Monday, April 30, 2012

ngựa ơi về đâu

phạm ngũ yên


 


1.

Tôi không nhớ những chiếc xe ngựa đã thôi không còn có mặt trên đường phố thơ ấu của tôi từ bao giờ.

Khi tôi vào tiểu học, bắt đầu đã có vài chiếc xe lam chở khách chạy qua chợ mỗi ngày cùng với những bụm khói cuống quít đàng sau ống bô, trong khi những con ngựa già nua ôm nỗi đau lớn dần theo biển cả. Tôi vào đời không kịp nghe khôn lớn bay cao theo những cánh diều. Nhưng tôi đã từng khóc ngất một vòng xe bỏ quên tôi đứng một mình giữa phố. Từ bao giờ, hình ảnh chiếc xe ngựa như một mảnh trăng non lạnh lùng vắt qua trên mái hiên đời. Nơi tấm lòng trống hoác đón đợi những cuống lá thu lìa cành. Tiếng gót gió rượt đuổi theo xe, cùng tiếng lục lạc rung lên, như tiếng lòng trong trẻo. Từng âm thanh tuyệt vời đó đi theo tôi suốt những năm dài mênh mông. Lâu rồi, tôi không còn được nghe lại. Người ta thay thế hình ảnh đó mà không thấy ngậm ngùi. Không thấy ướt át chảy tràn trong lòng một nhánh đời như sông.



Vũng Tàu của những đầu thập niên 50. Ngày đó những chuyến xe ngựa trở thành một phương tiện giao thông bình dân không thể thiếu, bên cạnh những chiếc xe đạp đòn vông phủ kín gió mùa. Mỗi ngày người xà ích đưa rước những bà bạn hàng ra chợ và các em bé đến trường. Đôi khi chuyến xe đảm trách thêm một sứ mạng cao cả mang tính thơ mộng là chở những cặp tình nhân đến từ Sàigòn ngắm biển hoặc chạy vòng Bãi Trước, Bãi Sau.

Tôi lớn lên từ một vùng thổ ngơi lạ lùng mà biển cả chiếm hai phần ba đất đai. Mỗi buổi sáng đi học trên đoạn đường ủ đầy bóng mát cùng tiếng chim kêu hối hả trên đầu. Con đường nào ra biển cũng đều thấp thoáng những nhánh bàng chạm đầu với nhau. Những hàng me xanh rắc lá xuống bãi cỏ mơ màng. Đêm mùa hè có gió mang mùi vị trùng khơi trong khi hoa sứ vẫn nồng nàn đậu xuống đường ra Dinh Ông Thượng. Những con bù rầy cũng vậy. Chúng mỏi cánh rụng xuống máng đèn khuya. Từng vệt sáng nũng nịu hắt xuống như giọt mực rơi trên tờ giấy củ.

Ðứa con trai 7, 8 tuổi ngày đó chưa biết buồn vì bão giông của đời thấp thoáng. Nhưng trong lòng đã biết thương những cánh buồm ngày biển động ra khơi.

Nhà tôi dưới chân Núi Lớn. Buổi sáng tôi đi học một mình. Ði qua một công trường xưa có tên là công trường Lam Sơn, nơi có khẩu súng thần công làm dấy lên nỗi sợ hãi trong lòng bao trẻ thơ ngày đó. Khẩu súng bằng đồng đen sậm bề dài khoảng ba thước chĩa họng về hướng cầu Cỏ May- hướng duy nhất dẫn vào thành phố- Một sân cỏ mà ngày đó người ta thường dùng làm sân đá banh, có một khán đài khang trang nhìn xuống hai cột gôn màu trắng. Sau này có thêm một đường đất chạy vòng quanh sân để các vận động viên có cơ hội tập luyện. Mùa bãi trường không có nhiều heo may sao lòng nhiều cánh gió? Những cánh gió phồng căng niềm mơ ước được làm người lớn để gia nhập vào cuộc đời. Được bay nhảy rong chơi mà không bị buộc ràng sách vở.



