Saturday, May 26, 2012

HAI CHUYẾN TÀU ĐÊM


phạm ngũ yên



1.

Mùa xuân vừa qua tôi không kịp đi xuống phố với con tôi để nhìn lại cây anh đào. Mỗi năm tôi đều hứa với nó, nhưng mỗi năm đều thất hẹn. Ðúng ra nó cũng không tha thiết để đi với tôi, vì bây giờ nó có nhiều niềm vui mới. Tuổi thơ nó không bị ràng buộc bởi kỹ niệm và quá khứ giống như ba nó. Cũng không mặc cảm về những mất mát hay thất bại giống như khi tôi còn trẻ.

Hai mươi tuổi, con tôi vừa đi xuống cuộc đời.

Mới ngày nào nó còn dựa vào tôi khi đi vào siêu thị, hay khép nép bên tôi khi đến trường. Mới ngày nào nó còn chưa biết phải làm sao để thu xếp gọn gàng một chỗ nằm trong phòng riêng hay phân vân chưa biết phải dùng món ăn như thế nào khi vào trong tiệm ăn. Như một con nai hiền đứng ngơ ngác bên xe cộ dòng đời. Và gió rợp từ những cành lá trên đầu làm nó sợ hãi.

Bây giờ nó trưởng thành không cần có tôi. Nhiều khi tôi cảm thấy mất nó như chưa từng có nó bên cạnh.

Khi tôi định cư tại Hoa Kỳ, nó vừa lên năm tuổi. Mẹ nó sợ nó không kham nổi những bài học trong lớp mẫu giáo. Còn tôi sợ nó bị con nít Mỹ ăn hiếp. Vậy mà nó vượt qua được một cách lạ lùng. Ðôi khi với sự giúp đỡ tận tận tình của hai cô giáo Việt Nam- cô Chất và cô Bích Chi- đôi khi do chính bản thân nó. Nhưng thường là do nó nhiều hơn vì tôi không có nhiều thì giờ để chăm sóc việc học hành. Tôi và mẹ nó phải lăn xả vào đời sống mỗi ngày để tồn tại nếu không muốn hoàn cảnh kinh tế bị bế tắt.

Tháng giêng vừa qua, là sinh nhật thứ hai mươi của nó. Tôi lùng kiếm trong Mall mua cho nó một máy nghe nhạc bỏ túi, có khả năng download chừng 500 bài hát. Tôi muốn nó giữ bên cạnh những tiếng hát một thời của ba nó. Như giữ chặt quá khứ, một góc đời. Một lúc nào không còn có tôi đi bên cạnh, nó sẽ nghe lại. Bất kỳ ở chỗ nào, trong thời gian nào, nếu nó còn muốn nghĩ về tôi, nó sẽ nghe được những âm vọng từ một trái tim. Có thể có một vài bài nó không cảm thấy hay, hoặc nghe được mà không thấy hay lắm. Nhưng chắc nó phải hiểu, hoặc ít ra nó cũng cảm nhận được rằng đã có một thời ba nó đã từng đam mê và say đắm như thế nào.

Tôi không hi vọng con tôi sẽ yêu được một tiếng hát như tôi đã từng yêu một tàn phai. Thế hệ của nó không có những mối tình mà hai người yêu nhau nhưng không nhìn thấy nhau ròng rã nhiều chục năm. Không có những nỗi khao khát về nhau khi chiều lên vội vã. Nhiều khi, nó nói tôi sao khô khan quá. “sao ba không giống con?”. Nó mong đợi nơi tôi một lời nói dịu dàng.

Làm sao tôi giải thích cho nó hiểu rằng bên ngoài sự lạnh lùng kia là ẩn dấu bên trong những ấm áp, cháy bỏng của một trái tim tưởng chừng không có tuổi. Vì ngày xưa tôi đã từng như vậy.

2.

Khi tôi giả từ trường lớp để đi xuống cuộc đời, hành trang không có gì nhiều ngoài một kiến thức vụn vặt từ những năm miệt mài sách vở. Những bài học không thể nhập tâm vì đứa con trai sớm biết ủ tương tư và biết buồn vì một màu lá.

