Tuesday, May 1, 2012

CHÚT ĐỜI PHƯỢNG CŨ



phạm ngũ yên


1.

Những bài thơ chép tay và những dòng lưu bút vội vã trao cho nhau trước ngày bãi trường, cùng những xác hoa đỏ rực một góc phố sao bây giờ bỗng trở nên một nỗi thôi thúc mạnh mẽ. Như thể tuổi thơ chúng ta đều dừng lại không hề trôi đi. Cho dù hôm nay tôi đang đứng chập choạng bên bóng xế cuộc đời. Mùa hè chỉ có ngần ấy thôi sao? Trong khi còn biết bao nhiêu hình ảnh đẹp và lãng mạn nằm im sững dưới đáy ngăn ký ức?

Không phải vậy đâu, các bạn. Hỡi những người có thời cùng với tôi sống những năm tháng thơ ngây rực rỡ nhất đời mình. Bàn ghế cũ. Bảng đen. Vuông lớp nhỏ vương vải bụi phấn và ngoài kia sân trường đầy nắng hạ. Vai áo trắng của ai ngồi phía trước không chuyên chở hết mái tóc đen như một nhánh sông ngày buồn, cùng đôi mắt màu hột nhãn nhìn xuống che dấu nụ cười e thẹn. Ðứa con trai biết làm thơ tình giỏi hơn làm toán đại số thấy lòng tức tửi mỗi khi thấy cánh hoa phượng nằm chết ở bực thềm mòn dấu giầy qua lại. Những bài thơ tình ngô nghê viết nắn nót trên trang nhật ký của mùa hè đệ lục. Ðó là những tâm sự riêng mang từ mối tình năm mươi phần trăm theo kiểu gởi gió cho mây ngàn bay. Nhưng có hề gì đâu. Một chút cho đi trong tình yêu có sá gì giữa mênh mông lồng lộng trong khi trái tim đang rung lên những nhịp bồi hồi:

”Yêu là chết trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà đã được yêu?

Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu...”

Tuổi học trò quần kaki xanh, áo trắng cùng những mối tình không hề nhuốm màu đen tối trần tục. Chỉ có nhòe nhoẹt những giọt nước mắt ngở mình đang đau khổ. Cùng mong muốn được chết cho một cái gì đó- theo kiểu Trương Chi- mong chờ một Mị Nương nào chợt biết, nhỏ xuống vài giọt lệ.

Nhưng những chàng Trương Chi của thời đại chúng ta không chết- vì không có can đảm để tự tử. Trong khi các Mị Nương kiêu kỳ suốt đời cứ tưởng mình đẹp. Suốt ngày cứ rong chơi giữa hành lang rộng, mặc cho những vạt áo trắng phù hư bay quẩn quanh buộc ràng trái tim người khác.

Họ không bao giờ thèm nhỏ một giọt lệ xuống ly chè mua ở sân trường trong khi đôi môi mềm không thốt lên một lời yêu đương nào hết. Ôi những con sơn dương mềm mại còn thơ ấu kia, dù chưa khôn lớn nhưng đã biết cách hành hạ những bầy sư tữ lãng mạn. Cho nên, những gã trai si tình, trong đó có tôi, vẫn tồn tại và sống nổi trôi bên cạnh cuộc đời để đợi ngày đi lính. Cùng những bài thơ tình tràng giang đại hãi tuôn chảy như mưa, thắm ướt cả một mùa hè.

2.

Vậy mà thoáng chốc đã mấy chục năm. Dưới cuộc đòi của phượng, mùa hè đang vươn cánh tay rực lửa của nó trên những loài đồng thảo. Không có những cánh hoa máu tức tửi làm chói chan một mùa thơ ấu. Không có những dòng lưu bút gởi gắm một nỗi niềm, hay một cuộc chia tay ba tháng hè dài như ba thế kỹ. Thảng có, vài tiếng kêu lạc lõng đâu đây của mấy chú ve sầu trốn nắng. Tiếng kêu làm ủ ê một thời lưu lạc. Và trên những bước chân thời gian, màu hoa học trò ngày xưa đã bị vùi lấp trong lòng dâu biển. Những người đã từng mài đũng quần trên băng ghế trường lớp bây giờ đã là cha, là mẹ. Có người lập gia đình lúc hơn hai mươi tuổi bây giờ đã là ông, là bà. Có những kẻ mà mới hôm nào còn ngượng ngập khi nghe lời đùa cợt tỏ tình, thoáng chốc đã yên bề gia thất:

”ngày mai trong đám xuân xanh ấy

có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”...

