Monday, May 21, 2012


NHỮNG CA KHÚC VIẾT VỀ SÀI GÒN
DƯƠNG NGỌC LÃNG

Apr 14, 2007



Hồi còn bậc tiểu học, tôi vẫn còn nhớ thầy giáo có đọc bài viết chính tả ngắn tựa đề là Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông, đó là lần đầu tiên trong đời nghe tên thành phố này mặc dù không hiểu chữ Hòn Ngọc Viễn Đông là gì.
Thành phố Sài Gòn trong trí óc của cậu học trò bé nhỏ là nơi đúng nghĩa của chữ thành phố với nhà cửa to lớn, với đèn điện sáng choang, với xe cộ dập dìu, với những cửa hiệu đầy những hàng hóa sản xuất tại đây hoặc nhập cảng từ ngoại quốc. Sài Gòn có nhiều cái mới lạ, người đông đúc và đi hoài không hết.
Lớn lên vào học ở Sài Gòn, hiểu thêm một chút về thành phố được gọi thủ đô của miền Nam cho đến một ngày Sài Gòn đổi chủ, mất tên vào tháng tư năm 1975, rồi vượt biển qua bên này hải ngọai và một đôi lần về thăm lại Sài Gòn nhưng lại cũng không biết hết thành phố đông người nhất nước VN.
Đọc một bài báo của nhà thơ Chế Lan Viên vào thập niên 40 viết về Sài Gòn; ông có nhắc đến những bài ca vọng cổ văng vẳng khắp phố, nghe rất lạ đối với dân miền Trung như ông, và đó là nét đặc biệt nhất mà tác giả ghi nhận.
Có lẽ thời cách đây mấy chục năm và trước đó, đa số dân cư Sài Gòn nói giọng gần giống dân miền Tây Nam bộ. Có hai chữ của người con gái Sài Gòn nói làm tôi nhớ nhất là “chời ơi” (trời ơi) và “phải hôn” (phải không), nghe rất ngộ, dễ thương. Cái chữ “ hôn” lại càng hấp dẫn được thốt ra từ miệng người đẹp.
Khi nền tân nhạc du nhập và phát triển vào Việt Nam, sau thời kỳ phân chia đất nước năm 1954 thành hai miền Nam Bắc thì miền Nam tự do trở thành nơi đất lành chim đậu của bao nhân tài từ miền Bắc Cộng Sản di cư vào hay từ miền Trung, từ miền Tây Nam bộ đến. Với chế độ tự do thoải mái, tạo cho nhạc sĩ bao nguồn cảm hứng viết nhiều ca khúc về vùng đất Sài Gòn.

