Tuesday, May 1, 2012


LAN MAN CHỮ NGHĨA

Thụyvi

(Michigan)






Mấy tuần lễ nay trong thân tộc có hai người vướng bịnh ung thư. Một người ở Việt Nam nghèo quá nên người viết phải phụ gánh gồng bớt những khoản nợ nần trị bịnh. Một người nằm ở Mỹ, tuy không phải lo chuyện tiền bạc, nhưng vô ra bịnh viện thăm nom thường xuyên. Trưa nay buồn tự nhiên lại nhớ đến cuốn “Niềm Vui Ung Thư” tò mò vô Google kiếm đọc. Kiếm hoài chỉ thấy quảng cáo tựa sách nên lại lẩn thẩn tự hỏi tác giả muốn nói gì? Ngay như mình bây giờ trong hoàn cảnh nuôi bịnh ung thư đã trăm phần mỏi mệt huống hồ người mang bịnh ung thư tức người đang đang đối mặt với ông thần chết đen thui hốc hác cầm lưỡi hái nhe răng thì có gì vui? Dĩ nhiên bị bịnh ung thư không ai có thể vui, hay tác giả muốn nói về một chuyện gì đó như một niềm vui nào đó không trọn vẹn? Không trọn vẹn nên ví von bị ung thư chứ gì? Nếu vậy sao không đặt “Niềm vui bị ung thư” có phải là dễ hiểu hơn không!

Lan man chuyện chữ và nghĩa khiến người viết nhớ đến bản “ Buồn ơi, chào mi” nếu không nghe điệp khúc “buồn ơi hãy đến với ta” thì chỉ với cái tựa, nhiều người sẽ hỏi thầm không biết ông Nguyễn Ánh 9 muốn nói bye-bye nỗi buồn hay welcome nó!
Như năm ngoái tại trung tâm văn hoá L’Espace, Hà Nội, một số thân hữu của cố thi sĩ Bùi Giáng ra mắt tuyển tập “Đười Ươi Chân Kinh” gồm những bài thơ bài viết được chắt lọc của ông. Thi sĩ Bùi Giáng là một văn thi sĩ, dịch giả xuất chúng nhưng lúc sống, nhất là lúc ông (giả) điên (giả) khùng  vì một lý do thầm kín nào đó thì ít ai đoái hoài, nhưng khi ông nằm xuống thì tự nhiên ông lại nổi tiếng. Từ đó trong nước, người ta thấy hình ảnh ông xuất hiện khắp nơi từ phòng tranh thêu, tranh vẽ, điêu khắc, và tên ông được nhắc đi nhắc lại trong những huyền thoại, giai thoại…hư hư thật thật trên báo chí sách vở.
Sở dĩ người ta đặt cuốn sách có tên kỳ khôi như vậy bởi ông từng có bút hiệu là “Đười Ươi Thi Sĩ” May, mấy bà già trầu mộ đạo không để ý, chứ không mấy bà nghe "Chân Kinh" mà còn có " Đười Ươi" thiệt phiền biết mấy.
Một trong những tựa sách khó hiểu đó, cuốn “Những Người Thích Dấu Huyền”. Phải đọc một truyện ngắn trong đó mới biết cố nhà văn Đặng Trần Huân muốn nói gì. Nhưng trong bài thơ Mùa Thu Paris của thi sĩ Cung Trầm Tưởng dù người viết đọc đi đọc lại, nghe đi nghe lại bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc… cũng không hiểu câu “ Yêu người độ lượng” của thi sĩ là “ yêu người có tính độ lượng” hay “ yêu thì phải độ lượng”?
Thôi hãy quên chữ với nghĩa. Mời đọc Mùa Thu Paris cho đỡ nhức đầu.


Mùa thu Paris
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt gía từ tâm
Mùa thu nơi đâu ?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu !... Trời ơi ! Tình thu !


(Hầm Nắng, 1/4/2012 )


No comments:

Post a Comment