Ðã một thời chúng tôi rủ nhau trốn học để ngồi trong quán cà phê. Trời mưa bên ngoài mặt biển lặng yên, nhưng tâm hồn bọn con trai vừa nhức nhối những tiếng sóng. Cô bạn gái chung trường, ngồi coi quán trong ngày thứ bảy, chủ nhật đang chống cằm nhìn đám con trai làm ra vẽ “cụ non” cố đè nén những phá phách. Mái tóc nàng rũ xuống che hai bên má. Ðôi khi nàng ngậm vài sợi tóc trong miệng như hờn dỗi, trong khi làn môi mang cong vút gió mùa. Vài đĩa nhạc được nàng cho vào trong máy, để giữ thời gian dừng lại. Để chờ những cơn mưa tàn lạnh ngoài hiên.

Thời đó bọn con trai chúng tôi tập tành uống cà phê cho ít đường (để làm ra vẽ cay đắng, khổ đau). Tập hút thuốc và hơ cho vàng mấy đầu ngón tay (để nghe vàng phai lướt thướt). Trong khi những đứa con gái lớn lên và mộng. Nàng là một cô chủ quán cũng không ra ngoài điều đó. Mỗi ngày, ngồi sau quầy tính tiền, nàng ban phát đồng đều tình cảm cho mỗi chúng tôi- những gả con trai “ngồi đồng” trong quán- như một người mẹ chia đều những miếng bánh cho bầy trẻ háu ăn. Và lạ lùng làm sao, chúng tôi cảm thấy an lòng để không bận tâm về ngày mai ra sao, một khi không có nàng ngồi trước mặt. Chúng tôi cũng không mượng tượng ra một lúc nào đó, người con gái không phải là một đóa hoa được cắm lặng yên trong bình sứ, mà nàng sẽ đi về nơi khác, như một con sáo bay ra khỏi lồng. Để lại ưu tư muộn phiền trên vai những gả con trai tập làm người lớn.

Riêng tôi, có lẽ tôi sẽ đau khổ nhiều hơn những đứa khác. Phải vậy không? Tôi sẽ như thế nào một khi không còn thấy ánh mắt và nụ cười kia? Sự đau khổ mà ngày đó tôi cường điệu nghĩ rằng khi không còn nhìn thấy nhau, người ta sẽ không thể sống được. Những cơn mưa sẽ bay dài qua phố làm ướt át trái tim và làm thẩm thấu nỗi buồn.

Mùa xuân đó nàng đi lấy chồng thật. Sự đau khổ chỉ dấy lên một lúc rồi chìm lắng nơi những đứa con trai khờ khạo. Chúng lại tiếp tục tìm kiếm một chỗ ngồi khác và một hính ảnh yêu kiều khác. Còn tôi, chắc không dễ dàng.

Có lẽ phãi còn lâu lắm tôi mới quên được nàng. Tình yêu điên khùng (mà sau này tôi mới nhìn ra) đã suýt giết chết sự mơ mộng mới vừa nẫy mầm. Ðâu đó phố núi châm đèn xua đuổi một ngày vui. Tiếng chuông nhà thờ Lớn vang lên từng hồi như truy điệu một cuộc tình phờ phạc. Ngôi trường có lớp học của tôi, cùng bàn ghế bảng đen vừa lùi lại sau lưng. Gió từ biển thổi về cơ hồ làm se sắt mủi lòng. Có những mùi hương bay qua từ một đài hoa khuất lánh trong vườn, nhưng có khả năng ngào ngạt lâu dài. Tôi trở lại ngồi nơi quán cũ. Trong góc xưa vẫn thường ngồi. Bây giờ cà phê có thêm một chút đường vì cay đắng nhiều quá làm xót xa. Nơi chỗ nàng ngồi, sau quầy tiền là một người đàn ông. Có lẽ mọi người đàn ông trên cõi đời này đều chỉ biết chú trọng tiền bạc và đại diện cho sự keo kiệt, nếu họ luôn luôn ngồi đàng sau những chiếc bàn thu ngân. Mỗi ngày sau khi đêm tàn, họ bình thản xếp từng tờ giấy bạc nhăn nhúm lại cho thẳng thóm, và sẽ không biết đến một hạnh phúc nào khác, ngoại trừ hạnh phúc nghe những tiếng xao động của giấy bạc trên những đầu ngón tay.