Đầu tiên phải nói tới bản Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi của nhạc sĩ Y Vân Trần Tấn Hậu, gọi tắt là Sài Gòn có câu kết: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”. Điệu Chacha nhún nhẩy, âm thể trưởng vui tươi, âm điệu dễ nghe dễ hát dễ nhớ làm trở thành bài hát biểu tượng của thành phố.
Kế đến bản Ghé Bến Sài Gòn của Văn Phụng cũng hấp dẫn với lời ca đậm nét hơn như gọi Sài Gòn là thủ đô yêu dấu nước Nam tự do, có chữ Cộng Hòa và chữ Hòn Ngọc Viễn Đông. Có điều ca khúc này có những nốt nhạc khó hát đối với người không giỏi nhạc cho nên sự phổ biến không bằng bài trước.
Một bản khác mà bên này hải ngọai không thấy thu thanh lại là bài Đường Về Sài Thành, ngày trước hay nghe trên đài phát thanh Sài Gòn, diễn tả tâm tình đầy hi vọng của người nghệ sĩ khi đến Sài Gòn lập nghiệp.
Nhạc sĩ Anh Bằng cũng có bài Sài Gòn Thứ Bảy diễn tả nỗi buồn của một người lính trẻ về thăm kinh đô nhưng sao “Sài Gòn thứ bảy mà nghe cô đơn”. Mặc dù có tựa đề Sài Gòn nhưng bài hát không đậm nét Sài Gòn.
Rất nhiều ca khúc tuy không có tựa đề Sài Gòn nhưng người nghe cảm thấy chất thành phố này bàng bạc trong đó. Chẳng hạn như bản Nhớ Thành Đô của Hoàng Thi Thơ: “Tôi xa đô thành một đêm không trăng sao. Thành đô còn nhớ mãi, nhớ mãi, chiều mưa trên công viên, giờ chia ly sân ga và khi gặp nhau trên lề đường hẹn hò”.
Một bản mà thập niên 60 rất phổ biến là Bước Chân Chiều Chủ Nhật của Đỗ Kim Bảng với câu hát: “tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật, mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn”. Riêng cái âm điệu của câu đầu: si đố si si sol mi sì sì để lại ấn tượng mà sau này bài hát Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn cũng có câu mở đầu giống 90% và lấy câu này làm nét nhạc chủ yếu của ca khúc.
Tại sao bước chân chiều chủ nhật lại được ưa thích? Chợt nghĩ là thời đó ở Việt Nam làm việc 6 ngày chỉ nghĩ ngày chủ nhật, có chỗ nghỉ chiều thứ bảy. Vì thế ngày chủ nhật bà con đi dạo phố Sài Gòn ăn kem, uống cà phê, mua sắm và ngắm phố phường. Không khí rất thanh bình, không có đông đúc chen chúc hỗn lọan, bụi đường khói xe dày đặc như thành phố bây giờ.
Sài Gòn cũng là nơi tập trung các đại học nổi tiếng của miền Nam từ xưa cho đến nay và bài hát Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy đã đưa những nét của khung trời đại học với trường Luật thơ mộng : “Trả lại em yêu khung trời đại học , con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.
Có một bản khá hùng tráng là Anh Về Thủ Đô của Y Vân viết về những người lính VNCH: “Anh về thủ đô chúng tôi chờ mong, với vạn niềm tin với muôn tình thương, điểm tô phố phường người trai áo xanh, phố hoa pha màu lá rừng”. Lời ca nên thơ, nét nhạc quyến rũ, trung tâm Asia có quay hình bài này với cảnh các cô sinh viên áo dài trắng chòang vòng hoa chiến thắng cho chiến sĩ, làm người xem cảm động nhớ lại một thời.
Nhưng cũng có những bài hát tả những cảnh phố phường Sài Gòn hoa lệ hay những xóm lao động nghèo khổ như bản Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, bản Kiếp Nghèo của Lam Phương sáng tác trong một đêm mưa bước về ngang con hẻm nhỏ nghe tiếng ru con. Hay bản Nữa Đêm Ngòai Phố của Trúc Phương, khi cất tiếng hát lên là biết tác giả tả cảnh lang thang ở Sài Gòn lúc về khuya. Sau này những người đi hát dạo, khảy cây đàn guitar thùng, ngân nga những bài hát điệu Bolero tương tự như bản Phố Đêm của Tâm Đăng, là cả một bầu trời Sài Gòn hiện ra.
Sài Gòn là chủ đề lớn, là nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều bài hát. Khi Sài Gòn đã bị đổi tên sau năm 1975, lại tạo nên một nguồn cảm hứng mới cho những bài hát sau này như Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc, coi như sáng tác đầu tiên của hải ngọai về địa danh này. Và cho đến hôm nay đã có rất nhiều ca khúc của Phạm Đình Chương như Cho Thành Phố Mất Tên, Lê Uyên Phương- Khi Xa Sài Gòn, Trầm Tử Thiêng- Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Nguyệt Ánh- Mưa Sài Gòn Nắng Cali- Nguyễn Đình Tòan- Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, Ngọc Trọng-Sài Gòn Niềm Nhớ, Sài Gòn Vĩnh Biệt Tình Ta, Sài Gòn Sáng Nắng Chiều Mưa…
Riêng Trần Chí Phúc thì có tới gần mười bản viết cho Sài Gòn như Sài Gòn Em Ở Đó, Sài Gòn Một Thóang 30 Năm….
Cái tên Sài Gòn, Hà Nội đã gắn liền với cái tên Việt Nam. Sài Gòn dù bây giờ đổi thành Thành Phố HCM, cái tên quá dài, có người gọi là Thành Hồ hay Hồ Thành cho gọn, nhưng cũng có người quen gọi tên cũ Sài Gòn.
Cái tên cũ Thăng Long của Hà Nội đã vào cổ tích qua thời gian phôi pha, cái tên Sài Gòn vẫn có hi vọng một ngày tương lai hồi sinh vì cái chữ TPHCM không thích hợp với truyền thống dân tộc, và vì cả dân chúng miền Nam không thích tên này vì nhiều lý do bất tiện.
Nhưng để Sài Gòn không bị quên lãng thì chỉ có nghệ thuật nhất là những bài hát viết cho Sài Gòn cần trở nên quen thuộc trong lòng mọi người.
Mùa ba mươi tháng tư năm 2007, một buổi ca nhạc tham dự miễn phí chủ đề Sài Gòn Thương Nhớ sẽ được tổ chức chiều chủ nhật 29-4-07 tại Tòa Thị Chính San Jose, trong tòa nhà Rotunda mái vòm tròn lịch sự để mời đồng hương nhớ lại một thời kỷ niệm qua những bài hát Sài Gòn và những tiếng hát nồng nàn của thung lũng hoa vàng.
Xin ghi lại một câu hát trong bản Sài Gòn Sáng Nắng Chiều Mưa, thơ Nguyễn Ban Sơ, phổ nhạc Nguyễn Gia Tâm, người nhạc sĩ vĩ cầm từng sinh họat ở San Jose nhiều năm bây giờ đang nằm nhà dưỡng lão Virginia: “Nắng vẫn thường về sáng và mưa hay rơi về chiều. Vẫn thế muôn đời ta nhớ nhau”.
Trời nắng Cali cũng nhớ, trời mưa Cali cũng nhớ về mối tình với người yêu đầu đời của môt thời sinh viên nơi thành phố có hàng cây lá me bay, có quán cóc cà phê, có những chiều hẹn hò đón đưa, thành phố đó là Sài Gòn.


No comments:

Post a Comment