Tuesday, May 1, 2012


TẢN MẠN VỀ NGÀY 30.4.1975

TRANG Y HẠ


Thấm thoát thời gian đã đi qua một chặng đường dài - Ba mươi bảy năm!
Kể từ ngày “giải phóng 30.4.1975”. Nhớ lại những ngày tang thương đó!
Tôi còn công tác tiếp cư ở làng Đại học Thủ Đức. Làng đại học lúc bấy giờ chưa xây xong hoàn toàn. Chỉ có một số phân khoa hoàn thành. Dân tản cư từ vùng một, vùng hai và một số tỉnh lân cận chạy vào thành phố đều tập trung về đây. Người tản cư được tiếp tế thức ăn, chăn chiếu…và nghe ngóng tin tức người thân.
Hằng ngày mở đài BBC theo dõi tin chiến sự. Đài nầy loan tin quânmiền Bắc như có cánh. Thắng như chẻ tre - rượt đuổi quân dân miền Nam chạy không kịp xách giày dép! Chính đài nầy cũng góp thêm thành quả cho quân miền Bắc. Đến khi ông tổng thống Thiệu đọc “Sớ nhường ngôi” là coi như số phận miền Nam đã cáo chung!
Tôi cũng như bao người lính và dân miền Nam. Sau khi nghe “lệnh đầu hàng của tân tổng thống Dương văn Minh”. Nước mắt cứ trào ra tức tưởi! Ngước mắt lên trời - màu trời trong xanh lưa thưa một vài áng mây trắng bay ngang, không ai nói với ai lời nào, lặng lẽ ôm chút đồ đạt rời cái làng đại học chưa học một ngày nào để trở về thành phố,
hoặc tìm cách về quê. Tôi nghe người con gái nói với người thiếu phụ có lẽ là mẹ - Thật nhục nhã! -Thua thật là nhục nhã!
Từ làng đại học tôi cùng mọi người đi bộ về thành phố Sài Gòn. Đến Thủ Đức tôi gặp các lớp tân binh trong trường bộ binh Thủ Đức, bỏ trường túa ra rất đông. Trên người họ vẫn mặc đồng phục của quân trường. Những tân binh im lặng, lầm lì… cũng đi về hướng thành phố Sài gòn như chúng tôi. Từ nội thành sáng 30.4 dân chúng ào ạt dùng tất cả mọi phương tiện trở về quê; người đi ra quá đông còn người đi vô như chúng tôi thì quá ít. Đến đầu cầu Sai Gòn nơi Quân cảng Hải quân VNCH. Tôi thấy dân chúng phá cánh cửa kho dự trữ thực phẩm dưới chân cầu và nhào vô kiêng gạo, đồ hộp. Nhìn quang cảnh tranh giành hôi của trông mà phát khiếp. Họ dùng xe xich lô, ba gát chở “chiến lợi phẩm” ngược vào Hàng Xanh cọng với người và xe đi trở ra tạo nên cảnh kẹt xe không thể nào chen chân được. Không có Cảnh sát, người dân tự dàn xếp để đi.

