Tuesday, May 1, 2012

bài thơ đôi dép

 



phạm ngũ yên 

 







(Tặng Quan Dương và Thu Ba.
Tặng Nhật Nguyễn và Hữu Việt)


1.
Cuối tháng năm tôi trở về Dallas tham dự ngày đồng hương Quảng Đà. Những đứa con của đất đai Quảng Nam- Đà Nẳng từ bốn phương tám hướng đã quy tụ về đó như những lá non xanh mọc trên cành hạnh ngộ. Từ buổi trưa thứ bảy ngày 24 tháng 5, năm 2003, những bước chân già nua đã giẫm lên bậc thềm tầng một của khách sạn Westin vùng Dallas, trong khi trái tim đập những nhịp hụt hơi vì mừng rỡ. Người ta sẽ nghe tại đó những tiếng nói với những âm vọng tượng trưng một thổ ngơi gần nhau mà xa nhau nghìn trùng. Như một chút sông Hương chảy qua vại cầu 12 nhịp. Như một chút nắng chia đều trên Đại Lãnh. Một chút mưa trên Sông Vệ, Sông Cồn ...
Một ngàn sợi tóc bay bay
Để đời một nửa có hay không đời...


Họ gặp nhau để nói với nhau nghe chuyện trên trời dưới đất, từ những ngày còn thơ. Từ những ngày tình yêu chưa biết lời hò hẹn:
“Mai về nếu có qua cầu
Xin chẳng vì sầu mà nói chuyện xa nhau...”
Tôi gặp lại những bạn văn cũ. Trần Trung Đạo, Phan Xuân Sinh đến từ Boston, Triều Hoa Đại từ Florida, Hoàng Lộc từ Tennessee. Nguyễn Nam An từ San Jose. Có Lê Quỳnh Mai từ Canada về. Nàng lúc nào cũng rực rỡ đi xuống cầu thang như đi xuống mộng đời.
Tôi gặp những người bạn văn mới, Vương Như Nguyện của Mùi Hương Quế, Nhật Ngân, Đỗ Kim Bảng của những tình khúc trước ngày mất nước. Của Trần Quảng Nam và Mười Năm Tình Cũ. Của vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức và Bé Ký. Của Khánh Trường chưa bình phục sức khỏe, vừa từ giã xe lăn. Của Vũ Hối và những thư họa bên ngoài.
Tôi gặp những bài ca mưa ướt lòng thiếu nữ và gặp những giọng thơ trang trải mọi bến đời. Những hơi ấm. Những bếp lửa. Của Vĩnh Tuấn, Yên Sơn... Ở đó tôi cũng gặp Thạnh, Ngọc Anh. Những người con gái vừa qua những sầu mộng, nhưng muốn làm cho người khác sầu mộng.
Tôi cũng gặp những khuôn mặt của bạn bè một thời đi qua trường Nữ và tương tư một tiếng cười tươi mướt môi đời. Đêm mênh mông những cánh gió bên ngoài góc sân nhà anh Nguyễn Xuân Phước, một luật sư trẻ tại Dallas, rất nghèo của cải nhưng rời rộng tấm lòng. Anh và vợ anh đãi chúng tôi những tô phở nửa đêm trong khi trời khởi sự một mùa bão. Chúng tôi ngồi nghe lại giọng hát của Trần Trung Đạo, bài “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” giữa ánh sáng chập chờn của ngọn nến được thắp lên vội vã. Đêm chợt tối bưng vì nhà đèn mất điện, gơi nhớ thê thiết ngày tháng Sài Gòn mấy chục mùa hoa. Mọi hang cùng ngõ hẻm đều có hoa cứt lợn và cỏ đuôi chó, nhưng không có hoa mặt trời.
Tôi nghĩ về những dòng sông con chảy ra biển lớn. Những tấm lòng bùn đất phù sa bốc hơi thành những giọt mưa đêm này. Cho một cuộc khởi hành về quê cũ Quảng Nam, nơi đất đai địa linh nhân kiệt. Nơi mà những văn chương và ngòi bút mọc lên nhiều hơn ngọn lúa. Nơi có những sợi mì Quảng vàng nghệ tươm mỡ và những gùi tré thơm tho đất đai Đà Nẵng, Bồng Sơn. Nơi mà có một người nào đó đã thốt lên:
“Khi tôi ở, đất chỉ là đất
Khi tôi đi, đất bỗng có linh hồn...”
Cũng từ nơi đây tôi gặp lại Thu Thuyền. Cô con gái cưng của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn.
Nàng vẫn nhỏ nhoi và mảnh dẽ như một cây sậy. Nhưng là cây sậy không thể bẻ gẫy.
Cũng từ nơi đây, tôi gặp lại những người bạn xa xôi từ mọi miền khác nhau của Hiệp Chũng Quốc Hoa Kỳ. Cách đây nhiều năm, tôi cũng gặp lại họ đông vui như vầy tại Boston. Đêm ra mắt tập thơ “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” của nhà thơ Phan Xuân Sinh. Có lẽ đông hơn và là một đêm Ra Mắt Thơ thành công nhất trong lịch sữ thi ca hải ngoại.
Lúc đó có thêm Trịnh Thu Thủy, Nguyễn Khánh Hòa, Dư Mỹ, Lâm Chương, Đức Phổ, Quan Dương, Nguyễn Trọng Khôi, có vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng về từ San Jose. Có Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Vy Khanh, vợ chồng Nguyễn Kim Long Phụng, thuê xe về từ Canada, Bắc Mỹ. Có một nhân vật nổi cộm vì tài làm thơ thất tình và cái dáng điệu ủ rũ của anh- Nhà thơ Hoàng Lộc. Có lúc, người ta gọi anh là nhà thơ cột đèn. Vì một lần anh đứng dưới cột đèn trước nhà của Lâm Chương, say đắm nhìn theo Lê Quỳnh Mai vừa lên xe ra phi trường. (Lên xe tiễn em đi Chưa bao giờ buồn thế... -thơ Cung Trầm Tưởng). Một người cũng “oằn oại thư sinh” không kém là Lê Mai Lĩnh. Anh nổi tiếng vừa ốm yếu ho hen, nhưng những bài tùy bút đầy chất lữa và ngòi viết mang nghìn cân sức nặng.


