sự gần gũi đến nỗi nghe được hơi thở của nhau trên những khớp xương tê điếng. Cùng tiếng vải vóc xào xạc. Sự cuồng nhiệt thoáng bùng lên để sau đó lắng xuống vì những lo lắng rất đời.

Sẽ còn lại gì khi mai này tôi và nàng không còn của nhau. Tôi thường tự hỏi. Chắc là sự mênh mông từ một bờ đường vừa chộn rộn những bước chân quen. Nỗi buồn rượt đuổi theo niềm vui như tiếng chân mưa chạy dài qua phố.

Ðôi lần, có một chút tiền trong túi, tôi hào phóng đưa nàng ra phố, tìm đến quán cà phê quen của người bạn. Anh tên Trần Huy, một người Việt gốc Hoa. Anh từng rộng rãi cho tôi ghi nợ cuối tháng và dành cho chúng tôi những tình cảm tốt. Quán cà phê mang một cái tên không dính dấp gì đến nghệ thuật và cũng không gợi cho người ta một cảm xúc nào khác. (Quán cà phê Thuận- lấy tên người em gái út của chủ quán). Nhưng ít ra nó cũng làm cho nhiều người trong thành phố biết đến nó qua việc ngưới chủ quán giao du mật thiết với một số văn nghệ sĩ đương thời của thành phố. Có vài ca sĩ từ phương xa đôi lúc ghé lại trình diễn. Có những kẻ yếm thế đốt ngày dài chập chùng bằng khói thuốc, mặt mũi lúc nào cũng như người bị táo bón kinh niên. Có cả những người lính vừa về từ chiến trường. Và dĩ nhiên, có cả những người trốn lính. Ða số những bạn bè tôi biết hồi đó đều nằm trong Xây Dựng Nông Thôn. Họ là những cán bộ Văn Công Chí Linh dưới quyền của Ðại tá Nguyễn Bé. Về nhạc có các nhạc sĩ Viết Chung, Nguyễn Tùng, Phan Công Danh. Họa sĩ có Lê Vĩnh Ngọc, Cù Nguyễn. Thi sĩ có Phạm Thanh Chương, Ngô Văn Châu, Trần Ngọc Châu, Phạm Ðình Thống, Trần Yên Thảo. Ca sĩ có Họa Mi, Nguyễn Thị Diệu, Lê Thị Bé... (Họa Mi ngày đó chưa biết Hoàng Thi Thơ có tên Trường My/ Trương Thị Mỹ).

Một lần chủ quán đề nghị tôi vẽ cho anh một bức tranh bằng sơn dầu ngay trên bức tường lớn giữa quán, bên cạnh quầy tính tiền, như một cách để tôi trả nợ dần dần cho anh. Tôi đồng ý và dùng trọn một tuần lể phép tại Trường Truyền Tin để vẽ. Bức tranh coi cũng tạm được trong thời gian đó và nội dung chứa đựng một chút lập dị, kỳ bí. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Vì ngay cả người sáng tác ra nó- là tôi- chưa chắc đã thấu đó hết mọi điều muốn trang trải trong lòng. Suốt trong thời gian vẽ tranh, bia bọt và thuốc lá cũng bao la như tấm lòng của chủ quán. Nhiều đêm cúp điện, Huy cầm đèn dầu ngồi cạnh tôi soi cho tôi vẽ vì sợ bỏ ngang ngày mai không còn hứng để tiếp tục. Cô em gái cùa anh ngồi bên quầy tính tiền- cũng là Việt gốc Hoa- nhìn tôi vẽ và lâu lâu cúi xuống tính toán sổ sách. Ðó một cô gái tuyệt diệu mà tôi từng biết trong đời. Nhan sắc nàng chưa từng rực rỡ giống như một mặt trời chưa ra khỏi đám mây.

Ba năm không dài hơn một giấc mộng. Tôi lo lắng một hạnh phúc lao xao ngoài tầm tay. Có một tuần lể nàng xa tôi để về thăm nhà ở Bảo Lộc. Tôi dành trọn thời gian này để nhờ mấy người bạn trong đoàn Văn Công in dùm tôi một tập thơ.