Tôi cũng chen lấn để qua cho khỏi cầu Sai gon và đến được ngả tư Hàng Xanh. Tôi vào một quán nước ngồi kêu nước uống và nghỉ chân.
Ngồi nhìn quang cảnh dân chúng thi nhau đi phá kho gạo. Họ nườm nượp đi khuân chở gạo, có người còn trung chuyển để đi chở chuyến khác… mặc cho trời nắng như thiêu. Lúc nầy đối với họ nắng nôi đâu có gì là quan trọng đâu! Tôi kêu tính tiền, thì có một cặp có lẽ là vợ chồng - già - tóc hoa râm, mỗi người hai tay xách hai thùng tròn có quai khoảng một “galon” chạy lại nhờ tôi xem những cái lon nầy có phải thức ăn hay không? Trên lon ghi tiếng Anh. Tôi xem và nói: - “Đây là những thùng sơn ”. Họ không tin lời tôi nói, và cứ xách mấy thùng sơn chạy theo dòng người đông đúc.
Trên đường tiến quân vô Sai Gòn xe tăng quân miền Bắc phủ đầy cành cây rừng, trên pháo tháp, trên nòng pháo, trên nón và xung quanh lưng quần. Có người ở trần cũng quấn lá quanh người ngồi trên xe “molotova”. Dân chúng cầm cờ mặt trận “Giải Phóng Miền Nam” tung hô, đông nhất là thanh thiếu niên đeo băng đỏ ngồi trên những xe bộ đội vẫy cờ hoan hô…chiến thắng!
Thành phố không còn ai kiểm soát, ai cũng có quyền lấy đi bất cứ thứ gì miễn lấy được thì lấy. Họ vào trong những nhà hàng, khách sạn… như chỗ không người. Bởi giờ nầy đâu còn ai quản lý trông nom! Văn hóa phẩm như: Sách và những văn bản vứt ra trắng đường. Con đường Yên Đỗ nơi có thư viện Đắc Lộ, đội đeo băng đỏ đem hết sách ở đây ném ra ngoài vỉa hè từng đống. Những nhà sách khác cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Sách anh văn, sách giáo khoa, bói toán, kiếm hiệp, tiểu thuyết thơ, sách dịch, phim ảnh…đều vứt bỏ hết. Những tủ sách gia đình cũng
bỏ ra đường. Ai lưu giữ sợ bị qui tội truyền bá văn hóa đồi trụy “Mỹ Ngụy”. Tôi nhìn thấy bộ sách “Luật Hành Chánh”. Thèm lắm! Nhưng đành quay mặt bước đi. Bản thân giờ nầy không còn hướng để đi thì sách đâu có còn ý nghĩa gì đâu! Giao thông bát nháo ai muốn chạy đâu thì chạy không theo quy tắc gì hết.
Những “chú bộ đội” thì nắm tay nhau đi từng tóp năm ba người vì sợ thất lạc, có người mang giày cũng có người mang dép râu. Trầm trồ chỉ chỏ - chỉ nói chuyện với nhau và đi tìm mua đồng hồ đeo tay. Thời đó ở Sai Gòn, ngoài đồng hồ tự động của Nhật ra, thì đồng hồ Hồng kông cũng có giá trị. Nhưng có hàng nhái, cho nên mới có câu: “Hồng kông bên hông Chợ lớn” là vậy! Mấy chú bộ đội hầu hết bị phỉnh mua loại đồng hồ bên hông Chợ lớn nầy.
Những cô gái có móng tay dài đều phải cắt cụt (?) son phấn, nước hoa cũng bỏ (!) Đồ dùng bằng inox cũng ném xuống cống(?) Ai cũng chờ xem Cách mạng sẽ “đối đãi” như thế nào với người Sai gòn!

