Tuesday, May 1, 2012

vô thường và sự chết

phạm ngũ yên





1.

Tiếng chim kêu từng hồi trong vườn tôi, sáng nay, khi tôi vừa thức giấc. Những con chim cu đất có giọng ràn rụa một lời nắng. Chúng không phát tán cho đời niềm vui hay nỗi buồn, nhưng lòng tôi vẫn trĩu nặng một quá khứ.

Khi tôi định cư tại Hoa Kỳ, năm 1991, bãi cỏ xanh màu ngọc bích vì tháng ba vẫn còn những cơn gió mùa lạnh quá. Nhưng trái tim ngày đó vẫn còn ấm áp một tình người.

Những ngày chưa có việc làm, tôi đi xuống bậc thang dẫn từ phòng trọ xuống khu chung cư mang tên một Thánh Nữ (Santa Maria), để băng qua con đường Lamar. Từ đó, tôi đi vào khu chợ Việt Nam- Chợ Liên Hương- Tôi không tìm mua những thức ăn hay đồ dùng cần thiết, vì việc đó đã có vợ tôi lo liệu. Vả lại nhu cầu vật chất dành cho một gia đình mới vừa định cư sẽ không có là bao. Tôi tìm đến một nơi khuất lánh, riêng biệt với những ngăn kệ bày biện hàng hóa đủ loại. Nơi đây nhỏ hẹp và rất khiêm tốn gần như ít ai ghé đến. Nó không mang hơi hám hay dính líu đến vật chất, nhưng đối với tôi là một vị trí đầy hấp dẫn và quyến rũ. Đó là ngăn kệ nhỏ, đựng sách báo. Những tờ tạp chí cũ không còn giá trị thời gian xuất xứ từ các tòa soạn mang địa chĩ California (như Hồn Việt, Văn, Nghệ Tiền Phong). Một vài tờ ở Canada (Làng Văn, Đất Mới). Tất cả đều bị cắt một phần trang bìa trước, vì không bán được, chuẫn bị gởi trả lại cho nơi phát hành. Một vài tape Video, tape nhạc cũ trước 1975...

Tôi chọn một vài tờ trong những số báo đó và ra quầy tính tiền. Bà chủ chợ Liên Hương lấy giá rẻ, gần như nửa bán nửa cho. Tôi cám ơn bà và mừng rỡ bước ra ngoài...

Chợ Liên Hương sau đó vài năm bị phá sản, thay thế bằng chợ Sài Gòn, vẫn còn đó quầy tạp chí khiêm tốn, nhưng tôi không còn háo hức để ghé lại. (thời gian sau này, tôi thường xuyên viết cho vài tờ báo hải ngoại và được các vị chủ nhiệm gởi báo biếu hàng tháng). Tôi không biết rõ lắm nguyên nhân làm cho chợ bị ế ẫm đến nỗi chủ nhân của nó phải sang lại cho người khác. Nhưng với tôi, hình ảnh bà chủ tiệm Liên Hương vẫn sâu đậm trong lòng tôi. Từ các số báo bị cắt xén hạn hẹp kia, tâm hồn tôi đã mở ra một hướng đời mênh mông. Những cánh cửa nhìn ra khu vườn mượt mà tiếng gió. Những ngọn lửa lòng âm ỉ tro than cũng từ đó thắp lên...

Tôi viết xuống những bài tạp ghi mang một chút nắng mưa sàng sẫy và một chút lòng khao khát hạnh phúc bên bàn viết nơi căn phòng chung cư. Chiếc bàn viết mênh mông nhìn xuống con đường 183 còn đang mở rộng, những nhịp cầu vòng vo chưa thành hình. Những đời xe nối đuôi nhau để đi về hai hướng. Vài cụm hoa Bluebonnets xanh tím đang chìm trong nắng mai, nơi trạm xe buýt. Những con chim bồ câu mập mạp còn chao đão, chưa tìm ra những bóng mát. Tất cả, như một nhánh sông tuyệt vời chảy qua những khát khao định mệnh.

Giữa năm 1991, tôi viết “Hành Trang Vào Đời”, gởi đăng trên nguyệt san Đoàn Kết của ông chủ nhiệm Trần Đổ Cẩm. Bài tạp văn như một dò dẫm và gây được một chút thiện cảm từ phía người đọc địa phương. Hai vợ chồng vị chủ báo tốt bụng mời tôi đi ăn sáng ở một tiệm phở đường Lamar (phở 75). Một lần khác, cũng từ tiệm ăn đó, là vợ chồng nhà văn Tam Thanh. Tác giả Tam Thanh vừa là nhà văn viết rất sung mản, vừa là một bác sĩ có phòng mạch đông khách trong khu North Austin. Ông di tản sang Hoa Kỳ cùng gia đình năm 1975. Bây giờ ông đã về hưu.



Mười chín năm trôi qua. Sự tươi mới của thời định cư không còn. Và những búp non đã không buồn hái. Khi tôi đi qua một con đường mà không còn nhớ rõ tên, những đóa tường vi nở rộ bên lối đi dành cho người đi bộ, cùng những cây phượng màu tím đang cúi xuống những cành thủy chung, nhưng trái tim tôi gần như đã nguội lạnh ít nhiều.

Đã tàn rồi, phía hai bờ sông biển. Những buồn vui cũng vì đó phôi pha. Người đàn ông già cảm giác được sự tử sinh và vô thường cộm lên như những sợi tóc bạc hai bên thái dương. Mới đó mà gần 20 năm. Một cột mốc ghi dấu một phần ba đời người.

Buổi sáng nay, khi tiếng chim kêu hối hả một thời thanh xuân tôi nhận thêm rằng giữa dòng chảy thời gian vội vàng, người ta sẽ chỉ còn lại một chút tình yêu, một chút lý tưởng, nếu có, để làm gia vị cho đời. Ngoài ra không còn gì khác.

2.

Năm 1992, cuốn phim Ghost được phát hành rộng rãi trên thị trường. Và rất thành công, được dàn dựng bởi Zery Zucker từ kịch bản của Bruce Joel Rubin. Phim được Viện Hàn Lâm chỉ định cho nhiều giải thưởng, trong đó có giải Hình Ảnh đẹp nhất, Dàn Dựng Phim hay nhất, Diễn viên phụ hay nhất...

Phim nói về một tình yêu thủy chung của một chàng trai tên Sam Wheat đối với một bạn gái tên Molly Jensen. Một đêm sau khi từ rạp hát trở về, Sam bị một kẻ cướp hạ sát. Kẻ cướp tên Willy Lopez (Rick Aviles) do đồng sự của Sam là Carl Bruner (Tony Goldwyn) thuê hắn vì muốn chiếm đoạt tài sản trong trương mục của chàng. Sau khi tử nạn, linh hồn Sam không chịu về ngay cỏi âm mà lang thang nấn ná ở đường phố dương trần. Chàng nhớ Molly vô cùng và hình dung mọi bất trắc có thể xãy đến cho nàng, nên lúc nào hồn của Sam cứ quấn quít bên Molly, lúc nàng thức giấc cũng như lúc nàng ngủ. Trong tính cách một hồn ma, Sam rất đau khỗ vì có những lúc gần gũi kề cạnh Molly, nghe được hơi thở và nhịp tim buồn rầu thổn thức của người yêu nhưng không hề nắm được tay nhau. Giữa hai người là hai thế giới tương phản, đúng với câu gần nhau gang tấc mà cách xa ngàn trùng. Cũng trong lúc này, chàng nhìn ra dã tâm của Carl cùng nguyên nhân làm cho chàng bị chết oan ức. Đồng thời Carl cũng đang tìm cách ve vản Molly để khai thác bí mật trong máy computer của chàng. Điều làm chàng băn khoăn nhất là không biết làm sao chận đứng hay nói cho nàng biết những mưu đồ bất chính của hắn. Cho đến một hôm trong một chuyến Metro chàng gặp một Chúa Ma dạy chàng năng lực có thể trực tiếp di chuyển đồ vật và có thể chi phối hành động của người sống. Sau đó, với năng lực phi thường cùng với tình yêu không bút mực nào tả nỗi, Sam lần lượt đưa những kẻ đã ám hại chàng vào đường cùng. Những kẻ ác phải đền tội... Cuối cùng, khi đã an tâm biết không còn nguy hiểm nào bủa vây người yêu của mình thì linh hồn Sam mới chịu chấp nhận rời xa Molly để về nơi chốn của những người chết. Những tương giao ngậm ngùi giữa Sam và Molly, làm cho chúng ta đau lòng, chẳng hạn như: “It's amazing Molly. The love inside, you take it with you. See ya.” Và tiếng “Bye” ở phần cuối đoạn phim làm cho người xem cảm xúc hồi lâu. Phim có những cảnh vui nhộn xen kẻ những nỗi buồn man mác. Cùng từ phim này, Whoopi Goldberg, một thiếu nữ da màu sinh ở New York, đã được giải diễn viên phụ xuất sắc nhất trong vai một bà bóng lên đồng.

Hai vai chánh do Patrick Swayze và Demi Moore đóng.