Ngô Văn Châu giúp đánh máy và Nguyễn Tùng, làm ở ban báo chí lo phần in Ronéo. Tôi vẽ bìa và phụ bản giao cho Lê Vĩnh Ngọc. Tập thơ dự trù sẽ ra mắt mùa Giáng sinh năm 1973, nhân dịp đám cưới của vợ chồng Phạm Thanh Chương.

Khi mọi người thông báo cho tôi biết là tập thơ đã hoàn tất phần ấn loát và tôi sẽ tiếp tục phần cuối cùng là sắp xếp lại số trang và đóng bìa. Tôi đem chồng giấy về và trãi ngập nền của căn gác. Không có nàng bên cạnh nên không có ai lo dùm những tiện nghi bếp núc. Ðói giờ nào ăn giờ đó và cà phê đá uống suốt ngày. Mỗi chiều sau khi tan việc trong đơn vị trở về, tôi mặc áo thun quần đùi sắp xếp lại số trang theo thứ tự. Những phụ bản của Lê Vĩnh Ngọc mang một kích thích im lìm như bờ môi trước mùa hôn phối. Mùi mực in và mùi giấy gây trong lòng tôi cảm giác nôn nao như một đứa trẻ vừa thả lên khung trời bao la một cánh diều mơ mộng. Nhưng mọi thứ không làm tôi quên đi hình ảnh nàng. Căn phố bên dưới trống thốc từng đêm khi ngọn gió Lào thổi qua mái nhà, cùng với lòng kiên nhẩn mở ra bài học đợi chờ.

Một tuần lễ trôi qua cùng với những bước chân mùa thu trên đường phố. Trên những ngăn kệ bụi bậm của các quầy tạp hóa, người ta bày bán những tập vở chuẫn bị cho mùa tựu trường. Những hộp phấn dùng trong lớp và những tờ giấy bìa làm thủ công. Những cuốn lịch tương tư một mùa hè vừa dừng lại. Những con đường trống trải lá xanh vì lá vàng đang trở mình hớn hở. Trong lòng tôi vừa thiếu một cánh buồm trôi theo những mùa nước lớn. Khi tình yêu trở thành vì sao trôi xa tít trên bầu trời đêm, cũng là lúc nỗi nhớ của tôi về nàng trở nên ào ạt. Tôi hình dung những ngày nàng ngồi gõ xuống bàn phím những câu thơ của tôi, những ngón tay đài các chưa từng biết qua đau khổ, nàng đã nghĩ gì? Cái tình yêu mà nàng dành cho tôi có bao giờ hốc hác vì gió thu làm khô môi hay ngỡ ngàng vì ảo ảnh?

Một đêm nàng trở về, lúc tôi mệt nhoài và không ngờ nhất. Nàng đứng run rẫy nơi ngạch cửa và ngạc nhiên nhìn thấy gian phòng bề bộn. Chiếc áo len màu tím trĩu xuống vì bụi bậm đường xa. Tôi đứng lên ôm nàng mừng rỡ và hôn nàng. Tôi dìu nàng qua những chổ trống còn lại trong phòng. Cuối cùng tôi thấy nàng ngồi trên giường. Hai cánh tay vòng qua gối, nàng nhìn tôi làm việc. Tôi hào hứng nói với nàng đây là giai đoạn chót và tập thơ sắp sửa hoàn tất. “Ðứa con tinh thần của chúng ta”. Tôi hào hứng nói, trong khi nàng vẫn lặng im.



Cho đến giờ phút này, gần 40 năm sau, nơi căn phòng cũng đang bề bộn sach báo tại hải ngoại, trong ngôi nhà đường Heatherglen, tôi cũng đang một mình. Tôi đang nhớ lại cái đêm nàng trở về đứng nơi ngạch cửa và nhìn tôi trân trối. Suốt đời tôi sẽ không quên được ánh mắt của nàng vừa chứa chan hi vọng vừa nhập nhòe thất vọng. Một câu hát của ai đó, dội về trong lòng tôi, như một tiếng mưa ngào ngạt những đau khổ: “Nàng đến tìm tôi, một đêm trời bão bùng Giọng nói người xưa như hờn oán Ðừng nhắc người ơi mười năm rồi còn gì Anh sợ anh sợ những ngày biệt ly...”