Ngày đó chợ Vũng Tàu nằm giữa hai con đường Trưng Trắc, Trưng Nhị. Tan học tôi không chịu về mà la cà đi dưới những bảng hiệu thân thiết. Một quán cà phê lúc nào cũng tấp nập người ngồi và trước sân là một gốc bàng sần sùi vì tháng năm. Quán cà phê Liên Tinh có tuổi đời ngang bằng với thành phố, mở cửa từ ba bốn giờ sáng đến đêm tối. Tôi đi qua những cửa tiệm trong đó có ba má của những bạn học chung lớp. Họ đang đứng bán. Một đôi lần tôi nghe tiếng huýt sáo mời gọi tham dự vào những cuộc vui ngoài sân banh hay trên bãi biển. Những tiệm bán tạp hóa có tên rất mỹ miều như Minh Quang, Thanh Bình, Nhựt Tân, Kim Phượng, Văn Ánh. Vài tiệm bán vải, bán vàng, uốn tóc và một vài tiệm may. Những cửa tiệm như vậy cùng những bảng tên thấm thiết như Đông Hưng, Đông Thái, Tân Mỹ Trang, Chính Thành từng nằm rất lâu trong ký ức. Cũng có một tiệm bán thuốc bắc của Thầy Lang Cổ mà mỗi khi qua đó, tôi thấy choáng ngợp vì những ngăn tủ gỗ che kín hai vách tường. Người chủ tiệm mặt mủi hồng hào ngồi sau quầy coi mạch cho khách hàng, dáng điệu trang nghiêm, đôi lúc căng thẳng, bên cạnh những lọ thuốc bằng thủy tinh và chiếc dao sắc thuốc to bự. Tất cả đều vượt qua những biển dâu. Những năm tháng phù hư đã làm nhạt nhòa màu sơn tượng trưng như màu đời.

Ðôi khi tiếng móng ngựa giục giả sau lưng khiến tôi phải giạt vào một cửa tiệm để tránh. Trăm lần như một, chiếc xe quen thuộc từ hướng Bến Ðình chạy ra và dừng lại một ngả tư chờ thêm bạn hàng khác. Ngã tư đó nhiều năm sau này phát triển trở thành Xóm Mới và có một rạp hát mọc lên mang tên là rạp Duy Tân. Mỗi lần xe dừng, tôi cũng dừng lại để nhìn con ngựa và quan sát chiếc xe. Người xà ích leo xuống dọn dẹp lại quang gánh về phía sau để xe có thêm chỗ trống cho một vài người khách mới. Chiếc xe dường như phình thêm ra và con ngựa vẫn thản nhiên nhìn xuống. Nó không hề biết những vó câu lát nửa đây sẽ nặng nề thêm khi miết xuống mặt đường. Và gió vẫn thổi qua lưng như lời roi ủ rũ...



Tôi say mê nhìn hai bánh xe cao khỏi đầu cùng những nan xe vững chắc. Một chiếc bạt vải dùng làm mui xe bắt đầu bay màu vì mưa nắng. Có một bao đựng cỏ đặt khiêm tốn bên càng xe để dành làm phần ăn cho ngựa khi về tới bến. Một cây roi bện bằng những sợi nhợ đan vào nhau rất khéo nối liền với một cành mây mảnh mai. Khi xe chạy, cây roi chỉ để hờ hững trên lưng con vật như nhắc nhở nó một bổn phận, chớ ít khi người chủ dùng nó để đánh đập. Bây giờ, cây roi đang nằm yên trong một chiếc ống tròn đặt bên cạnh tầm tay của người chủ xe. Một lần không nén nỗi tò mò, tôi đến gần xe và dùng tay rờ rẫm cây roi như rờ rẫm một báu vật nằm ngoài mơ ước, trong khi người xà ích đứng tán gẫu với bạn hàng. Họ có muôn ngàn chuyện của người lớn với nhau. Chuyện nắng mưa. Chuyện những đứa con đứa cháu học hành ở trường. Chuyện gánh hát cải lương mới dọn về. Chuyện những danh ca thời danh. Những tuồng tích trùng lập.

Cũng có những chuyện mà tôi nghe rơi rớt được, trong trí nhớ thơ dại của tôi, về một cuộc chiến tranh nào đó, ít nhiều làm bận lòng mọi người. Những tiếng súng bên này sông hoặc bên kia sông. Những cái chết đơn điệu và vô lý giống như một vở hát không có hậu. Chúng mang một giá trị đổ vỡ làm mũi lòng nhiều hơn những tiếng vổ tay.