Từ những ngày sầu khổ dịu dàng đó, tôi nhập tâm được những bài hát của Trúc Phương. Ðó là hạnh phúc của tôi. Nó bất chợt như tình yêu đã rời xa tôi, bất chợt.

Trúc Phương hình như đặt nhạc chỉ để cho Thanh Thúy hát. Trong đêm tối, giữa bốn vách phên quạnh quẽ một hồn đau, lời ca Thanh Thúy có khả năng cứu rỗi và vực dậy những bóng đời sóng sượt. Vì tiếng hát của nàng bay lên như khói. Lạnh như sông và chảy tràn như sông. Ngày đó, những năm sáu mươi, mà Trúc Phương đã viết được những lời nhạc thần sầu như thế này:

Khi chân đến quê em

Nắng ban mai hôn nhẹ lên khóm hoa tươi

Thoáng thấy em cười vì mùa thương vừa chấp nối

Vẫn biết phút bên nhau sẽ khơi buồn một ngày về…

Và cùng một tàu ấy anh về

Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm

Ðêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn

Tàu về đường cũ tiếng hai đêm vẫn còn chờ

Gặp lại người xưa…

(Hai Chuyến Tàu Ðêm)

Lời nhạc mượt mà và trữ tình của ông, đã đi theo tôi nhiều năm sau này. Nếu phải tôn vinh một nỗi đau khôn lớn thì tại sao chúng ta không tôn vinh những gì làm nên cuộc đời trần tục kia. Vì nó sẽ không xóa được niềm đau mà còn làm sưng tấy mọi vết thương lòng? Những đôi tình nhân làm sao để ủ trên môi miệng nhau một chút hơi lửa, một khi gió rét luôn rình rập bên ngoài? Có những kẻ yêu nhau đi trên dòng đời nhưng chợt lạc mất nhau, sẽ hãi hùng làm sao?

(Nhưng tìm đâu tiếng đêm qua cho lòng ấm

Đêm nay cô đơn nghe gió lạnh rót vào hồn…)



Một lần về phép. Trong căn gác trọ đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ, tôi nghe lại bài nhạc xưa. Không phải âm vọng từ một đĩa hát hay một đài phát thanh. Mà âm vọng từ một người nữ bên cạnh. Nàng gối đầu trên cánh tay tôi, lọn tóc vươn dài chắc cũng đen hơn cuộc đời hai chúng tôi cộng lại. Nàng hát trong tàn đêm với giọng ca khàn đục, rã rời. Không liêu trai như Thanh Thúy nhưng tôi thấy lạnh mõi một bờ vai:

Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ tràn

Chuyện đời sầu đắng vấn vương đôi má dịu hiền

Áo em màu tím

Ðậm đà vì là buổi ban đầu ta gần nhau

Nói nhau nghe câu chuyện cũ

Tâm tư cho vơi bao nỗi buồn bước vào đời

Giờ gặp lại nét thắm môi em

Tiếng hẹn hò tìm lại ngày mơ…



Ðêm qua lâu và môi miệng chúng tôi cũng rời xa nhau. Nhưng trái tim tôi và nàng gắn chặt nỗi thổn thức run rẩy. Ðừng đến vội vàng nhé, mùa đông! Vì sẽ không thể nào chúng tôi không thể chia tay, sớm mai. Nàng với một gia đình còn lại phải cưu mang trong khi tôi chưa muốn dừng lại đường bay của một mũi tên giang hồ. Không chắc tôi sẽ trở về lại cùng nàng một lần nửa. Không phải bởi ngăn cách hay tình yêu tàn lụi, mà bởi vì người này quá mờ nhạt trong người kia.

Bài hát cũ như màu lá vàng trên đất. Sài Gòn ngậm mùa xuân trong ngực tàn phai những tiếng cười. Tôi trở về Ðà Lạt sau mấy ngay phép. Bốn tiếng đồng hồ ngối bó gối trên chuyến xe đò Minh Trung, qua những rừng cao su, qua những sườn đồi đất đỏ. Tưởng tượng về nàng. Tôi đã vô tình xen giữa đời nàng và làm nàng đau khổ. Mới hôm qua chúng tôi còn chia xẻ với nhau một khoảng trời đã vỡ. Những vì sao lung linh nhìn xuống sao giống như ánh mắt em cười. Dù kiêu kỳ nhưng chứa chan lời trìu mến. Giọt mô hôi lạnh chợt rớt xuống gối chăn, rớt xuống những tan hoang làm thức giấc đêm dài. Và tình yêu cũng ngỡ ngàng không kém.