2.
Một người đi có nghĩa là chấp nhận ra khỏi đời nhau. Không có ai ràng buộc hay quẩn quanh như sương mù. Góc phố hôm nào xào xạc từng bước chân, bây giờ chỉ còn nỗi nhớ ướt nhòa vì những dòng mưa lai láng.
Hôm qua người đưa thư ghé qua thùng thư và ném vào đó một lời gởi gắm của ai kia. Lời gởi gắm viết nắn nót bằng viết nguyên tử, để trong phong bì, dán tem cẩn thận. Nàng sợ thư bị thất lạc nên dán đến 2 con tem 37 xu. “Nếu biết trước chẳng thể là của nhau, thì những lời viết ra cũng thành vô ích“. Lời văn bí hiểm giống như một trang bí kíp võ công.
Tôi nghe trong lòng nhói lên nỗi buồn. Điều em nói đúng. Đã không ràng buộc được đời nhau thì ngôn từ trở thành vô nghĩa. Tôi từng đã vụng về để nói lên lời lẽ từ một trái tim mù lòa, về một khát khao hạnh phúc. Trên những vệt môi son và trên ánh mắt nhìn, em đã cong vút đời tôi. Em đã đóng đinh hồn tôi trên thập giá sầu khổ:
“Tôi đổi hai mai lấy một chiều
Để tìm trong đó ít lời yêu
Ban ngày sáng quá ban đêm tối
Tôi sợ không mơ tưởng được nhiều“...
(Xuân Tâm).
Lẽ nào em chẳng nhận ra tình yêu của tôi dành cho em dù đang khập khiễng. Giữa trái tim già nua những nhịp đập rất thật và những lo lắng rất đời. Lẽ nào em chẳng nghe trong sự khô khốc của đêm tiếng nứt của một chồi nụ và một bình minh sẽ lấn át đêm tàn?