Hoặc có những người phải chia tay với một mối tình đang lớn, lòng rối bời phân vân khi gởi cánh thiệp mời:

”có hoa có lá và người khóc,

em sợ ngày nao phải lấy chồng...”

Những cơn mưa lãng mạn và phù phiếm bay nghiêng trên những vai đời làm ướt biết bao mộng ước. Những mộng ước ngày mai lấp biển vá trời. Những giấc mơ làm những Kinh Kha đi qua bên kia bờ sông Dịch. Cùng những hoài bảo làm Dũng của Loan trong Ðoạn Tuyệt ngày nào. Tôi yêu những gì mong manh nhưng ràn rụa những giọt lệ ấm. Như một sắc hoa. Một màu nắng. Một cánh chim hay một nụ cười. Vì tất cả mọi thứ đó làm nên một tình yêu thủy chung có khả năng làm thành chén ngọc tương tư vỡ trong tay gã chèo đò xấu xí.

Bây giờ tháng sáu. Chiếc xe mệt nhoài giống như cuộc đời của chủ nó chạy lang thang qua ngôi trường nơi có con gái đang học. Vẫn sự im vắng của thời thơ ấu. Vẫn không một âm thanh làm gợi nhớ một nơi chốn mà ai cũng đều có thể quen nhau. Không có một lời chia tay rền rĩ từ mấy bài hát lừng danh mùa hè, vang lên từ những đôi môi xuân thì của Thanh Tuyền. Của Phương Dung. Của Hoàng Oanh. Trong khi lòng tôi đã khác. Không phải tôi không bắt kịp những rung động đã vượt khỏi tôi hay không thể theo tôi để ở lại quê nhà. Cũng không phải vì phượng ở đây không rực rỡ bốc cháy trên mọi ngã phố. Nhưng mấy ai còn giữ lại trong ngăn ký ức một màu hoa lãng mạn khí quá khứ trầy trụa những thương tích?

Mùa thi trôi qua vội vàng như tuổi thơ hấp hối bên cổng trường đóng lại. Tôi sắp bước vào đời lúc đó mà không kịp trang bị cho mình một hành trang nào, ngoại trừ trái tim háo hức sắp được làm người lớn. Căn gác trọ đường Nguyễn Cư Trinh Sài Gòn những đêm dật dờ ngủ muộn. Ðêm mưa ướt át lòng đường chênh vênh cột điện, ngọn đèn tròn thả xuống một màu sắc kỳ dị. Giấc ngủ bị ngắt quảng nhiều lần vì chập chờn giấc mộng thấy mình đang vật lộn với đề thi. Người học trò xa nhà ba bốn giờ sáng thức dậy khoác vội chiếc áo lạnh, xuống quán cà phê dưới đường kêu một ly “xây chừng”, lòng chợt thấy bao dung với cuộc đời.

Có những hành trang chúng ta mang trên vai khi đi xuống cuộc đời. Dù ít hay nhiều cũng làm nặng trĩu bước chân. Tôi không học nhiều từ trường lớp vì đứa học trò trót mang hồn thơ lấp đầy những quỷ tích. Tôi sợ hãi bảng đen khi bị kêu tên trong giờ toán nhưng lòng hân hoan khi nghe thầy việt văn giảng về Nguyễn Bính, Ðinh Hùng. Ðứa con trai vào đời sẽ cô đơn khi đối diện với tầm xa của khẩu pháo bắn đi từ vùng địch, nhưng không cô đơn trước những lá thư tình gởi lầm địa chỉ.

