Monday, April 30, 2012

tóc mai sợi vắn

phạm ngũ yên



1.

Lòng ta như một trang kinh

Ẩn trong lời Phật chữ tình rưng rưng

Lòng ta lá nhỏ trên rừng

Lao chao rớt xuống mấy từng chiêm bao

(thơ Hoàng Du Thụy)



Bài thơ đó do một người bạn văn từ Canada, gửi tặng.

Chị nói với tôi chị đang tìm nguồn vui trong thiền và lòng không còn vướng bận những nhánh đời nhân quả. Mỗi đêm về nhà, lái xe qua những hàng sơn táo, qua những vạt cỏ màu vàng như ủ bằng mật ong chị nghe mùa xuân trở mình và tiếng gió rít ngoài kiếng xe, lòng quên hết mọi tranh chấp, muộn phiền...

Những buồn vui ngày trước từng làm tròn trịa một tình yêu cũng không còn? Như một cơn mưa bóng mây bay rớt trên góc tường hạnh ngộ, làm thiếu thốn phía bên này và khao khát phía bên kia.

Biết bao bóng thuyền muộn màng không về được bến vì giông bão giữa dòng, nhưng đàng sau những cơn bão lòng là trái tim lành lặn.

Trên điện thư trả lời, tôi cầu mong chị tìm thấy sự an tịnh thật tình và hi vọng thành phố Montreal có thêm một người đàn bà biết ủ đóa vô ưu trong lòng để dẫm lên những mù lòa dâu bể. Mọi giấc mơ đều củ xa, đều bỡ ngở.

Nhưng thâm tâm tôi không tin nhiều về điều chị nói. Những câu thơ vẫn còn đó sự trăn trở rất đời. Vẫn còn bao la một nhánh sông muộn phiền lấp lánh. Hơi thở tình yêu hình như vẫn còn tươm mật trên môi run ngày nào...

Người đàn bà từ bỏ một đoạn đường và không nhìn lại sau lưng, không có nghĩa là quá khứ đã đoạn lìa. Dù vẫn còn đó vạt mưa làm trắng màu thiền trên vai áo, trong khi tiếng đời vừa xao động lá sen khô.

Bài thơ bất chợt chị gởi tôi từ một đêm như vậy, trong khi tiếng gió quét mùa hạ đi qua ngôi nhà đường Heatherglen. Tôi nhớ vô cùng ngôi nhà cũ của gia đình tôi nằm dưới chân Núi Lớn Vũng Tàu. Biển thổi giạt nỗi nhớ mênh mang về hai đầu ngọn núi. Nhiều đêm tôi chong đèn ngồi học thi lúc bên ngoài trời mưa. Và những câu thơ của một mùa không ngủ được viết xuống bằng mực tím học trò. Những ngọn cỏ khát gọi mưa đêm nên nảy mầm thành lục bát.

Bao nhiêu năm rồi, tiếng mưa có khả năng làm thành cung phách bản đàn xưa và cơn mơ vội vàng như một âm thừa sót lại.

Khi người ta già, người ta sẽ nhìn lui lại bước chân mình. Những người đàn bà giống như sương mỏng, như sông xanh. Họ thà ủ hơi thở sững sốt của mình trên vai người khác hơn là đậu xuống những trang giấy tình hồn nhiên. Những cuống lá mùa thu không biết nói lời hò hẹn, nên đêm Vũng Tàu có một người úp mặt vào đôi tay, thao thức.

Thành phố ven biển của tôi cũng giống như mọi thành phố miền Nam. Có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Những cửa biển xưa mờ cạn nước. Những gả con trai cùng rong chơi với nhau suốt một mùa hè, trên bãi cát khô cạn mực thủy triều. Nên chúng tôi đều hiểu tánh tình của nhau tường tận. Hiểu luôn những thói quen của nhau. Như những con còng gió hiểu rõ hang động của mình.

Mười sáu, mười bảy tuổi chúng tôi không dám có người yêu. Mãi đến khi gần đi lính mới nói lên lời tỏ tình thì cổng trường đã ở sau lưng. Cái thời nông nổi nhưng nóng cháy môi hôn kia đã khép lại.