Suốt đời tôi sẽ không quên được một lỗi lầm sơ đẳng trong tình yêu. Một lầm lỗi chết người và dễ dàng làm tan vỡ một hạnh phúc.

Ba mươi tám năm sau, tôi đang nhớ nàng da diết. Khi trái tim con người trở nên chai hóa mọi vết tích trầy trụa của đau khổ, của đắng cay, trái tim đó sẽ không thẫm thấu thêm một mùi vị nào khác.

Giữa nàng và tôi, ai là người đau đớn hơn ai, sau một đổ vỡ? Tôi không biết vì nàng không nói ra và không có dịp nói ra. Nhưng tôi biết cả hai đều đau trong cùng một bài học đổ vỡ. Nỗi đau, dù trở thành sẹo, nhưng cũng cũng có thời sưng tấy. Trên chiếc bàn duy nhất trong phòng làm việc, cạnh sách vở và bản thảo, dĩa nến đã cháy hết phân nửa. Những giọt nến trong veo và tròn vo, như những giọt lệ đời lảng đảng.

Tôi nhớ tôi không hỏi nàng đêm đó về chuyến đi về thăm nhà. Về những lo lắng của nàng khi đối diện với gia đình. Nàng trở lại Bảo Lộc để gặp gia đình và xin phép Ba Mẹ nàng được tiếp tục tình yêu với tôi. Trước đó, khi tôi cùng sống chung với nàng tại Bảo Lộc, gia đình nàng quyết liệt cản ngăn và muốn chia cách hai chúng tôi. Và tôi cũng nhớ là tôi đã quên không hỏi nàng đã ăn uống gì chưa sau một chuyến đi dài gần 300 cây số.

Tại sao tôi có thể quên được một điều tầm thường như vậy? Tại sao tôi không đọc hiểu được tấm lòng một người đàn bà đang chi chít những vết mực lem luốt vì đời? Vì tôi?

Sau này, trước đêm nàng chia tay, tôi biết thêm một điều khác. Nàng chỉ nói cho tôi nghe, khi biết chắc rằng không thể cùng sống chung với tôi, như một nhánh sông không thể nhập vào lòng biển. Lúc trở về Bảo Lộc, Ngọc có ghé lại thăm Sơ T. một nữ tu phụ trách giờ giáo lý của trường. Người đàn bà hiền lành chỉ biết thở dài và chì biết cúi xuống cầu nguyện sau khi nghe hết những điều nàng nói.

Bóng chiều thoi thóp bên ngoài tường vôi nhưng lạ lùng sao lại chói chan màu phượng vĩ. Màu hoa vẫn trãi lên tháng năm đời nàng như tiếng mưa từng trãi dài qua phố. Những gì mà người nữ tu đã nói với nàng, không nhiều, nhưng chưa lúc nào nàng cảm giác được đêm Blao nghèn nghẹn tiếng khóc như đêm đó. “Chúa không muốn ai vấp phạm. Nhưng nếu con đã vấp phạm thì Chúa sẽ lau dùm con nước mắt. Con nên biết đàng sau những tiệc vui tiếp theo đó là những ngày buồn. Thà để tiệc tan, chớ đừng để đời tàn...”

Ngọc theo tôi về Vũng Tàu như một cô gái lấy chồng xa. Nhưng không có cả thiệp mời và cũng không áo hồng cô dâu. Ngày nàng tìm đến tôi, trong hành lý đem theo của nàng chỉ vỏn vẹn tờ giấy khai sinh. Năm tới mới được làm căn cước. Đêm Vũng Tàu chuyến xe đò cuối cùng qua lâu rồi. Nhưng nàng đứng đợi tiếng chim về hiên cũ, như đợi một vì sao rưng rưng.

Tập thơ mà tôi thai nghén, cưu mang từ bao nhiêu lâu sau đó đã không hiện hữu. Ðứa con tinh thần mà tôi nói với nàng đã bị đẻ non và chết khi vừa mới sinh ra. Nó có tên là “Trong Giấc Tình Cờ”. Nó tình cờ khai sinh và cũng tình cờ bị khai tử. Tôi thiêu hủy 500 cuốn một tuần lễ sau khi nàng chia tay tôi về sống lại cùng gia đình. Nguyễn Tùng, Ngô Văn Châu, giận dữ và chửi tôi thậm tệ. Lê Vĩnh Ngọc và hai vợ chồng Phạm Thanh Chương tưởng tôi mất trí. Những người bạn trong đơn vị và những người bạn học tại Vũng Tàu, ngày đó cũng không từng biết đến một đêm ra mắt sách tưng bừng trong quán cà phê Thuận như lời tôi đã hứa.

Nhiều năm trôi qua. Tôi vẫn có những mối tình mật thiết và những người đàn bà ghé ngang qua đời. Họ cũng yêu tôi và tôi cũng yêu họ. Nhưng tôi luôn thấy chưa có một tình yêu nào mang đầy những kịch tính như mối tình giữa tôi và Ngọc. Những chuyến xe xuôi ngược vẫn ghé lại một trạm dừng và một người vừa bước xuống, lặng lẽ. Những cột mốc cắm bên đường cũng cắm vào lòng nhau những mê đắm, lẫn ràn rụa nước mắt. Cùng những môi hôn run rẫy ngày nào?

Ðêm qua lâu trên những hàng cây bên ngoài. Cột điện thả xuống lòng đường ánh sáng thoi thóp vì sương lạnh tàn đêm. Ðêm cũng qua lâu và lặng lẽ trên thân thể trần trụi của hai đứa cùng xô lệch gối chăn. Trong bóng tối tôi cũng vừa thấy lấp lánh dòng lệ của nàng.

Tại sao tôi không nhìn ra những giọt lệ chảy xuống đêm đó dự báo cho một cuộc tình phờ phạc mai này? Tôi nhớ có lần sau khi từ quán cà phê về, trên chuyến xe lam muộn màng chỉ có hai chúng tôi, Ngọc thốt lên: “Tại sao bên ngoài những lời văn chứa chan và ướt át rung động kia mà bên trong trái tim anh lại dấu kín một lòng suối khô cạn? Tại sao không có một nhịp đập nào để em nghe biết hay hình dung trong lòng anh đang nghĩ về em?”

Những vì sao đêm trên đầu nhấp nháy lời cáo trách. Ôi nó rất dịu dàng và cũng rất mạnh mẻ. Nên làm tôi đau đớn biết bao.

Nàng trách tôi không biết nói lên một lời tượng trưng cho một tình yêu đã từng sôi nổi như bão giông và chảy tràn như sông lạnh. Cho dù những lời đó không ngợp ngụa một mùa trăng. Hay mượt mà cỏ biếc. Với nàng, tôi giống một con sói rừng hoang quay lưng lại với rừng và ngậm trong lòng tiếng tru huyễn hoặc.



Những trách cứ của nàng cho đến giờ này, tôi vẫn coi như một kinh nghiệm. Nó luôn luôn đúng và áp dụng được trong mọi tình huống. Người ta chẵng từng nói rằng người đàn ông yêu bằng đôi mắt trong khi người đàn bà yêu bằng đôi tai đó sao? Ðôi khi ngôn ngữ của trái tim phải cần được nói ra, dù rất cải lương và rất quê mùa.

Ngày đó tôi tưởng tôi không cần nói ra những lời cải lương và quê mùa như vậy. Nhưng người đàn bà luôn cần những thứ đó. Huống chi nàng là một cánh chim yếu đuối vừa dứt ra khỏi tổ ấm, cần được tôi thốt lên lời an ủi, chở che. Khi yêu nhau, người ta luôn nhìn thấy từ sâu thẵm trong lòng nhau những mê đắm. rất người, rất giản đơn và không màu mè che đậy.

Tháng tám vẫn còn âm ỉ hơi nóng. Tôi lái xe chạy qua con đường 79, về hướng tây. Qua những đoạn đường dẫn vào nông trại. Một bên đường người ta trồng bo bo. Bên kia trồng bắp. Mùa thu mới chớm nên những trái bắp vừa vàng da bây giờ đang xơ xác, bụi bậm.

Chúng giống như những tên thảo khấu bị bứng ra khỏi lòng biển đứng cô đơn nhìn ra những vạt cỏ cong vút màu chiều. Chỉ vài hôm nữa thôi, nhà nông sẽ thu hoạch chúng bằng xe có gắn máy gặt. Và cánh đồng sẽ còn lại những luống đất lồi lõm, co ro nằm đợi gieo hạt trong mùa xuân tới.

Tình yêu ngày đó sao giống như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng, lúc nào cũng chờ dịp bùng lên. Người đàn ông già nua đang đi đến cuối đời và bàn tay sắp chạm đến hai bờ tử sinh bỗng nghe rát bỏng một tình yêu.

Tôi không bao giờ gặp lại Ngọc.

Nàng chia tay tôi từ sau những đêm chín đủ đau buồn. Nàng bỏ tôi để đi về phía cuộc đời mênh mông đầy ảo ảnh. Không biết trong lòng nàng có còn chăng lời nói thân thiết hôm nào, hay đã rơi rụng theo từng dâu bể: “Thà để tiệc tan, chớ đừng để đời tàn...”

Tôi cũng không thể quên nàng. Nếu được phép sống lại những quá khứ, tôi sẽ không ngần ngại để tìm về những năm tháng son trẻ xưa, khi tôi và nàng còn ngơ ngác bên hiên đời. Tôi hứa với lòng sẽ không vấp phải một lầm lỗi cũ. Sẽ không pha chế cho mình một ly cà phê đậm những băn khoăn trong đó những giọt đắng tìm cách rơi xuống hồn nhau.

Kinh nghiệm không bao giờ đầy đủ với một người. Tôi biết như vậy.

Góc đường tôi vừa vượt qua chợt nghiêng xuống một cơn mưa. Những bánh xe cuống quít trên vạt nhựa đường đen, làm thành một lằn sâu. Ai đó nói rằng phép trừ của tình yêu là sau một lần nông nổi. Và đàng sau tay lái tròn trịa kia là một một đời sống đang từng cưu mang một nỗi đau tuyệt vời.

Một đêm, tôi nghe tiếng hát lạ lùng của một người. Bài hát cũng lạ lùng tôi chưa bao giờ nghe. Con gái tôi tình cờ mở một Website nhạc Việt Nam. Nó lấy xuống và nghe mà quên vặn nhỏ âm thanh, vì tưởng tôi không có trong phòng bên:

“bước chân quen qua đi từng chiều từng ngày...

phố thênh thang mưa bay nhạt nhòa kỷ niệm,

gió như xưa từng chập một lần tình cờ

tìm yêu thương một thời tìm vào lãng quên...”

Mãi nhiều tháng sau tôi mới biết đó là sáng tác của Hoàng Kim Chi và do chính cô trình bày. Bài hát có tựa là “Trên Ðường Nắng Phai”.

Lâu rồi, tôi không nghe được một bài thơ hay một bài hát hay. Có thể tôi chủ quan và hơi cường điệu về điều này. Ðâu đây có tiếng chuông vọng lên từ giáo đường khi tôi đi ngang chiều chúa nhật.

Lời nói của trái tim trong một ý nghỉa nào đó, dường như vẫn là những lời chân thật nhất. Dù nó không làm mềm lòng nhưng có thể thấm thấu dài lâu và làm tròn trịa một vết thương.

Ngày nàng bỏ tôi về lại Bảo Lộc mùa thu có gió se trên các cành ngo hai bên đường. Rồi nàng đi lấy chồng quên hẳn một kẻ trôi giạt bên dòng đời. Tôi vẫn nghèo túng như lâu rồi vẫn vậy.

Khi ra hải ngoại, tôi có cơ hội viết nhiều và có vài tác phẩm được in ra. Những đứa con tinh thần suông sẽ không bị đẻ non cũng không bị ruồng bỏ bất chợt. Tôi nhớ về một chuyến xe đò chở tình yêu của tôi qua lâu rồi, trong đó có nàng ngồi trên đó. Ðôi má nàng vẫn hồng hào màu phấn và đôi môi phụng phịu chờ đợi một lời tụng ca. Sau lưng nàng tiếng mưa hay tiếng sương mù rung lên quạnh quẽ che lấp một quá khứ.

Bởi vì nàng sẽ không làm sao hiểu nổi là bầu trời của hai kẻ yêu nhau luôn có màu thắm xanh và dù xa cách muôn trùng, đôi môi vẫn luôn thủy chung nhớ về nhau để cháy hồng lời kêu gọi.../.

Austin, 09

No comments:

Post a Comment