3.

Mùa xuân đến rồi mùa xuân đi. Ðến không chào và đi không từ giả. Nhưng điều đó không làm cho buổi sáng hôm nay mất đi vẽ lảng mạng khi tôi từ quán cà phê trở về. Cơn mưa hồi đêm làm ướt đẩm mặt đường dẫn vào công viên đang được trồng trọt lại. Trên lối đi dành cho người đi bộ, ai đó đã treo những chùm bong bóng đủ màu. Gió mùa thổi lạnh hai vai trở trăn một ngày giông bão?

Khi tôi còn trong lính, những năm 1966, 1967, những bài hát của Trúc Phương thường được nghe trong những quán cà phê quen. Bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được những tình tự nóng hổi như ngày mới lớn, từ những ca khúc của ông.

Theo Hoài Nam, người phụ trách chương trình 70 Tình Ca Việt Nam trên đài SBC, Úc Châu, thì Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lập, sinh năm 1939 (?) tại xã Mỹ Hòa, quận Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Bình, Việt Nam.

Ông từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Boléro, vì đa số nhạc khúc của ông được làm trong thể điệu này. Bản Tàu Đêm Năm Cũ được giới thưởng ngoạn xưng tụng là bài Boléro hay nhất, ăn khách nhất trong những bản nhạc trữ tình ngày đó. Hai sáng tác đầu tay được viết năm 1958 là “Chiều Cuối Tuần” và “Nửa Đêm Ngoài Phố” của ông lập tức được nổi tiếng và được đón nhận như một hiện tượng thời đó.

Cuộc đời của ông buồn nhiều hơn vui. Vì ông là một nhạc sĩ được coi là thành công trong sự nghiệp sáng tác nhưng không thành công về tài chánh. Gần hơn 30 ca khúc viết trong lúc sinh thời, người nghe đều cảm nhận được sự day dứt và tan vở từ một tình yêu không tròn trịa. Những lo lắng và hân hoan trộn lẫn vào nhau để làm nên những tình khúc để đời. Vi  đó là những tình khúc viết cho con người, chứ không phải viết cho một chế độ nào hết.

Sau 1975 ông bị kẹt lại và sống trong túng thiếu. Năm 1979 ông vượt biên không thành công. Bị tù và sống tiếp những ngày nghèo khổ. Ông sống lang thang ban ngày và ban đêm ngủ trong những quán gió bên đường hay những góc tối rã rời. Xa cảng miền Tây, từng là “hộ khẩu thường trú” của ông trong suốt một thời gian dài. Trong một cuộc phỏng vấn (?) từ trung tâm Thúy Nga, ông cũng tiết lộ rằng ông… “chưa bao giờ bị đói, nhưng cũng chưa bao giờ được no”.

Người ta hát nhạc của Trúc Phương thường xuyên ngoài đời, tại hải ngoại, nhưng không biết có ai nhớ tới một nhạc sĩ tài hoa sinh bất phùng thời? Người ta hưởng thụ no đầy và rời rộng những tình ca như hưởng thụ dễ dàng một hạnh phúc, nhưng mấy ai nhớ tới người làm ra những tình ca lộng lẫy đó từng sống trong nghèo túng và cô độc? Cái thuở mà tình yêu đã thăng hoa, đã nhức nhối trong lòng của bạn và tôi, thì người nghệ sĩ đã không cần thiết một lời vinh danh. Vì những nốt nhạc viết xuống mỗi ngày, trên những trang lòng đau khổ, như nhịp đập thỏa hiệp và thủy chung với đời.

Trúc Phương nằm xuống và chia tay với thế giới trần tục trong một buổi sáng năm 1996, tại xa cảng miền Tây. Gia tài, để lại không có gì khác ngoài chiếc chiếu dưới lưng và đôi dép buồn bên cạnh. Buồn như những bản tình ca ngày còn sống…












No comments:

Post a Comment