Những đứa con trai tình si và các cô gái e ấp đã đi riêng một đoạn đường, dưới những cây bàng già phai màu đỏ lá. Những nhịp thời gian như những nhip cầu nối đôi bờ cách trở. Còn sự cách ngăn của hai người yêu nhau thì đến bao giờ?

Một vài đứa bạn dạn dĩ hơn dám nắm tay người yêu đi ngoài phố. Mặc cho những lời đàm tiếu có dịp lan xa như sóng trùng dương. Vũng Tàu quá nhỏ để che kín một dấu vết, hay một tiếng lòng hổn hển bên vai.

Mỗi ngày đi học tôi đi ngang qua con đường Lê Lợi có hàng me chụm đầu vào nhau. Tôi biết Hoàng Hoa từ thời đó. Lá me rắc trên vai áo ai làm rộn rã lòng tôi. Nhưng tôi biết nàng dửng dưng như nắng sớm.

Người con gái mang cái tên của Hoàng tộc và chứa đựng một màu hoa đã từng không biết có một đứa con trai ngưỡng mộ nhan sắc đi sau nàng.

Khi tôi bước xuống cuộc đời, tôi vẫn chưa biết rõ về nàng, ngoại trừ cái tên nghe gần gũi với một người bạn học của tôi là Hoàng Lực.

Hoàng Hoa là một cô gái có đôi mắt đẹp nhất mà tôi từng thấy trong trường Trung Học Vũng Tàu những năm sáu mươi. Một đôi mắt làm nguồn cảm hứng cho lời thơ Ðinh Hùng/ mắt em là bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng/(mộng dưới hoa) Nó cũng là nguồn cảm hứng cho những bài thơ của tôi sau này, khi khôn lớn.

Nhà nàng nằm một góc ngã tư đường Lê Lợi và đường Duy Tân. Một phía nhìn ra hàng me và phía kia nhìn ra biển. Có thời gian ngôi nhà khang trang đó dùng làm nhà bảo sanh Hữu Phước. Từ một góc phố chạy dài từ cơ sở sản xuất Mấm Ruốc của bà Giáo Thảo, đến nhà nàng, có một vài ngôi nhà khang trang nằm thụt sâu vô trong, được những khu vườn màu sắc che chắn bên ngoài, như bối cảnh trong tranh của Renoir, nên khi nàng quẹo khuất vào đó tôi có cảm tưởng nàng đã đi vào một thế giới khác, mông lung và mơ hồ. Một thế giới của nàng tiên trong các truyện cỗ tích.

Tan trường về, tôi tìm cách đi sau nàng. Thời đó, học sinh học hai buổi một ngày. Buổi trưa về nhà ăn cơm, có thể ngủ một giấc để buổi chiều đi học tiếp. Tôi dùng khoảng thì giờ ít oi đó để làm thơ tình gởi đăng báo hoạc đọc truyện chưởng Kim Dung. Tôi thích nhân vật Ðoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm và thấy mình si tình Hoàng Hoa giống như Ðoàn Dự si tình Vương Ngọc Yến.

Ít khi Hoàng Hoa đội nón. Nhờ đó từ phía sau tôi nhìn thấy mái tóc trên vai nàng chuyển động như đôi cánh một loài chim đêm. Có những ngày tháng người ta sẽ quên luôn vì thời gian chồng chất trên vai, nhưng có những ngày tháng ngừng lại vĩnh viễn. Thời gian học đệ tam là thời gian đẹp nhất của tôi trước khi tôi vào lính. Tôi muốn được yêu thầm và được đi sau lưng nàng suốt đời, mặc cho những biến động của đời sống và bom đạn chiến tranh mỗi ngày vang vọng ngoài kia. Dưới bước chân êm đềm và quanh quẩn bên tà áo dài khép nép của Hoàng Hoa, tình yêu đã che lấp mọi dấu vết tan hoang. Che lấp mọi hướng đi về tương lai. Dù tương lai của những gả học trò sinh trong thời binh lửa vàng úa ngỡ ngàng.

Mối tình một chiều như vậy tưởng chừng sẽ kéo dài để cho những trang nhựt ký có cơ hội tăng trang từng ngày. Cùng những bài thơ viết từ tấm lòng thơ dại sẽ có dịp hóa thân thành cánh bướm trang điểm cho đời. Nhưng tôi lầm. Một hôm nàng bỏ trường bỏ lớp không một lời từ giả. Chúng tôi- những thằng con trai khờ khạo trước tình yêu nhưng lại dạn dĩ với bất trắc bổng thấy vắng đi một bóng mát êm đềm. Biển trở nên cuồng nộ chói chang từ ngày đó. Những trái bàng già rụng xuống tháng giêng dọc đường ra Bãi Trước, giống như những mơ ước chưa kịp đơm bông.

(Nhiều năm sau nầy, khi gặp lại Hoàng Hoa, lúc miền Nam sụp đổ, tôi thấy nàng vẫn còn đẹp dù có già hơn chút đỉnh. Chồng của nàng là đại úy Trần Bình Lâm, hình như không phải là dân Vũng Tàu? Vừa rời khỏi một nhà tù nào đó trở về).

Biết bao nhiêu bể dâu làm khô kiệt mọi nhựa sống trên những nhánh cây đời? Những thanh niên thiếu nữ ngày xưa bây giờ đã trở thành cha thành mẹ. Có người trở thành ông nội bà ngoại nếu lập gia đình sớm hơn. Có ai một lần đi lại con đường cũ ngày xưa để cảm giác được ngậm ngùi? Có ai còn buổi chiều ngồi trên bờ đê nhìn ra mặt nước xanh để ước mơ cuộc sống bên kia bờ đại dương như tôi đã từng mơ ước? Và nơi góc sân vận động ngày nào có còn những đôi chân vẽ vời của bạn tôi, của Võ Như Lăng, của Huỳnh Văn Chừng, của Huỳnh Quốc Hải, Trần Minh Trí, Phan Phi Hùng, Huỳnh Kim Sơn? Của Trung đen, Trung trắng?... Còn những ai đã nướng cháy tương lai mình như những khoang thuyền đang cháy nắng mặt trời?. Suốt mùa ra khơi không tìm ra một mẻ lưới vinh quang trĩu đầy tôm cá?

2.

Trên bãi biển đời người có nhiều dấu vết để lại. Có những dấu vết hằn sâu còn đọng lại một vài phiến lá kỹ niệm. Có những dấu vết hời hợt bị xóa lấp khi sóng biển tràn dâng. Tình yêu cũng vậy. Khi tôi rớt Tú Tài năm Ðệ Nhị, tôi xin vào lính. Mái tóc bồng bềnh của tôi được người ta cắt ngắn còn ba phân và mỗi ngày tôi bơi trong bộ quân trang rộng thùng thình mới lảnh từ kho Quân Nhu. Tôi làm một người lính mang tấm lòng yêu nước pha trộn với sự chua xót để đến mỗi khi chiều xuống, ngồi một mình trên chiếc giường gỗ ở khu tạm cư, lòng tôi cứ chùng xuống vì nhớ nhà.

Dưới những góc cây bã đậu buổi sáng đầu ngày, tôi khom lưng chà láng từng đụn cát, theo lệnh thượng cấp, như đang chà láng mọi ước mơ của mình. Người ta nói: “thao trường đổ mồ hôi - chiến trường bớt đổ máu”. Nhưng với tôi, mồ hôi chảy ra mỗi ngày không đủ sức vá lành rách rưới của trái tim. Mà chỉ có khả năng làm tràn thêm những giọt lệ.

Khóa học quân sự đầu tiên khi vào lính của tôi là Khóa 39 Hạ Sĩ Quan Trừ Bị- (Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ)- Khóa học thuộc quân trường Quang Trung, nằm trong khu vực Hóc Môn, Gò Vấp. Từ Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ chúng tôi chuyển về Quang Trung, trại Nguyễn Huệ. Buổi chiều đứng trong trại nhìn ra ngoài con lộ chính chạy về Sài Gòn, những chuyến xe đò, xe lam xuôi ngược kéo theo đàng sau nó những bụi bặm hối hả như hoa phấn cuộc đời. Lòng người tân binh cũng vàng vọt theo vạt nắng. Cách nhau một con đường, bên ngoài là tự do phiêu bồng và muôn ngàn niềm vui đô thị. Bên trong là đời sống gò bó theo khuôn khổ và tập quen với nắng lửa mưa dầu. Người lính lúc nào cũng căng lòng ra chịu đựng mọi thử thách và cố đè nén chuyện riêng tư. Và trong một lúc nào đó, nếu họ để tình cảm vượt lên trên lý trí (không tìm thấy chính nghĩa trong cuộc chiến tranh Quốc- Cộng mất còn) sẽ dễ bị nản lòng. Tôi trưởng thành nhờ những ngày tháng quân trường không ồn ào nhưng sôi động mỗi bài học sống. Tâm hồn tôi không chờ đợi để ướt át cơn mưa đầu mùa. Vì tự trái tim đã thẩm thấu nhớ nhung và chín mùi gian khổ. Những lá thư tôi nhận từ bên ngoài, từ những địa chĩ hoa, như một niềm phục sinh đủ để làm hành trang chờ ngày ra trường. Trên chiếc giường ngủ cá nhân hoặc trên ba lô khi dừng chân ngoài bãi tập, những lời thơ tôi khôn lớn chững chạc hơn những lời thơ ngày trước, những ngày biết Hoàng Hoa. Từ khóa học này tôi gặp Dzũng Chinh- Nguyễn Bá Chính.

3.

Anh là tác giả bản nhạc bất hủ “Những Ðồi Hoa Sim”. Dzũng Chinh là bút hiệu khi đặt nhạc. Nguyễn Bá Chính là tên thật của chàng tân binh khóa 39 HSQ Trừ Bị của Quang Trung vào thời điểm tháng 9 năm 1965. Vài năm, sau khi ra trường, có lẽ mặc cảm với cấp bực trung sĩ, anh xin học khóa Sĩ quan đặc biệt, và khi tôi đổi về làm việc tại Trung Tâm Truyền Tin Ðà Lạt, nghe tin Dzũng Chinh vừa chết tại Qui Nhơn. Lời ca: “... mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến không hẹn được ngày về, và đường về... thênh thang... màu hoa tím loang dài trong bóng tối...” đã giống như định mệnh của người nhạc sĩ tài hoa không may mắn với đời. Trên những đồi cát chập chùng nắng gió Qui Nhơn, màu hoa sim của Hữu Loan miền Bắc đã thấm vào tấm lòng đôn hậu của người nhạc sĩ Dzũng Chinh miền Nam. Để làm nên bài hát từng một thời mê hoặc người yêu nhạc Sàigòn.

Khi người ta yêu, cũng giống như khi người ta chết, có một thời họ ủ đau thương trên những dòng mực làm bằng máu lệ của mình.

Một lần, nơi Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, chúng tôi- những tân binh vừa mới rời mái ấm gia đình để tham dự vào một trò chơi mang ít nhiều nguy hiểm là chiến tranh- ngồi vây quanh nghe Dzũng Chinh đàn cho một người khác hát. Tôi không còn nhớ tên người hát, nhưng tiếng hát của anh ta thật ấm lòng. Anh hát liên tiếp hai bài. Bài đầu tiên là Những Ðồi Hoa Sim và bài sau là Phố Vắng Em Rồi (của Mạnh Phát). Giữa bóng tối nhá nhem buổi chiều vừa xuống, dưới tàn nhánh già nua của cây bả đậu, mùa thu đang thở hơi sương trên các rào kẽm, giọng ca của người ca sĩ bềnh bồng, cuốn hút.

Không biết người ca sĩ đó có phải là đệ tử của nàng Phù Dung hay không, nhưng lời ca quả tình mang hơi hám của khói và nhựa. Nó có khả năng lôi kéo người nghe bay lên ngang tầm với khổ đau và lạc thú cùng lúc... Nó cũng làm cho trái tim dù bầm vập cũng biết rung động và biết cười khóc với đời.