Thơ ấu của tôi ít nhiều đượm màu sắc của những chiếc xe như vậy. Thơ ấu cũng từng chạy theo những nan xe, cùng tiếng vó câu rộn ràng gỏ nhịp xuống đường. Đôi khi mặt đường tóe lửa vì móng sắt va mạnh. Vài tuần, tôi thấy người chủ xe dừng xe cạnh lò rèn gần nhà tôi để thay lại móng ngựa vì móng bị mòn. Gọi là lò rèn cũng không đúng vì người thợ rèn chỉ có một chiếc lò than nhỏ nằm dưới gốc cây điệp sum sê. Một cái búa sắt và một chiếc đe. Đó là cơ ngơi và không đáng giá để cho bất cứ ai ao ước hay so bì. Tôi theo dõi công việc của họ với lòng hứng thú mê hoặc giống như một đứa bé được người ta gởi đi học nghề. Người chủ xe ngựa bẻ một chân ngựa ngược về phía sau, quay cho móng hướng lên phía trên, trong khi người thợ rèn dùng búa đóng chiếc móng sắt mới vào móng ngựa bằng những mũi đinh nhọn. Mỗi nhát búa đóng vào, tôi thấy lòng thót lại và tưởng tượng con ngựa chắc cũng đau lắm.

Xong việc thay móng, con ngựa lại bước đi thong dong trên những móng sắt mới. Những chiếc móng sắt củ bị bỏ lại bên gốc cây. Tôi tò mò lượm lên để dành chơi và nghe hơi ấm của con ngựa hình như ràn rụa trong bàn tay. Người ta nói móng ngựa tượng trưng cho sự may mắn.

May mắn không thấy đâu chỉ thấy sự học hành của tôi không suông sẽ và đầy bất trắc. Giữa tiểu học thì ba tôi chết. Lên trung học tôi bị ở lại hai năm và thi rớt Tú tài. Nhà nghèo nên mẹ tôi không cáng đáng nổi những nhu cầu trường lớp của chị em tôi. Chúng tôi trồi lên hụp xuống trên những bảng xếp hạng cuối năm giống như mực thủy triều ngoài biển.

Tình yêu cũng không may mắn hơn. Những cô bạn học cùng lớp cũng lần lượt vượt qua tôi để đi về một bến bờ sông nước khác. Mất tăm và không để lại lời nhắn nhủ. Giống như những chuyến xe ngựa đi qua cuộc đời tôi và mất biệt không ngờ.



2.

Trước khi tôi vào Trung Học, hình như chỉ còn một vài chuyến xe ngựa uể oải chạy qua. Con ngựa hình như quá già để không còn đuổi kịp những chiếc xe lam chạy bằng máy nổ. Ðuôi của nó xác xơ và lười biếng chuyển động khi cổ rướn về phía trước với tiếng móng gõ xuống mặt đường bây giờ thiếu vắng những nhịp điệu khẩn thiết. Những lò rèn bây giờ có nhiều nhu cầu cấp bách hơn thay vì tạo ra những đồ vật không còn thịnh hành như chiếc móng ngựa. Nên người xà ích cảm giác được vó câu của ngựa thấp xuống mỗi ngày. Ông cũng cảm thấy khó khăn để tìm ra một bao cỏ non vì đồng cỏ lần hồi biến mất. Nhà cửa chen chúc nhau từng khoảng trống và phố phường mọc lên để đẩy cánh đồng xanh xa dần ra ngoại ô, hay lùi sâu vào bưng biền. Sau này khi trưởng thành, tôi nghĩ nền văn minh cơ khí cũng có điều tốt của nó. Vì đã khiến cho những con vật bớt bị ngược đãi hơn và người ta sẽ ít mặc cảm vì sống trên sự khổ đau của loài vật.