Cuốn phim được quay năm 1990. Lúc đó Patrick Swayze còn thanh xuân và Demi Moore vẫn còn chanh cốm. Demi Moore chưa bốc lửa như trong các phim sau này.



Swayze được sinh ra vào ngày 18 tháng tám 1952 tại Houston, tiểu bang Texas, là con trai của một gia đình khiêu vũ và hướng dẫn khiêu vũ. Dù cái họ Swayze có nguồn gốc từ vùng Norman của Pháp, nhưng chủ yếu anh vẫn thích được xem là người Ái Nhỉ Lan.

Cho đến khi độ tuổi 20, Swayze đã sống trong các khu phố của rừng Sồi Houston, (Oaks Houston) nơi anh tham dự các lớp học của trường Lima Catholic, sau đó là trường Middle School và Trường Trung Học Waltrip. Trong thời gian này, anh cũng theo đuổi nhiều môn dành cho nghệ thuật và kỹ năng thể lực, chẳng hạn như Trượt băng, Ballet cổ điển, và thường xuyên sinh hoạt trong nhà trường. Anh cũng đã theo học các môn học thể dục ở trường Cao đẳng San Jacinto gần đó trong vòng hai năm.
Năm 1972, anh chuyển đến thành phố New York để hoàn thành chính thức khóa đào tạo khiêu vũ tại Harkness Ballet và Joffrey Ballet School.

Với phong cách diển xuất, sự đẹp trai và thân hình lý tưởng, Patrick Swayze trở thành một trong những diễn viên bạc triệu của cuối thập niên 80, giống như Brad Pitt và Tom Crusie. Năm 1991, anh được tạp chí People đề nghị nằm trong danh sách “Người Đàn Ông Quyến Rũ Nhất”. Ngoài vai trò đáng ghi nhớ trong Ghost, tôi còn biết anh qua bộ phim ăn khách khác như “Nasty Dancing” trong vai Johnny Castle cùng với nữ diễn viên Jennifer Grey, phát hành năm 1987.

Biết bao khán giả ngưỡng mộ anh và nhìn về tương lai anh như nhìn một ngôi sao chói sáng. Swayze đã diễn xuất khoảng 35 cuốn phim trong gần 30 năm, kể từ năm 1979. Cuốn cuối cùng là bộ phim truyền hình A&E nhiều tập “The Beats” mà Swayze trong vai Charles Barker, một cảnh sát viên. Phim vừa mới quay phần đầu ngày 15 tháng giêng năm 2009 thì vừa bị hũy bỏ, mới đây.

Lý do Patrick Swayze bị ung thư.

Mùa hè vừa rôi, trong tuần lễ thứ nhì của tháng 6, các đài truyền hình địa phương phát đi phát lại suốt ngày về cuộc đời của Patrick Swayze. Từ những năm tháng niên thiếu, cho đến khi đi học, lập gia đình, và đóng phim. Năm 2008 anh vẫn còn đi đây đi đó để trả lời cho những cuộc phỏng vấn và bàn tay còn đưa ra để vói đụng đến những người mộ điệu. Bây giờ người đàn ông trung niên đẹp trai và hào hoa 57 tuổi đó vừa trãi qua 4 lần Ung Thu Lá Lách (Pancreatic Cancer). Những danh vọng lùi dần vào quá khứ giống như ngày xưa “Bóng Ma” lùi dần vào hậu cảnh của phim. Điều đó khiến tôi bùi ngùi. Vua Salomon của dân tộc Do Thái, đã chẳng từng nói trong sách Châm Ngôn, Cựu Ước, là: “Hư Không của sự Hư Không. Tất cả đều Hư Không”?

Những trẻ trung, cuồng nhiệt không còn quấn quít theo anh. Những dịp may cũng rời xa anh.

Bây giờ số phận đè trên vai anh như những vết roi đời nghiệt ngã...

3.

Thành phố tôi đang ở không có nhiều mùa đông. Cũng thưa thớt ngọn heo may thổi về làm khô những lá sồi vùng Alaska. Tháng sáu cháy bỏng mặt đường trở trăn khi mỗi vòng bánh xe vụt qua. Không khí rưng rưng như một tình yêu vừa bốc hơi.

Tháng sáu cũng bận rộn với những ngày lễ.

Một vài nơi, trong các thành phố có đông người Việt tị nạn, người ta rầm rộ tổ chức ngày Quân Lực. Trước đó 2 ngày là Ngày Tang Yên Bái. Và ngày Lễ Từ Phụ cũng theo sau đó 2 ngày.

