Monday, April 30, 2012

người đi tìm quá khứ

phạm ngũ yên



1.

Ngày tôi 20 tuổi, tôi chưa có một tình yêu để đi xuống cuộc đời. Tôi còn quá trẻ để cảm nhận hết nổi đam mê khi trái tim chưa đụng đến đau buồn.

Mười sáu tuổi nàng không nói với tôi lời yêu đương cũng như tôi chưa biết lời tỏ tình thì tôi đã vào lính. Mùa hè thở hơi nóng lên những cuống lá bàng làm cong queo con sâu già mệt mõi. Thành phố vừa tiềm ẩn hơi hám của chiến tranh nên thành phố cũng đang khao khát hạnh phúc. Những đứa con trai chưa kịp đánh rơi thanh xuân mình trong cái thành phố biển mênh mông- chưa từng có nụ hôn để làm cháy bỏng mùa hè- đã thấy mình đối diện với quân trường.

Từng cơn sóng sẽ qua đây sáng mai. Tôi dấu đời mình không đủ kín như con dã tràng cô đơn chưa một lần thấy biển. Những ngưòi tình chia tay về đâu? Khi đêm trống hoác những ngả tư bồi hồi.

Tôi xa Vũng Tàu và mùa màng rung lên từng vạt gió đậm mùi muối mặn. Có một người con gái mười sáu tuổi vừa lớn khôn quay lưng lại tình đầu. Con đường Quang Trung chạy vòng ngơ ngác. Ngọn núi nhỏ có vệt đèn pha quét dài trên biển đen như một tiếng thơ lạc vần. Có những ngườì từng nói lời yêu say đắm rồi một ngày nào cũng gối đầu vào những phôi pha. Huống chi Giang là một cô gái Sàigòn mang tấm lòng phù hư của con thuyền không chịu về với bến.

Nàng không có cả một câu nói để làm ấm lòng dù bàn tay nàng từng ấm trong tay tôi. Chỉ có tiếng cười trong veo như tiếng lục lạc rớt xuống đường. Dù buồn, tôi vẫn còn sáng suốt để không chờ đợi nàng ban cho tôi một lời hứa. Cô con gái nhà giàu ở Khánh Hội khó lòng nói lên một điều quá sức, như tiếng mưa òa vỡ mái hiên trong một ngày khô hạn.

Tôi đạp xe trở về. Giang vừa khuất lánh sau cánh cửa dẫn vào khách sạn nơi có gia đình nàng đang trú ngụ. Sáng mai nàng sẽ trở về Sàigòn.

Chiếc xe đạp vừa mới tuột sên. Tôi dựng nó bên lề đường. Ngôi trường suốt một mùa thơ ấu có những lớp học thao thức như đứa con trai không chịu về nhà đêm nay. Hàng cây loa kèn che chắn một góc sân nhà Thờ Lớn, có tiếng cựa mình của một cánh dơi. Những ngôi sao trên đầu về đâu giữa một thiên hà cũ mòn nhưng mới mẻ những điều huyễn hoặc?

“những vì sao nhỏ lệ suốt đêm thâu

gió sẽ bảo tình yêu nào cũng đẹp…”

Tình yêu nào cũng đẹp một khi chúng ta ủ trong nó những ký ức. Dù biết bao sỏi đá trên đường ghi dấu những bước chân đi qua đời nhau. Tình yêu của tôi với nàng cũng ngậm những hơi thở đau đớn từ một mùa thi. Những xác hoa phượng làm đỏ một sân trường. Cây điệp già không biết có từ bao giờ cũng vươn cành nhánh xanh um nhìn xuống vạt đường khuya bất lực.

2.

Nơi tôi ở đang nóng dữ dội. Thời tiết trên truyền hình cho biết có ngày vượt quá 100 độ.