Những gia đình có con đi học xa trường, hết còn cho con mình quá giang những chuyến xe ngựa như ngày trước. Tôi còn nhớ khi còn học lớp nhì, một lần tôi được đi học chung với mấy đứa bạn khác bằng xe ngựa. Tôi chỉ đi ké vì nhà tôi gần trường nên không có quyền được ngồi xe ngựa như những đứa học trò ở xa như Bến Ðình, Bến Ðá. Cha mẹ thương con đi học xa nên bàn với nhau bỏ tiền thuê bao hai chiếc xe, một dành cho học trò nam và một dành cho nữ. Lâu lâu nổi hứng, hoặc có hơi men chút đỉnh, hai người xà ích vụt roi để coi con ngựa nào về trước. Những đứa học trò con trai khoái chí hoan hô cuộc đua đầy hào hứng trong khi bọn con gái xanh mặt ôm cứng thành xe. Dù vậy, mỗi khi chiếc nầy vượt qua chiếc kia là bọn trẻ ngồi trên xe la hét ầm ỉ, khiến hai con ngựa cũng hứng chí hí vang. Móng sắt của chúng làm xẹt lửa như pháo bông trên mặt đường lồi lõm.

Nhiều năm trôi qua, tôi gần như muốn quên là có những chuyến xe ngựa như vậy hiện diện trong cuộc đời. Tôi không biết số phận của các con ngựa đi về đâu. Có nhiều cuộc vui khác thay thế và tôi cũng có những câu chuyện để quan tâm hơn với bạn bè sách vỡ. Chợ búa đông hơn ngày tôi còn học Tiểu học. Và những bà bạn hàng cũng vẫn chờ đợi mỗi ngày những chuyến xe lam phun khói mù mịt trên các nẽo đường. Một quá khứ đẹp đẽ và thơ mộng đã khép lại phía sau. Cho đến ngày tôi vào lính.

Ðâu có ai có thì giờ để hồi tưởng lại một quá khứ bị thời gian vùi lấp. Chiến tranh đã thổi một hơi thở khác vào trong thành phố. Và người ta bắt đầu làm quen với những tiếng động kéo theo những bất trắc. Những đứa trẻ lớn lên không có trò chơi cũ để chơi, chúng chơi với trò chơi mới là súng đạn nơi quân trường. Những chiếc cù, chiếc bông vụ đầy vết sẹo thời ấu thơ đi về phía mênh mang để biến thành ảo ảnh. Những bông phấn có hình dạng như sợi tóc tiên, những trái cây có hai nhánh giống như tai thỏ quay tròn trên không trước khi rơi rụng cũng trở thành cổ tích. Những ngõ mưa năm xưa ướt nhòa bao nỗi nhớ.

Biển cũng bớt xanh như chưa từng. Rồi một ngày nào đó đứa học trò cũng phải rời bỏ trường lớp để đi xuống cuộc đời. Mùa phượng cuối cùng tôi ôm tập đi dưới lòng mưa, ngang qua bến xe ngựa ngày cũ. Góc đường Phan Thanh Giản và Trần Hưng Đạo trãi đầy bóng mát và cây bồ đề có rễ buông thòng xuống mặt đất, như muốn trói mọi ước mơ không cho bay bổng với đời. Nơi này, có thời dùng làm bến xe ngựa buổi trưa, trước khi tan chợ. Ngân hàng Tín Nghĩa nằm đối diện. Bên kia đường là mặt tiền của Khách sạn Bồng Lai. Một góc khác là ngôi nhà vừa để ở vừa dùng làm phòng mạch của bác sĩ Qui. Một người con của bác sĩ Qui là bạn học của chúng tôi. Có những đứa con trai nghe nói thi đậu và tiếp tục lên lớp trên. Có những cô con gái đẹp và hồn nhiên như những đài hoa mọc lên từ một khu vườn cấm người lai vãng. Nhan sắc họ giống như một cơn mưa. Có thể làm ướt mọi mối tình đi qua và làm mù lòa những cửa bể.

Những người của năm xưa. Những bác xà ích hồn nhiên không chịu già theo tháng năm bây giờ đang ở đâu? Có thể họ sẽ đổi nghề, dành dụm tiền để sắm một chiếc xe lam, hay khiêm tốn hơn, một chiếc xích lô đạp. Mỗi ngày cong lưng gò đạp những cuốc xe chở khách. Những vòng quay cũng lấp lánh nan xe như vòng đời?