Một buổi chiều tháng năm tôi đi trên đường Petrus Ký đoạn gần đường Trần Hưng Đạo, thấy người ta xúm nhau xem truyền hình - có O du kích mặc áo bà ba dẫn đoàn xe tăng bộ đội vào giải phóng Sai Gòn. O du kích ngồi trên xe quấn khăn rằng mang súng AK trông rất oai phong.
Tôi chạy xe ra ngả tư Trung Chánh, Hóc Môn. Thấy người dân ở đây đi lượm những bộ quần áo và giày nón của Lính “Ngụy” đem giặc và đem phơi trên những hàng rào chung quanh vườn. Tôi hỏi không sợ Cách mạng bắt à? Một người phụ nữ trả lời rằng: -“Lượm giặc sạch để dành mặc đi lao động chứ - hơn nữa tôi cũng là người hoạt động Cách mạng, tôi sợ chi ai?”. Như vậy là… chỉ có chúng tôi sợ thôi!
Tôi đến ngả năm và Quân Y Viện Cộng Hòa, ở đây những người thương bệnh binh đang tìm đường về quê. Nhiều người không có ai đón hoặc ở xa đành phải ra - nằm ngồi ngoài đường xin ăn, xin tiền để tìm cách về nhà! Tôi thấy một người phụ nữ ẵm một người thương binh ra chiếc xe xích lô chẳng biết về đâu. Dân chúng Sai Gòn “háo hức” đổ xô đi dự lễ Lao Động một tháng năm và xem xe tăng của bộ đội.
Ngày nào ” Cách Mạng” cũng kêu gọi anh em “Nguy Quân, Ngụy Quyền” ra trình diện. Một tháng sau, tôi lại Ủy ban quân quản tại tỉnh Gia Định cũ trình diện. Ở đây cấp cho tôi mảnh giấy bằng bàn tay do ông Cao đăng Chiếm ký tên. Họ bảo tôi về nhà chờ giấy báo đi học tập.
Nhà tôi ở gần bến Hàm Tử gần cổng sau Chợ Quán, phía bờ sông. Người nhà bảo tôi đi khuân gạch từ dưới ghe bầu lên bờ kiếm thêm tiền. Một miếng ván bề ngang hai tất bắc từ thành ghe lên bờ, ôm gạch cao tới cổ họng đi không quen nên tôi bị trật chân rơi tỏm xuống sông liên tục!
Một hôm mẹ bảo tôi về Lk nhận đất để khỏi đi học tập. Tôi ra bến xe miền Đông ở Ngả Bảy xếp hàng chờ mua cho được cái vé đi Lk. Nhưng tìm hoài không thấy cái xe có số ghi trong vé . Tôi lơn tơn lại quầy vé nghía vô cái sổ phân tuyến xe. Ông già ngồi cạnh cái sổ đập bàn quát: -Anh biết tôi là ai không? Sổ nầy là sổ gì không?. Tôi trả lời rằng tôi không biết. Ông ta nói: -Tôi là cán bộ quản lý khu vực nầy, muốn gì thì phải hỏi tôi, không được dòm ngó lung tung... Nói xong ông kéo dưới bàn ra cái “băng đỏ” đeo vào tay áo. Thì ra, ông nầy cũng là… Cách mạng. Tôi tự nhắc nhở mình phải cẩn thận hơn!
Cách mạng có cấp cho tôi hai công tây đất rừng chồi. Mấy ngày sau tôi cũng phải đi ”học tập cải tạo” thì mất đất luôn! Về đây mới biết -thằng cháu kêu tôi bằng cậu họ. Tuy gọi bằng cậu, theo vai vế chứ hắn lớn hơn tôi hơn chục tuổi lận. Sao bỗng dưng nó làm Trưởng Ban văn hóa xã không biết nữa? Rồi làm Trưởng Ban Hợp tác xã nữa chứ?
Lạ nhỉ? Ngày trước bảy lăm nó có xe be khai thác gỗ ở trong rừng, mỗi lần tôi về thăm mẹ tôi và thường nhậu với nó, có khi xỉn ngủ tại nhà nó.
Sau nầy nó nói: -Tui đi xe be vô rừng khai thác gỗ mà không theo VC mới lạ! Tôi nói giỡn với nó: -Mầy tệ thiệt… phải chi hồi đó đợi lúc say sỉn mầy trói tao đem cho mấy ông cách mạng trong rừng thì bây giờ tao đâu phải đi cải tạo những bảy năm khổ sở đời trai như thế nầy!
Nó nói: -Thôi cậu ơi, tui mà trói Cậu thì Bà với các Dì bên nhà cạo đầu tui sao - ngu gì! Vợ chồng nó chết toi hết rồi, thời bao cấp nó làm Trưởng Hợp tác xã nên ăn nhiều quá - sình bụng sinh bịnh mà chết sớm! Nói thiệt! Chứ đâu có rủa sả gì nó, cháu tui mà! Cũng may hai đứa con của nó lập gia đình đi mỗi nơi, mỗi ngả! Nhưng vẫn là con nhà
gia đình cách mạng. Chuyện ngày 30.4. 1975 còn nhiều. Nhưng tạm dừng, mai kia một nọ kể tiếp vậy.
Người ta nói năm nay là “Nhâm Thìn” 2012 đẻ con trai rất tốt! “Nam nhâm, nữ quí ” mà! Nhưng theo tôi từ ngày “giải Phóng” đến nay đã là 37 năm. (3+7 =10). Ngày trước những người xem sấm Trang Trình thường nói: “Mười phần hết bảy còn ba, hết hai còn một mới ra thái bình”. Mấy chục năm nay ” hòa bình thống nhất” đã lâu! Nhưng xem ra chưa thống nhất lòng người. Ngồi nhớ lại những tháng ngày năm cũ nghĩ mà buồn! Không lẽ chờ con số  ”một ” mãi sao?
(Những ngày ở Saigon)

No comments:

Post a Comment