Một người bạn vừa bên Pháp về cho hay bên đó cũng nóng ghê gớm. Tôi hình dung ra những vĩa hè bốc khói và không biết người dân Parisiens có còn ngồi uống cà phê nơi những quán lộ thiên bên đường, trên những vuông gạch khô ráp mang phong cách Thổ Nhỉ Kỳ. Trong khi tiếng nhạc từ chiếc máy phát thanh gắn chìm trong tường đang ca ngợi mùa thu? Tôi không nghĩ Paris sẽ giống như thành phố Austin. Ði trên đường phố Paris bây giờ mà mồ hôi ra dã dượi. (Paris có gì lạ không em? Mai anh về giữa bến sông Seine ?) …

Chưa một lần tôi đến Paris, để nhìn thấy tận mắt thành phố mơ ước khi tôi còn cắp sách đến trường. Ngày đó tôi chọn ban A, tức là chọn Pháp Văn làm sinh ngữ chính. Thầy dạy Pháp Văn đầu tiên là thầy Nguyễn Hồng Sanh. Được chừng một năm là thầy Trần Văn Châu về thay. Nghe nói Thầy Châu có thời gian sống bên Pháp (?) hay từng học bên Pháp, tôi không nhớ rõ. Dáng điệu thầy lè phè như một ông Tây chính hiệu. Từ thầy Châu, tôi được biết Tâm Hồn Cao Thượng (Le Grand Coeur) của De Amicis. Đến Le Livre de mon Ami (My Friend's Book) được viết năm 1885 của Anatole France.

Đang mùa nghỉ hè. Còn vài tháng nữa mới tựu trường.

Trong quyễn hồi ức viết về tuổi thơ của Anatole France có đoạn văn tả ngày đầu tiên đến trường của một em nhỏ. Thầy Châu đọc cho cả lớp nghe và sau đó dịch ra tiếng Việt. Tôi xin viết lại theo trí nhớ:

Tôi sắp nói cho các bạn nghe điều mà tôi trông thấy mỗi buổi sáng, khi đi ngang qua vườn Lục Xâm Bảo trong những ngày đầu tháng mười. Lá vàng rơi từng chiếc trên đôi vai trắng của các pho tượng trong vườn. Trời có vẽ hơi buồn bã nhưng chưa bao giờ đẹp như vậy…”

Con người thật lạ. Dù qua bao nhiêu tháng năm, vẫn không quên được quá khứ. Nơi buồn vui đan vào nhau như một giấc mơ qua nhanh không ngờ. Có những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng đủ làm thành đóm lửa rực cháy suốt đời. Và đàng sau mỗi giấc mơ là những môi run, những mắt khép.

Chưa một lần tôi đến Paris. Nên những hình ảnh rực rỡ của Paris hiện ra trên computer như một món quà quý giá. Một người bạn học chung trường Vũng Tàu vừa gởi cho tôi 2 PPS. Một ghi lại Paris, cùng ”với những vần thơ”. Có Tháp Eiffel, có Khải Hoàn Môn kiêu hảnh. Có sông Seine ướt mèm nỗi nhớ, cúi mình theo những chuyến xe qua. Những vì sao trên cầu Mirabeau. Cầu Neuf. Có ga Lyon chiều vàng. Khu Terminé lạnh căm ánh đèn lướt thướt. Sao giống như những ngấn lệ giờ chia tay. Phố Montmartre cùng những cơn mưa phùn. Những quán cà phê, mà mỗi góc đường là mỗi cơn say nhộn nhịp.

Một PPS khác nói về Đà lạt và lời ghi chú: ”PNY có vẽ nặng tình với Đà Lạt, gửi PNY vài hình ảnh này, có lẽ sẽ xoa dịu được phần nào nỗi nhớ nhung…”

Nỗi nhớ có xoa diụ hay không, tôi không chắc. Nhưng tôi thấy buồn vì tâm hồn vừa ngổn ngang một quá khứ. Những màu hoa đuổi theo nhau về đâu khi tình yêu đích thực bị mất dấu bên đời?

Khi tôi còn trong quân ngũ, Đàlạt như một cô gái chưa từng mở lòng cho một tình yêu. Như cánh buồm chưa từng căng đợi gió. Đàlạt ngày đó rất im lặng mà đầy hương sắc làm sao. Bây giờ, những cảnh trí hiện ra như ngày nào nhưng hơi thở dường như đã khác. Cành mạc lan vẫn yên ả một màu đời, nhưng mùi thơm đã theo tiếng buồn đi xa…

3.

Mùa này hiếm hoi những cơn mưa. Trên đường về từ sở làm cây hồng đào hiện diện như một người tình thủy chung. Sắp qua hết một mùa hè mà cây vẫn ra hoa. Màu hoa rưng rức ôm nỗi buồn đuổi theo những vòng bánh xe.

Bây giờ tháng sáu.

Sân trường không ai

Anh về nhen lửa

Soi ân tình dài…

Mùa này hiếm hoi những chuyến buýt màu vàng khô. Vì học trò không còn đến trường. Con gái tôi cũng đã qua cái thời trường lớp. Nên trong trái tim nó chắc không còn bao nhiêu xúc động về một ngày tựu trường. Trong tâm hồn nó cũng không còn dành bao nhiêu chỗ chứa một ký ức thơ dại, khi tay nó rời khỏi tay tôi để trèo lên xe buýt. Chắc nó không còn nhớ (hay nhớ rất ít) hình ảnh ba nó đứng dưới trạm xe nhìn lên đứa con gái thân yêu đi qua những hàng ghế trống. Và cuối cùng lọt thỏm giữa những đứa bé khác cùng tuổi, nhưng khác màu da.

Mỗi đứa trẻ khi vào đời bằng mỗi cách khác nhau. Nhưng cảm giác về ngày đầu tiên đến trường đều sâu đậm giống nhau.

“Hàng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỹ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được cái cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mĩm cười giữa bầu trời quang đãng...” (Tôi đi học/ Thanh Tịnh).



Mùa thu của những thập niên 1950. Tôi đến trường với sự hồi hộp pha lẫn náo nức. Ði bên cạnh là Mẹ tôi. Ba tôi mất sớm nên tôi không có dịp đi cùng ông đến trường để trình diện với thầy cô. Mẹ tôi đưa tôi đến cửa lớp, gởi tôi cho thầy giáo lớp năm- tức lớp 1 bây giờ- sau khi dặn dò tôi vài điều và bảo tôi đừng khóc. Bà còn phải về cho kịp có mặt buổi chợ sớm mai để lo gạo cho mấy chị em tôi.

Trường có ba lớp: lớp Năm- lớp Tư- và lớp Ba. Học hết lớp Ba muốn lên lớp Nhì phải sang học ở trường khác. Trường nằm khiêm tốn trong một góc sân đá banh, mà sau nầy được đặt tên Sân Vận Ðộng Lam Sơn.

Thầy dạy tôi là thầy Quyến. Ông người miền Nam khoảng gần 35 tuổi và sống kỳ cựu ở Vũng Tàu. Mỗi một lớp có khoảng chừng 20 đứa. Có những chiếc bàn dài gắn liền với băng ghế ngồi đã có vài vết mực lem luốt từ một mùa học trước. Những chiếc bàn đi qua đời tôi sao đầy những cảm xúc? Mỗi đứa chiếm một vị trí ở bàn do thầy Quyến chỉ định. Tôi và hai đứa cùng nhỏ con giống nhau ngồi hàng trên cùng, cạnh chiếc bàn làm việc của thầy. Trên đó những chồng sổ điểm danh và sổ điểm được xếp ngay ngắn. Những đứa học trò lớn hơn ngồi ở sau. Tôi nhìn trân trối vào tấm bảng đen mới được sơn lại và những viên phấn nằm ngay ngắn trong hộp. Một dòng chữ được viết trên tường bằng sơn đỏ: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thầy bảo chúng tôi bỏ tập vở mới vào trong hộc bàn, chỉ để lại một cuốn tập và một cây viết chì chưa chuốt. Ông bảo chúng tôi ngồi nghiêm chỉnh trong vị trí của mình và cất tiếng đọc tên từng đứa. Ông hỏi cặn kẽ về cái họ và về chữ lót. Mỗi cái tên được ông viết xuống sổ cẩn thận bằng một cây viết lá tre chấm mực màu xanh. Bình mực đỏ kế bên chỉ dùng để chấm điểm. Ông bắt đầu nói về những điều mà chúng tôi sẽ học trong năm đó. Vì là buổi học đầu tiên nên ông dạy chúng tôi tự chăm sóc tập vở của mình, như bao bìa một quyển tập và dán lên trên đó một cái nhản, trong đó có ghi tên họ, lớp học và năm học, để khỏi lẫn lộn với tập của đứa khác.

Hồi đó tập học có hai loại - loại 50 trang và loại 100 trang. Những trang được cắt góc tròn trịa nói lên tính chất thẫm mỹ của nó và đắt tiền hơn những tập không cắt góc. Nó sẽ giúp cho những trang giấy không bị cong lại vì bàn tay cẩu thả của học trò. Dĩ nhiên những đứa con nhà giàu thường có nhiều quyển 100 trang có cắt bìa hơn. Bìa tập cũng có in hình vẽ khác nhau và giá trị tùy theo số trang nhiều ít. Có hai hình vẽ quen thuộc lúc đó là hình người lái xích lô đạp và hình ba cô gái tượng trưng cho ba miền, do hoạ sĩ Lê Trung vẽ. Ở bìa sau có in bản cửu chương.

Thầy dạy chúng tôi gắn ngòi viết lá tre vào cán viết và giữ viết trong bàn tay như thế nào. Thầy cũng dạy chúng tôi chuốt viết chì. Nhiều đứa không làm được như vậy- trong đó có tôi- thầy bắt mấy đứa lớn làm giùm. Có những tờ giấy chậm màu hồng trong đó có in những hình vẽ hoa mỹ, liên quan đến trường lớp. Có một hình mà tôi còn nhớ mãi là hình một chiếc trống và một đứa bé đang trốn học trên cây.



Những chiếc trống ngày trước không còn hiện diện vì không còn thợ thủ công để làm ra. Chúng đã lùi sâu vào nơi chốn của những ngôi đình và những lễ lạc. Âm thanh của chúng lúc đó mang một giá trị khác trong một đời sống khác. Như hơi thở của người xưa lẫm liệt thổi qua những dâu bể thăng trầm.

Còn bây giờ, người ta thay vào vị trí của chiếc trống trường bằng những chiếc kẻng. Ðó là mảnh sắt lớn được lấy từ một vỏ đạn hay một món đồ phế liệu nào đó, treo lên cao dưới một cành cây hay một gờ mái. Mỗi buổi sáng sẽ được một đứa học trò trưởng lớp đánh lên để báo hiệu giờ vào lớp. Chiếc kẻng không bao giờ mòn, dù tuổi học sinh chúng tôi mỗi ngày mỗi lớn. Và thơ ấu sẽ lần lượt đi qua dưới những âm vọng trìu mến như vậy cho đến khi bước xuống cuộc đời.

Bên hông lớp của tôi có một cây me keo không biết có từ lúc nào. Nhánh của nó có gai và làm nhức nhối mấy đầu ngón tay nếu vô tình đụng tới.

Cây me còn là nơi trú ngụ những con quít có cánh màu xanh lá cây. Chúng hiện diện suốt một mùa học và bay theo tuổi thơ chúng tôi cùng với tiếng giảng bài của thầy mỗi buổi sáng. Tiếng đập cánh của nó nghe buồn khô như tiếng viên phấn miết lên trên mặt bảng.

Lớp học đầu đời của tôi giản đơn như vậy. Giản đơn như dòng chữ Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn. Nhưng để lại trong hồn tôi những dấu ấn. Giống như màu mực đỏ ghi điểm của thầy tôi trên trang giấy trắng. Mỗi đồ vật, mỗi ngăn tập trên bàn, đều ủ chật hơi thở của chúng tôi. Những bình mực khô cạn nằm lăn lóc ở một góc sân, đã bao mùa mưa nắng, vẫn còn đọng lại những giọt mực thời thơ ấu. Nó không chỉ đơn thuần là màu mực xanh hay đỏ. Nhưng có thể là những dòng máu xuôi ngược trong buồng tim trẻ thơ của tôi. Chúng biến đời tôi trở nên xanh hơn hay úa bầm tuyệt vọng.

4.

Nhiều năm trôi qua. Những nhịp đời đi vội vã. Đứa con trai năm tuổi ngày đó bây giờ đã 65 tuổi. Những chàng trai, những cô gái vào đời. Mọi bước chân bước qua nhung lụa hay đi trên bão tố, đều giống nhau. Có khác chăng là cảm xúc khi còn ấu thơ và mỗi giấc mơ hồn nhiên hay bầm vập.

Như một người đi tìm mua quá khứ, nên tôi luôn trân trọng với những gì làm nên qua khứ. Tôi ao ước được sống lại một giấc mơ cũ, dù đơn điệu và thiếu thốn hào quang, nhưng tỏa sáng hạnh phúc.

Khu sân vận động Lam Sơn bây giờ khang trang hơn và những vạt cỏ cũng mọc chồng lên nhau cùng ngày tháng. (Ngôi trường không còn từ lâu và thay vào đó là một gian phòng dùng làm nơi sinh hoạt của cán bộ thể dục thể thao. Hay một cái tên gì đại khái giống như vậy. Một thời được dùng làm nhà tắm hơi). Cây me keo dĩ nhiên cũng chịu chung một số phận cùng với ngôi trường và những con quít cánh xanh hết còn chỗ cư ngụ. Nó không thể “cư trú lì” một khi đất đai đã chật hẹp một cuộc đổi đời.

Năm tôi học Trung Học, chúng tôi còn đá banh trên sân vận động này. Ngọn Núi Lớn nằm ôm một con đường vòng có tên là đường Thành Thái. Và buổi chiều sẽ trở nên êm ả hơn khi nắng gần tắt ngoài biển. Cuối con đường vòng là đường Thành Thái, nơi có nhà của người con gái mang tên Nguyễn Thị Phụng. Cô gái từng để cho nhiều cây si mọc lên và một thời nổi tiếng trong các buổi văn nghệ của trường.

Tôi không biết Phụng vì khi nhan sắc nàng đang nở rộ cũng là lúc tôi vào lính. Nhưng tôi biết anh em Ðồng Văn Minh, Đồng Văn Đức. Nghe nói Đồng Văn Minh từng có thời ngưỡng mộ Nguyễn Thị Phụng. (Ðồng Văn Minh sau này đi Nhảy Dù và mang lon Đại Úy).

Một buổi chiều đang đá banh, bỗng có một đứa chỉ lên trên Núi Lớn và chúng tôi nhìn thấy ai đã treo trên đó lá cờ của “phía bên kia”. Cuộc vui nửa chừng khựng lại và mỗi chúng tôi đều cùng ý thức được rằng chiến tranh không phải là một trò chơi riêng biệt ở thôn quê hay những vùng xôi đậu. Mà chiến tranh đang hiện diện khắp nơi, trong thành phố. Hình ảnh lá cờ nhá nhem trong một buổi chiều thoi thóp nắng như một thách đố mạnh mẽ tương lai chúng tôi. Không phải chỉ có sách vở học đường vẽ ra cho chúng tôi cái giá trị của đời sống phía này không thôi, mà còn có những điều khác, thuộc về hướng khác, không nằm trong quy luật. Như truyền đơn, như những lời rỉ tai thầm thì và những tiếng nổ vu vơ nửa đêm về sáng từ một thôn ấp. Và chúng tôi phải chọn lựa một trong hai giá trị đó, không thể tránh né.

Những đứa bạn cùng tuổi với nhau cũng vậy. Chúng tiếp nối nhau vắng mặt trong lớp sau một cuộc bãi trường hay giữa niên khóa. Hỏi thăm gia đình thì được biết tụi nó đã ghi tên nhập ngũ vào một binh chủng nào đó. Vài đứa con gia đình giàu có, được Bộ Giáo Dục cho du học nước ngoài. Tất cả đều chia tay âm thầm không một lời từ giã. Cũng không có một ly chè bánh lọt với người yêu nơi sân trường. Tình yêu học trò phút chốc bị phá sản và con đường nào cuối cùng cũng dẫn đến Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, Đồng Đế với Quang Trung. Hoặc sang trọng hơn đi về hướng quân trường Ðà Lạt, Thủ Đức.