Năm 1965 tôi vào lính. Năm 1974 tôi giải ngũ về lại Vũng Tàu với ít nhiều thương tật. Gần 10 năm không trở về nhìn lại phượng ở sân trường. Dưới mái hiên xưa của lớp tôi có còn những cây đà gỗ đang bị thời gian đè trên vai, mỗi ngày oằn thêm một chút? Trong khi những người thầy thiếu may mắn “mất dạy” bị ném ra khỏi trường lớp lâu rồi. Ðâu mất rồi mùi dạ lan thơm ngát đêm chia tay người yêu để lên đường? Và cây trứng cá trước khu công chức có còn rưng rưng màu hoa trắng tháng ba? Ðâu những vuông đá phẳng phiu bên hông Nhà Thờ Lớn chứng kiến những mối tình vụng trộm của đám học trò đòi thử trái cấm đầu đời ? Tôi đi qua mười năm dâu bể với mỗi năm là một vết cắt âu sầu. Và không hề tìm thấy lại hơi thở quen thuộc trong buồng phổi, dù biển tối ngoài kia đang trầm tư chờ đợi người về... Ðâu những người con gái một thời nhan sắc của bạn bè tôi (Trương Thu Thủy, La Mỹ Phước, Hoàng Hoa, Cao Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Minh Nguyệt...) Và còn đâu tiếng hát làm xanh xao một đêm bãi trường chết điếng (Nguyễn Thị Kim Hoa, Trần Ngọc Chi, Bùi Thu Cúc...)

3.

Họ đã xóa bỏ nhiều điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà quan trọng. Từng con đường. Từng góc phố. Từng nhân dáng thân quen của áo trắng học trò. Họ không cần tuổi thanh xuân mắt sáng môi hồng và những mộng bay ngoài cửa lớp. Họ chỉ cần tuổi trẻ mang khăn quàng đỏ trên vai vác chổi đi ngênh ngang ngoài đường. Và màu cờ đỏ che lấp một mùa phượng vĩ. Những người cầm đầu chế độ hôm nay đang bán dần dà những thứ gì có thể bán được cho ngoại quốc. Bầu trời. Cá biển. Chim rừng. Sức lao động và luôn cả tiết hạnh đời con gái. Họ cũng bán luôn lòng tự trọng trong tình tự Giáo Khoa Thư, Tâm Hồn Cao Thượng. Còn một thứ họ chưa bán là lá cờ đỏ sao vàng và bộ hài cốt hom hem dưới chân lăng Ba Ðình. Cùng hang Pắc Pó che dấu một đời sinh lý bị ẩn ức. Những tên phù thủy tân thời đã lôi kéo một bầy âm binh đi suốt mấy chục mùa thu. Qua những đaị lộ Kinh Hoàng, những ngày Mậu Thân và Mùa Hè Ðỏ Lửa. Nơi nào có vết chân họ đi qua, sự sống bị héo rũ. Như dấu chân của bầy sâu độc làm héo úa mùa màng. Chưa đầy ba chục năm, một miền Nam trù phú thịnh vượng, bỗng tàn phai như cô gái giang hồ. Chưa đầy ba chục năm, Việt Nam ngổn ngang tiêu điều ngang tầm với Angola và A Phú Hản.

Ai đó đã nhiều đêm không ngủ sau một buổi trưa nhìn ra thấy cờ máu che kín phố phường. Che luôn những tương lai mộng đời Phù Ðổng. Những lá cờ tượng trưng cho một niềm kiêu hảnh trơ trẻn tung bay trên nóc chợ Bến Thành. Trên cửa Dinh Ðộc Lập. Và Sài Gòn đang ngẩn ngơ nhìn xuống cơ thể mình đang bị những vòng xích T.54 nghiền nát. Ðang xót xa lời hoan hô của những kẻ đón gió trở cờ như tiếng chuông gọi hồn ai?

4.

Ðiện thoại viễn liên sáng cuối tuần của người bạn từ Norwalk, một thành phố nhỏ về hướng Bắc California, cách khu Bolsa 30 dặm. Ðó là anh Trần Xuân Hà. Một người đẹp trai một thời vang bóng vì ảnh bán thân của anh được chủ tiệm ảnh Tây Hồ ở Vũng Tàu lấy làm hình mẩu của những năm 60. Bây giờ người thanh niên đẹp trai ngày xưa đó bây giờ đã là một Mục sư Baptist. Anh cho tôi hay rằng Ðài Phát Thanh ở Quận Cam có đọc một bài thơ cũ của tôi nhân ngày Father's Day. Bài thơ viết tặng con gái khi bắt đầu đi nhà trẻ. Tôi không biết Ðài phát thanh tìm thấy bài thơ trong trường hợp nào. Vì lâu lắm tôi không làm được những bài thơ hay. Thời lãng mạn đã qua rồi để tôi có thể làm lại những vần thơ ướt át. Những bài thơ khởi đầu sự nghiệp văn chương của tôi và dánh dấu những mối tình bị mắc cạn. Và hôm nay tôi ngạc nhiên thấy mình cảm động khi nghe lại những câu thơ buồn, do chính mình viết:

Biết gởi gì cho con sáng mai

Khi Vũng Tàu xa hơn ta nghĩ

Khi Sài Gòn khó khăn hơn những điều ta nghĩ

(Sau lưng đời thường lấp lánh hào quang)

......................

Gởi về con trái tim của ba

Trong mỗi ngăn của từng tâm thất.

Ðầy ấp đồ chơi.

Con sẽ mang theo những ngày đầu năm học.

Lớp chồi hay lớp lá?

Bài thơ tôi làm trong bối cảnh Việt Nam những năm 1990. Vì chỉ trong thời đại Sài Gòn sau 1975 mới có đanh từ “lớp chồi”, “lớp lá”. Khi tôi buồn gia đình lưu vong ở đường phố Sài Gòn, tôi viết bên một quán cà phê bên hông Nhà Hát Lớn. (Sau này về thăm lại quận Cam, California tôi mới biết bài thơ do Bích Huyền đọc. Chị Bích Huyến đang là người chủ trương đài tiếp vận VOA).

Chắc chắn những ai đã từng sống trong chế độ lầm than của thời đại Hồ Chí Minh sẽ biết được nỗi đau của người cha khi không mua được món đồ chơi cho con ngày sinh nhật hay ngày tựu trường. Hãy cúi xuống với hạnh phúc nhỏ nhoi vì ngoài kia bất hạnh quá to tát. Trên những mái ngói rêu phong, hoa phượng không còn đỏ nữa. Vì người ta không cho phép một màu đỏ nào khác vượt lên trên màu cờ của Ðảng. Cho nên trường lớp bây giờ thiếu cái hồn nhiên của ngày tựu trường và cái rưng rưng của ngày chia tay. Họ không cần những mái đầu cúi xuống miệt mài cùng sách vở. Họ chỉ cần “những bàn tay sần sùi vì lao động đã thành chai”. Sự vinh quang của Tổ Quốc không phải khởi đi từ những bàn tay biết cầm viết, mà biết cầm búa, liềm và mã tấu. Lê Duẫn, Ðỗ Mười có ngày nào đi học mà vẫn lãnh đạo được cả nước? Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trổi suốt thời thơ ấu không hề nhìn thấy sách đọc vần mà vẫn ngạo nghễ có mặt trên một vài đường phố Sài Gòn? Vũng Tàu? Trong khi những đứa con của “ngụy quân, ngụy quyền” còn phải lăn xả vào đời sống nhiêu khê để tìm chút quà cáp phụ với mẹ đi thăm nuôi cha ở Hoàng Liên Sơn. Ở Suối Máu. Nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ chỉ có trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư và tồn tại trong tâm hồn của đám “tiểu tư sản”. Trong khi chuyện học hành đối với những “đỉnh cao trí tuệ” không phải là chuyện lớn...

”Em học trò sao hôm nay em không đi học.

Sao bỏ lớp ra chơi dưới gầm cầu?

Sao đôi mắt xanh trong dòng nước chảy

Tưởng là giọt lệ dành cho ngày lớn khôn?”

(thơ Cao Huy Khanh)

No comments:

Post a Comment