3.
Khi tôi về thăm New Orleans, vùng đất của Hữu Việt và Nhật Nguyễn, của Quan Dương và Thu Ba. Lúc đó New Orleans chưa có sự viếng thăm của nàng Katrina. Lúc đó khu Phố Pháp bên kia sông Missisippi và phố Algiers bên này còn trù phú và dòng người chảy suốt đêm. Những bảng hiệu rực rỡ bằng đèn trên đường Bourbon. New Orlean với những lễ hội Mardi Grass hàng năm và những hàng cây xanh tươi vùng Uptown. Với những câu lạc bộ tràn lan nhạc Jazz và khách khứa tràn ra ngoài đường. Thành phố được xếp hàng là một trong 10 thành phố có những lễ hội quan trọng của nước Mỹ. Thành phố đó còn có những sòng bài thâu đêm suốt sáng và những khách sạn thừa mứa tiện nghi. Ở dưới phố, cũng có khu Du Pont và những quán cà phê có ghế mọc lấn ra vỉa hè, giống như một vài thành phố Âu Châu. Nơi đó, người ta vừa uống cà phê vừa ngắm những kiều nữ, tóc vàng mắt xanh và áo quần thiếu trước hụt sau. Nơi đó xin bạn đừng quên cho tiền “buộc boa” trước khi đứng dậy ra về. Vì đó là thành phố của Pháp, phong tục và cách sống của Pháp. Mùi vị cà phê sẽ tồn đọng trên vai áo, theo ra đến tận chỗ ngồi.
Tôi đi qua con đường 10 và qua hồ Pontchartrain, để về vùng Slidell. Những vì sao nhỏ lệ trên đầu. Xe đưa chúng tôi chạy ngược về hướng phố. Con đường mịt mùng một chút sương và một chút hơi ẩm của gió sông thổi về. Những ngôi nhà cao tầng lùi lại sau lưng. Từ đó, đời sống New Orleans đang cuồn cuộn những dòng chảy tội lỗi. Từ đó, đêm chính thức hiện hình để thịt da xuống đường và bia bọt xối xả trên môi miệng của khách vảng lai. Những nụ hôn cũng vừa kịp trổ hoa trên những đầu lưỡi mê muội. New Orlean có những bóng tối che khuất chân dung các Bố Già. Có phi trường và bến cảng đầy những nghi hoặc mà Trường Sơn Lê Xuân Nhị lấy làm bối cảnh cho các truyện dài nhiều tập. (Xếp Alcapone, Phát Súng Ân Tình). Có những bãi sình đen quánh làm nơi ẩn náu của những con cá sấu có tuổi thọ già hơn con người. Một người trên xe nói rằng thỉnh thoảng chạy xe về ban đêm, cán nhầm một con cá sấu thơ thẩn trên bờ, đuôi của nó đập vào thành xe như tiếng xe va vào đá.
Người ta nói tình yêu không có tuổi. Và tình yêu không biến động thì tình yêu tự nó sẽ chết. Điều này sẽ không đúng nếu chúng ta ngồi uống cà phê trong ngôi nhà hai tầng của vợ chồng Hữu Việt- Nhật Nguyễn. Trong căn nhà đường Slidell, tôi vừa biết thêm rằng hạnh phúc sẽ tùy thuộc ở mỗi người và mỗi cảm nhận.
Đôi vợ chồng hiếu khách và mê chuộng âm nhạc đã từ lâu không tham dự vào sinh hoạt cộng đồng New Orleans. Gần giống như cuộc quy ẩn của Dương Qua và Tiểu Long Nữ. Nhưng nếu về thăm Lousiana mà không ghé thăm họ thì sẽ mất đi một phần thú vị.
Khi đêm rời rã theo tiếng gõ nhịp của quả lắc đồng hồ treo trên tường, cũng là lúc chúng tôi với đụng một hạnh phúc được pha chế từ những ly cà phê. Vì không phải từng giọt đen đậm kia gợi cho tôi nhớ riêng tư về một vùng trời Đà Lạt, nhưng quả thật căn phòng có một dáng vẻ của một quán cà phê đường Phan Đình Phùng.