Ðôi lúc, có vài chuyến xe ngựa lác đác vụt qua, nhưng không phải ngoài đời mà trong phim ảnh. Những chiếc xe có những con ngựa hung hãn lồng lên, trong một xứ sở lạ lẫm là Ngoại Mông hay Tây Vực. Chúng không được điều khiển bằng những xà ích hiền lành mà là những đại hán râu ria xồm xàm, có tên Ðịch Long và Khương Ðại Vệ...



3.

Khi đi lính tôi đổi về làm việc ở Ðà lạt, vẫn còn những chuyến xe chở rau ra thành phố. Những bánh xe không còn làm bằng những nan xe lộng lẫy mà bằng những niền sắt thô thiển. Nó không có khả năng đánh động trong lòng tôi những cảm xúc, nhưng đủ nén xuống một ngậm ngùi. Con đường đất đỏ lồi lõm những vệt xe cắt nát tuổi thanh xuân của một người lính và tôi đi qua những năm quân ngũ của mình như con ngựa kéo trên lưng nó những gánh đời quá tải. Phi trường Cam Ly hồng hào những thửa đất trùng điệp mọc lên những bông cải, những bắp sú. Những vườn hồng ngào ngạt tình yêu, trong khi mưa miệt mài phi đạo. Làm sao để nghe quen một nhịp gõ trên đường như tiếng gõ của gió trên khung cửa nhà ai? Bởi có những điều không thể viết lên thành văn chương. Những điều tôi không làm sao nói cho nàng hiểu, vì trái tim câm luôn nằm im trong lòng ngực.

Vài lần qua Hồ Xuân Hương, tôi gặp vài chiếc xe ngựa chở khách đi vòng quanh đồi Cù. Mùa thu rét ngọt những đóa cúc núi như nụ hôn của người tình. Và ly cà phê không còn khói nóng bốc lên vì trời lạnh, tôi muốn nói lời vĩnh biệt đến những chiếc xe ngựa...

Ai đó một hôm nào ngồi lặng yên nơi đồi Du Sinh. Bên kia là ngôi trường Couvent Des Oiseaux có bờ tường màu hồng phấn vây quanh. Buổi sáng tháng tám không còn ai trong sân trường và sương mù chưa bay khỏi thung lũng bên dưới. Một con ngựa không yên cương, bờm rũ xuống như nhớ lại những nhịp sãi mùa thơ ấu. Tôi cũng đang nhớ lại một tình yêu mới vuột khỏi tầm tay và người con gái có áo len màu xanh vừa từ giã thơ ngây để theo chồng.

Không có mưa để hỏi nhắn đến nàng rằng “mưa bên chồng có làm cho em khóc” như lời nhạc Vũ Thành An. Tôi nghĩ người nhạc sĩ hơi cường điệu về nỗi đau khổ riêng tư của ông. Làm sao có chuyện một cô gái dể dàng từ bỏ người yêu để đi theo một người đàn ông nào đó- dể dàng như thay một cái áo hay mua sắm một món hàng- mà lại để lòng chùng xuống vì một cơn mưa? Thời bây giờ hiếm hoi những mối tình ướt đẫm nước mắt theo kiểu Roméo- Juliett hay Love Story. Thời bây giờ đầy rẫy những tình yêu không muốn cho đi mà chỉ muốn nhận thật nhiều.

Những ngày này gió cứ miên man tung những đóa sơn cúc lên mặt đường. Câu chuyện nào về một tình yêu cũng vàng bệt màu dang dở. Tôi đi bộ dưới bầu trời mùa đông với lòng rượi buồn vì bàn tay vừa buông những hơi ấm. Người con gái đại diện cho bão giông vừa phủ lên đời tôi những cơn địa chấn. Nàng chưa từng biết đến chung thủy hay tôi chưa từng kinh nghiệm những dối gian? Hạnh phúc gắn chặt trên bờ môi ngày nào đã rụng rời như một trang giấy cũ, trong đó vết mực đầu đời cùng mỗi thơ dại tròn vo.

Dưới kia, con đường quanh co chạy qua thác Cam Ly, có một chiếc xe lam vừa nổ máy. Những bụm khói tức tưởi không chạy đuổi theo kịp những vòng xe. Chúng cứ dật dờ một chỗ như khiêu khích một thời ấu thơ của tôi và thời vàng son của con ngựa...


No comments:

Post a Comment