Tuesday, May 1, 2012


NHƯ MỘT CƠN MƯA



Trương Vân Anh

(Bài viết của một học sinh học Việt ngữ lớp 9  tại Canada)






Hai câu thơ của Thi sĩ Tản Đà:

“Non cao đã biết hay chưa,

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.”

diễn tả chu trình của nước, chảy xuôi ra biển và luôn tìm đường để trở lại nguồn. Dù nhập vào biển lớn, dòng nước vẫn không quên rặng núi xa, nơi mà nước đã bắt đầu. Hình ảnh của nước là biểu tượng một con người mãi mãi không quên gốc gác của mình, luôn hướng về nơi đã nuôi mình khôn lớn. Phải trải qua nhiều năm, một phần lớn của cuộc đời, tôi mới thật sự hiểu ra biểu tượng này.

Tôi sinh ra ở một nước mang nhiều dấu tích tàn phá qua mấy mươi năm chiến tranh. Cái nghèo đói vây bọc, trùm lên quãng đời thơ ấu của tôi, vết khốn khổ hằn lên trên nét mặt của người dân tôi. Tôi lớn lên với hy vọng thoát khỏi vùng khốn khổ đó càng xa càng tốt. Mà lạ lùng thay, đến giây phút tôi phải rời xa vùng nghèo nàn đó, tôi lại nhận ra rằng lòng mình gắn bó với quê hương đến chừng nào. Tôi thấy mình thương mến mọi cái của vùng đất đó, dù bình dị hay lạ lùng, dù vui hay buồn. Tôi thương hàng cây, bầu trời, những cơn mưa và những ngày buồn trong thành phố, thương những căn nhà cũ kỹ trong xóm, cái nhộn nhịp của phiên chợ ban mai, cái nóng bức của mùa hè và nhất là những người quen biết trong đời tôi.

Trên chuyến xe lửa xuôi Nam lần cuối, quang cảnh hai bên đường gợi lại cho tôi những niềm thương nỗi nhớ mà tôi đã từng trải qua. Giờ tiễn đưa ở phi trường với đầy nước mắt, với hứa hẹn nhớ về Việt Nam và ngày trở lại.

Suốt bốn năm sống ở Canada là một chuỗi dài thử thách, vì suốt đời tôi chỉ nói tiếng Việt và quen thuộc với văn hóa Việt. Vừa khi tôi nghĩ rằng mình đã thích nghi được rất nhiều với đời sống này, thì có những khi Tết hay Trung Thu về, một cảm giác nhớ nhung mạnh mẽ lại chợt tới làm tôi bật khóc. Tôi biết rằng mình chỉ thay đổi một chút thôi dù bao năm trôi qua. Giờ đây tôi trưởng thành và nhận thức nhiều hơn. Quan niệm về đất mẹ không còn là mớ hình ảnh mơ hồ trong ký ức: những câu hát ru em ngọt ngào thời còn nhỏ,những truyện mà bà tôi thường hay kể, tiếng chuông chùa trong đêm, tiếng võng đưa kẽo kẹt, cảnh bụi tre lắc lư trong gió, để từ đó nhận biết rằng tôi là một phần của văn hóa Việt. Những giá trị truyền thống của văn hóa khắc sâu trong tôi. Trong cảnh xa quê ngàn dặm này, tôi lại khám phá được nhiều điều hơn về nơi mình sinh ra và về dân tộc của mình. Tôi cảm thấy niềm hãnh diện không tả được khi tìm biết về lịch sử bốn ngàn năm của quê hương, về những bậc anh hùng, những vị anh thư đã chiến thắng những đoàn giặc ngoại xâm đến từ phương Bắc, và lưu lại tên tuổi họ muôn đời trong sử Việt. Tôi yêu cái ấm áp, thi vị của văn chương Việt Nam, những câu văn thơ biểu lộ tinh thần dân Việt: tìm hy vọng và cảm hứng trong cảnh quật cường gian khổ, và hình ảnh cảm động của người phụ nữ Việt Nam: thương yêu hết lòng và vị tha vô cùng-một biểu hiện cho linh hồn đất nước.

Giống như dòng nước của Tản Đà, tôi đi ra biển, nhập vào đại dương xa lạ. Càng đi xa, tôi càng nhớ đến gốc rễ của mình hơn; nơi đó là một phần của chính tôi, thân thể tôi gắn liền với nó. Giờ xa nửa vòng trái đất, tôi thèm được trở lại nhìn Việt Nam ,để cảm nhận cái không khí và nhịp tim của đất nước. Tôi khao khát có khả năng làm nó trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai. Dù thế giới có đổi thay đến đâu, Việt Nam trong tôi vẫn đẹp lạ thường, đọng lại theo thời gian, lãng mạn không già. Tôi nhớ đến cái nhìn của những người họ hàng ngày tôi ra đi, có điều gì như muốn nói mà không nói được trong đáy mắt của họ. Có thể nào tôi quên được những chuyện buồn vui mà chúng tôi từng chia xẻ với nhau? Có thể nào ở một góc của trái đất này, nơi tôi ra đời, một ngày kia sẽ trở nên xa lạ với tôi? Câu trả lời là không, không bao giờ.

Tôi sẽ trở về …như một cơn mưa.

No comments:

Post a Comment