Căn phòng có ngọn đèn chụp tỏa ánh sáng xuống chiếc bàn ăn sáu chỗ ngồi. Hữu Việt đệm đàn cho vợ hát. Hành động quen thuộc thường xuyên từ mấy chục năm. Từ những ngày tháng còn thơ của hai người tại Bảo Lộc. Đến những năm tháng phiêu bạt trên xứ người. Hữu Việt luôn ôm đàn và cúi xuống những ngón tay run trì miết phím đàn (ngày xưa, có lần em buông tiếng hát, còn anh tay phím nắn nót cung đàn .../ giọng ca dỉ vảng). Dáng điệu chân thành và tương kính.
Người đàn bà có thời tôn sùng những đóa Dã quỳ mọc hai bên đường ra bờ hồ và thích cung cách trình bày của Lê Uyên và Phương. Người đàn bà có lúc được những văn nghệsĩ đương thời đánh giá là một trong những người phụ nữ viết văn có nhan sắc và có trình độ ở hải ngoại. Đêm nay, nàng vỗ về đời chúng tôi bằng những lời hát ướt sũng sương mù và mưa bụi Bảo Lộc. Đó là thành phố thơ ấu của nàng. Và cũng là thành phố khôn lớn của tôi. Nghe nàng hát, tôi nghe nhói một nỗi buồn vì những âm vọng trùng điệp một thời lính tráng của tôi và một tình yêu qua mất rồi. Dưới những cây bơ vươn cành nhánh ngoài khu vườn đêm nghe gió rét đã quất xuống đời tôi hối hả. Khi vết thương ngoài cơ thể chưa hồi phục và vết thương lòng cũng chưa kịp hồi sinh. Tôi đã khóc vùi một tình yêu vuột ngoài tầm tay như một đứa bé khóc vì vừa mất một món quà vô giá.
Tôi nói với Nhật Nguyễn rằng mai mốt khi trở về Việt Nam, tôi sẽ trở về sống lại Bảo Lộc, hay Đà Lạt. Vì đó là hai thành phố liền đời xương thịt của tôi, là những tế bào không thể thiếu trong cơ thể ràn rụa vết tích thương tật. Nhưng bây giờ hãy nghe hết lời ca của nàng. Và uống hết những tiếng hát trong veo của nàng như uống một ngụm suối ngọt.
Còn Thu Ba thì nhìn đăm đăm vào những ngón tay của mình. Một nhan sắc dữ dội khởi nguồn từ những ly bia chăng? Qua vai Thu Ba, tôi thấy Quan Dương đang chú ý vào những trang sách. Dáng điệu anh như cố tránh né tham dự vào một đời sống mang một dấu vết trầy trụa của quá khứ. Để tìm kiếm một cõi thơ, dù thơ anh luôn mới mẻ chữ nghĩa và đôi khi có pha chút sỗ sàng.
Thu Ba ngâm bài thơ “Đôi dép”. Và bây giờ thì đến lượt Yên Sơn so dây đàn, trong lúc Hữu Việt chuẫn bị máy chụp hình. Thu Ba nói: “Tặng riêng PNY đó. Vì tôi nghĩ nó đúng với tâm trạng của anh”
Không ai biết rõ xuất xứ bài thơ “Đôi Dép” nhưng mọi người đều thấy Thu Ba diễn đạt quá hay. Dù Thu Ba ngoài đời hay Thu Ba lúc bước lên sân khấu làm M.C, đều là một Thu Ba kiều diễm và linh động. Thu Ba của một đêm hồng hào góc núi Bồng Sơn và mượt mà sông Côn, Sông Vệ. Bài thơ đó như thế này:
Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục, không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này, phụ thuộc ở chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên bườc đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia...