Có những điều chúng ta không làm sao hiểu nỗi, là sau bao nhiêu máu xương của tiền nhân đổ xuống trên đất đai ruộng đồng Việt Nam, nhưng mầm hạt Tư Do vẫn chưa thấy mọc lên. Những tâm cơ, những bút mực từng vỡ òa, từng viết xuống, nhưng vẫn không làm suy suyển một chế độ. Chúng ta tưởng rằng một biến cố xãy ra, dù nhỏ nhoi và đơn điệu, cũng là dịp tiện để bùng nổ và phát sinh thêm một Thiên An Môn thứ hai, một Tây Tạng thứ hai.

Đó là câu hỏi và câu trả lời sẽ không bao giờ đáp ứng được trong một bài học vừa phức tạp, vừa gai góc tình người.

Cộng sản nói rằng ở đâu có áp bức là nơi đó có đấu tranh. Trong khi Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn là những nơi có chính quyền chuyên áp bức vào bậc nhất thế giới nhưng sao không có đầu tranh? Còn những nước như Ba Lan, như Đông Đức, như Rumania, lịch sữ đã ghi nhận rằng dân chúng nước họ đã cùng nắm tay đạp trên những áp bức lầm than mà đi. Vì họ đã từng bị áp bức, bị lầm than. Trên những thành phố trứ danh mang tên Varsaw, Berlin, Bucharest... từng lả tả bụi tro của một thời quá khứ ô nhục. Những bụi tro bay lên sau những quyền lực man rợ bị thiêu hũy.

Riêng trên đất nước Việt Nam chưa có câu trả lời. Phải chăng cuộc đời không công bình này luôn có những ngoại lệ?

Khi tôi rời Việt Nam, tôi biết rằng đất nước của tôi dù không hạnh phúc như các nước khác tại vùng Đông Nam Á, nhưng dù sao vẫn còn là một đất nước liền lạc từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Những thềm lục địa và cửa biển đầy gió vẫn mơ màng nhìn ra những đời thuyền ra khơi, lúc trở về với cá tôm trong lòng. Bây giờ, những điều đó chắc không còn lại là bao. Hoàng Sa và Trường Sa đã không còn, mà cùng với Tây Sa để trở thành Tam Sa của Trung Quốc. Những ngư phủ VN từ nay sẽ không còn quyền đánh cá ngay trên hải phận của mình. Ải Nam Quan và thác Bản Giốc cũng biến khỏi địa đồ để trở thành một danh xưng lạ lùng phục vụ du lịch cho triều đình nhà Hán... Mới đây, Tây Nguyên đã trở nên vùng khai thác độc quyền về Bâu xít của quân đội Trung Quốc. Nhà cầm quyền Việt Nam không biết , hoặc biết mà làm thinh, khi để cho Trung Cộng chiếm Tây Nguyên bằng cách đồng hóa di dân để sau nhiều năm, những con cháu của Mao Trạch Đông, Hồ Cẩm Đào sẽ trở thành chủ nhân ông Tây Nguyên chiến lược. Vì ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ cả một vùng Đông Nam Á.



Tháng sáu vừa mở ra với những ngày Lễ, cũng vừa khép lại cánh cửa nơi sân trường. Tiếng ve kêu rộn ràng trên lòng lá khô dội xuống bờ cỏ mộng mị. Những chuyến buýt vàng không còn cơ hội làm nghẹt những giao lộ khi dừng lại để thả bầy trẻ nhỏ xuống đường. Cuộc đời không hẳn là màu xanh nên tôi vẫn cứ nghe trong lòng mọc lên nỗi nhớ. Sài Gòn của tôi xa gần 20 năm bây giờ có trẻ trung phố phường hay già nua thành quách? Lũ lượt mọi người vượt qua biển dâu, nhưng có kịp dừng lại để san sẽ một niềm đau riêng để làm đầy chung hạnh phúc?

Nhà văn Phan Nhật Nam có một lần nói trên tape Video Asia, trong chủ đề về lính. Ông có nhắc đến những người lính nằm xuống và chúng ta có bổn phận phải biết ơn họ. “Những người còn tồn tại như chúng ta hôm nay, đang sống bằng máu của những người đã chết”.

Chẳng những chúng ta đang sống bằng máu của người đã chết, trong đó có những đồng đội, những đồng tù. Mà chúng ta còn sống bằng những trinh tiết phụ nữ bị vùi vập trên biển đông.

Có bao nhiêu người đến nơi an toàn và có bao nhiêu người mất tích không tìm thấy xác? Bao nhiêu người tìm thấy tự do nhưng trả lại bằng một giá nhiều hơn cái giá của một đời người? Hình như không có một thống kê nào ghi đúng.