Mãi khi ra hải ngoại, tôi nghe giọng hát Tuấn Vũ, tôi biết quả có điều đó. Tất cả đều im bặt và nín thở nghe anh hát. Những lời ca tưởng chừng bật ra khỏi một thanh quản rướm máu hay cuộc đời vừa rướm máu? Tôi không thể lý giải được. Chỉ biết rằng từ đôi môi khô ráp vì khói thuốc và đôi mắt nhìn xuống hai kẻ ngón tay vàng ám, nơi điếu thuốc đang cháy dở dang, tình yêu đã nở hoa như cánh bướm màu hạnh phúc...

4.

Cuộc đời đang vàng phai theo những gió mùa, hôm nay ngồi ôn lại những bước tình đầu ái ngại của mấy chục năm về trước. Tình yêu và mộng ước cũng tan theo dòng đời. Lòng tôi không còn tươi mới để rượt đuổi theo bóng sắc mượt mà. Nhưng lửa tro than vẫn còn âm ỉ.

Ba mươi mấy năm sau, bất chợt gặp lại những người con gái cũ của trường xưa. Họ vẫn phơi phóng một tấm lòng của biển. Ðường phố Bolsa có đông vui nhưng lòng ai đã quạnh hiu một góc chợ chiều. Thời gian không dừng lại. Bên ly cà phê báo hiệu một đêm mất ngủ, vài mẫu chuyện gợi lại một khung trời hương mật và màu xanh của sóng đang lao xao trong mắt.

Một lần ngồi ở Starbuck’s (góc đường Brookhurt- Enginder) nhìn ra giao lộ đèn đỏ trùng điệp những đời xe mới toanh, nghe từ cuối một hành lang vọng lên bài hát. Quán cà phê Mỹ nhưng có nhiều người Việt Nam ngồi. Tiếng nhạc từ chiếc bàn kế cận không quen thuộc, nhưng dấy động một nỗi buồn:

Ngày xưa anh đón em

Nơi gác chuông chùa nọ

Anh bây giờ qua đó

Còn thấy chữ trong chuông

Em khoát áo nâu sòng

Anh một đời biền biệt

Tên em giờ tha thiết

Theo tiếng chuông chiều đưa...

(Phạm Thiên Thư/ Dấu Chân Chim)



Người con gái có tên Hoàng Hoa một thời tôi theo đuổi tại Vũng Tàu bây giờ đã đi tu. Tôi không biết duyên cớ nào làm nàng từ bỏ cuộc đời dung tục này để nương thân vào cửa Phật? Câu chuyện nghe có vẽ đượm mùi cải lương mang dấu ấn của Lan và Ðiệp. Nhưng tôi biết nàng vẫn từng hạnh phúc sau khi không còn đến trường. Tôi biết người chồng đẹp trai của nàng là Ðại uý Trần Bình Lâm. Sau 30 tháng 4 năm 75, nàng bương chải bán thuốc tây ngoài chợ trời để nuôi chồng ở tù và nuôi mấy đứa con còn nhỏ. Ðôi lần tôi gặp Hoàng Hoa dắt xe đạp từ chỗ gởi xe, gần chợ chiều Vũng Tàu. Bên kia đường là biệt thự cũ bây giờ dùng làm trụ sở Phường Châu Thành. Nàng không có vẻ gì nhìn thấy tôi. Hay nhìn thấy tôi mà làm như không biết. Chiếc áo bà ba thay cho chiếc áo dài ngày thơ dại. Và đôi mắt đẹp buồn não nùng.

Mỗi cuộc đời đều giống như một dòng sông. Có khi sông vặn mình chảy xiết qua những gềnh thác cheo leo. Có khi sông âm thầm nép kín sau những khúc quành. Sông ủ đời sông theo những ngày tháng lạnh của mưa và trong veo của nắng. Nhưng sông không bao giờ quay đầu trở lại thựơng nguồn, mà chảy luôn về biển.

Mối tình một chiều của tôi, với Hoàng Hoa, giống như dòng sông vậy.

Ðêm đêm, lời kinh của nàng có làm sầu muộn thêm những đóa hoa sứ trong vườn Bồ Ðề? Ðêm đêm, tiếng gỏ mõ của nàng có làm kinh động những cánh bướm mòn mõi giang hồ?