5.

Dưới những hàng cây chật kín cành lá màu xanh, những chú ve sầu đang cất tiếng.

“Ve ơi, hát gì điệu nhạc chia ly, khóc người biền biệt sơn khê, cố nhân ơi bao giờ trở về…” (trường cũ tình xưa)

Những con ve báo hiệu một mùa hè và những bài hát như vậy gợi lên hình ảnh buồn bã làm sao. Tôi từng đi qua những khung cửa chật kín một thời hoa niên, trong khi màu hoa đỏ rưng rưng bên đường như những vệt máu. Ngày đó, tôi không hình dung tại sao “màu hoa phượng thắm như máu con tim” như trong lời nhạc của Thanh Sơn. Những cánh hoa thơ mộng nhưng chở chuyên ngần ấy những đau khổ. Mãi sau này khi có tình yêu tôi mới biết.

Những gã học trò mang trong tim những nhịp đập hối hả bỗng một hôm thấy lòng chùng xuống vì những âm vọng, những màu sắc mang mầm mống biệt ly. Họ đi vào đời sau khi chia tay với bạn bè, trường lớp. Có bao nhiêu người thản nhiên bước xuống những tam cấp phủ đầy xác phượng và bỏ ngoài tai những âm thanh ồn ào nhưng vô hại của loại côn trùng kia? Chắc không có là bao.

Những con đường buồn mới vừa rát bỏng màu nắng hạ bỗng chiều nay vọng xuống tiếng ve. Thành phố tôi cư ngụ rất ít mùa đông và rất ít tuyết đổ trắng trên mái nhà. Có những dòng sông cũng quên chảy qua những mong nhớ. Hôm nay có hàng triệu con ve sầu từng ngủ yên dưới lòng đất và những lá khô bỗng nhiên thức giấc.

Có một thống kê trên trang mạng mang tên LiveScience.com nói rằng những chú ve sầu đã khởi sự ngoi lên khỏi mặt đất trên khắp miền Nam nước Mỹ sau một thời gian dài 13 năm. Chúng ca hát và sinh sản suốt một mùa hè. Rồi chúng sẽ chết và trứng của chúng sẽ nở ra. Những con nhộng từ những trứng đó sẽ tìm cách chui xuống mặt đất, tự bám vào các rễ cây và phát triển. Mười ba năm sau tính từ bây giờ, thế hệ kế tiếp sẽ trồi lên. Tại sao 13 năm mà không phải là con số nào khác? Khoa học chưa tìm ra giải thích thỏa đáng.

Những cuộc đời trên mặt đất và những cuộc tình tồn tại bao lâu, khi tiếng gõ của thời gian ngoài cửa? Giữa hai bờ mộng thực, bao niềm vui nỗi buồn quấn quit xô đuỗi nhau như những nốt nhạc trên dòng nhạc đời, mà những xuân son vừa trở thành những dấu lặng?

Những nụ hoa nở đẹp một góc phố cũng là quà tặng gởi đến từ thiên nhiên. Mùa thu và chiếc lá rơi sáng hôm qua nơi sân nhà hàng xóm mang một vẽ lãng mạng pha chút buồn rầu. Mọi thứ, đều trộn lẫn vào nhau như tấm phông của một vở kịch đời. Trong đó, tình yêu đôi khi có mặt. Ðể lên tiếng với chúng ta về một hạnh phúc không thể pha chế bằng một nguyên liệu nào khác, ngoại trừ sự đau khổ.

Có bao nhiêu tình yêu được trang trải bằng nỗi đau khổ. Ðể cho những bờ môi tiết trinh cúi xuống hôn lên những thân phận cuộc đời...?

No comments:

Post a Comment