Xin hãy nhớ cho rằng, khi chúng ta rời khỏi VN, chúng ta không kinh nghiệm một sự thành công nào mà chỉ phó thác cho may rũi. May thì chúng ta nhờ. Rũi thì chúng ta chịu.

Dù tôi không ra khỏi nước bằng phương cách rũi may. Tôi không đặt mình vào trong hoàn cảnh vượt biên gian khổ nhưng tôi cảm giác được mọi mất mát nào cũng rất đau lòng. Trong đó có bạn bè của tôi. Nhưng trong một ý nghĩa nào đó, cảm giác về những người nằm xuống, về những nạn nhân xấu số rũi ro, chưa đủ nói lên lòng biết ơn. Mà chúng ta còn phải biết quay lưng lại với mọi phù hoa cám dỗ của cộng sản.

4.

Trên mỗi sầu đạo, người tị nạn buồn sẽ hồi tưỡng lại một giấc mơ. Có những giấc mơ cháy hết như vì sao bay qua những thiên hà, nhưng sự thật vẫn không hiện ra. Cảnh vật chung quanh tôi vẫn còn nguyên lãng mạn như ngày nào mới định cư, nhưng trái tim dường như đã khác. Giấc mơ áo cơm, nhà xe và những tiện nghi vật chất, thấp thoáng trên biển đời bao la. Nhưng giấc mơ một ngày về còn xa vời.

Nơi chỗ ngồi của quán cà phê quen, nhìn qua bên kia đường là cây hồng đào. Mùa hạ chói lòa những vạt nắng, nhưng cây vẫn ra hoa. Trong khi, trên cao, bầu trời xanh thẵm màu nỗi nhớ.

Màu hoa làm tôi liên tưởng đến màu son trên môi người tình mới hôm nào còn rớt ngang vai áo. Người đàn bà đi qua những thu phai, những đông tàn. Nhưng người đàn bà sẽ luôn mê đắm và xúc động vì nhớ nụ hôn lần thứ nhứt. Tôi vừa biết có người đàn bà như vậy, sáng nay, cùng với tiếng chim rớt sau vườn. Đôi má mùa hạ của nàng chín hồng và bờ vai thơm mùi mật.

Con gái tôi không còn thơ ngây để đi theo tôi trên những chuyến xe đường dài. Nó đang có niềm vui riêng và thản nhiên nhìn sự già nua của ba nó. Chủ nhật này nó mua tặng tôi một chiếc cà vạt để kỹ niệm ngày Father’s Day. Không biết nó tìm mua ở đâu, nhưng chắc không phải tại Austin. Chiếc cà vạt màu xanh da trời in hình bản đồ Việt Nam và hình như có một khung thuyền mờ nhạt. Tôi nghĩ đến lời nhạc Châu Đình An:

“Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bên bờ nước non mình... muối mặn”...

Tôi nói cám ơn nó và định bụng sẽ mang chiếc cà vạt này khi ra tòa. Ngày nó ký nhận dùm tôi giấy gọi của tòa án, nó ngạc nhiên hỏi: “Ba làm gì mà để người ta thưa ba vậy?”

Tôi không thể giải thích cho nó hiểu vì sẽ không bao giờ nó hiểu được. Ngày nó rời VN nó vừa bốn tuổi rưỡi. Tôi cõng nó trên lưng đi qua những lối sâu dẫn vào lòng máy bay. Qua những hành lang phi trường và những nhà kiếng bao la. Đôi khi tôi phải ngừng lại và cúi xuống để nhặt lên chiếc giầy nó mang trong chân bị rớt. Đôi giầy Adidas tôi mua cho nó ở chợ Huỳnh Thúc Kháng đều đặn bằng nhau, nhưng vì chân của nó không bằng nhau- một chân lớn một chân nhỏ.

Tôi không thể nói cho nó hiểu rằng thế hệ của nó và của tôi là hai thế hệ không cùng một tiếng nói, nên cũng không có một hồi âm.

Những gì tôi có thể tạm giải thích cho nó hiểu là sự khập khiểng của đời sống. Giống như sự khập khiểng hôn nhân của tôi và mẹ nó. Một ngày nào trưởng thành, nó sẽ nhìn lại câu chuyện đời của nó, khi không còn có tôi. Nó sẽ biết rằng khi người ta mang trên vai những gánh nặng, người ta sẽ mệt mõi và làm rơi rớt đâu đó -mà không biết- những kỹ vật thân thiết từng gắn bó trong đời.

Nhớ về những giọt máu của người chết đổ ra để chúng ta sống còn là một trong những kỹ vật thân thiết... Đó cũng là hồn thiêng của sông núi...

Tháng sáu. 2009

No comments:

Post a Comment