Tôi nghe người bạn học chung lớp của nàng từ Việt Nam trở qua kể lại. Hoàng Hoa giam mình trong một chiếc am nằm trên đường ra Ô Quắn (Au de Vent). Mỗi tuần, Trần Bình Lâm chạy Honda đem thức ăn chay cho nàng. Nàng hạnh phúc trong câu kinh tiếng mõ. Chờ đợi ngày hóa thân.



Nhớ xưa em rất dịu dàng

Hồn vang tiếng guốc mơ màng Hoàng Hoa

Em từ cõi Huế đi ra

Hương Giang bổng mặn phù sa Vũng Tàu



Bây giờ em rất thanh cao

Áo xanh nay đổi áo bào Quan Âm

Ðêm qua một đóa u trầm

Rớt trên kinh Phật tưởng lầm môi ai?



Tôi làm bài thơ ngắn có mấy câu coi như tạ lỗi hàng me đường Lê Lợi. Từ nơi đây tôi thơ dại và cũng từ nơi đây tôi khôn lớn với đời. Một đôi mắt đẹp đã sâu hút từ đêm Vũng Tàu vàng ấm mùa thi.

5.

Nơi căn phòng nhỏ nhìn ra sân mưa bên ngoài chiều nay đang ngổn ngang cành khô mà sáng ngày mai xe đổ rác sẽ đến dọn, tôi vừa biết thêm một cảm giác vội vàng khi tháng năm lao đi vùn vụt. Đâu rồi tia nhìn của lửa làm cháy bỏng đời nhau và sợi tóc còn vương lại trên chăn nệm? Những tình yêu phờ phạc cuốn hút cơn đau tuyệt vời và sau đó lìa nhau vĩnh viễn.

Có những giấc mơ chết non và bất hạnh ghim xuống lòng như một vết mực lầm lỡ. Một vài con chim đậu trên hàng dây điện như những nốt nhạc màu đen trên quá khứ buồn. Người đàn bà có con mắt màu nâu và vành môi cong vút màu tulip vừa rời khỏi đời tôi hôm qua để bay theo những phù hoa. Bay theo biển dâu và nắng gió chói chang bên ngoài. Nàng đến không ồn ào và đi cũng không tiếng động.

Không ai tắm hai lần ở một dòng sông. Cũng như không ai học biết đủ một bài học. Tình yêu cũng vậy. Khi tình yêu đi qua ranh giới của thù hận và đắng cay, tình yêu tự nó sẽ chết.

Nơi căn phòng cũ trong ngôi nhà đướng Heatherglen, trên chiếc bàn gỗ bên ngoài Patio đang thánh thót mưa thu, tôi vừa biết thêm một bài thơ hay của một người bạn ở Tennessee. Lời thơ không cần bia bọt hay cà phê nhưng vẫn làm ấm áp, dù thơ anh như muối xát trong lòng:

cây hồn anh, thôi lá rách cành hư

năm bảy trái tình chưa xanh đã rụng

qua thời đất chai tới mùa nước úng

tiếng chim hoài im lặng một đời cây



năm ngón thon dài hiền dịu bàn tay

ngón út cho anh đợi ngày vuốt mắt

những ngón ngoan kia lỡ cho người khác

(ôi tay em, chỉ một ngón đang buồn...)

(Hoàng Lộc)



Có chuyến xe lửa nào vừa từ một nơi chốn lạ về ngang qua công viên sau nhà. Những toa tàu kín bưng nhốt bao nhiêu tâm hồn thao thức một thềm ga?

Tôi luôn yêu mến và kính trọng những cuộc tình không tìm ra trạm xuống. Đó là những cuộc tình đẹp tay ba dù nó luôn ủ bằng nước mắt và tuyệt vọng. Từ những đôi tình nhân dù biết rằng phải lạc mất nhau nhưng không biết phải hóa giải bằng cách nào, họ vẫn cầm tay nhau đi với sự can đảm pha lẫn buồn rầu, trong khi sương mù mịt mùng phía trước...

No comments:

Post a Comment