4.
Cái hạnh phúc trong ngôi nhà đó, khi tôi ghé lại cách đây hơn hai năm, lúc còn quán cà phê Cổ Tích ngoài vườn, không biết có còn không. Một lần Nhật Nguyễn yêu cầu chúng tôi ghi lại trên vách gỗ của Cà phê Cổ Tích bất cứ điều gì để làm kỷ niệm. Tôi ghi xuống hai câu thơ:
“Ta về từ cõi điêu linh
Mà bên em thấy an bình làm sao”.
Cái an bình đó, trong những ngày cuối tháng 9 đã không còn. Hay nếu có còn, ai biết đã hư hao nhiều hay ít. Tôi tưởng tôi không thể tìm ở đâu ra một tình yêu khởi đi bằng một buổi sáng cà phê và buổi tối cũng cà phê. Mỗi ngày uống cà phê với nhau và nhìn nhau say đắm. Hai vợ chồng luôn quý trọng nhau và chia xẻ với nhau những ngọt bùi hay những cơ hàn rách rưới. Dù bên ngoài có bão giông hay lũ lụt. Dù bên ngoài có nắng xuống thênh thang hay gió lộng muôn trùng.
Tôi yêu mùi vị hạnh phúc của đôi vợ chồng trong ngôi nhà đường Slidell. Đêm sẽ lạnh hơn nếu chúng ta không cầm trên tay ly cà phê Việt Nam. Chiếc filter lạnh căm nín thở. Những giọt đen như thân phận của chúng tôi, những đứa con lưu xứ cộng lại. Những đời hoa run run như môi người tình vừa qua những giờ thống khoái.
Bây giờ, cái tình yêu đôn hậu đó đang theo sông để trôi giạt đến một vùng thổ ngơi lạ lẫm.
Bây giờ những cây tắc đã không còn cho trái sau hiên nhà Nhật Nguyễn. Vì bùn đất vùi lấp.
Bây giờ, tiếng chim đã không còn thôi thúc ngoài cửa sổ căn nhà của Thu Ba. Vì không còn bóng râm nguyên vẹn nào cho chúng cư ngụ.
Những ngọn điện nghe nói vừa được tái lập và nước uống cũng vừa phục hồi, nhưng không phải để uống mà dùng vào việc vệ sinh và chữa cháy. Phương tiện đi lại phần đông bằng xuồng và đó đây còn thấy vài xác chết thối rữa của loài gia súc. Mặc dù Thị Trưởng Nagin đưa ra những thông tin sáng sủa về New Orleans, nhưng hình như chỉ có phân nữa dân số lạc quan. Chỉ có phân nửa dân số chịu trở về.
Cho nên, từ bài học nơi căn nhà của Nhật Nguyễn, tôi thấy tôi sẽ tập sống với những bất hạnh dễ dàng hơn. Bài học không phải dành riêng cho một ai mà nói chung cho MỹQuốc.
Khi mùa thu trở nên tươi mát nhiều vào tháng mười và con gái tôi bắt đầu trở lại khóa học thứ nhì tại trường, tôi sẽ thu xếp cho mình những ngăn đời đơn giản. Trong đó có những gai góc được thu dọn gọn ghẽ và quá khứ chỉ còn là một chút bụi bặm. Tình yêu cũng không đi ra ngoài nguyên tắc đó.
Từ nhiều tháng nay, tôi và nàng thường ra ngồi uống cà phê ở Starbucks. Chúng tôi chọn một cái bàn ngồi nhô ra lối đi vì từ đó chúng tôi có thể quan sát được nhiều thứ. Bên kia con đường 360 lúc nào cũng nhộn nhịp xe cộ và người đi mua sắm mỗi ngày. Con đường chạy dài vô tận qua những vùng đồi bạt ngàn, qua chiếc hồ Lake Austin thản nhiên ngước mặt nhìn trời. Vài con chim dạn dĩ đậu xuống cạnh bàn chúng tôi và dáo dác nhìn xuống ly cà phê. Chúng không biết rằng chúng đang hạnh phúc và con người trong thời đại suy sụp lòng tin vì kinh tế và thiên tai đang nhìn chúng mà ganh tị...

1 comment: